Kết nối xưa - nay để tạo bản sắc không gian đô thị

  • Cập nhật: Thứ tư, 17/1/2024 | 11:34:45 AM

QLMT - Thời chỉ cần ăn no, mặc ấm đã qua lâu, nhu cầu ăn ngon, mặc đẹp hiện là đòi hỏi chính đáng của người Hà thành.



Đô thị Hà Nội cũng vậy, đã qua những thời kỳ chỉ cần có nhà để ở, có phương tiện để đi. Hà Nội đang tiến tới một đô thị có bản sắc, đẹp, hiện đại, văn minh. Hà Nội không thể đi sau các TP khác bởi nơi hội tụ của núi sông cần sự kết tinh để lan tỏa.

1. Thật khó có TP nào được nhiều nghệ sĩ ca ngợi như Hà Nội, có rất nhiều bài ca cất lên làm rung động trái tim của bao người. Trong những bài ca ấy ta thấy Hà Nội có mùa thu cây bàng lá đỏ, có mùa hoa sữa thơm ngát, có mùa cốm thơm bàn tay, Hà Nội hiu hiu gió lạnh, ấm áp với tiếng rao trong đêm heo may.

Trong những bài ca ấy, ta cũng cảm nhận được Hà Nội chứa đựng nhiều không gian trữ tình, sâu lắng. Một Hà Nội với không gian phố cổ vừa cổ kính vừa sống động, góc ồn ào, góc tĩnh mịch, khu phố Pháp yên tĩnh rợp bóng cây, một Hồ Gươm nước xanh biếc lãng mạn trong sương buổi sớm, linh thiêng ngày đầu năm, yêu đến nỗi có người đi xa còn muốn "mang Hồ Gươm đi”.

Rồi Hồ Tây xanh ngát với những đầm sen và những tà áo dài, áo yếm làm duyên, sông Hồng nước đỏ phù sa, bờ đê lộng gió. Ai cũng có thể tìm thấy một nét riêng của không gian, cảnh quan mà chỉ có thể thấy ở Hà Nội.


Sự phát triển đô thị của Hà Nội hiện nay luôn gắn với phát triển các không gian xanh, công viên. Ảnh: Phạm Hùng

Sự đóng góp của người dân, của các nhà quản lý, các nhà chuyên môn của Hà Nội những năm vừa qua cũng đã để lại những dấu ấn nhất định, làm đẹp thêm TP trên tinh thần, tình cảm ấy. Gần 70 năm đã trôi qua kể từ mùa Thu ấy với trùng trùng quân đi như sóng từ 5 cửa ô tiến về. Cuộc sống đổi thay, từ TP chỉ khoảng 0,5 triệu dân năm 1954 đến nay đã là TP có gần 10 triệu người sinh sống và làm việc. Sức ép của hạ tầng xã hội, của đô thị hóa ngày càng tăng, vì thế, giữ được Hà Nội như ngày hôm nay thật sự là điều đáng mừng mà không phải TP nào cũng có được.

Nhưng với những người yêu Hà Nội, vẫn có nhiều trăn trở. Một Hà Nội đẹp nhưng cái đẹp dường như đã được giới hạn và chỉ còn bản sắc trong một phạm vi nhỏ, gói gọn trong phố cổ, phố Pháp (trong Vành đai 2), Hồ Tây. Ra ngoài thêm chút nữa, những khu đô thị cũ như Kim Liên, Trung Tự, Giảng Võ hay mới gần đây như Trung Hòa Nhân Chính, Linh Đàm, Văn Phú, Mỹ Đình… cái đẹp của Hà Nội dường như ít còn thấy bóng dáng. Cũng có cây xanh bóng mát, cũng con đường mới khang trang nhưng cảm giác của người Hà Nội vẫn thấy thiếu một thứ gì đó mang tính bản sắc, nhác giống như đâu đó, như những TP nào đó, khó mà rung cảm.

Các làng, xã ven đô, bất chợt một ngày nào đó trở thành phường, đường làng được gọi TP. Những tưởng, văn hóa, bản sắc của làng truyền thống với mái đình, ao làng sẽ được gìn giữ để hòa trộn vào không gian đô thị thêm lung linh, huyền ảo, thêm sắc màu hội nhập. Nhưng không. Tên làng, xã xưa bỗng mai một bởi những tên mới của những công trình, những khu đô thị. Ngõ vắng xôn xao nay trở thành con đường ngõ hẹp, xe cộ chật ních ngược xuôi, nhà cửa như nêm,cơi nới lộn xộn. Cảnh chùa yên bình, mái đình cong vút giờ cũng khó thấy khi bị cuộc sống đương đại chèn ép.

2. Có lẽ không khó để nhận ra rằng, các khu vực mới của Hà Nội đã có nhiều tòa biệt thự đẹp, nhiều cao ốc đẹp, những khu ở sang trọng, những tượng đài hoành tráng nhưng cũng ở đó, vì sự gia tăng của dân số, vì nhu cầu mưu sinh nên thiếu những đường phố đẹp, thiếu những không gian công cộng có cả giá trị sử dụng và giá trị thẩm mỹ, giá trị xã hội để tạo nên tính nơi chốn cho một đô thị hiện đại, văn minh.

Chưa bao giờ, người Hà Nội cần không gian công cộng như hiện nay. Nơi mà người dân có chỗ tập thể dục buổi sáng, người già ngồi đánh cờ, thanh niên có chỗ chuyện trò mà không phải ngồi vào hàng quán, không phải tận dụng vỉa hè, các phường, xóm không phải ngăn một đoạn phố lại để làm sân khấu sinh hoạt văn nghệ mỗi khi có ngày lễ, ngày hội.

Không gian công cộng còn thiếu, nên ước mơ có được những quảng trường văn hóa - "phòng khách của đô thị” vẫn là niềm mong mỏi của bao người. Ở nơi ấy, buổi sáng có thể là nơi tập thể dục, tập dưỡng sinh, buổi trưa là không gian cà phê, triển lãm, buổi tối lại có thể là không gian biểu diễn.

Các quảng trường có thể có cả các hoạt động văn hóa kết hợp thương mại như quảng bá sản phẩm, kết nối tuyến phố đi bộ. Đa dạng chức năng, tận dụng cho mọi thời gian trong ngày, đó cũng là mục tiêu mà các không gian công cộng như quảng trường văn hóa, thương mại cần hướng tới. Bởi các không gian như khu vực tượng đài Lý Thái Tổ, tượng đài Lê Nin đôi khi có những hoạt động vui chơi của thanh thiếu niên không thật phù hợp với những không gian tượng đài danh nhân.

Nhiều chuyên gia nghiên cứu trong lĩnh vực đô thị có chung quan điểm, TP nên ưu tiên hình thành các quảng trường văn hóa, thương mại. Sẽ là đúng đắn nếu Mễ Trì có quảng trường, Mỹ Đình có quảng trường, Bắc Thăng Long, Giáp Bát có quảng trường. Nó có thể ở trước quần thể các công trình thương mại, là sân trước của công viên, rạp chiếu phim, nhà văn hóa hay cạnh các hồ nước.

Hiện, không gian công cộng ở Thủ đô cũng mới chỉ có thể là không gian Hồ Gươm, Hồ Tây, Nhà hát Lớn... Chưa ai dẫn bạn bè đến Giảng Võ, Kim Liên hay Giáp Bát cả, kể cả khu Mỹ Đình với khối lượng các công trình xây dựng quy mô đồ sộ, đầu tư tốn kém vẫn chưa thu hút được tình cảm của người dân, chứ chưa nói đến du khách mỗi khi về Thủ đô.

3. Không nên coi những không gian trống như quảng trường là điều xa xỉ, mà phải coi đó là một chức năng không thể thiếu để tạo không gian đô thị có chất lượng. Tiếp đến là khi chúng ta có những khoảng trống đề làm quảng trường rồi, có không gian công cộng rồi, thì phải có quy hoạch và thiết kế đô thị, bởi lẽ quảng trường không phải chỉ là sân trống.

Một tỷ lệ không gian thích hợp với những công trình bao quanh, không được quay lưng ra quảng trường, các cửa hàng và các công trình công cộng phải hướng ra quảng trường, tham gia vào hoạt động trong không gian quảng trường. Sự đa dạng của các loại hình công trình công cộng tiếp cận quảng trường là yếu tố quyết định tạo nên sự sống động của quảng trường.

Có nhiều điều đáng suy nghĩ về tính văn hóa của các không gian công cộng ở Hà Nội hiện nay. TP ngàn năm tuổi, có bao dấu ấn lịch sử của vùng đất linh thiêng đáng được giữ gìn, được khơi gợi lại. Một cổng làng cổ, một lũy tre xanh, hoa đào Nhật Tân, bến trúc Nghi Tàm, rừng bàng Yên Thái, rừng mơ Hoàng Mai, dấu tích các cửa ô, dấu tích các cuộc chiến tranh... rất cần được gợi lại. Không cần gì to tát, hoành tráng, đôi khi chỉ cần là những bức tượng nhỏ bên hè phố hay đầu khu đô thị, một giếng cổ, cây đa được giữ lại. Nói vậy để thấy rằng, văn hóa Hà Nội, bản sắc Thăng Long rất đáng tự hào.

Việc Hà Nội quyết định hạ rào, mở cửa công viên để tạo thêm những không gian công cộng, không gian văn hóa cho thấy chính quyền TP đã có sự bứt phá trong tư duy hành động để hình thành các sản phẩm không gian có vẻ đẹp tạo nên tinh thần nơi, chốn.

Với tinh thần đó, chắc chắn Hà Nội sẽ có thêm nhiều không gian công cộng mới. Mỗi không gian công cộng lại được xây dựng trau chuốt như những viên ngọc, được kết nối hài hòa giữa cũ và mới để làm nên vẻ đẹp mang bản sắc của một Hà Nội nghìn năm văn hóa, một TP sáng tạo, hiện đại, văn minh.

 
Theo Kinh tế & Đô thị

Tags kết nối xưa-nay bản sắc không gian đô thị

Các tin khác

Chiều 19/4, HĐND TP.Hội An (khóa XII) tổ chức Kỳ họp thứ 11 nhằm điều chỉnh, bổ sung kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025, kế hoạch năm 2024 và điều chỉnh một số nội dung của dự án thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên Cù Lao Chàm.

Đô thị ngày càng nhiều, đến 2030 có tới 50% dân số Việt Nam (khoảng 55 triệu người) bước vào đô thị. Nhưng tích tụ đủ nội hàm phát triển một đô thị di sản thiên niên kỷ thì chỉ duy nhất thành phố Ninh Bình có thể sở hữu.

Trong bối cảnh nhu cầu thiết yếu của người dân về nước sạch, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) và các đơn vị cấp nước thành viên đã thống nhất thủ tục đăng ký, cắt chuyển định mức nước sinh hoạt theo số định danh cá nhân.

Một số vườn hoa - công viên được hoàn thành xây mới, cải tạo gần đây khiến cộng đồng có nhiều ý kiến tranh luận về chất lượng và hiệu quả sử dụng. Bài toán đặt ra lúc này chính là thiết lập các tiêu chí và chính sách để nâng cao hiệu quả xây mới, cải tạo hệ thống vườn hoa - công viên nội đô.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục