Theo Sở Xây dựng TP.HCM, nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ 11, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra chỉ tiêu cây xanh hướng tới năm 2030 không dưới 1m2/người. Để đạt được chỉ tiêu này, thành phố phải tăng thêm tối thiểu 450 ha đất công viên.
Vì vậy, thành phố cần sớm bố trí vốn để thực hiện 50 dự án công viên công cộng giai đoạn 2020 - 2025 với kinh phí 7.421 tỷ đồng.
Trước mắt, Sở Xây dựng TP.HCM đề xuất xây dựng thêm 6 công viên có quy mô lớn từ nguồn đất công hoặc đất trống.
Các khu đất được đề xuất làm công viên có nơi đang để hoang, có nơi đã được cải tạo, có nơi tận dụng trồng hoa phục vụ Tết Nguyên đán 2024.
Cụ thể, Công viên Sài Gòn Safari rộng 485 ha, tọa lạc tại 2 xã An Nhơn Tây và Phú Mỹ Hưng (huyện Củ Chi), cách trung tâm khoảng 40 km. Dự án Sài Gòn Safari được cấp phép từ năm 2004 nhưng đến nay vẫn "treo", đất đai bị hoang hóa. Hiện một số khu vực của công viên đang được tận dụng trồng hoa Tết.
Người dân TP.HCM chụp ảnh tại vườn hoa hướng dương ở công viên ven sông thuộc TP Thủ Đức. Ảnh: Nguyễn Huế
Khu lâm viên sinh thái TP Thủ Đức quy mô 128 ha được quy hoạch có chức năng chính là khu vực dành cho mục đích bảo vệ môi trường và thoát nước mặt, được giữ gìn hệ sinh thái tự nhiên... Đây là 1 trong 6 khu đất được đề xuất làm công viên cây xanh. Hiện trạng khu vực này như một khu rừng rậm, dày đặc các loại thực vật phát triển tự nhiên
Công viên quảng trường Thủ Thiêm ở TP Thủ Đức rộng 20 ha, đã được cải tạo và đi vào hoạt động vào cuối tháng 12/2023. Công viên có hơn 200 cây xanh, thảm cỏ, tiểu cảnh, đường dạo, ghế ngồi, hệ thống chiếu sáng công viên. Những ngày qua, khu vực này thu hút đông đảo người dân đến vui chơi, chụp ảnh bởi cánh đồng hoa hướng dương xinh đẹp rực rỡ
Công viên Gò Cát (quận Bình Tân) rộng 13 ha, vốn dĩ là một bãi chôn lấp rác thuộc Công ty môi trường đô thị TP.HCM. Bãi rác này đã đóng cửa, ngưng hoạt động từ năm 2007 và hiện đang bỏ hoang
Công viên cây xanh thuộc khu công viên cây xanh - thể dục thể thao (phường 12, quận Bình Thạnh) rộng 3,8 ha hiện là bãi đất trống, tuyến đường dân sinh đã thành hình.
Cuối cùng là công viên cây xanh Thạnh Xuân ở quận 12 rộng 150 ha.
Để triển khai thực hiện các dự án nói trên, Sở Xây dựng kiến nghị UBND TP giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì, phối hợp với các địa phương rà soát điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng của các dự án nêu trên.
Giao Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát về nguồn gốc, thời hạn sử dụng, cho thuê của các khu đất này để tham mưu UBND TP các thủ tục thu hồi đất theo quy định.
Nguồn: Báo SGGP