Tập trung phát triển đô thị theo chiều sâu và nâng cao chất lượng môi trường sống
Quyết định số 179/QĐ-TTg, do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký ban hành ngày 16/02/2024 phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Xây dựng đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 nêu rõ, đối với lĩnh vực phát triển đô thị, thực hiện đồng bộ các chính sách giải nén, giảm tải cho các đô thị lớn, đưa người dân ra các đô thị xung quanh đã hình thành đầy đủ các thiết chế văn hóa, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
Đồng thời tập trung thúc đẩy hệ thống hạ tầng cơ sở, dịch vụ tại các đô thị vệ tinh, mô hình thành phố trực thuộc thành phố, đảm bảo các đô thị giữ vai trò trung tâm phát triển kinh tế - xã hội, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của địa phương, từng vùng và cả nước.
Quyết định cũng nêu rõ, ưu tiên phát triển các đô thị nhỏ (loại V) và vùng ven đô để hỗ trợ phát triển nông thôn thông qua các mối liên kết đô thị - nông thôn.
Kiểm soát phát triển đô thị mật độ thấp tại các đô thị loại II trở lên, tập trung phát triển đô thị theo chiều sâu và nâng cao chất lượng môi trường sống của người dân.
Các chung cư trên đường Nguyễn Hữu Thọ (TP.HCM). Ảnh: Internet
Bên cạnh đó, đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật cấp vùng, liên vùng; hoàn thiện khung pháp lý cho quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị; thực hiện đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm tại các đô thị lớn, tập trung cho các lĩnh vực giao thông đô thị, cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải đô thị.
Đồng thời đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng, cải tạo nhà ở phù hợp với quy hoạch đô thị và quy chế quản lý kiến trúc đô thị.
Quản lý, giám sát chặt chẽ việc phát triển nhà ở cao tầng tại trung tâm các đô thị lớn.
Phát triển khu vực đô thị mở rộng, đô thị vệ tinh để giãn dân
Theo các nhà chuyên môn, đô thị hóa song hành với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam đang từng ngày làm đổi thay diện mạo đất nước, mang đến những công năng đô thị đa dạng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của cuộc sống hiện đại.
Nhưng ở một bình diện khác, làn sóng đô thị hóa trên diện rộng, trong đó tình trạng tự phát diễn ra ở nhiều nơi cũng làm nảy sinh nhiều bất cập và để lại những hậu quả nặng nề về mặt xã hội, quy hoạch, kiến trúc, sản xuất, hệ sinh thái..., gây nên nhiều áp lực đối với sự phát triển của đất nước, nhất là tại các đô thị lớn.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này xuất phát từ việc các dự án nhà ở mọc lên ồ ạt, phá vỡ quy hoạch, tăng quy mô dân số vượt quá khả năng đáp ứng của hạ tầng cơ sở.
Một phần Khu tập thể Kim Liên sau khi cải tạo, thêm nhiều khu nhà cao tầng mọc lên. Ảnh: Tuấn Đông.
Để giải quyết bài toán quá tải hạ tầng cơ sở của các đô thị lớn hiện nay, theo TS.KTS Ngô Trung Hải - Tổng thư ký Hiệp hội các đô thị Việt Nam, về tổng thể phải xem xét cả 2 yếu tố, mật độ xây dựng và mật độ cư trú, nhưng những năm qua mật độ cư trú lại ít được nhắc đến.
"Mật độ cư trú rất quan trọng trong bài toán hạ tầng. Nếu cứ chồng cao tầng thì đương nhiên hệ số sàn tăng lên rất nhiều”, ông Ngô Trung Hải nêu quan điểm.
Trong khi đó, theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, muốn giảm tải cho đô thị thì phải giải quyết đồng bộ từ việc kiểm soát gia tăng dân số cơ học, phương tiện giao thông cá nhân đến phát triển giao thông công cộng, nâng cấp hệ thống đo đạc, cảnh báo về ô nhiễm môi trường…
Về giải pháp quy hoạch, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, giải nén, giảm tải cho đô thị trung tâm, đưa người dân ra các đô thị xung quanh là nhiệm vụ quan trọng.
Tuy nhiên, việc thực hiện cần đồng bộ về chính sách hạn chế di dân vào trung tâm, đồng thời tập trung đầu tư phát triển khu vực đô thị mở rộng, đô thị vệ tinh để giãn dân.
---------------------------
Quyết định số 179/QĐ-TTg đặt mục tiêu chung đến năm 2030 đẩy nhanh tốc độ, nâng cao chất lượng đô thị hóa và kinh tế đô thị; phát triển mạnh các đô thị vệ tinh của một số đô thị lớn, nhất là Hà Nội và TP.HCM.
Cơ bản hoàn thành hệ thống thể chế, cơ chế, chính sách, công cụ quản lý; xây dựng mô hình chính quyền đô thị gắn với quản trị đô thị hiệu quả; từng bước nâng cao chất lượng phát triển đô thị.
Đồng thời, đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch xây dựng; xây dựng nền kiến trúc hiện đại, bền vững, giàu bản sắc, đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển văn hóa; từng bước phát triển không gian ngầm tại các đô thị lớn.
Phát triển đô thị có tầm nhìn dài hạn; hình thành một số chuỗi đô thị thông minh tại các khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung; gắn kết phát triển đô thị và nông thôn.
Theo Tuấn Đông/Tạp chí Xây dựng