Cần có khung hướng dẫn xây dựng đô thị tăng trưởng xanh, phát thải thấp

  • Cập nhật: Thứ sáu, 10/5/2024 | 8:13:35 AM

Đô thị là nguyên nhân của BĐKH, đồng thời cũng là khu vực chịu ảnh hưởng mạnh của BĐKH. Do đó, cần có một khung hướng dẫn xây dựng đô thị tăng trưởng xanh, phát thải thấp, góp phần giảm nhẹ, thích ứng với BĐKH…

Tìm cách thức phát triển đô thị xanh

Biến đổi khí hậu (BĐKH) là một thách thức nghiêm trọng mang tính toàn cầu và Việt Nam là một trong những nước đang phát triển bị ảnh hưởng nặng nề bởi BĐKH. Do đó, việc nỗ lực thực hiện các cam kết tại Hội nghị COP26 đưa lượng phát thải ròng về mức "0” vào năm 2050 sẽ mang lại lợi ích to lớn và lâu dài cho Việt Nam.


Ông Trần Hữu Hà - Giám đốc Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị (AMC) phát biểu tại Hội thảo Khung hướng dẫn xây dựng đô thị tăng trưởng xanh, phát thải thấp hướng tới trung hòa carbon.

Theo ông Trần Hữu Hà - Giám đốc Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị (AMC), các đô thị là nguồn phát thải khí nhà kính (KNK) đặc biệt lớn. Khoảng 50% dân số trên thế giới hiện nay đang sống tại đô thị và sẽ tăng lên tới 70% vào năm 2050 theo dự báo của Liên Hợp Quốc (UN).

Đô thị cũng là khu vực tiêu thụ tới 80% năng lượng của toàn cầu. Theo nghiên cứu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), khu vực đô thị đóng góp tới 67% năng lượng có liên quan tới phát thải KNK và có khả năng tăng lên 74% vào năm 2030.

Cùng với việc dân số đô thị sẽ tăng lên gấp đôi vào năm 2030, tương ứng với khu vực phát triển đô thị mới cùng hệ thống hạ tầng sẽ tăng lên gấp ba. Do đó, nhu cầu về năng lượng và chi phí cho xây dựng và phát triển đô thị sẽ tăng lên đáng kể. Đô thị trở thành nguyên nhân của BĐKH, đồng thời cũng là khu vực chịu ảnh hưởng mạnh của BĐKH do đô thị là nơi tập trung dân cư, các hoạt động phát triển và công trình hạ tầng.

Ông Trần Hữu Hà cho biết, với mục tiêu cùng nỗ lực đồng hành với các đô thị hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển đô thị bền vững, trong những năm gần đây, AMC và FES đã phối hợp triển khai một số hoạt động như nghiên cứu, đào tạo tập huấn về một số nội dung đề cập ở trên.

Đáng chú ý trong năm 2023, AMC và FES đã phối hợp xây dựng dự thảo "Khung hướng dẫn xây dựng đô thị tăng trưởng xanh, phát thải thấp hướng tới trung hòa carbon”, sẽ được hoàn thiện trong năm 2024 và là tiền đề để AMC và FES tiếp tục cộng tác, nhằm thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26.


Bà Franziska Schmidtke - Giám đốc Dự án Khí hậu và Năng lượng tại Châu Á, FES Việt Nam chia sẻ tại Hội thảo.

Bà Franziska Schmidtke - Giám đốc Dự án Khí hậu và Năng lượng tại châu Á (FES Việt Nam) cho rằng, sự hợp tác của FES với AMC là sự hợp tác mang tính cộng đồng quốc tế, giúp Việt Nam có thể tìm ra cách thức phát triển đô thị xanh, những mẫu hình về đô thị xanh nhằm đạt được mục tiêu phát thải dòng bằng 0 vào năm 2050 như Chính phủ Việt Nam đã cam kết.

Theo bà Franziska Schmidtke, trên toàn cầu, các đô thị chịu trách nhiệm 75% tiêu thụ năng lượng, tương ứng với lượng phát thải KNK, các đô thị cũng chịu áp lực để có thể ứng phó với BĐKH, bao gồm cả việc mực nước biển dâng cao và những hiện tượng thời tiết cực đoan.

Chủ động triển khai Khung hướng dẫn phù hợp với điều kiện đặc thù

Nêu khái quát những cam kết của Việt Nam tại COP26 và COP28, ông Trần Hà Ninh - đại diện Cục BĐKH, Bộ TN&MT cho biết, Chính phủ Việt Nam thể hiện những nỗ lực triển khai cam kết qua hệ thống VBQPPL và các văn bản chỉ đạo, điều hành trong: Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải KNK và bảo vệ tầng ozon; Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg về danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải KNK phải thực hiện kiểm kê KNK; Chiến lược quốc gia về BĐKH phê duyệt theo Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 26/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ; Kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê tan đến năm 2030…

PGS.TS.KTS Nguyễn Vũ Phương - Phó Giám đốc Học viện AMC cho rằng, các đô thị cần đưa ra các biện pháp quyết liệt như tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, xây dựng các công trình chống lũ và nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường qua việc áp dụng những bài học và khuyến nghị phù hợp.

Theo dự thảo "Khung hướng dẫn xây dựng đô thị tăng trưởng xanh, phát thải thấp hướng tới trung hòa carbon”, có 5 bước hướng dẫn phát triển đô thị xanh, ít phát thải. Trong đó, đầu tiên là xác định mục tiêu, tầm nhìn và phạm vi; tiếp đến là xác định các nhiệm vụ cần thực hiện; đưa ra các biện pháp và giải pháp; thu hút và phân bổ các nguồn lực; và cuối cùng là phân công trách nhiệm và lộ trình thực hiện.

Góp ý cho dự thảo Khung hướng dẫn, một số địa phương mong muốn nội dung Khung hướng dẫn chi tiết và cụ thể hơn cho từng địa phương để dễ áp dụng.

Tuy nhiên, PGS.TS.KTS Nguyễn Vũ Phương cho rằng, thực tế mỗi đô thị đều có tính đặc thù riêng (đô thị nhỏ, đô thị lớn, đô thị vùng núi, đô thị đồng bằng, đô thị ven biển…). Khung hướng dẫn cũng không thể tham vọng đưa ra hướng dẫn chi tiết cho từng địa phương. Do đó, cần có sự chủ động triển khai Khung hướng dẫn dựa trên nguyên tắc tôn trọng sự phát triển phù hợp với điều kiện, đặc thù của mỗi địa phương.

PGS.TS.KTS Nguyễn Vũ Phương mong muốn, trong thời gian tới, trên cơ sở nền tảng Khung hướng dẫn, FES cũng như các tổ chức quốc tế khác sẽ phối hợp với Việt Nam tiếp tục làm rõ các Khung chương trình cho từng trường hợp đặc thù; hoặc có thể xây dựng thí điểm một số đề án cho từng địa phương cụ thể.

Ngoài ra, AMC sẽ trao đổi với các tổ chức FES để xây dựng đề án phù hợp, toàn diện và hiệu quả cho các địa phương. Thay vì các chương trình đô thị khác nhau, có thể tổng hòa các nội dung để thể lồng ghép được nhiều lĩnh vực khác nhau, tiếp cận với các đô thị thông minh. Đây là việc cần làm trong thời gian tới và sẽ có nhiều chương trình bổ ích, hiệu quả cho các địa phương.

Theo Thu Thảo/Tạp chí Xây dựng

Tags khung hướng dẫn xây dựng đô thị đô thị tăng trưởng xanh tăng trưởng xanh phát thải thấp

Các tin khác

Việc giảm thiểu rủi ro thiên tai đang được thế giới và các quốc gia quan tâm hàng đầu. Các mô hình giảm thiểu rủi ro thiên tai đã và đang được các quốc gia áp dụng một cách mạnh mẽ trong mọi lĩnh vực phát triển, đặc biệt là trong lĩnh vực quy hoạch đô thị.

Chiều 17/9, TP Hạ Long (Quảng Ninh) tổ chức hội nghị tổng kết Chiến dịch 7 ngày đêm khắc phục hậu quả bão số 3.

Đô thị hóa và sự gia tăng dân số đô thị khiến con người ngày càng mất dần mối liên hệ với thiên nhiên.

Chủ tịch TP Đà Nẵng yêu cầu các sở, ngành, UBND quận, huyện thường xuyên theo dõi tình hình mưa, bão để chủ động trong mọi tình huống; có kế hoạch, phương án xử lý thoát nước, chống ngập úng hiệu quả tránh tình trạng bị động gây thiệt hại về người và của.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục