Cơ hội đầu tư vào cơ sở hạ tầng xanh ở Việt Nam

  • Cập nhật: Thứ ba, 15/12/2020 | 8:44:43 AM

QLMT - Hiện nay, Việt Nam đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức do biến đổi khí hậu gây ra như mưa bão, lũ lụt, hạn hán, hoang mạc hóa, xâm nhập mặn,… gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống, kinh tế và xã hội. Một trong những giải pháp được coi là hiệu quả để ứng phó với biến đổi khí hậu chính là có được cơ sở hạ tầng xanh tương thích với biến đổi khí hậu nhằm đáp ứng được mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính theo Thỏa thuận Paris. Trong bài báo này, tác giả đưa ra các thuận lợi và cơ hội đầu tư, qua đó đề xuất một số giải pháp nhằm đẩy mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng xanh ở Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

Biến đổi khí hậu là một trong những vấn đề được toàn thế giới quan tâm hàng đầu hiện nay. Nó đã và đang tác động trực tiếp đến đời sống kinh tế, xã hội và môi trường toàn cầu. Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu (Việt Nam được xếp ở vị trí thứ 6 trên thế giới), trong đó đồng bằng sông Cửu Long là 1 trong 3 đồng bằng dễ bị tổn thương nhất do nước biển dâng. Đánh giá được tác động của biến đổi khí hậu, Chính phủ Việt Nam đã xây dựng và triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu. Các bộ, ngành và địa phương đã và đang xây dựng kế hoạch hành động để ứng phó với những tác động trước mắt và những tác động tiềm tàng lâu dài của biến đổi khí hậu.

Một trong những giải pháp được coi là hiệu quả để ứng phó với biến đổi khí hậu chính là có được cơ sở hạ tầng xanh (CSHTX) tương thích với biến đổi khí hậu nhằm đáp ứng được mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính theo Thỏa thuận Paris. Bài nghiên cứu này được thực hiện nhằm nhận định và đánh giá các cơ hội đầu tư vào CSHTX tại Việt Nam, từ đó nâng cao nhận thức về loại hình đầu tư xanh và đầu tư vào dự án, cũng như thúc đẩy phát hành trái phiếu xanh để trở thành một công cụ hút vốn cho CSHTX. 

2. Điều kiện thuận lợi cho đầu tư CSHTX tại Việt Nam

2.1. Nhu cầu đầu tư CSHTX tại Việt Nam

Việt Nam cần khoảng 31 tỷ USD năm 2020 để chuyển dịch sự phát triển phụ thuộc vào các-bon hiện tại sang con đường bền vững hơn và hướng tới các cam kết về đóng góp do Sáng kiến Đối tác Đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC). Năm 2017, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tính toán rằng, Việt Nam sẽ cần 21,13 tỷ USD tổng chi - từ tài trợ của Chính phủ và từ nước ngoài để đáp ứng các mục tiêu NDC về thích ứng và giảm thiểu. 

Theo Chiến lược tăng trưởng xanh đã được Chính phủ phê duyệt cho giai đoạn 2011 - 2020, thị trường vốn được coi là chìa khóa để đạt được các mục tiêu của đất nước. Đặc biệt, công cụ trái phiếu xanh đóng vai trò quan trọng trong việc huy động vốn, đặc biệt dành cho các dự án và tài sản xanh, bao gồm đầu tư xây dựng CSHTX cũng như khai thác đầu tư từ khu vực tư nhân để đảm bảo phát triển bền vững.

Việc cải thiện môi trường đầu tư chung cũng như thúc đẩy hoạt động tài chính xanh sẽ giúp tài trợ cho việc đầu tư các CSHT cần thiết để đáp ứng mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu. Nhu cầu đầu tư xanh trên phạm vi toàn cầu là rất lớn, vì vậy, Việt Nam có thể tận dụng nhu cầu này và thu hút vốn bằng cách phát triển và thúc đẩy hệ thống CSHTX.

