Mới đây, Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) tổ chức hội nghị thẩm định hồ sơ quy hoạch TP HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng và Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi đồng chủ trì hội nghị.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng - Chủ tịch Hội đồng Thẩm định quy hoạch TP HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 - cho biết TP HCM là đô thị đặc biệt của cả nước, là đầu tàu, động lực, có sức hút và sức lan tỏa lớn của vùng Đông Nam Bộ và cả nước. Tuy nhiên, trong thời gian qua, thành phố đang phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, tiềm năng, thế mạnh, năng lực đột phá, sáng tạo của thành phố chưa được khai thác hiệu quả; vai trò đầu tàu, động lực dẫn dắt có chiều hướng chững lại trong những năm gần đây. Bộ trưởng cũng nêu rõ mô hình tăng trưởng và cơ cấu kinh tế của thành phố chậm đổi mới; tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP thấp hơn trung bình cả nước, có xu hướng giảm dần trong những năm gần đây. Chất lượng tăng trưởng và năng suất lao động thấp. Bên cạnh đó, tổ chức không gian phát triển của TP HCM còn nhiều bất cập, hạ tầng chưa đồng bộ. Hệ thống giao thông kết nối nội vùng, liên vùng giữa TP HCM với các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ, với vùng ĐBSCL và các vùng kinh tế của cả nước còn hạn chế.
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet
Lãnh đạo Bộ KH-ĐT cũng nhấn mạnh kết cấu hạ tầng đô thị của TP HCM bị quá tải so với sự gia tăng nhanh của dân số. Tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường và ngập lụt ngày càng gia tăng trong bối cảnh tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng quy hoạch TP HCM cần giải quyết các bất cập, tồn tại này.
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết UBND TP HCM đã thành lập tổ tư vấn phản biện quy hoạch thành phố gồm những chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành trong các lĩnh vực; tổ chức các hội thảo lấy ý kiến các tỉnh lân cận, tổ tư vấn phản biện và các chuyên gia, nhà khoa học; các bộ, ngành và các chuyên gia, nhà khoa học của Hà Nội và TP HCM về quy hoạch thành phố. Theo ông Phan Văn Mãi, dự thảo báo cáo quy hoạch tập trung thể hiện rõ các định hướng phát triển của thành phố trên 5 nội dung: Kinh tế xanh, đô thị sáng tạo, hạ tầng thông minh, xã hội văn minh, môi trường bền vững.
Theo TS. Cao Viết Sinh, chuyên gia kinh tế cao cấp, cần làm rõ hơn vai trò của Thành phố trong vùng Đông Nam Bộ và vùng động lực phía Nam với tư cách TP.HCM là một cực tăng trưởng. Hiện, quy mô nền kinh tế (GRDP) của TP.HCM chiếm 54% của Vùng, do đó sẽ tác động rất lớn đến phát triển của vùng Đông Nam Bộ; mỗi một yếu tố phát triển của Thành phố đều ảnh hưởng đến Vùng, nhất là mục tiêu tăng trưởng và cơ cấu kinh tế.
Trong bối cảnh hiện nay, TP.HCM cần có đột phá về thể chế phát triển và quản trị đô thị; đột phá về mô hình kinh tế, cơ cấu kinh tế; đột phá về hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thông minh (giải quyết căn cơ các vấn đề về ô nhiễm môi trường, ngập úng…). Để hiện thực hóa Quy hoạch của Thành phố, nguồn lực thực hiện trong 10 năm tới là 6,4 triệu tỷ đồng (chiếm 40,5% của toàn vùng Đông Nam Bộ). "TP.HCM cần có luận chứng thêm về tính khả thi, làm rõ cơ cấu nguồn vốn (vốn nhà nước, tư nhân, FDI) trong nguồn lực thực hiện Quy hoạch”, TS. Cao Viết Sinh nhấn mạnh.
Ở góc nhìn khác, Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nêu quan điểm, Quy hoạch phải làm sâu sắc vị thế đô thị toàn cầu; phân tích sâu mối quan hệ của Thành phố với quốc tế qua cửa khẩu quốc tế Mộc Bài đi Campuchia và các nước. Thành phố được định hướng là đô thị hướng biển thì cần làm rõ nét hơn vai trò của cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ tác động đến kinh tế biển của Thành phố với các cảng và KCN sau cảng như Cát Lái, Hiệp Phước…
Quy hoạch cũng cần làm rõ vai trò của sân bay Long Thành là sân bay quốc tế, mặc dù được xây dựng trên đất Đồng Nai nhưng lại rất quan trọng trong Quy hoạch Vùng TP.HCM, được đặt ra như sân bay thứ 2 của Thành phố. Trong trường hợp này, sân bay Long Thành là sân bay giao lưu quốc tế cho Thành phố trong giai đoạn hội nhập để trở thành thành phố toàn cầu. Theo ông Chính, cần phải hoạch định không gian kinh tế phát triển trên trục quan trọng này với các chức năng đô thị, dịch vụ, logistics và hướng trọng điểm cửa ngõ của Thành phố về Long Thành và kết nối với trục kinh tế lớn Đồng Nai - Vũng Tàu.
Theo Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, ngoài ý nghĩa kinh tế của sông Sài Gòn như cấp nước, giao thông, vấn đề khai thác và quy hoạch cảnh quan dọc sông cũng rất quan trọng để phát huy, khai thác tốt quỹ đất 2 bên bờ sông cho hợp lý, nhằm phát triển khu vực thành phố lõi và đô thị Thủ Đức.
AN NHIÊN