Vậy làm thế nào để tái sinh các bãi rác này thành các công trình hữu ích khác, quả là một bài toán rất nan giải và đối mặt với thách thức?
Trước tiên phải nói ngay để tránh hiểu lầm, các bãi rác đề cập này không phải là các bãi rác hình thành tự phát rồi được cải tạo thành công viên, vườn rau, mà đây là những bãi chôn lấp rác quy mô rộng hàng chục ha do Nhà nước quản lý, có thời gian sử dụng hàng chục năm.
Ở TP.HCM có 6 bãi chôn lấp rác như thế, trong đó có 3 bãi chôn lấp đã ngưng tiếp nhận rác với tổng diện tích khoảng 118ha, gồm Đông Thạnh (huyện Hóc Môn), Gò Cát (quận Bình Tân) và Phước Hiệp (Củ Chi). Các bãi chôn lấp rác này đang là nơi chứa hơn 25 triệu tấn rác.
Chúng ta xem xét đến một bãi rác Gò Cát đang được sự quan tâm của xã hội. Với diện tích 25 ha nằm ở quận Bình Tân, TP.HCM, năm 2007 bãi rác này ngưng tiếp nhận, vì nó đã quá tải với khối lượng rác chôn xuống là 5,36 triệu tấn và đất trộn kèm theo là 1,38 triệu tấn.
Sau vài chục năm chôn lấp tạo nên một quả đồi, phần nổi trên mặt đất là 16m và 7m phần chìm. Năm 2019, UBND TP.HCM chủ trương kêu gọi đầu tư khai thác bãi rác này sao cho hiệu quả. Ngay sau đó có nhiều nhà đầu tư trình các dự án biến bãi rác thành chung cư cao tầng, cao ốc văn phòng cho thuê, trung tâm thương mại… nhưng tất cả đều đối mặt với thách thức là làm sao có được mặt bằng sạch.
Các nghĩa địa như Bình Hưng Hòa, nghĩa trang Đô Thành có ô nhiễm đất, nhưng việc nạo vét sâu xuống 2 m đất là điều không khó, còn dọn sạch 7 triệu tấn rác đi nơi khác là rất khó, chưa kể nước rỉ rác ngấm sâu xuống đất.
Trong bối cảnh đó có một đề án biến bãi rác thành công viên được đệ trình. Ý tưởng biến bãi rác thành công viên của Công ty tư vấn Landscape do TS.KTS Vũ Việt Anh (Trường ĐH kiến trúc TP.HCM) làm chủ nhiệm, được coi là một đề xuất có ý nghĩa trong chương trình "tái sinh đô thị” và trong bối cảnh TP.HCM thiếu công viên, cây xanh.
Công viên Pa Nai Krung, Bangkok được cải tạo từ một bãi rác rộng lớn.
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng, diện tích cây xanh tính trên đầu người của các đô thị Việt Nam rất thấp, chẳng hạn Hà Nội 2,06 m2/người, Đà Nẵng 2,4 m2/người, Hải Phòng 3,41 m2/người, TP Huế 12,9 m2/người, TP Vinh 10,5 m2/người, TP Vũng Tàu 10 m2/người, TP Nam Định 5,39 m2/người và TP.HCM đứng cuối bảng chỉ có 0,55 m2/người. Nhìn ra bên ngoài mới thấy khoảng cách về cây xanh của các TP trên thế giới so với các TP của ta quá xa, chẳng hạn như Singapore có diện tích cây xanh tính trên đầu người là 39 m2, cùng với Seoul là 41 m2/người, Berlin (Đức) 50 m2/người, Moscow (Nga) 44 m2/người, Paris (Pháp) 25 m2/người…
Nhận thấy thực trạng đáng buồn này, UBND TP ban hành kế hoạch 2021 - 2025, đầu tư xây dựng mới 10ha công viên công cộng và 2ha mảng xanh công cộng, trồng mới và cải tạo 6.000 cây xanh hướng đến mục tiêu nâng diện tích cây xanh lên 3 - 4m2/người.
Nhưng do quỹ đất nội thành gần như cạn kiệt, cộng thêm khó khăn về kinh tế nên hầu như mảng xanh không tăng lên được chút nào, chưa kể việc mất cây xanh đang tiếp tục diễn ra. Chẳng hạn để làm nút giao An Phú, TP Thủ Đức phải di dời, chặt bỏ hơn 1.300 cây xanh hơn 20 năm tuổi, hay dự án làm đường phục vụ sân bay Tân Sơn Nhất cũng phải chặt bỏ hơn 100 cây xanh nhiều năm tuổi ở công viên Hoàng Văn Thụ… Vì vậy kế hoạch biến bãi rác thành công viên rất đáng được ủng hộ.
Nhưng để có được công viên này, nhóm tác giả không tính đến giải pháp múc hết 6,5 triệu tấn chất thải di chuyển đi nơi khác để có mặt bằng sạch, cũng không chờ 20-30 năm nữa nó phân hủy hoàn toàn, mà sử dụng giải pháp sinh thái là nhốt lõi rác này bên trong rồi trồng phủ cây xanh (loại cây có khả năng khử độc), phủ thảm cỏ lên trên, cùng với nó là xử lý nước rỉ rác, khí thoát ra bên ngoài bằng giải pháp bấc thấm, đồng thời sử dụng các hóa chất khử độc tố, sử dụng các thiết bị kỹ thuật hiện đại để hút nhanh rỉ rác, lấy khí độc ra. Thêm vào đó là nạo vét lớp đất bề mặt, thay vào đó là đất sạch để đảm bảo an toàn cho người sử dụng.
Đây có thể coi là một giải pháp táo bạo, tiết kiệm và có thể đưa vào sử dụng nhanh. Nhóm tác giả đã mong muốn cải tạo bãi rác này thành một công viên lý tưởng với 4 lớp từ dưới lên trên đỉnh, và chia ra làm nhiều phân khu chức năng khác nhau như trung tâm sáng tạo nghệ thuật, không gian triển lãm ngoài trời, khu công viên thiếu nhi, sân vui chơi đa năng, khu thể thao, đường dạo, vườn hoa, khu ăn uống ngoài trời… có thể nói đây là một ý tưởng rất lãng mạn và đẹp.
Thật ra giải pháp này không mới, các nước châu Á như Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia, Philippines đã thực hiện thành công. Chẳng hạn năm 1992, chính quyền TP Seoul đã chuyển đổi một khu chôn lấp rác thải rất rộng lớn thành công viên nổi tiếng mang tên là "Dream Park" (công viên mơ ước). Năm 2012 chính quyền Bangkok và người dân địa phương cải tạo một bãi rác lớn ngay giữa trung tâm TP thành công viên có tên là Pa Nai Krung, tức "rừng xanh giữa lòng TP”.
Với chúng ta, cái khó nhất của dự án chuyển đổi này lại chính là nhận thức của những người có thẩm quyền. Bãi rác Gò Cát nằm trong nội thành và sát kênh Tham Lương đang được nạo vét, cho nên được coi là đất vàng và là điểm nhắm của nhiều doanh nghiệp lớn.
Nếu chỉ xem xét dưới nhãn quan thuần túy kinh tế, việc chuyển đổi 25 ha đất vàng thành công viên cây xanh được coi là phí phạm và điên rồ, vì trong tình cảnh TP.HCM không còn quỹ đất lớn trong khu vực 14 quận nội thành. Chỉ cần có giấy phép xây dựng thì rất nhanh, sau vài năm nơi đây sẽ mọc lên một khu đô thị hiện đại, nhà đầu tư có hàng trăm căn hộ để bán, chính quyền thu được thuế, phí. Nhưng như thế TP mãi mãi thiếu công viên cây xanh.
Do vậy, TP cần có chủ trương rõ ràng cho các dự án biến 118ha của 3 bãi rác thành công viên cây xanh, rừng tự nhiên mang tính bền vững hơn, lâu dài hơn, bởi lợi ích vô hình nhiều hơn lợi ích hữu hình.
Việc tái sinh các bãi rác thành công viên không chỉ đảm bảo gia tăng diện tích cây xanh trên đầu người theo quy chuẩn của Bộ xây dựng, cho TP loại 1 và đặc biệt là 7 m2/người, đảm bảo thực hiện thành công chương trình 1 triệu cây xanh của Chính phủ giao. Trong đó có TP.HCM là 236.000 cây, mà còn hướng đến các mục tiêu kinh tế và văn hóa xã hội khác như thu hút khách du lịch, giảm khói bụi (đặc biệt là bụi mịn), giảm các loại bệnh tật về hô hấp, gia tăng không gian cho một TP đang trên đường già hóa nhanh.
TS Nguyễn Minh Hòa
Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn
Nguồn: Báo SGGP