2.2. Hệ thống CSHT và các chính sách đầu tư của Chính phủ

CSHT đóng vai trò trụ cột mang tốc độ tăng trưởng ấn tượng của Việt Nam trong hai thập kỷ qua. Theo Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2016 - 2017, Việt Nam đứng thứ 79 trên 138 quốc gia về chất lượng CSHT tổng thể. Trong khu vực, Việt Nam đang dẫn đầu về điện khí hóa - 99% dân số được sử dụng điện. Với tốc độ phát triển hạ tầng quốc gia hiện nay, Việt Nam vẫn đang đi đúng hướng trên con đường liên tục tăng trưởng.

Tuy nhiên sự phát triển kinh tế nhanh chóng cùng việc đẩy mạnh quá trình đô thị hóa đang ngày càng tạo ra nhiều áp lực đối với CSHT của Việt Nam. Với 50% dân số Việt Nam dự kiến sinh sống tại các thành phố vào năm 2040, mạng lưới vận tải và tiện ích hiện tại có thể trở nên quá tải. Ngoài ra, nhu cầu năng lượng hàng năm ước tính sẽ tăng khoảng 10% và khối lượng vận tải hàng hóa cũng đang gia tăng nhanh chóng. Với những áp lực gia tăng này và mối đe dọa từ biến đổi khí hậu, Việt Nam sẽ cần phải tăng cường số lượng, cũng như nâng cao chất lượng phát triển CSHT. 

Năm 2015, Nghị định số 15/2005/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức Đối tác Công tư (PPP) có hiệu lực, đưa ra hướng dẫn rõ ràng cho các dự án PPP, bao gồm: BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), BTO (xây dựng - chuyển giao - kinh doanh) và BT (xây dựng - chuyển giao) nhằm thúc đẩy đầu tư nước ngoài cho CSHT. Năm 2016, Chính phủ đã công bố danh sách các dự án chấp nhận vốn đầu tư tư nhân và nước ngoài với trọng tâm đặc biệt là các lĩnh vực vận tải và năng lượng. Mặc dù đã có chính sách đưa ra nhưng khung pháp lý và các quy định hiện hành vẫn khiến cho các nhà đầu tư cảm thấy phức tạp. Vì vậy, Chính phủ cần hành động nhiều hơn để đảm bảo môi trường đầu tư cởi mở và minh bạch, thu hút nhiều dự án trong tương lai.

2.3.  Chính sách của Chính phủ về biến đổi khí hậu

Việt Nam đã phê duyệt Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu vào tháng 11 năm 2016. Trong NDC, Việt Nam cam kết cắt giảm 8% lượng phát thải các-bon vào năm 2030 so với phương án phát triển thông thường, hoặc 25% với sự hỗ trợ của quốc tế. Trước khi phê duyệt thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu Chính phủ cũng mong muốn đạt được sự tăng trưởng ít các-bon. Điều này đã được thể hiện qua các chính sách quốc gia về biến đổi khí hậu đưa ra năm 2011 và 2012: trước tiên là Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu nêu rõ các mục tiêu về biến đổi khí hậu, sau đó Chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng xanh đã đặt ra các mục tiêu và biện pháp giảm thiểu biến đổi khí hậu.

Các cơ quan chức năng đang rà soát lại NDC để nâng cao mức giảm phát thải. Bản sửa đổi này được lập cùng lúc với việc xây dựng khung giám sát nhằm theo dõi tiến độ của kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris (PIPA) ở Việt Nam. Một quy định khác về chính sách biến đổi khí hậu hướng tới mục tiêu thúc đẩy mạnh mẽ hơn việc phát triển năng lượng tái tạo thông qua Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045 (Quy hoạch Phát triển điện lực VIII). 

