Sau 26 năm kể từ khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương (1997-2023), Đà Nẵng đã có bước chuyển mình vượt bậc về kinh tế lẫn xã hội. Cùng với việc xây dựng, phát triển mở rộng không gian đô thị, chăm lo đời sống người dân, lãnh đạo Đà Nẵng cũng thực hiện rất nhiều giải pháp, kế sách nhằm xây dựng thành phố môi trường và đã gặt hái được nhiều kết quả tích cực, góp phần đưa Đà Nẵng trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Đặc biệt, trong phát triển đô thị nói chung, công tác bảo vệ môi trường và xây dựng mục tiêu thành phố Môi trường nói riêng, Đà Nẵng liên tiếp đạt được nhiều giải thưởng, danh hiệu nổi bật cả trong nước và quốc tế. Đây là thành quả xứng đáng mà Đà Nẵng đạt được bằng những nỗ lực không ngừng nghỉ trong suốt hơn 15 năm xây dựng Đề án "Thành phố môi trường”. Đồng thời cũng là sự khẳng định thành phố sông Hàn đang đi đúng hướng trên lộ trình trở thành thành phố môi trường, hướng đến đô thị sinh thái.
Nhân dịp đầu năm mới 2024, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Lê Trung Chinh - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng về kết quả xây dựng thành phố môi trường và giải pháp trọng tâm trong thời gian tới.
PV:Thưa ông, sau hơn15 năm triển khai Đề án "Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” đến nay đã đạt được những kết quả quan trọng nào?
Ông Lê Trung Chinh: Xác định công tác bảo vệ môi trường là nhiệm vụ trọng tâm của các quyết sách, phát triển hài hòa với thiên nhiên, tôn trọng quy luật tự nhiên, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế, từ năm 2008, UBND thành phố đã ban hành Đề án "Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” giai đoạn 2008-2020 tại Quyết định số 41/2008/QĐ-UBND và tiếp tục triển khai Đề án giai đoạn 2021-2030 tại Quyết định số 1099/QĐ-UBND ngày 2/4/2021 với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, đáp ứng các chỉ tiêu của giai đoạn và có lộ trình đến năm 2030 theo hướng đô thị sinh thái; tạo sự an toàn về sức khỏe và môi trường cho người dân, các nhà đầu tư, du khách trong và ngoài nước khi đến với Đà Nẵng.
Sau 15 năm xây dựng "Thành phố môi trường”, Đà Nẵng đã đạt được kết quả nổi bật như: Cấp nước đô thị đạt 100%; 100% nước thải tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp được thu gom, xử lý, thực hiện quan trắc tự động, liên tục; 89,3% nước thải đô thị được thu gom, xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường... Đặc biệt và rõ nét hơn cả là người dân thành phố đã tham gia tích cực thực hiện Đề án thông qua nhiều phong trào, giải pháp rất hiệu quả...
Ông Lê Trung Chinh - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng.
Với quá trình triển khai Đề án, Đà Nẵng rất vinh dự là 1 trong 5 địa phương được Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá, công nhận về công tác bảo vệ môi trường ở mức tốt năm 2020 và đứng đầu cả nước trong năm 2021; trong 2 năm (2021, 2023) đạt Giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam trong lĩnh vực "Thành phố môi trường thông minh Xanh - Sạch”.
Kết quả này đã thể hiện sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của các cấp lãnh đạo thành phố, sự chủ động từ các sở, ban, ngành, địa phương; sự hỗ trợ tích cực của các bộ, ngành Trung ương và nhất là sự chung tay của người dân, du khách và cộng đồng doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường. Đồng thời cũng là sự khẳng định Đà Nẵng đang đi đúng hướng trên lộ trình trở thành thành phố môi trường, hướng đến đô thị sinh thái.
PV: Đà Nẵng là thành phố đầu tiên trên cả nước xây dựng một hình mẫu về thành phố môi trường. Sau gần 15 năm thực hiện đề án, thành phố đã đạt những kết quả rất tích cực và được nhiều tổ chức trong nước, quốc tế đánh giá cao, ghi nhận qua nhiều giải thưởng. Trong thời gian qua, Đà Nẵng đã và đang làm gì để đạt được những thành tựu nổi bật về môi trường như ngày hôm nay, thưa ông?
Ông Lê Trung Chinh: Việc triển khai Đề án "Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” giai đoạn 2021-2030 nhằm đáp ứng với định hướng đô thị sinh thái theo Nghị quyết 43-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Ban Chấp hành Trung ương, thành phố đã đề ra mục tiêu, các tiêu chí hết sức rõ ràng, mang tính hệ thống, đảm bảo huy động các nguồn lực và lộ trình thực hiện.
Hằng năm, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án; trong giai đoạn 2021-2023, Đà Nẵng đã và đang tích cực triển khai thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ môi trường bằng các hành động hết sức cụ thể như: Tăng cường công tác kiểm soát ô nhiễm từ các nguồn thải, đầu tư cải thiện chất lượng môi trường; quản lý chất thải, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, giảm thiểu rác thải nhựa, bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu.... Đồng thời, thành phố cũng chủ động hợp tác, thu hút các nguồn lực đầu tư và hỗ trợ kỹ thuật nhằm tăng cường năng lực quản lý nhà nước của ngành, địa phương.
Về công tác tổ chức thực hiện, hơn 70 nhiệm vụ được triển khai Đề án trong năm 2023, tương ứng với 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện và các đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện và báo cáo kết quả. Ngoài nguồn ngân sách của thành phố, trong giai đoạn 2020-2024, thành phố đã huy động sự hỗ trợ kỹ thuật môi trường với các cơ quan hợp tác quốc tế và các đối tác như: Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Cơ quan Phát triển Quốc tế Đan Mạch (DANIDA), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)… Nội dung tập trung vào các giải pháp quản lý chất thải rắn, giảm thiểu chất thải nhựa…
Hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường được triển khai rộng rãi, nhận được sự quan tâm của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, một số sở, ngành, doanh nghiệp, người dân thành phố... Qua đó, đã hình thành rất nhiều phong trào, mô hình, hoạt động với sự tham gia tích cực của cộng đồng dân cư, người dân về bảo vệ môi trường, bước đầu tạo sức lan tỏa nhanh và đạt hiệu quả nhất định.
PV: Quá trình triển khai Đề án "Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” có gặp phải những khó khăn, thách thức nào không, thưa ông?
Ông Lê Trung Chinh: Công tác quản lý môi trường trong quá trình phát triển đô thị luôn đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức không ngừng. Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 đã đưa ra nhiều lĩnh vực mới trong quản lý môi trường như: Quản lý chất thải rắn, khí tượng thủy văn, ứng phó biến đổi khí hậu (đặc biệt là công tác giảm phát thải khí nhà kính), tiếp cận các mô hình về kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh, công tác quản lý về đa dạng sinh học, quản lý lưu vực sông liên tỉnh, quản lý môi trường đối với các di sản thiên nhiên...
Tuy nhiên, việc triển khai sau khi Luật có hiệu lực vẫn gặp một số khó khăn. Cụ thể, các thủ tục đầu tư các dự án về hạ tầng kỹ thuật môi trường có liên quan, đặc biệt là quy định về thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn vẫn chưa có hướng dẫn chi tiết. Ngoài ra, còn thiếu các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ sạch, tái chế, tuần hoàn…
Đà Nẵng xác định sự phát triển của ngành công nghiệp luôn gắn liền với công tác bảo vệ môi trường.
PV: Thực tế, trong quá trình phát triển kinh tế thì bắt buộc phải xây dựng ngành công nghiệp và mặt trái của phát triển công nghiệp là ô nhiễm không khí, nước, chất thải... Vậy, Đà Nẵng đã có những giải pháp trước mắt và lâu dài nào để kiểm soát môi trường trong công nghiệp, thưa ông?
Ông Lê Trung Chinh: Sự phát triển của ngành công nghiệp phải gắn liền công tác bảo vệ môi trường. Khi ngành công nghiệp phát triển làm phát sinh nhiều thách thức đối với công tác bảo vệ môi trường. Từ thực tế quản lý môi trường cho thấy, việc phát triển công nghiệp phải đồng thời với tăng cường quản lý, đầu tư về bảo vệ môi trường. Để xây dựng môi trường đầu tư sản xuất công nghiệp an toàn, không phát sinh những điểm nóng ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường, thành phố đã và sẽ tập trung triển khai các giải pháp:
- Tập trung vào việc phòng ngừa ô nhiễm, triển khai thực hiện Luật bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản dưới luật đảm bảo phù hợp với Quy hoạch thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, phù hợp với định hướng quy hoạch phát triển công nghiệp thành phố và các tiêu chí về môi trường tại Đề án.
- Rà soát khoảng cách an toàn môi trường ở các khu, cụm công nghiệp và làng nghề hiện hữu; có lộ trình thực hiện quy hoạch, thực hiện các giải pháp đảm bảo môi trường; tổ chức đánh giá, phân loại và lập danh mục cơ sở công nghiệp phải thực hiện quy định về cấp giấy chứng nhận đạt hệ thống quản lý môi trường ISO 14000; đồng thời, xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố môi trường các cấp quản lý (thành phố, quận/huyện) và cấp cơ sở (đối với các cơ sở công nghiệp) theo quy định; hỗ trợ doanh nghiệp triển khai thực hiện các mục tiêu đề ra theo từng giai đoạn…
PV:Với những kết quả đã đạt được, bước qua năm 2024, Đà Nẵng sẽ triển khai thực hiện những nội dung, mục tiêu cụ thể nào để tiếp tục lộ trình xây dựng thành phố môi trường, thưa ông?
Ông Lê Trung Chinh: Các tiêu chí của Đề án "Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” giai đoạn 2021-2030 đã được tích hợp trong các nhiệm vụ, chương trình của các sở, ngành liên quan. Năm 2024, thành phố tập trung một số nội dung, nhiệm vụ như:
- Về công tác quản lý chất thải rắn: Tổ chức lập Đồ án Quy hoạch xử lý chất thải rắn đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050; tăng cường kiểm tra, giám sát công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn, vệ sinh môi trường; triển khai Nghị quyết số 204/NQ-HĐND ngày 19/12/2018 của HĐND thành phố về Quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố đến năm 2025; chú trọng phân loại phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, giảm thiểu rác thải nhựa.
- Về công tác phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm: Tiếp tục thực hiện Đề án Xử lý ô nhiễm, cải thiện môi trường các hồ nội thành; Kế hoạch xử lý ô nhiễm môi trường Khu vực Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang; Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí...
- Đối với các lĩnh vực giao thông, năng lượng: Thúc đẩy các dự án tăng sản lượng từ năng lượng tái tạo, tuyên truyền người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, tăng số lượng các phương tiện giao thông công cộng để giảm phát thải từ hoạt động giao thông.
- Tăng cường các giải pháp ngăn ngừa, kiểm soát môi trường ngay tại nguồn, nhất là hoạt động công nghiệp; tiếp tục rà soát, thanh, kiểm tra để kiểm soát chặt chẽ đối với các cơ sở sản xuất, dịch vụ và thanh tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm.
- Tiếp tục ưu tiên, bố trí nguồn vốn để hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật môi trường, như: cấp nước, thu gom và xử lý chất thải rắn, thu gom và xử lý nước thải…
Sớm đưa Đà Nẵng trở thành "Thành phố Môi trường” trong lòng cả nước và bạn bè quốc tế, là điểm đến thu hút, đáng mong đợi của du khách trên toàn thế giới là nhiệm vụ quan trọng trong giai đoạn 2021-2030 của thành phố sông Hàn.
PV: Có thể nói, môi trường đang là một nhân tố ảnh hưởng trực tiếp đến hình ảnh, thương hiệu và chất lượng sản phẩm du lịch. Đà Nẵng đã và sẽ có những giải pháp nào để phối hợp việc bảo vệ môi trường trong hoạt động văn hóa, lễ hội, thể thao và du lịch, thưa ông?
Ông Lê Trung Chinh: Năm 2023, Sở Du lịch đã chủ trì, triển khai hiệu quả các nhiệm vụ về công tác bảo vệ môi trường của ngành gồm: Triển khai xây dựng "Bộ tiêu chí du lịch xanh tại thành phố”; Tổ chức Tập huấn các quy định về bảo vệ môi trường, hướng dẫn các giải pháp, chiến lược nâng cao giá trị thương hiệu, hiệu quả kinh doanh thông qua hoạt động bảo vệ môi trường; Tích hợp công tác thanh, kiểm tra về môi trường, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với dự án, công trình gây ô nhiễm môi trường; Triển khai tuyên truyền về phân loại phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và quản lý rác thải nhựa đại dương…
Để công tác vệ sinh môi trường phục vụ các hoạt động du lịch được chất lượng, chuyên nghiệp và đảm bảo mỹ quan đô thị, tiếp tục duy trì và phát triển hình ảnh Đà Nẵng thành phố du lịch sạch, đẹp, văn minh, UBND các quận, huyện và các sở, ngành, đơn vị đã chú trọng kiểm tra và giám sát công tác dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải rắn đô thị và vệ sinh công cộng trên địa bàn mình quản lý theo Công văn số 6855/UBND-ĐTĐT ngày 14/12/2022 về việc tăng cường công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn các quận, huyện và các tuyến đường ven biển, tuyến đường trọng điểm; thường xuyên rà soát, điều chỉnh phương án thu gom chất thải rắn trên địa bàn (đặc biệt đối với các khu vực tập trung đông khách như Chợ Hàn,…) đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế và Đề án thu gom rác theo giờ (không thu gom rác vào giờ cao điểm nhiều khách du lịch, giờ sáng sớm khi khách đi tập thể dục và tắm biển)…
PV:Trân trọng cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn này!
QUANG HUY - NGUYỄN THUÝ