Thấp thỏm nỗi lo ngập nước

  • Cập nhật: Thứ năm, 13/6/2024 | 2:46:07 PM

Dù mới vào đầu mùa mưa nhưng các khu vực đô thị ở tỉnh Bình Dương và Đồng Nai xảy ra tình trạng ngập nước gây ảnh hưởng đến giao thông, đời sống của người dân

Để giải quyết tình trạng ngập úng tại đô thị, hiện các ngành chức năng của 2 địa phương đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện những dự án thoát nước.


Phương tiện giao thông bì bõm lội nước ở "rốn ngập” đường Đồng Khởi, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Ảnh: NGUYỄN TUẤN

Cứ mưa là ngập

Cơn mưa lớn cuối tháng 5 khiến nhiều tuyến đường trung tâm TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai ngập nặng, nhất là ở "rốn ngập" ngã ba Trảng Dài (nút giao giữa đường Đồng Khởi và Bùi Trọng Nghĩa, phường Trảng Dài).

Tại điểm giao với đường Bùi Trọng Nghĩa, hẻm 68 (khu phố 2A), nước từ trong khu dân cư chảy cuồn cuộn như thác ra đường Đồng Khởi, kéo theo nhiều rác, lá cây che kín các miệng cống thu gom nước khiến một số đoạn đường ngập sâu tới đầu gối và chảy xiết làm nhiều xe chết máy, các phương tiện và người dân qua lại phải bì bõm lội nước trên đường. Một số hộ dân hai bên đường tạm đóng cửa hàng kinh doanh, ngăn nước tràn vào nhà.

Là người dân địa phương, ông Nguyễn Quang (45 tuổi), cho hay 2 trận mưa đầu mùa, "rốn ngập" Đồng Khởi gần như không ngập. "Chúng tôi khấp khởi mừng vì nghĩ dự án chống ngập 23 tỉ đồng đã phát huy tác dụng nhưng khi trận mưa thứ 3 kéo dài gần 1 giờ chiều 31-5, đường Đồng Khởi đoạn qua phường Trảng Dài và Tân Phong nước ngập sâu gần cả mét, xe máy, ô tô chết máy la liệt, nhiều xe máy và người bị nước xô ngã cuốn trôi trên phố" - ông Quang nói. Tuy nhiên, theo ông Quang mức độ ngập có giảm so với trước đây và nước rút rất nhanh.


Rác lấp hết các miệng cống trên đường Đồng Khởi. Ảnh: NGUYỄN TUẤN

Cảnh ngập nước cũng tái diễn trên Quốc lộ 1 đoạn qua khu vực Bệnh viện Nhi Đồng Đồng Nai (thuộc các phường Tân Hiệp và Long Bình); Bệnh viện Thánh Tâm, Công viên 30-4 (đoạn qua phường Tân Biên); chợ Điều phường Long Bình; khu vực Quốc lộ 51 và khu phố Bình Dương phường Long Bình Tân; đường Võ Nguyên Giáp (đoạn qua Vườn Xoài); khu vực suối Chùa, suối Bà Lúa và suối Cầu Quan... ngập cục bộ, sâu đến nửa mét.

Lý giải về việc dự án chống ngập trên đường Đồng Khởi (kéo dài từ cầu Đồng Khởi đến ngã ba Thiết Giáp, đi qua phường Tân Phong và Trảng Dài) đã hoàn thành nhưng vẫn ngập sâu, lãnh đạo Ban Quản lý dự án TP Biên Hòa cho biết trong các cơn mưa trước đó, hệ thống xử lý nước rất tốt. Tuy nhiên, cơn mưa vừa qua lưu lượng lớn trong khi rác thải quá nhiều khiến các miệng cống bị bịt kín, nước không thể thoát gây ngập cục bộ.

Nhiều năm qua, cứ vào mùa mưa là gia đình bà Võ Thị Đào (59 tuổi, ở phường Phú Cường, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) lại thấp thỏm lo âu vì không biết nhà lúc nào bị ngập. Chỉ cần cơn mưa lớn kéo dài chưa đến 2 giờ là toàn bộ khu vực nơi bà Đào ở bị ngập sâu, nước tràn vào nhà gây hư hỏng đồ đạc, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và công việc, cũng như dễ phát sinh các loại dịch bệnh do môi trường ô nhiễm.

