Cụ thể, HĐND tỉnh Bình Dương đã thông qua nội dung hồ sơ trình Chính phủ phê duyệt về Quy hoạch tỉnh Bình Dương tại Kỳ họp thứ 15 khóa X diễn ra ngày 07/6.
Mục tiêu phát triển đến năm 2030, Bình Dương cùng với các tỉnh, thành trong vùng Đông Nam Bộ trở thành vùng động lực tăng trưởng quan trọng của quốc gia, thúc đẩy và lan tỏa phát triển với các địa phương trong vùng; trung tâm công nghiệp dịch vụ hiện đại; đô thị phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2021-2030 dự kiến đạt khoảng 10%/năm.
Tầm nhìn đến năm 2050, Bình Dương sẽ trở thành vùng đô thị, công nghiệp, dịch vụ hiện đại, mang tầm khu vực và quốc tế, là một trong những đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia với động lực tăng trưởng chính là công nghiệp, dịch vụ, đổi mới sáng tạo, có cơ sở kinh tế vững chắc và sức cạnh tranh cao. Người dân sẽ có mức thu nhập tương đương các nước phát triển; kinh tế phát triển bao trùm và hài hòa giữa các khu vực.
Cũng theo đồ án, tỉnh Bình Dương được định hình không gian phát triển thành 3 vùng động lực. Trong đó vùng đô thị cửa ngõ là TP Thuận An, TP Dĩ An - 2 địa phương giáp ranh với TP.HCM. Vùng đô thị cửa ngõ sẽ phát triển trở thành đô thị thông minh, hiện đại. Xây dựng nhiều tiện ích, dần trở thành vùng đô thị đáng sống và là trung tâm kinh tế - tài chính cho cả vùng Đông Nam Bộ.
Đại lộ Bình Dương đoạn qua TP Thủ Dầu Một. Ảnh: Báo Bình Dương
Vùng lõi trung tâm của Bình Dương được xác định là các thành phố gồm Thủ Dầu Một, Tân Uyên, Bến Cát và huyện Bàu Bàng. Bình Dương sẽ xây dựng vùng lõi đô thị dựa trên sự phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, tập trung phát triển mô hình công nghiệp - đô thị - dịch vụ thế hệ mới. Vùng lõi sẽ là vùng động lực phát triển của tỉnh, với hạt nhân là hình thành khu công nghiệp, công nghệ thông tin tập trung. Đồng thời từng bước phát triển các lĩnh vực y tế, văn hóa, giáo dục, thương mại, dịch vụ chất lượng cao; thu hút các ngành nghề sản xuất điện, điện tử, chíp, công nghệ bán dẫn.
Trong khi đó, vùng đô thị phía Bắc được xác định là các huyện Phú Giáo, Dầu Tiếng và Bắc Tân Uyên. Trong tương lai đây sẽ là vùng dự trữ xanh, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, gắn với du lịch sinh thái và phát triển công nghiệp xanh, sinh thái; đây cũng sẽ là vùng vệ tinh của tỉnh sau khi đã lấp đầy ở vùng lõi trung tâm.
Để đảm bảo Quy hoạch có tính khả thi, thực thi hiệu quả sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh Bình Dương đặt ra yêu cầu xác lập Chiến lược phát triển tích hợp trong công tác lập Quy hoạch tỉnh. Đây là cách tiếp cận hoàn toàn mới và có sự khác biệt lớn giữa tỉnh Bình Dương với nhiều địa phương khác trong cả nước.
Về chiến lược phát triển tích hợp cho Quy hoạch, tỉnh đưa ra lộ trình phát triển bứt phá trong kỳ quy hoạch, dựa trên việc huy động và phát huy hiệu quả tổng thể các nguồn lực của tỉnh, từ nguồn lực tự nhiên (vị trí địa lý và tài nguyên nguyên thiên nhiên), nguồn lực kinh tế-xã hội, văn hóa, con người, thể chế... để hoàn thành mục tiêu vượt qua bẫy thu nhập trung bình.
Dự kiến, hồ sơ trình phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngay trong tháng 6 này.
Theo Nguyên Phương/Tạp chí Xây dựng