2.4. Xu hướng phát triển tài chính xanh tại Việt Nam

Tài chính xanh đang phát triển tại Việt Nam, với động lực thúc đẩy hiệu quả hoạt động kinh tế tăng trưởng, bên cạnh đó là tiềm năng tăng trưởng liên tục có thể góp phần giúp Việt Nam đáp ứng các mục tiêu về biến đổi khí hậu. Tính đến nay, Việt Nam đã khai thác các công cụ nợ xanh - bao gồm cả trái phiếu xanh - cũng như các công cụ vốn chủ sở hữu, được hỗ trợ theo các cơ chế tăng cường tín dụng và các phương pháp chia sẻ rủi ro khác. Điều này bao gồm bảo lãnh tín dụng một phần cho các dự án xanh, khoản vay ưu đãi cho các dự án năng lượng mặt trời và các khoản tín dụng chia sẻ rủi ro cho các dự án hiệu quả năng lượng. Các sở giao dịch chứng khoán và ngân hàng nội địa cũng đã bắt đầu xuất hiện các công cụ "xanh hóa”.

Năm 2012, chính phủ Việt Nam đã phê duyệt mở rộng "Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh” thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050, với mục tiêu xây dựng nền kinh tế hiệu quả và bền vững, hỗ trợ thực hiện chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu. Năm 2020, Chính phủ và các Bộ liên quan có thể dựa vào tầm nhìn này thiết lập khung tài chính xanh và phát triển các công cụ tài chính xanh nhằm hỗ trợ tài chính cho các dự án xanh. 

3. Cơ hội đầu tư CSHTX

Dưới đây là cơ hội đầu tư hạ tầng xanh trên khắp Việt Nam trong 4 lĩnh vực chính: năng lượng tái tạo, vận tải các-bon thấp, quản lý nước bền vững và quản lý chất thải bền vững. Ngoài ra, còn một số dự án xanh thuộc lĩnh vực xây dựng, nông lâm nghiệp và du lịch xanh không được đưa vào nội dung đánh giá.

3.1. Năng lượng tái tạo

Tổng quan về ngành: Với tốc độ hiện đại hóa, nhu cầu năng lượng của Việt Nam tăng ở mức 9,1% hàng năm và dự đoán sẽ tăng thêm 8% mỗi năm từ 2021 - 2030. Để đáp ứng nhu cầu sử dụng, Việt Nam cần tăng công suất lắp đặt hàng năm lên 6.000 - 7.000 MW, điều này sẽ đòi hỏi gia tăng đáng kể tỷ lệ sản xuất năng lượng tái tạo.

Chính sách của Chính phủ: Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030, nhấn mạnh phát triển năng lượng tái tạo và tự do hóa thị trường điện. Chính phủ đặt mục tiêu tăng tỷ lệ sản xuất năng lượng tái tạo lên 7% vào năm 2020 và 10% năm 2030, đồng thời giảm sử dụng điện đốt than nhập khẩu để đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường.

Mục tiêu trong tương lai: Công nghệ sản xuất, truyền tải hoặc dự trữ năng lượng phát sinh lượng phát thải các-bon thấp hoặc không phát thải các-bon. Công nghệ này có thể bao gồm năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng sinh học, thủy điện, năng lượng địanhiệt, năng lượng biển hoặc bất kỳ nguồn năng lượng tái tạo nào khác.

Các lựa chọn tài trợ: Việt Nam cần đầu tư 23,7 tỷ USD để đạt được các mục tiêu đề ra trong Kế hoạch phát triển điện quốc gia giai đoạn 2011 - 2020. Tuy nhiên các nguồn lực trong nước không đủ đáp ứng nhu cầu này. Chính phủ đã mở cửa cho đầu tư tư nhân và kêu gọi đầu tư từ nước ngoài bằng cách tạo điều kiện cho công ty nước ngoài sở hữu 100% vốn trong các công ty năng lượng tại Việt Nam. Ngoài ra, đối với các dự án đầu tư vào hạng mục năng lượng tái tạo lớn có thể lựa chọn trái phiếu xanh để huy động vốn, bao gồm: trái phiếu dự án, trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu được bảo hiểm hoặc ABS. Các dự án nhỏ hơn có thể tiến hành phát hành chứng khoán hoặc các ngân hàng phát hành các khoản vay xanh và tái cấp vốn trong thị trường trái phiếu xanh.

Các dự án đang tiến hành tại Việt Nam:

- Trang trại điện gió Lai Hòa (Sóc Trăng, đồng bằng Sông Cửu Long, Việt Nam).

- Tổ hợp điện mặt trời Dầu Tiếng (Tây Ninh, Việt Nam).

- Nhà máy điện sinh khối Phú Yên (Phú Yên, Nam Trung Bộ, Việt Nam).

- Dự án mở rộng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình (Hòa Bình, Việt Nam).

3.2. Vận tải các-bon thấp

Tổng quan về ngành: Ngành Giao thông vận tải đang trở thành ngành phát thải nhiều khí nhà kính nhất Việt Nam (chiếm khoảng 18% lượng khí phát thải CO2 năm 2014), lượng khí phát thải có thể tăng tăng gấp 2 lần từ 0,343 tấn năm 2014 lên 0,621 năm 2025. Do đó, nếu muốn giảm lượng phát thải khí nhà kính cần tái cơ cấu ngành Giao thông vận tải, tiết kiệm năng lượng, khuyến khích di chuyển bằng phương tiện công cộng và phương tiện sử dụng năng lượng sạch.

Chính sách của Chính phủ: Giảm lượng phát thải khí nhà kính khoảng 25% vào năm 2030 và 45% vào năm 2050 theo Chiến lược Phát triển năng lượng tái tạo.      

Mục tiêu trong tương lai: Sử dụng các phương tiện vận tải và các thiết bị phụ trợ gần như không hoặc thải ra ít các-bon. Các phương thức này bao gồm hệ thống đường sắt vận chuyển khách, hàng hóa của quốc gia và đô thị; tuyến xe bus nhanh BRT; xe chạy điện và hệ thống đường dành riêng cho xe đạp.

Các lựa chọn tài trợ: Hầu hết kinh phí chi hệ thống giao thông được lấy từ ngân sách nhà nước, ODA, hình thức hợp tác PPP, hợp đồng BOT hoặc BT. Ngoài ra, còn có các cơ khấu tài trợ khuyến khích khu vực tư nhân tham gia tài trợ dài hạn dự án giao thông vận tải các-bon thấp, như: trái phiếu xanh, mua lại tài sản và chứng khoán hóa tài sản xanh.

Các dự án đang tiến hành tại Việt Nam:

- Tuyến đường sắt trên cao Hà Nội x 2 tuyến; Tuyến 2A: Cát Linh - Hà Đông và Tuyến 3: Nhổn - Ga Hà Nội (Hà Nội, miền Bắc, Việt Nam).

- Tuyến xe điện mặt đất số 1 - Sài Gòn - Chợ Lớn - Bến xe miền Tây (Thành phố Hồ Chí Minh, miền Nam, Việt Nam).

- Nâng cấp tuyến đường sắt nội thành Hà Nội - Hồ Chí Minh (từ Bắc Trung Bộ đến Nam Trung Bộ, Việt Nam).

- Sản xuất xe bus điện (Công ty ô tô Vinfast, Hải Phòng, miền Bắc, Việt Nam).

3.3. Quản lý nước bền vững

Tổng quan về ngành: CSHT nước không đầy đủ và lạc hậu của nước ta không đáp ứng được nhu cầu cho hoạt động dân sinh và công nghiệp. Trong năm 2015 chỉ có 10% hộ gia đình nông thôn và 61% hộ gia đình ở thành thị có nước sạch. Nguồn nước thải sinh hoạt và từ các khu công nghiệp hiện vẫn đang xả thẳng ra môi trường. Tình trạng ngập úng thường xuyên xảy ra tại các thành phố lớn do hệ thống CSHT kém chất lượng và tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh.

Chính sách của Chính phủ: Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2030, 100% dân số có nước uống an toàn. Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu do Chính phủ ban hành nhấn mạnh cải thiện an ninh nguồn nước, phải có CSHT nước và thủy lợi bền vững. Chính phủ cũng đạt mục tiêu xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải tại hầu hết các đô thị vào năm 2025.

Mục tiêu trong tương lai: Sử dụng các tài sản không làm tăng phát thải khí nhà kính hoặc hướng tới giảm phát thải trong thời gian hoạt động của tài sản, sử dụng tài sản thích nghi được và tăng khả năng phục hồi trước tác động của môi trường xung quanh bao gồm xây dựng CSHT nước thân thiện với môi trường.

Các lựa chọn tài trợ: Ngành vẫn chủ yếu nhận vốn đầu tư công. Có thể huy động thêm vốn từ phát hành trái phiếu xanh Chính phủ và địa phương để tài trợ cho các dự án CSHT nước do chính quyền địa phương quản lý.

Các dự án đang tiến hành tại Việt Nam:

- Nhà máy xử lý nước Sông Hậu 1 giai đoạn 1 (Hậu Giang, miền Nam, Việt Nam).

- Nhà máy xử lý nước Sông Đà giai đoạn 2 (Hà Nội, Hòa Bình, miền Bắc, Việt Nam).

3.4. Quản lý chất thải bền vững

Tổng quan về ngành: Việt Nam tạo ra hơn 28 triệu tấn chất thải mỗi năm. Điều này khiến lượng phát thải khí nhà kính từ chất thải tại Việt Nam sẽ đạt 206,6 triệu tấn CO2e vào năm 2020 và gấp gần 2 lần, tức 48 triệu tấn CO2e vào năm 2030. Phương pháp quản lý chất thải ở Việt Nam chủ yếu là đốt hoặc chôn lấp dẫn tới tác động xấu tới môi trường, sức khỏe và kinh tế. Việt Nam đứng thứ 17 thế giới về ô nhiễm rác thải nhựa đại dương và là 1 trong 5 quốc gia đứng đầu châu Á về xả rác thải nhựa nhiều nhất ra đại dương.

Chính sách của Chính phủ: Chính phủ ban hành Nghị định số 59/2007/NĐ-CP về quản lý chất thải rắn và Chiến lược quốc gia về quản lý chất thải rắn, trong đó nêu các nhiệm vụ và mục tiêu chính để giảm chất thải. Chính phủ cũng dự định hỗ trợ xây dựng các cơ sở tái chế bổ sung và tăng nhu cầu về vật liệu tái chế, đầu tư vào công nghệ quản lý chất thải tiên tiến, bao gồm công nghệ năng lượng từ rác thải (WtE).       

Mục tiêu trong tương lai: Sử dụng hiệu quả các nguồn lực nhằm cắt giảm sản xuất chất thải, kết hợp với hệ thống thu gom và xử lý để thúc đẩy tái sử dụng và tái chế, qua đó giảm thiểu chất thải còn lại được xử lý để thu hồi năng lượng từ các cơ sở xử lý chất thải.

Các lựa chọn tài trợ: Hầu hết các tài sản và dự án quản lý chất thải lớn ở Việt Nam đều được đầu tư bằng tài chính công. Ngoài ra, có thể lựa chọn xây dựng cơ sở xử lý chất thải thông qua hình thức PPP hoặc phát hành trái phiếu xanh. Các cơ sở tái chế và một số cơ sở WtE có thể thu hút nguồn vốn từ khu vực tư nhân theo hình thức chứng khoán nợ và vốn chủ sở hữu khác.

Các dự án đang tiến hành tại Việt Nam:

- Nhà máy xử lý chất thải công nghệ cao và khu liên hợp sản xuất năng lượng từ rác thải ở Bắc Sơn, Sóc Sơn (Hà Nội, miền Bắc, Việt Nam).

- Cơ sở Tái chế Minh Hưng (Tiềng Giang, đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam).

5. Các hành động cần thực hiện nhằm thúc đẩy đầu tư cho CSHTX

Việc phát triển hệ thống CSHTX đều cần phải được đẩy mạnh nếu Chính phủ muốn giảm thiểu tối đa các tác động do biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới kinh tế, xã hội của Việt Nam. Quan trọng nhất là Chính phủ cần có sự thay đổi về chính sách và thể chế đưa ra được bộ hồ sơ về CSHTX (định nghĩa, danh mục dự án, các nguồn vốn huy động, cơ chế quản lý, đánh giá rủi ro, đánh giá hiệu quả,…), hỗ trợ các kênh tài chính quan trọng cho các bên liên quan phát triển CSHT, đa dạng hóa rủi ro và tạo ra nhiều lựa chọn cho các nhà đầu tư. Chính phủ có thể cân nhắc thực hiện các biện pháp quan trọng sau:

- Đưa mức độ rủi ro khí hậu vào các kế hoạch CSHT mới, qua đó giải thích khấu hao tài sản trong tương lai do thay đổi mô hình lượng mưa, tăng nhiệt độ và các thời tiết cực đoan.

- Nâng cao khả năng nhận thấy các cơ hội đầu tư xanh giúp các nhà đầu tư năm bắt được rằng có một lượng lớn các khoản đầu tư hấp dẫn về mặt tài chính cũng là đầu tư xanh.

- Điều chỉnh các yêu cầu liên quan đến chính sách, bao gồm đẩy mạnh phương thức Gắn thẻ xanh được tiêu chuẩn hóa cho tài chính dự án xanh và tích hợp tiêu chí khí hậu, lập danh mục các dự án xanh, và cụ thể hóa định nghĩa "CSHTX”.

- Phát hành trái phiếu chính phủ xanh để tài trợ cho các dự án xanh. Điều này sẽ chứng minh cam kết, hỗ trợ và cung cấp một tài sản thanh khoản giá trị lớn để khuyến khích các nhà đầu tư phân bổ tiền cho chiến lược đầu tư xanh. Khi trái phiếu chính phủ xanh được phát hành sẽ mở đường cho các doanh nghiệp phát hành tiến vào thị trường.

- Đưa ra các khoản ưu đãi như trợ cấp do chính phủ hỗ trợ để trang trải các khoản chi phí do phát hành trái phiếu xanh; hỗ trợ lãi suất; đưa ra các ưu đãi cho các đơn vị phát hành hoặc nhà đầu tư.

- Thúc đẩy công bố rủi ro tài chính liên quan đến khí hậu, ví dụ hỗ trợ thực hiện các khuyến nghị của Nhóm đặc nhiệm về công bố thông tin tài chính liên quan đến khí hậu (TCFD) - nhằm củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường.

6. Kết luận

Hiện nay đã có nhiều dự án hạ tầng và tài sản xanh với quy mô đa dạng và áp dụng các công nghệ khác nhau nằm rải rác trên khắp đất nước. Các dự án và tài sản này bao gồm từ dự án đường sắt quốc gia trị giá 10 tỷ USD, đến dự án hạ tầng nước trị giá 30 triệu USD. Tuy nhiên, các nhà đầu tư hiện không có đủ công cụ để đảm bảo rằng các khoản đầu tư của mình đang mang lại tác động tích cực. Nếu định nghĩa "xanh” được thống nhất trên thị trường toàn cầu sẽ cho phép các nhà đầu tư, đơn vị phát hành tiềm năng và nhà hoạch định chính sách xác định được các tài sản xanh và dễ dàng thu hút đầu tư hơn. 

