Vĩnh Phúc: Nan giải “bài toán” cung cấp nước sạch đến người dân

  • Cập nhật: Thứ tư, 10/7/2024 | 2:37:54 PM

UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có nhiều văn bản chỉ đạo quyết liệt, tuy nhiên tiến độ triển khai các dự án cấp nước sạch tập trung còn chậm và gặp nhiều vướng mắc làm ảnh hưởng đến việc cấp nước sạch cho Nhân dân.


Nhiều vướng mắc chưa được tháo gỡ, khiến cho tiến độ triển khai các dự án cung cấp nước sạch đến một số vùng nông thôn ở Vĩnh Phúc còn chậm. Ảnh: Sỹ Hào.

Nước sạch nông thôn: vấn đề cấp bách

Theo UBND tỉnh Vĩnh Phúc, hiện nay giải quyết nhu cầu cấp nước sạch nông thôn đang là vấn đề cấp bách, nhất là trong bối cảnh thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng kéo dài, một số địa phương không đảm bảo nguồn nước sạch cho người dân.

UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo quyết liệt, tuy nhiên tiến độ triển khai các dự án cấp nước sạch tập trung còn chậm và gặp nhiều vướng mắc làm ảnh hưởng đến việc cấp nước sạch cho nhân dân.


Hình ảnh người dân xã Tiên Lữ (huyện Lập Thạch) trong thời điểm khó khăn phải mua nước sạch để  phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày. Ảnh: Sỹ Hào. 

Tại buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc diễn ra vào ngày 3/7 vừa qua, cử tri một số địa phương thuộc 2 huyện Sông Lô và Tam Dương đã nêu các kiến nghị liên quan đến vấn đề thiếu nước sạch ở các địa phương.  

"Năm 2016, UBND tỉnh đã có quyết định đầu tư xây dựng Dự án nhà máy nước sạch Phúc Bình tại xã Đức Bác và Tứ Yên (huyện Sông Lô), có công suất 500.000 m3/ngày với tổng vốn đầu tư gần 2.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay đã 7 năm, dự án vẫn chưa được triển khai xây dựng, trong khi đó, Nhân dân trên địa bàn có nhu cầu sử dụng nước sạch rất lớn.” – cử tri Nguyễn Đức Quân nêu ý kiến.

Cùng về vấn đề này, cử tri Kiều Xuân Tài, xã Hoàng Lâu, huyện Tam Dương cho biết, hiện nay, tỉ lệ sử dụng nước nước sạch của Vĩnh Phúc rất thấp, mới đạt 24,10% (thấp nhất trong 13 tỉnh Đồng bằng sông Hồng và Trung du Bắc Bộ), trong đó huyện Tam Dương mới đạt 33,38%, trong khi theo quy định xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025 yêu cầu phải đạt tối thiểu 65%.

Từ thực tế trên, ý kiến người dân ở nhiều địa phương gặp khó khăn về nước sinh hoạt thuộc địa bàn các huyện: Sông Lô, Lập Thạch, Tam Dương… đều bày tỏ mong muốn tỉnh Vĩnh Phúc sớm có cơ chế, chính sách hỗ trợ các dự án cấp nước cho khu vực nông thôn để nâng cao tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung, nâng cao đời sống, giảm bệnh tật do ô nhiễm nguồn nước.

Tháo gỡ thế nào?

Nhiều ý kiến cho rằng, để giải quyết tận gốc vấn đề cung cấp nước sạch đến người dân tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, đảm bảo an sinh xã hội, rất cần có sự vào cuộc tích cực của UBND tỉnh, các đơn vị liên quan, cũng như sự ủng hộ của người dân trong vấn đề sử dụng nước sạch.

Thực tế cho thấy, giá nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đang áp dụng 8.500 đồng/khối ( từ tháng 2/2020). Mức giá này được xây dựng với mục đích nhằm hỗ trợ người dân trong sử dụng nước, đảm bảo vấn đề an sinh xã hội, và cũng khiến nhiều doanh nghiệp cung cấp nước sạch "kêu trời” bởi không có lãi – hòa là may mắn.


Giá nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc là 8.500 đồng/khối. Ảnh: Sỹ Hào.

Chưa kể đến thực tế đang tồn tại ở một số địa phương, không phải 100% các gia đình đều đăng ký sử dụng nước sạch ở các dự án, ví dụ cụ thể là dự án của Nhà máy nước sạch Sông Hồng triển khai tại xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường, nhiều gia đình vẫn chưa sử dụng nước của dự án như cam kết.

Trao đổi với PV Kinh tế và Đô thị về những khó khăn vướng mắc khi triển khai các dự án cung cấp nước sạch, bà Lê Thị Kim Thanh, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng cấp nước Vĩnh Phúc cho biết, để giải quyết tận gốc vấn đề thì rất cần sự vào cuộc của các cơ quan liên quan, đặc biệt là trong việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi về lãi suất khi triển khai dự án.

"Doanh nghiệp đều phải tính đến vấn đề bảo toàn vốn và có lãi, nên bình thường có thể xét trên quan hệ cung cầu và khả năng của từng đơn vị trong triển khai dự án – có thể 5 năm 10 năm hoặc khi nào có đủ điều kiện mới làm. Nhưng nếu đã gắn chỉ tiêu pháp lệnh, yêu cầu họ thực hiện cung cấp nước theo tiêu chí các chương trình quốc gia như xây dựng nông thôn mới chẳng hạn, thì UBND tỉnh phải có cơ chế để hỗ trợ vốn thì doanh nghiệp mới triển khai được” - Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng cấp nước Vĩnh Phúc chia sẻ.  

Cho phép doanh nghiệp vay vốn mà không phải có tài sản đảm bảo?

Một thực tế cũng khiến nhiều doanh nghiệp khó khăn, đó là khi triển khai dự án xây dựng nhà máy nước họ đã thế chấp tài sản để vay vốn ngân hàng. Tuy nhiên, để mở rộng phạm vi cấp nước sinh hoạt đến người dân, doanh nghiệp tiếp tục phải đầu tư mạng lưới đường ống rất tốn kém, nhưng phần mở rộng thêm này lại không được các ngân hàng và tổ chức tín dụng xem là tài sản thế chấp. 

Theo ý kiến đề xuất của lãnh đạo Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng cấp nước Vĩnh Phúc, UBND tỉnh Vĩnh Phúc có thể xem xét việc giao Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh Vĩnh Phúc cho các dự án cấp nước mà tỉnh chỉ đạo nhà đầu tư thực hiện theo nhiệm vụ cấp bách, được vay vốn từ Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh Vĩnh Phúc mà không phải có tài sản đảm bảo.

Mặt khác, chỉ đạo Sở Công Thương cho phép các công ty cấp nước được thu tiền nước đối với các hộ sử dụng dưới 3m3 để đảm bảo hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và người dân sử dụng nước. Có như vậy mới thu hút được các nhà đầu tư và phát huy được hiệu quả của dự án.  

Các cơ quan liên quan cũng cần xem xét lại quy hoạch vùng cấp nước của các doanh nghiệp – cần phải thực hiện khoa học bài bản, xét đến năng lực của từng doanh nghiệp được giao quản lý vùng cấp nước. Tránh trường hợp doanh nghiệp được giao vùng cấp nước nhưng không có năng lực triển khai dự án, trong khi các doanh nghiệp có nhà máy đang hoạt động trên địa bàn lại không thể đầu tư vào vì chồng chéo và tranh chấp vùng cấp nước. 

Theo Sỹ Hào/Kinh tế & Đô thị 

Tags cung cấp nước sạch nước sạc dự án cấp nước nước sinh hoạt quy hoạch vùng cấp nước xây dựng nhà máy nước

Các tin khác

Việc giảm thiểu rủi ro thiên tai đang được thế giới và các quốc gia quan tâm hàng đầu. Các mô hình giảm thiểu rủi ro thiên tai đã và đang được các quốc gia áp dụng một cách mạnh mẽ trong mọi lĩnh vực phát triển, đặc biệt là trong lĩnh vực quy hoạch đô thị.

Chiều 17/9, TP Hạ Long (Quảng Ninh) tổ chức hội nghị tổng kết Chiến dịch 7 ngày đêm khắc phục hậu quả bão số 3.

Đô thị hóa và sự gia tăng dân số đô thị khiến con người ngày càng mất dần mối liên hệ với thiên nhiên.

Chủ tịch TP Đà Nẵng yêu cầu các sở, ngành, UBND quận, huyện thường xuyên theo dõi tình hình mưa, bão để chủ động trong mọi tình huống; có kế hoạch, phương án xử lý thoát nước, chống ngập úng hiệu quả tránh tình trạng bị động gây thiệt hại về người và của.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục