Biên tập viên Tạp chí Xây dựng đã có cuộc gặp gỡ với PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến - Nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) để đi tìm câu trả lời cho câu hỏi này.
♦ Thưa PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến, các thông tin chính thống còn cho hay, cả tại TP.HCM cũng xảy ra tình trạng tương tư như vậy. Đây phải chăng là một sự lãng phí tài nguyên?
- Thực ra, chúng ta đang không chỉ lãng phí nguồn lực không gian ngầm đâu. Mà cũng không chỉ bãi đỗ xe ngầm mới nằm trên giấy. Theo quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe trên địa bàn Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt tại Quyết định số 1218/QĐ-UBND, đến năm 2050 Hà Nội sẽ có 1.620 bãi đỗ xe công cộng, trong đó có 73 bãi ngầm.
Thống kê của Sở GTVT Hà Nội hồi tháng 12/2023 cho biết, thành phố mới đang triển khai đầu tư 96 dự án bãi đỗ xe. Trong đó 18 dự án đã hoàn thành đầu tư xây dựng, 12 dự án đã có chủ trương/quyết định chấm dứt đầu tư, 66 dự án đang triển khai đầu tư. Số bãi đỗ đã và đang đầu tư chỉ tương đương với khoảng 5% mục tiêu đề ra; đặc biệt chỉ có khoảng hơn 1% số bãi đỗ đã hoàn thành xây dựng…
Tuy vậy, chúng ta cần hiểu rằng, khai thác tốt không gian ngầm sẽ giúp chúng ta giảm tải rất nhiền những vấn nạn hiện nay tại các đô thị lớn.
♦ Ông có thể chỉ ra những lợi ích chính khi phát triển không gian ngầm đô thị?
- Trong quá trình cải tạo, xây dựng và phát triển đô thị, việc sử dụng, khai thác và phát triển không gian ngầm để xây dựng công trình ngầm đóng vai trò đặc biệt quan trọng, và đó là nhu cầu tất yếu hiện nay.
Sử dụng, khai thác và phát triển không gian ngầm đem lại nhiều lợi ích. Nó nâng cao hiệu quả và chất lượng của quy hoạch đô thị, tổ chức lại không gian xây dựng đô thị; nâng cao giá trị sử dụng đất và sử dụng hợp lý quỹ đất đô thị để xây dựng nhà ở, xây dựng các công trình công cộng; gúp phần hình thành và phát triển thị trường bất động sản ngầm. Bên cạnh đó là góp phần giải quyết các vấn đề giao thông đô thị; khai thác có hiệu quả tài nguyên đất; giảm thiểu tác động của ô nhiễm môi trường. Và điều quan trọng nữa là nó tạo ra hiệu quả về an toàn, an ninh quốc phòng. Các công trình ngầm được sử dụng như một hệ thống phòng thủ an toàn đối với thiên tai hoặc khi có chiến tranh xẩy ra.
♦ Như vậy có nghĩa là sử dụng không gian ngầm sẽ là hướng lựa chọn tất yếu của các đô thị, đặc biệt là các đô thị lớn?
- Đúng thế! Và điều này hiển nhiên đang tiếp nối diễn ra ở các nước đang phát triển trên thế giới. Tôi nói vậy bởi, với các nước phát triển, họ đã hướng tới khai thác không gian ngầm từ nửa sau thế kỷ 20. Các nước đi sau có thể lấy kinh nghiệm từ họ, chắt lọc những kiến thức mới, công nghệ mới phù hợp với địa chất, địa mạo của mình để áp dụng.
Không gian ngầm được coi như tài nguyên mới, ngay từ đầu, chúng ta phải tối ưu hóa sử dụng tài nguyên này, bằng cách xây dựng hệ thống pháp luật để điều chỉnh, quy hoạch và bố trí các công trình thiết yếu, công trình công cộng, công trình giao thông, công trình hạ tầng kỹ thuật, bãi đỗ xe… đặt dưới lòng đất.
♦ Những lợi ích như thế, tại sao gần đây chúng ta mới quan tâm đến không gian ngầm?
- Tốc độ đô thị hóa quá cao, các đô thị hiện nay như một công trường xây dựng. Chính vì thế, chúng ta bắt đầu phải tính đến việc không những sử dụng hiệu quả không gian trên mặt đất mà phải hướng đến sử dụng không gian ngầm. Hiện nay, một số cơ quan soạn thảo quy định của pháp luật đang tiến hành nghiên cứu và ban hành các nội dung liên quan đến không gian ngầm, như Luật Thủ đô, dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn…
Cụ thể hơn nữa là vấn đề quy hoạch TOD (Transit Oriented Development - gọi tắt là TOD). Đó là lấy định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển đô thị, lấy đầu mối giao thông làm điểm tập trung dân cư để từ đó hình thành tiếp hệ thống giao thông phân tán. Khi vận dụng nguyên lý TOD vào quá trình thiết kế cải tạo, mở rộng và quy hoạch xây dựng đô thị, bắt buộc phải có sử dụng không gian ngầm tại khu vực đó thì TOD mới mang lại hiệu quả về kinh tế.
Trong thời gian vừa qua, các dự án đầu tư liên quan đến tàu điện ngầm ở Hà Nội và TP.HCM khi làm quy hoạch chung đã bắt đầu bàn đến vấn đề xây dựng bao nhiêu tuyến tàu điện ngầm. Hy vọng, thời gian tới Hà Nội và TP.HCM sẽ có một hệ thống công trình ngầm phát triển.
♦ Vậy những điều kiện cần thiết nào để phát triển không gian ngầm đô thị, thưa ông?
- Quản lý, khai thác và sử dụng không gian ngầm không phải là mới ở các nước trên thế giới, nhưng còn nhiều điều mới mẻ đối với Việt Nam. Ta có thể chỉ ra một số điều kiện cần thiết để thực hiện nhiệm vụ này.
Trước hết là hoàn thiện các cơ sở quy định pháp luật (pháp lý) về quản lý, khai thác và sử dụng không gian ngầm. Nếu thống kê thì thấy hệ thống văn bản quy định về quản lý, khai thác, sử dụng không gian ngầm đã có, mà cũng khá nhiều, nhưng vẫn chưa đầy đủ và tính khả thi chưa cao. Vì vậy, chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu bổ sung và hoàn thiện.
Thứ hai, điều kiện về kỹ thuật/công nghệ: Việc khảo sát, thi công, xây dựng, bảo trì các công trình ngầm đòi hỏi kỹ thuật/công nghệ cao và trình độ kỹ thuật ở mức cao. Các công trình xây dựng ngầm thường phải đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật rất cao về độ bền, khả năng thông khí, khả năng vận hành thuận tiện, tính an toàn trong mọi điều kiện kể cả khi có thiên tai (động đất, lũ lụt), thảm họa cháy nổ. Như vậy, cần có những chương trình, đề án, dự án nghiên cứu khoa học và chuyển giao các công nghệ hiện đại phục vụ cho thi công xây dựng và vận hành nhằm đáp ứng nhu cầu về xây dựng công trình ngầm trong thời gian tới.
Thứ ba, điều kiện về quản lý: Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về quản lý không gian ngầm để xây dựng công trình ngầm. Đó là tiếp tục hoàn thiện về tổ chức, bộ máy và con người ở các cấp, đặc biệt ở cấp Trung ương - nơi tham mưu về văn bản quy phạm pháp luật, giám sát, thanh kiểm tra…
Nâng cao năng lực quản lý vận hành khai thác các công trình ngầm. Đào tạo đội ngũ cán bộ, công nhân có đủ năng lực tiếp nhận công nghệ hiện đại để vận hành khai thác có hiệu quả.
Xây dựng cơ sở dữ liệu không gian ngầm đô thị mặc dù đây là công việc rất phức tạp. Thực hiện chuyển đổi số trong quản lý lĩnh vực này.
Thứ tư, điều kiện về tài chính: Đầu tư ban đầu vào xây dựng công trình ngầm đòi hỏi một nguồn vốn rất lớn vì vậy cần có một cơ chế đặc thù cho đầu tư lĩnh vực này. Hoàn thiện hình thức PPP, huy động các nguồn lực khác trong đầu tư, xây dựng…
♦ Như ông đã phân tích, điều đầu tiên muốn khai thác nguồn tài nguyên không gian ngầm là trông chờ vào sự hoàn thiện của hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, Luật Đất đai 2023 vừa được Quốc hội thông qua đã có một điều về "đất xây dựng công trình ngầm”, nhưng dường như vẫn rất chung chung. Ông có nhận xét gì về các quy định này?
- Đúng là Điều 216 Luật Đất đai 2024 đã có các quy định khá chi tiết về nội dung này, đây là bước tiến rất quan trọng. Tuy vậy, thực tiễn của cuộc sống đòi hỏi tính khả thi cao hơn rất nhiều.
Tôi nói ví dụ, tại Khoản 2 quy định: "2. Người sử dụng đất được chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại không gian dưới lòng đất sau khi được Nhà nước xác định theo quy định của pháp luật về xây dựng, pháp luật về quy hoạch đô thị, pháp luật về kiến trúc”. Như vậy, trong các pháp luật liên quan đến lĩnh vực Xây dựng, Quy hoạch, Kiến trúc hiện hành không có các quy định cụ thể liên quan đến không gian dưới lòng đất. Nếu Luật Đất đai có hiệu lực thi hành nhưng các pháp luật Quy hoạch, Kiến trúc không có quy định hoặc chậm bổ sung, sửa đổi thì sẽ được tổ chức thực hiện như thế nào?
Ví dụ nữa, tại điểm c của Khoản 4 quy định: "Bồi thường theo quy định của pháp luật đối với trường hợp gây thiệt hại đến việc sử dụng đất của người sử dụng đất trên bề mặt của công trình ngầm”. Ngược lại, nếu người sử dụng trên bề mặt của công trình ngầm làm hư hỏng, thiệt hại công trình ngầm có phải bồi thường không; và nếu có thì quy định ở điều khoản nào cũng không rõ? Tất cả chờ Chính phủ quy định liệu có hợp lý không?
Chưa hết, về khái niệm về thửa đất trong Luật Đất đai, Khoản 42 Điều 3 ghi: "Thửa đất là phần diện tích đất được giới hạn bởi ranh giới mô tả trên hồ sơ địa chính hoặc được xác định trên thực địa”. Theo định nghĩa này mới chỉ xác lập thửa đất trên mặt đất là chưa đầy đủ (theo không gian 2 chiều - diện tích) mà cần hiểu thêm nữa là, thửa đất phải theo không gian 3 chiều (kể cả dưới mặt đất), có nghĩa là phải có chiều sâu, ở đây chiều sâu bao nhiêu lại chưa có quy định?
Các bạn thấy không, tầng vĩ mô còn lúng túng như thế thì tầng vi mô lúng túng là lẽ đương nhiên thôi!
♦ Với những gì đang hiện hữu tại các đô thị Việt Nam, có thể hình dung thế nào về mối quan hệ giữa không gian ngầm và không gian trên mặt đất, thậm chí trên cao, thưa ông?
- Đây là điều hết sức quan trọng để xây dựng và phát triển đô thị theo đúng hướng, bảo đảm phát triển bền vững. Trước mắt, Nhà nước nên sớm có quy hoạch không gian ngầm, với chính sách ưu đãi đi kèm quy định các cao ốc mới quan trọng trong khu trung tâm phải kết nối với không gian ngầm đô thị.
Với không gian trên mặt đất, quản lý đã rất khó khăn và chúng ta cũng đã mắc không ít sai lầm trong việc định hướng phát triển đô thị, việc sửa chữa những sai lầm có thể thực hiện thông qua điều chỉnh, cấp phép, cải tạo, chỉnh trang. Nhưng không gian dưới mặt đất nếu chúng ta mắc sai lầm thì khó có cơ hội để sửa chữa. Vì vậy, công tác quy hoạch đô thị đóng vai trò rất quan trọng. Khi đã tận dụng được không gian ngầm, phải có sự kết nối giữa chúng với nhau và kết nối chúng với không gian trên mặt đất. Như vậy, cần phải có quy hoạch sử dụng không gian ngầm, mặt khác khi sử dụng không gian ngầm cần phải có kết nối với không gian trên mặt đất như: giao thông với giao thông, nhà ở với các công trình công cộng, đặc biệt là TOD của đô thị.
TOD tận dụng không gian trên mặt đất và không gian ngầm để phát triển đô thị, làm tăng mật độ nén cho đô thị, giải phóng các khu đất trong đô thị để làm các công việc khác, tạo được không gian công cộng, không gian cây xanh và mặt nước, làm tăng sự cải thiện môi trường.
TOD nằm ở đâu? Kết nối với đầu mối trên mặt đất và không gian ngầm như thế nào? Phạm vi và quy mô mở rộng của không gian tại TOD là bao nhiêu? Rõ ràng, ở đây cần có sự kết hợp giữa các quy hoạch với nhau. Đây cũng là một trong những nội dung chúng ta cần phải làm trước, từ đó sẽ góp phần sử dụng đất hiệu quả, tiết kiệm qua việc sử dụng không gian ngầm.
♦ Có phải là trong tư duy của nhiều cấp lãnh đạo về quản lý đô thị hầu như chưa dành chỗ chứa cho không gian ngầm?
- Có điều đó đấy! Chính quyền nhiều địa phương trong quá trình xét duyệt quy hoạch đô thị chưa đặt vấn đề phải có quy hoạch không gian ngầm được thực hiện song song với quy hoạch trên mặt đất, khi có sự việc xảy ra sẽ khó khăn, lúng túng trong giải quyết. Chính vì vậy, trong dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Bộ Xây dựng đang hoàn thiện để trình Quốc hội kỳ họp sắp tới, đã có đưa quy hoạch không gian ngầm là một nội dung bắt buộc trong quy hoạch đô thị và quy định các thành phố trực thuộc Trung ương phải lập riêng đồ án này. Thông qua quy hoạch, chúng ta sẽ giải được bài toán kết nối, phân bổ lại sử dụng đất, bố cục lại không gian trên mặt đất và quản lý hiệu quả hơn về phát triển đô thị.
Tôi cho rằng chỉ khi nào chính quyền đô thị các cấp thực sự quan tâm đến phát triển không gian ngầm thì mới có các giải pháp về quản lý không gian ngầm cũng như việc xây dựng công trình ngầm sẽ có thể giải quyết hoặc sẽ giúp cho việc cải thiện đáng kể những vấn đề mà quá trình phát triển đô thị đang gặp phải.
Hiện nay, nhiều quy định hiện hành từ Luật, Nghị định đến Thông tư hướng dẫn, chúng ta đã có, nhưng tổ chức triển khai chưa hiệu quả.
♦ Một trong những khó khăn hiện nay là cơ sở dữ liệu về công trình ngầm không có hoặc còn thiếu. Vấn đề ở đây là gì, thưa ông?
- Hiện nay cùng với tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều thành phố như là đại công trường xây dựng - nhiều công trình ngầm cũng đang được đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, việc đo đạc, lập bản đồ hiện trạng và quy hoạch không gian ngầm chưa theo kịp tốc độ phát triển. Nhiều thành phố vẫn chưa lập được bản đồ hiện trạng các công trình ngầm, do đó, việc quản lý xây dựng gặp nhiều khó khăn.
Công trình ngầm tại đô thị được chia làm 3 loại hình: Công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm, công trình giao thông ngầm và phần ngầm của các công trình xây dựng. Việc hạ ngầm các công trình như đường điện, hệ thống dây dẫn thông tin liên lạc được thực hiện thường xuyên từ nhiều năm nay. Việc xây dựng các công trình mới thường gặp nhiều khó khăn do không biết chính xác vị trí công trình ngầm. Do vậy, quá trình thi công thường xuyên xảy ra sự cố công trình ngầm.
Sự chậm trễ trong việc đo đạc, lập bản đồ hiện trạng công trình ngầm có nhiều nguyên nhân: Mỗi công trình (cáp điện, nước, chiếu sáng, thông tin…) lại được quản lý bởi các cơ quan khác nhau, việc đo đạc lập bản đồ hiện trạng công trình ngầm cần nguồn kinh phí lớn và chưa có hướng dẫn, quy định cụ thể. Hiện nay, các quy định về cơ chế thực hiện đo đạc, lập bản đồ hiện trạng và bản đồ quy hoạch không gian ngầm đều thiếu, các địa phương chưa có cơ sở để thực hiện. Để khắc phục tình trạng này cần có khung pháp lý về quản lý không gian ngầm và quy hoạch không gian ngầm đồng bộ.
Ngoài cơ sở dữ liệu cho công trình ngầm, lập bản đồ hiện trạng công trình ngầm, nhưng còn một bước quan trọng đó là chuẩn hóa dữ liệu về công trình ngầm.
Từ trước đến nay chúng ta chỉ nói về hệ thống công trình theo không gian 2 chiều thì hiện nay phải chuẩn hóa dữ liệu bằng không gian 3 chiều. Tức là mối quan hệ của cơ sở dữ liệu của một vật thể phải được thể hiện ở 3 chiều (chiều rộng, chiều sâu, chiều ngang). Nếu chỉ có 2 chiều thì sẽ không tính hết được không gian chứa của nó.
Hiện nay, vấn đề khó nhất đó là mỗi một lĩnh vực có một dữ liệu khác nhau, đặc biệt là hạ tầng kỹ thuật, cấp nước, thoát nước, Hiện chưa có bản đồ hiện trạng về hệ thống đường dây, đường ống ngầm… Nếu chuẩn hóa được dữ liệu đường dây, đường ống và có được bản đồ hiện trạng sẽ giúp chúng ta dễ dàng xác định được cơ sở dữ liệu… để khi tổ chức thi công thì sẽ không bị vướng phải công trình ngầm. Bởi nếu vướng phải công trình ngầm sẽ mất thời gian để di chuyển công trình đến nơi khác thì mới làm được.
Như vậy, việc xây dựng cơ sở dữ liệu rất quan trọng. Tiếc rằng, mỗi lĩnh vực có một cơ sở dữ liệu khác nhau và hiện chưa có một cơ quan nào phối hợp để có thể lập được một bản đồ hiện trạng công trình ngầm. Bởi, để xây dựng được một bản đồ hiện trạng công trình ngầm sẽ rất tốn kém. Mặt khác, cơ chế chính sách của Việt Nam về vấn đề này vẫn chưa có.
♦ Còn về khả năng thực hiện xây dựng các công trình ngầm của chúng ta hiện nay?
- Phải nhìn nhận một cách công bằng rằng, khi điều kiện kinh tế phát triển đến mức độ cho phép, khi đô thị phát triển đến một yêu cầu cần thiết thì khi đó mới có thể thực hiện được các mong muốn trong phát triển, mà cụ thể ở đây là phát triển các công trình ngầm đô thị.
Hầm Thủ Thiêm qua sông Sài Gòn.
Cho đến nay, đô thị Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển công trình ngầm. Trong thực tế, tại một số đô thị ở Việt Nam đã có có những công trình ngầm hàng trăm năm nay như các công trình cấp, thoát nước, điện, thông tin, hào, tuy nen… Tiếp nối, những năm gần đây xuất hiện các công trình giao thông ngầm (hầm cho người đi bộ, cho ôtô, đường tàu điện ngầm, ga tàu điện ngầm…). Chính vì vậy, với tốc độ đô thị hóa gần 50% thì cơ hội còn rất lớn. Điều quan trọng là, chính quyền các cấp, đặc biệt là cấp Trung ương cần quan tâm đến quy hoạch không gian ngầm, dành nguồn lực thích đáng, quản lý đúng hướng để phát triển và phát huy lợi thế như đã nói.
Công nghệ khoan công trình ngầm hiện đại được sử dụng tại Hà Nội và TP.HCM.
Trên thế giới đã có rất nhiều bài học về xây dựng công trình ngầm, cũng như đã có nhiều công nghệ mới ở lĩnh vực này. Việt Nam cũng đã có kinh nghiệm trong việc xây dựng công trình ngầm. Ví dụ như chúng ta đã hoàn thành xây dựng tuyến tàu điện ngầm đầu tiên tại TP.HCM, ga tàu điện ngầm… sử dụng máy khoan đào dưới lòng đất.
Ở góc độ hạ tầng kỹ thuật, công trình ngầm về thoát nước thì Việt Nam cũng đang làm chủ được công nghệ này. Ví dụ, TP.HCM đã có tuyến đường truyền tải về thoát nước qua sông Sài Gòn… sử dụng công nghệ khoan kích ống ngầm từ những năm 2012 - 2013.
Hay ở Hà Nội, cũng đã có tuyến cống ngầm của nhà máy xử lý nước Yên Xá, đã xây dựng được tuyến cống ngầm với đường kính khoảng 2 m, dự kiến tháng 6 này sẽ nghiệm thu và đưa đường ống vào sử dụng.
Có thể thấy, hiện nay công nghệ về khoan kích ống ngầm của Việt Nam đã đáp ứng được yêu cầu rất nhanh, chỉ đang khó khăn về nguồn vốn đầu tư.
Bây giờ, khó khăn nhất là quy hoạch không gian ngầm, lực lượng tư vấn chưa được đào tạo về quy hoạch không gian ngầm. Do đó, về nguồn nhân lực và công tác đào tạo để có thể triển khai được trong lĩnh vực không gian ngầm một cách bài bản ở Việt Nam thì cần phải có thời gian nhất định.
Tiếp nữa là cần luật hóa các nội dung liên quan đến công trình ngầm. Do chưa được luật hóa nên nhiều quy định về quản lý dưới luật không thực hiện được. Nếu được luật hóa thì các điều khoản trong luật sẽ quy định bắt buộc nhiều hơn. Hy vọng, sau Luật Cấp thoát nước hoàn thiện vào năm 2025, Chính phủ sẽ thực hiện xây dựng Luật Quản lý không gian ngầm. Đây cũng là một trong những nội dung của Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị liên quan đến quản lý xây dựng và phát triển đô thị.
♦ Những rủi ro trong phát triển không gian ngầm thường là rất lớn. Vậy chúng ta cần phải phòng ngừa điều này như thế nào?
- Nếu quy hoạch không chuẩn, chúng ta có thể sẽ gặp những rủi ro thậm chí không thể bù đắp. Các công trình xây dựng dưới mặt đất sẽ không thể phá đi làm lại; an toàn trong quá trình thi công xây dựng nếu không đảm bảo sẽ khiến mức độ rủi ro lớn hơn đến từ các công trình trên mặt đất. Chính vì thế trong quá trình sử dụng cũng phải tính đến các yếu tố rủi ro này.
Tuy nhiên, hiện nay công nghệ xây dựng mới cũng đã hạn chế được tai nạn, sự cố sụt lún, sập hầm… trong quá trình thi công.
Tiếp đó, khi đi vào vận hành, sử dụng, cần có sự diễn tập phòng và ứng phó với các sự cố. Bên cạnh đó, công tác kỹ thuật liên quan đến thông hơi, thông gió, PCCC, đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ… khi đưa các công trình ngầm vào sử dụng cần được chú trọng thường xuyên và tuân thủ nghiêm ngặt.
Việt Nam chưa có nhiều công trình ngầm lớn, mang tính phục vụ quảng đại quần chúng, nên trong quản lý, vận hành còn nhiều lúng túng.
Thách thức lớn nhất hiện nay của Việt Nam là chưa có các công trình ngầm lớn, mang tính phục vụ quảng đại quần chúng đi vào hoạt động nên những bài học rút ra chưa có. Chỉ khi đi vào quá trình vận hành trong thực tế mới có thể rút ra được những kinh nghiệm, mới biết rủi ro sẽ xảy ra như thế nào để từ đó công tác quản lý tốt hơn, hiệu quả hơn.
♦ Trân trọng cảm ơn PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến về cuộc trò chuyện thú vị này!
Thu Thuỷ/ Tạp chí Xây dựng