Không chỉ gia đình bà Đào mà những hộ dân sống dọc cống thoát nước trên đường Thích Quảng Đức cũng than trời, kêu khổ mỗi khi mùa mưa đến, bởi khu vực này là vùng trũng thấp nên khi có mưa lớn, nước từ các nơi đổ về gây ngập sâu. Để ứng phó với tình trạng ngập nước, một số hộ dân phải xây tường chắn nước phía trước nhà nhưng khi mưa lớn vẫn không ngăn được dòng nước tràn vào nhà.

Tương tự, các TP Dĩ An, Thuận An, Tân Uyên thuộc tỉnh Bình Dương cũng đang đối mặt với tình trạng cứ mưa là ngập. Anh Nguyễn Văn Tỏ, làm công nhân ở phường Tân Hiệp, TP Tân Uyên, cho biết mỗi khi đi từ công ty về nhà trọ gặp mưa lớn là phải kiếm chỗ trú chờ nước rút mới dám về bởi nhiều lần anh cố chạy về nhà nhưng đều gặp cảnh xe chết máy giữa đường do nước ngập sâu. "Cơn mưa ngày 15-5 vừa qua vào đúng giờ tan tầm khiến tuyến đường ĐT.747B có đoạn nước ngập sâu gần 1 m. Anh em công nhân chúng tôi nói vui là sắp sống chung với lũ. Chúng tôi mong ngành chức năng sớm có giải pháp chống ngập chứ để tình trạng này kéo dài năm này qua năm khác người dân rất khổ" - anh Tỏ đề xuất.


Dự án nạo vét, gia cố suối Cái đoạn từ cầu Thợ Ụt đến sông Đồng Nai đã thực hiện được hơn 20% tiến độ. Ảnh: THANH THẢO

Nhiều công trình giải quyết ngập

Nhằm giải quyết tình trạng ngập nước trên tuyến đường ĐT.747B, tỉnh Bình Dương đang thực hiện dự án thoát nước gần 5.000 tỉ đồng. Đây là dự án nạo vét, gia cố suối Cái đoạn từ cầu Thợ Ụt đến sông Đồng Nai, đi qua các phường Phú Chánh, Vĩnh Tân, Tân Hiệp thuộc TP Tân Uyên, một trong những công trình trọng điểm được Bình Dương đầu tư xây dựng nhằm bảo đảm việc tiêu thoát nước mưa, nước thải đã qua xử lý cho lưu vực suối Cái, góp phần cải thiện môi trường, chỉnh trang đô thị, kết hợp phát triển giao thông khu vực. 

Dự án đảm nhiệm tiêu thoát nước cho lưu vực hơn 22.500 ha, gồm khoảng 3.200 ha đất các khu, cụm công nghiệp, đồng thời xây dựng 37,4 km đường giao thông cấp khu vực.

Dự án có tổng chiều dài gần 19 km, gồm tuyến suối Cái nhánh chính ra cầu Tổng Bảng dài 14,3 km và nhánh phụ ra cầu Bà Kiên dài 4,6 km do Ban Quản lý dự án ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương làm chủ đầu tư.

Đến nay, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Tân Uyên đã thực hiện bồi thường và bàn giao mặt bằng đạt khoảng 88% diện tích của đoạn từ sau cầu Thợ Ụt đến trước cầu Bến Sắn, tiến độ thực hiện dự án đạt hơn 22%.

Ông Nguyễn Duy Tân, Phó Chủ tịch UBND TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, cho biết rác là một trong những nguyên nhân gây ngập cục bộ. Vì vậy, ngay từ đầu mùa mưa, UBND thành phố đã yêu cầu phường Tân Phong và Trảng Dài cùng các cơ quan, đơn vị liên quan thường xuyên dọn dẹp rác ứ đọng tại các tấm đan trên mương thoát nước. Đồng thời tuyên truyền người dân bỏ rác đúng nơi quy định, không để rác làm tắc nghẽn các cửa cống, ảnh hưởng quá trình thoát nước.

Còn điểm tái ngập khu vực Bệnh viện Thánh Tâm, ông Tân cho hay trước mắt phía địa phương tăng cường vận động, tuyên truyền người dân tập kết rác đúng nơi quy định, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm, tăng cường công tác thanh thải dòng chảy tự nhiên (suối Săn Máu) nhằm tăng khả năng thoát nước. 

Về lâu dài, UBND TP Biên Hòa đề xuất Sở Xây dựng báo cáo UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị Khu Quản lý đường bộ 4 thuộc Cục Đường bộ Việt Nam có giải pháp cải tạo các lưới thu nước có kích thước lớn và tăng cường một số vị trí hố ga tại khu vực ngập để tăng khả năng thu nước và bảo đảm thoát nước cho khu vực.

Với điểm ngập khu vực suối Chùa, suối Bà Lúa, suối Cầu Quang, TP Biên Hòa đã khởi công dự án cải tạo, nạo vét các suối trên vào đầu năm 2023 có chiều dài hơn 5,2 km, tổng mức đầu tư hơn 267 tỉ đồng từ ngân sách tỉnh đến nay vẫn chưa hoàn thiện do vướng mặt bằng. Hiện mới bàn giao 70% nhưng không liền khoảnh nên tiến độ thi công đạt khoảng 25%.

"UBND TP Biên Hòa đang đốc thúc Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố sớm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng của dự án để bàn giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh thi công công trình" - ông Tân thông tin.

Trong khi đó, điểm ngập trên đường Võ Nguyên Giáp (qua khu vực Vườn Xoài), TP Biên Hòa đã chỉ đạo các cơ quan chức năng sớm hoàn thiện hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư dự án chống ngập và trình lên UBND thành phố để triển khai. 

-------------------------------
Đẩy nhanh tiến độ công trình

Đối với bà Đào và các hộ dân sống ở khu vực ngã ba cống trên đường Thích Quảng Đức, nỗi lo sẽ phần nào được giải tỏa khi dự án cải tạo tuyến rạch Thầy Năng xử lý điểm ngập đường Thích Quảng Đức, đoạn từ ngã ba cống trên đường Thích Quảng Đức đến cầu Bà Hên đã được thi công.

Đại diện nhà thầu là Công ty TNHH Đầu tư - Xây dựng Nguyên Cát cho biết mùa mưa này người dân sẽ yên tâm hơn vì tiến độ dự án về cơ bản đã giải quyết được khoảng 50% tình trạng ngập khi một bên kênh đã được thông, còn một bên đang tiếp tục ép cọc và làm theo phương thức cuốn chiếu, làm đến đâu xong đến đó, dự án sẽ hoàn thành vào tháng 12-2024. Hiện đơn vị thi công đang đẩy nhanh tiến độ để công trình về đích sớm hơn dự kiến.

Ông Vũ Tiến Sơn, Giám đốc Ban Quản lý dự án nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương (chủ đầu tư dự án), cho hay dự án có quy mô gồm cải tạo tuyến rạch Thầy Năng dài khoảng 380 m và tuyến kênh đá xây dọc đường Thích Quảng Đức dài khoảng 370 m. Dự án sẽ phục vụ tiêu thoát nước cho diện tích lưu vực, góp phần bảo đảm việc lưu thông, sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân trong khu vực, đồng thời tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường và chỉnh trang đô thị của TP Thủ Dầu Một.

Theo Thanh Thảo - Nguyễn Tuấn
nld.com.vn

Tags ngập nước Bình Dương Đồng Nai ngập úng

Các tin khác

Quy hoạch không gian ngầm tại TP.HCM sẽ gặp khá nhiều khó khăn bởi tình trạng các tòa cao ốc xen kẽ các công trình thấp tầng, móng nông dày đặc...

Với tầm nhìn đến năm 2050, TP.HCM sẽ trở thành một đô thị toàn cầu hấp dẫn và bền vững, đồng thời là trung tâm kinh tế, tài chính và dịch vụ của châu Á, với nền kinh tế và văn hóa phát triển đặc sắc.

Quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2030, Bình Dương cùng với các tỉnh, thành trong vùng Đông Nam Bộ hình thành trung tâm phát triển năng động, toàn diện; đô thị phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu…

Để giải bài toàn ngập úng cũng như xử lý nước thải đô thị, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị và Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh thống nhất quan điểm cần phải xây dựng hệ thống thoát nước đồng bộ và bài bản.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục