Sự chung tay của toàn xã hội
Ở bất cứ thời điểm nào, ao, hồ đều có vai trò vô cùng quan trọng trong sản xuất, đời sống của Nhân dân cả khu vực nông thôn và thành thị. Nếu như ở thành thị, ao, hồ được ví như chiếc máy điều hòa làm mát không khí, giữ chức năng trong việc chống úng ngập cục bộ, giúp phát triển cây xanh, thảm cỏ, bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên ở đô thị, thì tại nông thôn đây là nơi cung cấp nước tưới cho sản xuất, sinh hoạt...
Không gian thoáng mát hồ Ngọc Khánh. Ảnh: Thanh Hải
Nhận thức tầm quan trọng của ao, hồ đối với đời sống Nhân dân, trong những năm qua, công tác bảo vệ môi trường nói chung và hệ thống ao, hồ nói riêng đã được các cấp chính quyền tại Thủ đô đặc biệt quan tâm thực hiện.
Cụ thể, nhằm nâng cao ý thức của các cấp chính quyền và nhất là người dân trong bảo vệ môi trường, ngày 31/5/2017, Thành ủy Hà Nội đã có Nghị quyết số 11-NQ/TU về "Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo"… Thực hiện chỉ đạo của TP, chính quyền các quận, huyện, thị xã đã và đang triển khai nhiều biện pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của hệ thống ao, hồ tại Thủ đô.
Đơn cử, tại hồ sinh thái Lâm Du, phường Bồ Đề (quận Long Biên), để tạo cảnh quan, mỹ quan đô thị, các tổ dân phố trong khu vực đã "thay áo mới” cho hồ bằng hệ thống đèn trang trí đủ màu sắc, khiến không gian hồ trở nên lung linh hơn khi màn đêm buông xuống. Ngoài ra, để tạo cảnh quan, nâng cao chất lượng nước trong hồ, hàng loạt cây hoa, bè thủy sinh, hệ thống phun nước… đã được lắp đặt trong sự vui mừng, phấn khởi của người dân.
Trong khi đó, tại thôn Hưng Giáo (xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai)… ao làng được tận dụng làm bể bơi cho trẻ em. Lãnh đạo thôn Hưng Giáo chia sẻ, trong giai đoạn 2005 - 2008, mỗi hộ gia đình đã tự nguyện hiến đất trồng rau màu, hộ ít thì hơn chục mét vuông, hộ nhiều trên 100m2 để chung tay xây dựng ao. Không những thế, cán bộ và Nhân dân trong thôn còn đồng lòng đóng góp kinh phí để kè xung quanh với tổng kinh phí gần 600 triệu đồng. Một số gia đình còn ủng hộ cây xanh, ghế đá, đèn chiếu sáng, đài phun nước tạo dựng không gian vui chơi hoàn chỉnh, sạch đẹp.
Biến hồ nước thành điểm đến du lịch
Liên quan đến công tác bảo vệ ao, hồ tại Hà Nội, GS.TS Trần Đức Hạ - Viện trưởng Viện Nghiên cứu cấp thoát nước và môi trường (Hội Cấp thoát nước Việt Nam) cho rằng, bảo vệ ao, hồ không thể chỉ đơn thuần áp dụng một phương pháp mà phải là hài hòa giữa quy chế quản lý với biện pháp công nghệ. Trong đó, Hà Nội cần tách riêng hệ thống nước thải và nước mưa, chỉ để nước mưa chảy vào hồ, có hệ thống quan trắc chất lượng nước hồ thường xuyên, sau đó xử lý mùi bằng chế phẩm sinh học thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, Hà Nội cần nghiên cứu giao cho các đoàn thể địa phương quản lý ao, hồ, nguồn nước tại các ao, hồ trên địa bàn nhằm tăng hiệu quả trong việc quản lý, giám sát, ngăn chặn các hành vi xâm phạm ao, hồ.
Đồng quan điểm, PGS.TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên, môi trường và phát triển cộng đồng nhấn mạnh, kinh nghiệm của Nhật Bản trong quản lý ao, hồ là giao thẳng cho địa phương quản lý, tránh tình trạng "chia năm, xẻ bảy”, "cha chung không ai khóc"… PGS.TS Bùi Thị An nhấn mạnh, những năm qua, Đảng và Chính phủ đã nhấn mạnh không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế nên việc giữ môi trường an lành cho người dân là vô cùng quan trọng. Trong khi đó, ao, hồ nói chung cùng với công viên cây xanh được xem là "lá phổi xanh” của TP. Do đó, việc bảo vệ và phát triển hệ thống ao, hồ là nhiệm vụ cấp bách.
Với góc độ quy hoạch, kiến trúc, PGS.TS Nguyễn Nam - Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng nêu quan điểm, TP Hà Nội cần quyết liệt hơn đối với các chủ đầu tư những khu đô thị không "bó cứng" không gian mặt nước mà cần "mở ra", nhằm tạo sự thuận lợi về giao thông để mọi người tiếp cận hưởng lợi không gian công cộng từ hồ nước, cảnh quan chung. "Các đơn vị chức năng cần khống chế chiều cao công trình xây dựng, theo dạng "lòng chảo” lõm về phía mặt nước để bảo vệ sự thông thoáng của không gian hồ, biến hồ nước thành điểm đến du lịch riêng có của Hà Nội" - PGS.TS Nguyễn Nam cho hay.
Từ năm 2010 - 2017, trên địa bàn TP Hà Nội đã có 17 hồ bị san lấp hoàn toàn và 7 hồ mới được bổ sung. Năm 2015, Hà Nội còn 112 hồ, giảm 10 hồ so với năm 2010, diện tích mặt nước bị giảm 72.540m2. Trong đó, quận Đống Đa có nhiều ao, hồ nhất khu vực nội thành (hơn 30 hồ) nhưng chỉ trong 5 năm (2010 - 2015) đã mất đi 4 hồ, ao với diện tích khoảng 15.000m2. Quận Tây Hồ, nơi có diện tích mặt nước lớn nhất TP (chiếm 79% tổng diện tích mặt nước của Hà Nội) trong giai đoạn này diện tích mặt nước đã giảm hơn 28.000m2. Riêng hồ Tây, trước đây rộng 526ha, nhưng sau khi kè (năm 2010) chỉ có 460ha. Tình trạng trên cũng diễn ra tương tự tại các quận Hai Bà Trưng, Cầu Giấy…
Theo Vân Nhi/Kinhtedothi.vn