Chính phủ cần ban hành tiêu chuẩn cụ thể để xác định các dự án xanh trong quá trình quy hoạch hạ tầng và đối chiếu các dự án này trong một danh sách duy nhất. Sau đó, có thể ưu tiên các dự án phù hợp với định nghĩa "xanh” của quốc tế và cung cấp nhãn "xanh” rõ ràng khi chuẩn bị các danh sách công trình hạ tầng trong tương lai. Việc có thể cung cấp mức độ thông tin minh bạch như vậy về các cơ hội đầu tư hạ tầng xanh có thể tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn từ khu vực tư nhân để phát triển kinh tế, thúc đẩy chuyển Việt Nam sang nền kinh tế phát thải các-bon thấp và giúp đáp ứng nhu cầu về tài sản xanh của các nhà đầu tư tổ chức trên toàn cầu.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Ban chấp hành Trung ương (2013), Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

2. Bộ Tài chính (2015), Quyết định số 2183/QĐ-BTC ngày 20/10/2015 Ban hành Kế hoạch hành động của ngành Tài chính thực hiện Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020.

3. Chính phủ (2012), Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/09/2012 phê duyệt Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh.

4. Chính phủ (2014), Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 20/3/2014 phê duyệt Kế hoạch hành động Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020.

5. Chính phủ (2016), Quyết định số 2053/QĐ-TTG ngày 28/10/2016 về việc ban hành kế hoạch thực hiện thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

6. Kristiane Davidson, Phi Thị Minh Nguyệt, Nabilla Gunawan (2019), Báo cáo Cơ hội đầu tư xanh ở Việt Nam, Climate Bonds Intiative.

7. Trần Thị Thanh Tú (2020), Phát triển hệ thống tài chính xanh nhằm thúc đẩy kinh tế xanh: Kinh nghiệm một nước và gợi ý cho Việt Nam, Tạp chí Tài chính, truy cập tại http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/phat-trien-he-thong-tai-chinh-xanh-nham-thuc-day-kinh-te-xanh-kinh-nghiem-mot-so-nuoc-va-goi-y-cho-viet-nam-323420.html.

GREEN INFRASTRUCTURE INVESTMENT

OPPORTUNITIES IN VIETNAM

• Master DUONG THI THANH TAN

Department of Finance - Accounting,

Faculty of Economics and Business Administration,

Vietnam National Foresty University

ABSTRACT:

Currently, Vietnam is facing a lot of challenges caused by climate change such as storms, floods, droughts, desertification and saltwater intrusion which adversely affect the life, economy and society. Developing green infrastructure is considered one of the effective solutions to respond to climate change. The green infrastructure could be compatible with climate change to meet the goal of reducing greenhouse gas emissions under the Paris Agreement. This paper introduces some advantages and opportunities of the green infrastructure development, thereby proposing some solutions to boost the investment into green infrastructure in Vietnam.

Keywords: Green infrastructure, climate change, investment opportunities.


Theo ThS. DƯƠNG THỊ THANH TÂN (Bộ môn Tài chính - Kế toán, Khoa Kinh tế và Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Lâm nghiệp)/ Tạp Chí Công Thương

Tags Việt Nam hạ tầng xanh biến đổi khí hậu

Các tin khác

Những công trình nhận được chứng nhận LEED không chỉ mang đến không gian sống và làm việc hiện đại, mà còn là minh chứng cho tương lai bền vững của ngành kiến trúc.

Trong bối cảnh thách thức về biến đổi khí hậu và sự cần thiết của việc bảo vệ hệ sinh thái, lĩnh vực kiến trúc cảnh quan không chỉ là môi trường cho người làm nghề thỏa sức thể hiện sự sáng tạo, mà còn là bản ngã của một xã hội đang hướng tới tương lai bền vững.

Thiết kế công trình bền vững, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả đang là xu hướng kiến trúc chủ đạo hướng đến tăng trưởng xanh toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng.

Hướng tới các đô thị xanh, có rất nhiều chỉ tiêu về hạ tầng đô thị xanh, công trình xanh, các sản phẩm đô thị … Hành lang xanh trong cấu trúc đô thị đóng góp một vai trò rất quan trọng cho mục đích phát triển bền vững của đô thị.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
Thời sự