Bắc Giang: Lũ trên sông dâng cao, lực lượng chức năng xuyên đêm đắp đê ngăn lũ

  • Cập nhật: Thứ hai, 9/9/2024 | 10:50:37 AM

QLMT - Do ảnh hưởng của bão số 3, lũ trên sông Thương và sông Lục Nam (Bắc Giang) dâng cao, gây nguy cơ mất an toàn.

Trong chiều 8/9, đồng chí Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang kiểm tra tình hình khắc phục hậu quả bão số 3 tại huyện Lục Nam.

Theo đồng chí Đặng Văn Nhàn, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT - TKCN) huyện Lục Nam, do ảnh hưởng của bão số 3, toàn huyện có 40 ha lúa bị ngập, 225 công trình bị tốc mái, đổ một số cột điện.


Lũ trên sông Lục Nam tiếp tục dâng cao, mưa to gây ngập úng nhiều xã ven sông 

Bão đã gây mất điện trên toàn địa bàn huyện. Các xã vùng trũng thấp (Cẩm Lý, Vũ Xá, Đan Hội, Yên Sơn, Bắc Lũng) do sự cố lớn nên chưa cấp điện trở lại, không vận hành được các trạm bơm tiêu chống úng.

Ngoài ra, huyện có hai người bị thương nhẹ do cây đổ. Riêng sự cố sạt lở tại Dốc Lỉnh, xã Nghĩa Phương, huyện đã tập trung di dời, ổn định chỗ ở cho 6 hộ. Huyện giao cho xã tiếp tục bám sát theo dõi tại khu vực này.

Các biện pháp khắc phục đang được huyện khẩn trương thực hiện. Đáng lo ngại nhất trên địa bàn huyện là nếu lũ trên sông Lục Nam tiếp tục dâng cao, mưa to thì nguy cơ nhiều xã ven sông sẽ bị ngập; có thể nguy hiểm đến tuyến đê bối, trường hợp quá khả năng huyện sẽ chỉ đạo cho tràn đê bối để bảo đảm an toàn chống lũ.

Ngay trong chiều 8/9, huyện đã chỉ đạo các xã ven đê khẩn trương, sẵn sàng các phương án, tránh để xảy ra sự cố bất ngờ, bảo đảm an toàn tuyến đê.

Qua kiểm tra thực tế tại điếm canh đê xã Khám Lạng và một số trạm bơm tiêu, trao đổi, làm việc với đồng chí lãnh đạo huyện Lục Nam, đồng chí Phan Thế Tuấn động viên lực lượng trực tại các điểm, đồng thời đề nghị huyện, xã tổ chức trực ban nghiêm túc. Tiếp tục chủ động triển khai biện pháp "4 tại chỗ”, giảm thiểu thiệt hại.


70 cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 164 và Ban CHQS huyện Lục Nam phối hợp cùng các lực lượng khác tham gia hỗ trợ nhân dân đắp đê. (Ảnh: Internet)

Sau bão cần nhận diện được tình hình, những nguy cơ xảy ra, tránh lơ là, chủ quan. Khôi phục hỗ trợ sau bão, tập trung chỉ đạo, khắc phục tình trạng mất điện, tốc mái nhà, cây cối đổ; quan tâm hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng bão lụt.

Dự báo lũ trên sông Lục Nam dâng cao, có thể lên báo động số 3. Vì vậy cần tăng cường lực lượng tuần tra, canh gác, phát hiện, xử lý sự cố ngay từ giờ đầu. Nếu còn mưa lớn cần quan tâm xử lý sự cố sạt lở, bảo đảm an toàn hồ, đập, tập trung tiêu úng; khắc phục khó khăn trong chống lụt bão. Tiếp tục thực hiện tốt chỉ đạo của T.Ư, của tỉnh, khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai.


Cán bộ chiến sĩ Lữ đoàn 164 cùng nhân dân xã Vũ Xá đắp đê. (Ảnh: Internet)


Lãnh đạo huyện Lục Nam cùng đoàn công tác chỉ đạo việc gia cố đê bối. (Ảnh: Internet)

Trong đêm 8/9, mặc dù gặp nhiều khó khăn, các lực lượng chức năng vẫn tích cực phối hợp đắp đê chống tràn, bảo vệ sản xuất cho người dân hai xã Vũ Xá (Lục Nam) và Nghĩa Hưng (Lạng Giang).

MINH THƯ

Tags Bắc Giang đắp đê ngăn lũ

Các tin khác

Việc giảm thiểu rủi ro thiên tai đang được thế giới và các quốc gia quan tâm hàng đầu. Các mô hình giảm thiểu rủi ro thiên tai đã và đang được các quốc gia áp dụng một cách mạnh mẽ trong mọi lĩnh vực phát triển, đặc biệt là trong lĩnh vực quy hoạch đô thị.

Chiều 17/9, TP Hạ Long (Quảng Ninh) tổ chức hội nghị tổng kết Chiến dịch 7 ngày đêm khắc phục hậu quả bão số 3.

Đô thị hóa và sự gia tăng dân số đô thị khiến con người ngày càng mất dần mối liên hệ với thiên nhiên.

Chủ tịch TP Đà Nẵng yêu cầu các sở, ngành, UBND quận, huyện thường xuyên theo dõi tình hình mưa, bão để chủ động trong mọi tình huống; có kế hoạch, phương án xử lý thoát nước, chống ngập úng hiệu quả tránh tình trạng bị động gây thiệt hại về người và của.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục