Theo các chuyên gia, để khắc phục những hạn chế trong phát triển đô thị giai đoạn vừa qua, quy hoạch cấu trúc không gian đô thị Hà Nội cần phải lấy khung thiên nhiên để thiết lập và xây dựng các trục phát triển.
Theo đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô năm 2011, Hà Nội phát triển theo mô hình chùm đô thị gồm khu vực đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh, các thị trấn được kết nối bằng hệ thống giao thông đường vành đai kết hợp các trục hướng tâm, có mối liên kết với mạng lưới giao thông vùng và quốc gia. Đô thị trung tâm được phân cách với các đô thị vệ tinh, thị trấn bằng hành lang xanh (chiếm 70% diện tích đất tự nhiên của TP).
TS.KTS Nguyễn Văn Tuyên - Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội đánh giá, một mô hình quy hoạch được kỳ vọng sẽ chữa lành những "vết thương đô thị”, phát triển đô thị năng động, hiệu quả, có môi trường sống tốt, tạo lập Thủ đô "xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại”, nhưng sau hơn 10 năm triển khai vẫn còn nhiều mục tiêu chưa được như mong muốn. Đô thị vẫn tiếp tục phát triển lan tỏa theo các trục đường hướng tâm, trong khi các vấn đề giãn dân khu vực đô thị lõi, quá tải giao thông, thoát nước mưa và nước thải, ô nhiễm môi trường đô thị vẫn chưa được giải quyết. Mâu thuẫn giữa quá trình mở rộng phát triển đô thị và bảo vệ quỹ không gian tự nhiên càng trở nên mạnh hơn. Các dòng sông vẫn đang "chết dần”, tiếp tục bị đầu độc bằng nước thải sản xuất và sinh hoạt.
Tại Việt Nam, đã có nhiều bài học kinh nghiệm lịch sử quý báu về quy hoạch đô thị thuận theo tự nhiên sông, biển, rừng núi… Một số đô thị đã trở thành đô thị sinh thái nghỉ dưỡng vô cùng hấp dẫn (Đà Lạt, Tam Đảo, Hạ Long) và được vinh danh như một đô thị đáng sống nhất thế giới (Đà Nẵng). Tất cả bài học kinh nghiệm ấy đều thể hiện cách ứng xử khiêm nhường, đúng mực trước thiên nhiên. Và đáp lại, thiên nhiên cũng cho đô thị những liều thuốc quý để đô thị có thể tự chữa lành những vết thương.
TS.KTS Nguyễn Văn Tuyên - Khoa Kiến trúc và Quy hoạch,Trường Đại học Xây dựng Hà Nội
------------------------------------
Tần suất, nguy cơ ngập lụt ngày càng tăng và có xu hướng phức tạp hơn do tác động biến đổi khí hậu. Giá trị bản sắc văn hóa Thủ đô mai một, biến đổi tiêu cực. Không gian di sản văn hóa truyền thống ngày một thu hẹp do quá trình đô thị hóa. Khu vực ngoại thành vốn đã khó quản lý, lại càng khó khăn hơn khi đưa vào quy hoạch hành lang xanh và vành đai xanh.
TS Nguyễn Quang - Nguyên Giám đốc Chương trình định cư con người Liên Hợp quốc (UN-Habitat) cũng nhìn nhận, dưới tác động của cơ chế thị trường, cấu trúc đô thị Hà Nội có sự chuyển dịch sâu sắc. Sự phát triển nhà ở với mô hình đa dạng và thiếu kiểm soát, lộn xộn dẫn tới việc sử dụng đất thiếu hiệu quả. Quá trình chuyển đổi đất đai không được kiểm soát đã gây ra những tác động tiêu cực đến vệ sinh, cảnh quan và môi trường sống…
Về thực trạng này, tại bản dự thảo thuyến minh điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đang được lấy ý kiến cũng nêu: "Không gian đô thị, nông thôn phát triển lan tỏa, chưa theo quy hoạch. Không gian cao tầng, mật độ dân số tăng cao khu vực nội đô, chất lượng không gian thấp. Thực hiện quy hoạch lúng túng, đầu tư xây dựng phát triển đô thị chưa theo quy hoạch, thiếu nguồn lực thực hiện, kéo dài thời gian thực hiện quy hoạch, dự án…”.
Bám khung thiên nhiên để xây dựng và phát triển
TS.KTS Nguyễn Văn Tuyên cho rằng, quy hoạch không gian đô thị Hà Nội năm 2011 dựa trên lý thuyết "thành phố vườn”, xây dựng cấu trúc giao thông hướng tâm, vành đai và hành lang xanh rộng lớn. Tuy nhiên, đến nay cấu trúc không gian đô thị này đã bộc nhiều hạn chế, bất cập dẫn đến vấn đề đô thị ngày càng trầm trọng được coi là những "vết thương đô thị”.
Vì vậy, trong đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 cần tìm kiếm một liệu pháp thuận tự nhiên để "chữa lành” cho đô thị Hà Nội. Quy hoạch cấu trúc không gian đô thị Hà Nội cần phải lấy khung thiên nhiên để thiết lập và xây dựng các trục phát triển. Khung thiên nhiên vừa là di sản tự nhiên - văn hóa và vừa là tài nguyên chủ đạo cho phát triển đô thị thông minh - sáng tạo, định dạng hình thái không gian đô thị xanh - hiện đại - bản sắc.
Cụ thể, TS.KTS Nguyễn Văn Tuyên đề xuất, cần điều chỉnh cấu trúc không gian đô thị TP Hà Nội từ mô hình "Thành phố vườn” sang mô hình "Thành phố sông”. Các cực phát triển đô thị bố trí thuận theo các hành lang sông, được phân tách, giới hạn và liên kết bởi hệ thống hành lang xanh sông. "Sông Hà Nội là di sản thiên nhiên và văn hóa cần phải khôi phục và bảo vệ bằng mọi giá. Nếu Đà Lạt là "Thành phố trong rừng” thì Hà Nội là "Thành phố trong sông”. Hành lang sông không dừng lại ở vai trò trục cảnh quan đơn thuần, là "vườn cảnh sau nhà” mà phải trở thành trục chính đô thị, nơi TP ứng dụng phát triển mô hình kinh tế xanh - sáng tạo. Trục sông Hồng phải là trục phát triển chủ đạo, là không gian khẳng định vị thế tầm nhìn của Thủ đô Hà Nội, của quốc gia” – TS.KTS Nguyễn Văn Tuyên nhấn mạnh.
Vị chuyên gia cũng đưa ra quan điểm, mô hình quy hoạch từ "chùm đô thị” cần chuyển sang sang "mạng lưới đô thị linh hoạt” thuận theo tự nhiên (lấy hành lang sông làm trục chủ đạo). Không nên áp đặt tính chất cứng của các cực phát triển mà phải xây dựng các kịch bản chiến lược phát triển. Trên cơ sở kịch bản chiến lược phát triển linh hoạt, tùy vào tiềm năng, nguồn lực và năng lực quản trị đô thị mà định hướng tính chất, quy mô và chức năng các cực phát triển.
Cùng quan điểm trên, TS Nguyễn Quang cho rằng, để bản điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội tới đây mang tính thực thi, cần đưa ra những định hướng phát triển dựa trên các mục tiêu lớn, tầm nhìn, các vấn đề cơ bản ưu tiên, trên cơ sở xem xét những bối cảnh bên ngoài và bên trong của thực tế phát triển.
Nêu ví dụ cụ thể, TS Nguyễn Quang cho hay, việc quy hoạch xác định xây dựng phát triển trục sông Hồng trở thành không gian xanh trung tâm, không gian văn hóa sáng tạo, trục phát triển kinh tế - xã hội và là không gian điểm nhấn biểu tượng của Thủ đô Hà Nội sẽ thiếu khả thi nếu không gắn việc phát triển hành lang sinh thái với việc cải tạo, bảo tồn, chỉnh trang các khu định cư phi chính thức dọc sông. Hơn thế nữa, việc bảo đảm nguồn nước và vùng đệm thoát lũ cũng rất quan trọng khi tình trạng biến đổi khí hậu cũng như phát triển ở đầu nguồn không kiểm soát được. Chính vì vậy, cần có chương trình phát triển, bảo tồn đi kèm theo các công cụ kiểm soát phát triển phù hợp nhằm khai thác quỹ đất và bảo tồn hệ sinh thái ven sông một cách phù hợp.
Theo Kinh tế & Đô thị