Thiết kế nhân văn cho kiến trúc công trình công cộng

  • Cập nhật: Thứ tư, 24/1/2024 | 4:59:06 PM

Thiết kế nhân văn là một khái niệm thiết kế quan trọng dần được sử dụng rộng rãi trong thiết kế công trình công cộng (CTCC). Việc áp dụng các ý tưởng thiết kế nhân văn trong thiết kế CTCC không chỉ có thể nâng cao giá trị sử dụng và sự hài lòng của người sử dụng công trình mà còn thúc đẩy sự phát triển xã hội và hạnh phúc của người dân.



1. Dẫn nhập

Song song với sự phát triển của xã hội và mức sống của người dân được cải thiện, tầm quan trọng của các công trình công cộng (CTCC) ngày càng trở nên nổi bật. Làm thế nào để các CTCC phục vụ tốt hơn cuộc sống con người đã trở thành một thách thức mà các nhà thiết kế và nhà nghiên cứu phải đối mặt.

Thiết kế nhân văn là một khái niệm thiết kế quan trọng dần được sử dụng rộng rãi trong thiết kế CTCC. Việc áp dụng các ý tưởng thiết kế nhân văn trong thiết kế CTCC không chỉ có thể nâng cao giá trị sử dụng và sự hài lòng của người sử dụng công trình mà còn thúc đẩy sự phát triển xã hội và hạnh phúc của người dân.

Bài viết khám phá việc ứng dụng các ý tưởng thiết kế nhân văn trong thiết kế CTCC và phân tích tác động của nó đối với các CTCC, nhằm mục đích cung cấp tài liệu tham khảo cho các nghiên cứu liên quan về thiết kế CTCC và cung cấp cho các nhà thiết kế những ý tưởng và phương pháp thiết kế thực tế.

2. Nội dung khoa học

2.1. Tổng thuật về thiết kế nhân văn

2.1.1. Định nghĩa

Thiết kế nhân văn là một khái niệm thiết kế lấy con người làm trung tâm nhằm cải thiện sự thoải mái, thuận tiện và sự hài lòng của người sử dụng. Ý tưởng cốt lõi là đặt nhu cầu và trải nghiệm của người sử dụng làm trung tâm của thiết kế và đáp ứng nhu cầu của người sử dụng thông qua các phương pháp thiết kế khoa học và hợp lý[8].

Nét đặc trưng cơ bản của thiết kế nhân văn đó là tôn trọng người sử dụng, xem xét nhu cầu của người sử dụng, cải thiện sự thoải mái và tiện lợi cũng như bảo vệ quyền riêng tư và bảo mật của người sử dụng.

2.1.2. Quá trình phát triển

Thiết kế nhân văn xuất hiện vào những năm 1950, ban đầu chủ yếu được sử dụng trong thiết kế đồ nội thất, thiết bị điện và các đồ gia dụng khác.

Từ những năm 1960, thiết kế nhân văn dần dần được áp dụng vào lĩnh vực thiết kế công nghiệp và giao thông vận tải, các nhà thiết kế tập trung vào sự thoải mái và vẻ ngoài đẹp mắt của sản phẩm.

Từ những năm 1970, thiết kế nhân văn được áp dụng trong lĩnh vực thiết kế kiến trúc, các nhà thiết kế tập trung vào cách bố trí và chức năng của không gian kiến trúc, đồng thời nhấn mạnh sự tích hợp giữa kiến trúc và môi trường tự nhiên.

Trong lĩnh vực thiết kế kiến trúc, việc ứng dụng các ý tưởng thiết kế mang tính nhân văn đã dần đi vào chiều sâu và trở thành một nội dung quan trọng của thiết kế kiến trúc. [9]

2.2. Tính nhân văn trong kiến trúc CTCC

Kiến trúc sư Alvar Aalto người đặt nền móng xây dựng tính nhân văn trong kiến trúc đã bày tỏ quan điểm của mình trong bài báo ‘’Tính nhân văn trong kiến trúc - The Humanizing of Architecture”(1940). Ông cho rằng "Chủ nghĩa công năng kỹ thuật chỉ đúng nếu được mở rộng để bao trùm cả lĩnh vực tâm sinh lý. Đó là cách duy nhất để nhân văn hóa kiến trúc”. [7] (Hình 1)

Vai trò tổ chức của kiến trúc sư là vận dụng kiến thức chuyên môn theo thế giới quan nhân văn của mình để tạo dựng môi trường không gian cho các hoạt động đó đạt được hiệu quả lâu dài - bền vững - vì cuộc sống người dân, vì cả lợi ích của cộng đồng và toàn xã hội. [3]


Hình 1. KTS Alvar Aalto và các công trình đã xây dựng (Nguồn: Tác giả)

Kiến trúc công cộng là ngôi nhà chung của cộng đồng, phản ánh cái chung, cái liên kết tất cả mọi người. Không gian công cộng thể hiện tính công bằng, dân chủ, tự do, thân thiện, hòa đồng, tôn trọng con người. [10] Tính nhân văn trong kiến trúc CTCC có thể khái quát biểu hiện qua các nội dung như sau:

- Lấy con người làm trung tâm, phù hợp với tâm sinh lí của người sử dụng, thể hiện được gắn kết, gần gũi và thân thiện với con người.

- Thể hiện được tính cộng đồng, sự chia sẽ, đa dạng hóa và tối đa hóa sự tham gia của yếu tố con người trong kiến trúc.

- Phù hợp với hành vi, thói quen của người sử dụng, không gian kiến trúc đáp ứng tốt các yêu cầu về hành vi và thói quen sử dụng của người dùng, hướng đến sự phát triển toàn diện của con người.

- Thể hiện được sự công bằng đối với các đối tượng về khả năng tiếp cận và cơ hội sử dụng, góp phần thiết lập các quan hệ cộng sinh trong cộng đồng. Quan tâm đến các đối tượng yếu thế (người già, người khuyết tật, trẻ nhỏ), chịu thiệt thòi và ít có cơ hội để tiếp cận và sử dụng không gian công cộng.

2.3. Nguyên tắc thiết kế nhân văn trong thiết kế CTCC

Mục đính chính của việc ứng dụng thiết kế nhân văn trong thiết kế CTCC là tạo ra những CTCC mang đậm tính nhân văn. Từ việc phân tích các biểu hiện của kiến trúc nhân văn như trên, chúng ta có thế khái quát nguyên tắc thiết kế nhân văn trong thiết kế CTCC với bốn nguyên tắc chính như sau:

2.3.1. Nguyên tắc lấy con người làm trung tâm

CTCC là bộ phận quan trọng trong không gian sinh hoạt xã hội. Ngày nay, khi quá trình đô thị hóa tiếp tục diễn ra ngày càng sâu rộng, kinh tế xã hội ngày càng phát triển, mức sống của người dân tiếp tục được cải thiện, yêu cầu thiết kế đối với các loại CTCC cũng nâng cao không chỉ về không gian, công năng, thẩm mỹ mà còn có nhu cầu tâm lý của người sử dụng.

Để đáp ứng tốt hơn các yêu cầu này, trong quá trình thiết kế các CTCC cần xem xét các yếu tố về cảm xúc và quan niệm của người sử dụng, đồng thời coi các đặc điểm thiết kế nhân văn là nguyên tắc chính trong thiết kế các CTCC để có thể đáp ứng tốt hơn nhu cầu thực tế của người sử dụng. [5]

2.3.2. Nguyên tắc chia sẽ cộng đồng

Trong thiết kế nhân văn cần xem xét khả năng chia sẽ cộng động. CTCC phục vụ công chúng nên các hạng mục thiết kế đều có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. CTCC là nơi cung cấp dịch vụ cho con người, là nơi con người hoàn thành nhiều hoạt động khác nhau nên cần mang tính xã hội, tạo điều kiện cho mọi người giao tiếp và tạo môi trường giao tiếp tốt. [2] Vì vậy, thiết kế của các CTCC phải có tính chia sẻ, không gian xây dựng phải được sử dụng hợp lý để mang lại cho người dân một môi trường tốt và giúp họ thực hiện các hoạt động một cách thoải mái.

2.3.3. Nguyên tắc chú trọng hành vi người sử dụng

Yêu cầu cơ bản của thiết kế nhân văn là chú ý đến nhu cầu hành vi của con người. Vì vậy, khi thiết kế, chúng ta phải phân tích kỹ thói quen hành vi của con người, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cơ bản của con người để có thể tương tác tốt và phát huy hết vai trò của công trình. Qua đó chúng ta có thể có những giải pháp thiết kế khuyến khích những hành vi thói quen tốt và hạn chế các hành vi thói quen xấu của người sử dụng, góp phần vào việc xây dựng văn hóa, văn minh xã hội. [1] Ví dụ: Việc thiết thiết kế các đường chạy quanh ký túc xá sinh viên sẽ khuyến khích sinh viên có thói quen chạy thể dục rèn luyện sức khỏe. (Hình 2)


Hình 2. Đường chạy quanh KTX sinh viên Đại học Đồng Tế (Nguồn: Tác giả)

2.3.4. Nguyên tắc công bằng phục vụ

Nhu cầu tiếp cận và sử dụng CTCC là nhu cầu chung của tất cả mọi người, trong đó có các đối tượng yếu thế như người già, trẻ em, người khuyết tật. Vì vậy, khi thiết kế CTCC phải tính đến nhu cầu của người già, trẻ em và người khuyết tật, điều này rất quan trọng đối với công việc thiết kế và là trọng tâm của thiết kế nhân văn.

Chúng ta phải xem xét đầy đủ nhu cầu về mọi mặt của họ và cải tiến phương án thiết kế. Chúng ta phải theo đuổi mục tiêu "thiết kế không rào cản”, tuân thủ thiết kế hướng đến con người, đồng thời phản ánh sự quan tâm đến người già, trẻ em và người khuyết tật trong thiết kế để họ có thể tiếp cận và sử dụng công trình thoải mái và có trải nghiệm tốt.

2.4. Các giải pháp ứng dụng thiết kế nhân văn trong thiết kế CTCC

CTCC giống như tên gọi của nó là công trình hướng đến cộng đồng, hướng đến đông đảo đối tượng sử dụng. Với công năng tương đối phức tạp, quá trình thiết kế cần phải xem xét cân nhắc nhiều yếu tố từ việc tổ chức không gian (công năng), lựa chọn vật liệu, sử dụng màu sắc, thông gió, chiếu sáng, âm thanh cho đến chi tiết kiến trúc, tính an toàn và đảm bảo cho người khuyết tật, người già và trẻ em có thể tiếp cận và sử dụng. Xuất phát từ các yếu tố trên tác giả đề xuất các giải pháp ứng dụng thiết kế nhân văn trong thiết kế CTCC như sau:

2.4.1. Về tổ chức không gian

Tổ chức không gian là một phần quan trọng của thiết kế nhân văn trong thiết kế CTCC. Trong tổ chức không gian, cần xem xét nhu cầu, hành vi của người dùng và phân bổ, bố trí không gian hợp lý cụ thể như sau:

- Hiểu rõ các thông tin nhân khẩu học của người sử dụng như độ tuổi, giới tính, nghề nghiệp… để có thể tổ chức không gian một cách hợp lý;

- Xác định vị trí, quy mô của các khu chức năng không gian khác nhau tùy theo nhu cầu của người sử dụng;

Ngoài ra, cần quan tâm đến khả năng tiếp cận và sự thoải mái của không gian. Ví dụ: Trong quá trình phân tích thiết kế không gian triển lãm Expo 2010 các kiến trúc sư của Đại học Đồng Tế đã lấy ý kiến về chu trình tham quan triển lãm của đông đảo người dân từ đó tổng hợp đưa ra phương án bố trí giao thông kết nối các không gian triển lãm (Hình 3).


Hình 3. Tổng mặt bằng tổ chức không gian kiến trúc triển lãm Expo 2010 (Nguồn: Thư viện Đại học Đồng Tế)

Thông qua tổ chức và bố trí không gian hợp lý, chúng ta có thể tạo ra một môi trường sử dụng thoải mái, hiệu quả và dễ chịu, nâng cao sự hài lòng của người dùng, đồng thời góp phần vào sự phát triển bền vững.

2.4.2. Lựa chọn vật liệu

Trong thiết kế các công trình công cộng, việc lựa chọn vật liệu là một mắt xích quan trọng, vì nó không chỉ ảnh hưởng đến hình thức và kết cấu của công trình mà còn liên quan trực tiếp đến trải nghiệm và sức khỏe của người sử dụng. Trong thiết kế nhân văn, các yếu tố cần được xem xét trong việc lựa chọn vật liệu bao gồm:

- Bảo vệ môi trường: Trong xã hội hiện đại, bảo vệ môi trường đã trở thành vấn đề được mọi người ngày càng quan tâm, vì vậy khi lựa chọn vật liệu cần phải chọn những vật liệu thân thiện với môi trường và có khả năng tái tạo. (Hình 4);

- An toàn: Cần phải lựa chọn những chất liệu an toàn đã được chứng nhận như vật liệu chống cháy, vật liệu chống trượt,… để đảm bảo an toàn và sức khỏe cho người sử dụng;


Hình 4: BES Pavilion (2013) - KTS. Đoàn Thanh Hà (Nguồn: https://www.archdaily.com/415838/bes-pavilion-h-and-p-architects)

- Tính bền vững và dễ bảo trì: Tính bền vững của vật liệu được thể hiện qua việc sử dụng lâu dài và ít cần bảo trì hơn. Điều này làm giảm chi phí bảo trì tòa nhà và tác động môi trường; [6]

- Sự thoải mái: Sử dụng vật liệu mang tính thoải mái có thể cải thiện trải nghiệm xây dựng. Ví dụ, việc chọn vật liệu có khả năng hấp thụ âm thanh, cách âm và các chức năng khác có thể làm giảm nhiễu do tiếng ồn gây ra cho người dùng và tăng sự thoải mái cho người dùng.

2.4.3. Về việc sử dụng màu sắc

Màu sắc đóng vai trò quan trọng giúp con người cảm nhận thế giới và nó cũng là yếu tố không thể thiếu trong thiết kế CTCC. Trong thiết kế nhân văn, ứng dụng màu sắc cần chú ý hơn đến cảm xúc và nhu cầu của người sử dụng để đạt được trải nghiệm tốt hơn. Màu sắc phải phù hợp với chức năng của tòa nhà công cộng và đặc điểm nhận dạng của người sử dụng.

Ví dụ: Trong thiết kế bệnh viện, màu sắc mát mẻ có thể làm tăng sự yên tĩnh và tĩnh lặng của không gian, giúp bệnh nhân và người nhà thư giãn (Hình 6). Trong khi trong thiết kế trường học, màu sắc tươi sáng và sống động có thể kích thích trí tò mò và hứng thú của học sinh, điều này có lợi nâng cao tinh thần, tinh thần cho học sinh hứng thú học tập.

Việc phối màu cần chú ý đến sự phối hợp và cân đối. Trong thiết kế công trình công cộng, màu sắc không chỉ phải phù hợp với không gian của nơi đó mà còn cần tính đến hiệu ứng kết hợp của các màu khác nhau. [4]


Hình 5. Bệnh viện Paimio - KTS Alvar Aalto (Nguồn: ttps://www.archdaily.com/918635/architecture-guide-20-must-see-works-by-alvar-aalto)

2.4.4. Thiết kế điều hòa - thông gió.

Việc lưu thông không khí trong nhà thích hợp có thể làm giảm các chất ô nhiễm có hại trong không khí và đảm bảo mọi người được hít thở không khí trong lành. Do đó, thiết kế hệ thống thông gió phải tính đến điều kiện luồng không khí trong nhà và ngoài trời, cố gắng tránh các góc chết và đảm bảo không khí được lưu thông.

Tiếng ồn từ hệ thống thông gió, điều hòa không khí cũng là vấn đề cần đặc biệt quan tâm. Môi trường ồn ào có thể gây lo lắng, mệt mỏi và khó tập trung. Thiết kế thông gió và điều hòa không khí cần giảm tiếng ồn trong quá trình vận hành hệ thống và tính đến vấn đề cách âm. [12] Ở những nơi công cộng, đặc biệt như bệnh viện, trường học, các trung tâm nghiên cứu,... cần phải xem xét ảnh hưởng của tiếng ồn tới sức khỏe người sử dụng.

Nhiệt độ và độ ẩm cũng là những yếu tố được cơ thể con người cảm nhận trực tiếp nhất. Vì vậy, việc thiết kế hệ thống thông gió và điều hòa không khí phải có khả năng điều chỉnh nhiệt độ và độ ẩm trong nhà để người dùng có được trải nghiệm thoải mái trong nhà.

2.4.5. Thiết kế chiếu sáng

Trong thiết kế chiếu sáng của công trình công cộng, việc áp dụng các thiết kế nhân văn không chỉ liên quan đến tính thẩm mỹ của không gian mà còn liên quan đến sự thoải mái về thị giác và sức khỏe tinh thần của người sử dụng. Thiết kế chiếu sáng nên xem xét các yếu tố sau:

- Kiểm soát mức độ chiếu sáng: Các khu vực và mục đích sử dụng khác nhau của thể loại công trình công cộng đòi hỏi mức độ chiếu sáng khác nhau. Ví dụ, khu vực học tập và đọc sách yêu cầu mức độ chiếu sáng tương đối cao. (Hình 5) Ánh sáng quá mạnh hoặc quá yếu sẽ ảnh hưởng đến trải nghiệm thị giác của người dùng, thậm chí gây mệt mỏi và khó chịu về thị giác;

- Lựa chọn nhiệt độ màu. Nhiệt độ màu đề cập đến sắc độ của ánh sáng. Phạm vi nhiệt độ màu thường được sử dụng bao gồm màu ấm, màu tự nhiên và màu lạnh. Nhiệt độ màu khác nhau có thể ảnh hưởng đến trạng thái tâm lý và trải nghiệm cảm xúc của người dùng. Gam màu nóng dễ làm con người phấn chấn, hoạt bát, năng nổ, còn gam màu lạnh dễ giúp con người bình tĩnh, hiền hoà, lắng dịu;


Hình 6. Thư viện Rovaniemi - KTS Alvar Aalto (Nguồn: ttps://www.archdaily.com/918635/architecture-guide-20-must-see-works-by-alvar-aalto)

- Tính ổn định và đồng đều của nguồn sáng: Chiếu sáng trong các công trình công cộng cần đảm bảo tính ổn định, đồng đều của nguồn sáng và tránh các tác động bất lợi như nhấp nháy, sai màu. Đặc biệt đối với một số nơi yêu cầu độ ổn định nguồn sáng cao như phòng mổ bệnh viện, phòng thí nghiệm,… thì yêu cầu về chất lượng chiếu sáng càng cao;

- Xem xét đầy đủ các vấn đề về bảo tồn năng lượng và bảo vệ môi trường: Bên cạnh việc đảm bảo hiệu quả chiếu sáng, các nguồn ánh sáng tự nhiên và tiết kiệm năng lượng được sử dụng hợp lý nhằm giảm tiêu thụ năng lượng và ô nhiễm môi trường, phù hợp với quan điểm phát triển bền vững.

2.4.6. Thiết kế âm học

Trong thiết kế âm thanh của công trình công cộng, việc áp dụng thiết kế nhân văn là đặc biệt quan trọng. Thiết kế âm thanh tốt có thể cải thiện sự thoải mái và giảm mệt mỏi, từ đó nâng cao hiệu quả và tăng cường sức khỏe người sử dụng công trình. Thiết kế âm thanh nên tập trung vào các khía cạnh sau:

- Kiểm soát tiếng ồn bên ngoài đến. Giảm tác động của tiếng ồn bên ngoài bằng cách sử dụng vật liệu cách âm và cải thiện mặt tiền tòa nhà;

- Đảm bảo khả năng hấp thụ âm thanh, cách âm, phản xạ tốt và các đặc tính khác ở không gian bên trong nhà. Bằng cách sử dụng các tấm hấp thụ âm thanh, trần cách âm, thảm và các biện pháp khác, sự lan truyền và phản xạ của tiếng ồn bên trong có thể được kiểm soát một cách hiệu quả, từ đó giảm tác động của tiếng ồn;

Ngoài ra, đối với những nơi cần khuếch đại âm thanh như giảng đường, phòng hội nghị,… nên sử dụng loa và thiết bị âm thanh phù hợp để nâng cao hiệu quả truyền âm.

2.4.7. Thiết kế các chi tiết kiến trúc

Thiết kế chi tiết kiến trúc đề cập đến việc nghiên cứu chuyên sâu và thiết kế cẩn thận các chi tiết nhằm nâng cao tính thực tiễn, tính thẩm mỹ và tính nhân văn của công trình. Thiết kế chi tiết kiến trúc nên tập trung vào các khía cạnh sau:

- Tập trung vào nhu cầu của người sử dụng. Thiết kế chi tiết kiến trúc cần tính đến các nhu cầu khác nhau của người sử dụng như độ tuổi, giới tính, điều kiện vật chất khác nhau, v.v. để đảm bảo công trình thân thiện với mọi người sử dụng. Ví dụ, khi thiết kế phòng tắm, cần tính đến nhu cầu của người khuyết tật, chẳng hạn như bố trí lối đi không rào chắn, bố trí tay vịn,...;

- Chú ý đến từng chi tiết về mặt thẩm mỹ và sự thoải mái. Việc thiết kế các chi tiết kiến trúc cần chú ý đến vẻ đẹp và sự tiện nghi của các chi tiết để nâng cao chất lượng công trình và trải nghiệm của người dùng. Ví dụ, khi thiết kế không gian trong nhà, nên cân nhắc việc xử lý các chi tiết như trần, sàn, tường sử dụng tông màu nhẹ nhàng, thiết kế ánh sáng hợp lý,… để nâng cao vẻ đẹp và sự thoải mái cho không gian;

- Đề cao việc tính bền vững. Việc thiết kế các chi tiết kiến trúc cần chú trọng đến tính bền vững của công trình để nâng cao khả năng bảo vệ môi trường và tính kinh tế của công trình. Ví dụ, khi thiết kế các bức tường bên ngoài, cần tính đến tính bền vững và bảo vệ môi trường của vật liệu, chẳng hạn như sử dụng vật liệu tái tạo, vật liệu tiết kiệm năng lượng,...;

Thiết kế chi tiết kiến trúc đóng vai trò quan trọng trong thiết kế nhân văn của các công trình công cộng. Bằng cách tập trung vào nhu cầu của người dùng, tính thẩm mỹ, sự thoải mái và tính bền vững, các công trình công cộng có thể được tạo ra thân thiện hơn với người dùng, đẹp, tiện nghi, tiết kiệm và thân thiện với môi trường.[11]

2.4.8. Về thiết kế đảm bảo người khuyết tật, người già, trẻ nhỏ tiếp cận và sử dụng

Người khuyết tật, người già, trẻ em thuộc nhóm đối tượng yếu thế và có những khó khăn nhất định trong việc tiếp cận và sử dụng CTCC. Mặc dù họ luôn khao khát được hoạt động bình thường như mọi người nhưng chính rào cản khó khăn làm họ ngại tiếp cận và sử dụng công trình.

Thiết kế nhân văn nên đặc biệt qua tâm chú trọng đến việc tạo khả năng tiếp cận và sử dụng CTCC một cách thoải mái, an toàn cho người khuyết tật, người già, trẻ em. Đảm bảo áp dụng đúng các tiêu chuẩn, quy chuẩn về thiết kế thiết kế đảm bảo người khuyết tật, người già, trẻ em tiếp cận và sử dụng an toàn như lan can, ram dốc, bậc cấp, nhà vệ sinh, vệt định hướng hướng và hệ thống chử nổi cho người cho người kiếm thị, hệ thống biển báo hướng dẫn,...

2.4.9. Thiết kế đảm bảo an toàn

CTCC thường là nơi tập trung đông người, do đó tính an toàn trong sử dụng công trình cần được tính toán kỹ lưỡng. Trong thiết kế nhân văn vấn đề tính mạng và sức khỏe của con người luôn được đặt lên hàng đầu, thiết kế phải tuyệt đối tuân thủ các quy định an toàn về phòng cháy chữa cháy và thoát hiểm nhằm đảm tính mạng và sức khỏe của người sử dụng. Ngoài ra vấn đề an toàn có còn cần tính đến cảm giác an toàn trong tâm lý của người sử dụng.

3. Kết quả và thảo luận

Thông qua việc phân tích các đặc điểm, các nguyên tắc và giải pháp thiết kế nhân văn chúng ta có thể thấy việc ứng dụng thiết kế nhân văn vào thiết kế kiến trúc CTCC sẽ góp phần thu hẹp những chênh lệch từ thiết kế đến sử dụng, đem lại những hiệu quả tích cực cụ thể như sau:

3.1. Nâng cao sự hài lòng của người sử dụng

Trong thiết kế CTCC, việc áp dụng thiết kế nhân văn có thể cải thiện đáng kể sự hài lòng của người dùng. Thông qua việc tổ chức không gian hợp lý, lựa chọn vật liệu, thiết kế chiếu sáng, thiết kế thông gió và điều hòa không khí, thiết kế âm thanh và ứng dụng màu sắc, một môi trường thoải mái, an toàn và dễ chịu hơn có thể được tạo ra để đáp ứng các nhu cầu khác nhau của mọi người.

Ví dụ: Trong thiết kế thư viện, việc phân chia không gian hợp lý có thể nâng cao hiệu quả và sự thoải mái cho độc giả; Trong thiết kế bệnh viện, thiết kế ánh sáng và âm thanh tốt có thể giảm thiểu sai sót trong phẫu thuật y tế và giảm đau cho bệnh nhân; Trong thiết kế trường học, hệ thống nhiệt độ và thông gió thoải mái có thể nâng cao trạng thái tinh thần và kết quả học tập của học sinh. Do đó, thiết kế nhân văn không chỉ có thể cải thiện sự hài lòng của người dùng mà còn cải thiện chất lượng cuộc sống và tình trạng sức khỏe của người dùng, điều này có ý nghĩa thực tiễn và xã hội quan trọng.

3.2. Nâng cao hiệu quả sử dụng công trình

Việc áp dụng thiết kế nhân văn trong thiết kế CTCC có thể nâng cao hiệu quả sử dụng công trình một cách hiệu quả. Ví dụ, về mặt tổ chức không gian, bố trí khoa học, hợp lý có thể giảm khoảng cách, thời gian di chuyển của người dùng và nâng cao hiệu quả sử dụng.

Về mặt lựa chọn vật liệu, việc chọn vật liệu dễ làm sạch và bảo trì có thể làm giảm tần suất làm sạch và bảo trì, từ đó tiết kiệm chi phí nhân công và vật liệu. Về thiết kế thông gió và điều hòa không khí, một hệ thống hợp lý có thể đảm bảo chất lượng và nhiệt độ không khí trong nhà, cải thiện sự thoải mái cho người dùng và từ đó nâng cao hiệu quả sử dụng.

Nói tóm lại, thiết kế nhân văn không chỉ có thể cải thiện sự tiện nghi và tính thẩm mỹ của công trình mà còn nâng cao hiệu quả sử dụng, tiết kiệm tài nguyên và góp phần vào sự phát triển bền vững.

3.3. Tăng cường hiệu quả bảo vệ môi trường

Thiết kế công trình công cộng không chỉ cần đáp ứng nhu cầu về công năng sử dụng của người dân mà còn phải tính đến việc bảo về môi trường nơi công trình xây dưng và mối quan hệ của nó với con người. Việc áp dụng thiết kế nhân văn có thể làm giảm áp lực của môi trường lên con người, từ đó cải thiện sự thoải mái và hiệu quả sử dụng của con người.

Ví dụ, trong các tòa nhà xanh, thông qua việc sử dụng vật liệu và năng lượng bền vững, tác hại đến môi trường sẽ giảm đi, trong khi chất lượng không khí và điều kiện ánh sáng được tăng lên, từ đó cải thiện trải nghiệm của người sử dụng.

Ngoài ra, thông qua việc tổ chức không gian và thiết kế thông gió hợp lý, có thể giảm thiểu tác động bất lợi của tiếng ồn và nhiệt độ lên cơ thể con người, cải thiện sự thoải mái của môi trường trong nhà. Tóm lại, ý tưởng thiết kế nhân văn có tác động quan trọng đến việc thiết kế và xây dựng các CTCC, có thể giảm áp lực lên con người từ môi trường và cải thiện tính bền vững của công trình.

3.4. Thúc đẩy sự phát triển lành mạnh

Thiết kế nhân văn trong thiết kế CTCC không chỉ nhằm nâng cao sự hài lòng và hiệu quả của người sử dụng mà quan trọng hơn là nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần của người sử dụng.

Được thể hiện qua nhiều mặt như lựa chọn vật liệu xanh, thân thiện với môi trường, bố trí hệ thống chiếu sáng và thông gió tự nhiên, kiểm soát tiếng ồn hợp lý, độ ẩm không khí hợp lý từ đó kiến tạo một môi trường sống lành mạnh và thoải mái hơn cho người dân.

Ứng dụng thiết kế nhân văn vào thiết kế kiến trúc CTCC đem lại những hiệu quả rõ rệt nhưng cũng có những thách thức nhất định. Các nhà thiết kế phải tốn nhiều thời gian hơn cho công tác điều tra thu thập dữ liệu, đối thoại kết nối với người sử dụng, hiểu rõ hơn các nguyên vọng, mong muốn của họ để đề ra được giải pháp thiết kế phù hợp.

Bên cạnh đó cũng cần dự báo được những nhu cầu, mong muốn của người sử dụng phát sinh trong quá trình vận hành công trình. Ngoài ra, công tác thiết kế nhân văn đòi hỏi nhà thiết kế phải có sự tỉ mỹ, cân nhắc tổng thể và có sự am hiểu về mọi mặt của xã hội.

Ngày nay, với sự phát triển không ngừng của khoa học công nghệ đặc biệt là công nghệ gói dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo và thực tế áo sẽ là trợ thủ đắc lực cho các nhà thiết trong việc đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả của thiết kế nhân văn.

4. Kết luận

Chúng ta có thể thấy rằng thiết kế nhân văn không chỉ có thể cải thiện hiệu quả và sự hài lòng của người sử dụng trong các CTCC mà còn nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường và tăng cường sức khỏe.

Vì vậy, các nhà thiết kế cần quan tâm áp dụng thiết kế nhân văn trong thiết kế CTCC, chú ý đến nhu cầu và trải nghiệm của người sử dụng, nhằm nâng tính hiệu quả và chất lượng của CTCC, đạt được sự chung sống hài hòa giữa con người - kiến trúc -thiên nhiên.

Trong tương lai, với sự phát triển của xã hội và yêu cầu ngày càng cao của con người đối với thiết kế kiến trúc, các ý tưởng thiết kế nhân văn sẽ được sử dụng và phát huy rộng rãi hơn, trở thành một xu hướng phát triển quan trọng của thiết kế CTCC.

THS. KTS Nguyễn Khánh Tứ 
GV Khoa Kiến trúc, Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng; 
NCS Trường ĐH Đồng Tế, Thượng Hải, Trung Quốc 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Chen Weixing, Nghiên cứu chiến lược thiết kế nhân văn trong thiết kế công trình công cộng, Tạp chí KH&CN Trung Quốc, 2022 (7), 22-25.

[2] Ding Jiachen, Zhang Meng, Phân tích phương pháp thiết kế nhân văn trong thiết kế công trình công cộng, Tạp chí Bất động sản Trung Quốc, 2023(15),46-48.

[3] Đoàn Thanh Hà, Kiến trúc vị nhân sinh - Ôn cổ tri tân, Tạp chí Kiến trúc số 08-2023, 9-13.

[4] Gao Xin, Phân tích về ứng dụng thiết kế nhân văn trong thiết kế kiến trúc hiện đại, Tạp chí phát triển vật liệu xây dựng (Trung Quốc), 2023, 21(1), 55-57.

[5] Gong Xiaoli, Khám phá thực tế các ý tưởng thiết kế nhân văn trong thiết kế công trình công cộng, Tạp chí Bất động sản Trung Quốc, 2022(24), 78-81, DOI:10.12334/j.issn.1002-8536.2022.24.019.

[6] Hu Liangbin, Xu Fengping, Ứng dụng thiết kế nhân văn trong thiết kế kiến trúc hiện đại, Tạp chí phát triển VLXD (Trung Quốc), 2022, 20(22), 147-149.

[7] Hyon-Sob Kim (2009) Alvar Aalto và kiến trúc nhân văn, Tạp chí Kiến trúc và Kỹ thuật Xây dựng châu Á, 8:1, 9-16, DOI:10.3130/jaabe.8.9.

[8] Li Zhiqiang, Ứng dụng ý tưởng thiết kế nhân văn trong thiết kế công trình công cộng, Tạp chí Bất động sản Trung Quốc, 2023(15), 42-45, DOI:10.12334/j.issn.1002-8536.2023.15.010,

[9] Liu Chengyu, Phân tích những điểm chính của thiết kế nhân văn trong quy hoạch cảnh quan đô thị, Tạp chí Kiến trúc đô thị (Trung Quốc), 2022(018),19 - 22.

[10] Nguyễn Trần Liêm, Những biểu hiện của tính nhân văn trong kiến trúc đương đại Việt Nam, Tạp chí Kiến trúc số 07-2022, 16-20.

[11] Shen Yi, Nghiên cứu ứng dụng thiết kế nhân văn trong không gian văn phòng Internet, Tạp chí Phát triển Kiến trúc (Trung Quốc), 2022, 6(5), 47-49.

[12] Zeng Tingting, Ứng dụng ý tưởng thiết kế nhân văn trong thiết kế công trình công cộng, Tạp chí Đô thị thông minh (Trung Quốc), 2021, 7(19), 32-33.

Theo Tạp chí Xây dựng

Tags thiết kế nhân văn kiến trúc công trình công cộng

Các tin khác

Việc giảm thiểu rủi ro thiên tai đang được thế giới và các quốc gia quan tâm hàng đầu. Các mô hình giảm thiểu rủi ro thiên tai đã và đang được các quốc gia áp dụng một cách mạnh mẽ trong mọi lĩnh vực phát triển, đặc biệt là trong lĩnh vực quy hoạch đô thị.

Chiều 17/9, TP Hạ Long (Quảng Ninh) tổ chức hội nghị tổng kết Chiến dịch 7 ngày đêm khắc phục hậu quả bão số 3.

Đô thị hóa và sự gia tăng dân số đô thị khiến con người ngày càng mất dần mối liên hệ với thiên nhiên.

Chủ tịch TP Đà Nẵng yêu cầu các sở, ngành, UBND quận, huyện thường xuyên theo dõi tình hình mưa, bão để chủ động trong mọi tình huống; có kế hoạch, phương án xử lý thoát nước, chống ngập úng hiệu quả tránh tình trạng bị động gây thiệt hại về người và của.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục