Trong quá trình bảo tồn các di sản văn hóa của Hà Nội, các di sản Kiến trúc thuộc địa Pháp (KTTĐP) đã được thừa nhận và được liệt kê vào danh mục những công trình cần giữ gìn trong các văn bản pháp lý, cụ thể như Quyết định về bảo tồn di sản văn hóa Thăng Long số 1259/QĐ-TTg và Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc khu phố cũ số 24/2015/QĐ-UBND. Để đảm tồn các di sản kiến trúc này, bên cạnh các vấn đề về kỹ thuật bảo tồn nhằm đảm bảo sự tồn tại về mặt "vật thể” thì không thể quên đi việc đảm bảo giá trị thẩm mỹ biểu hiện của chúng, đây cũng là một phạm trù khá phức tạp và gây nhiều tranh cãi trong các công tác bảo tồn di sản kiến trúc.
Khái niệm và đặc điểm kiến tạo của Kiến trúc thuộc địa Pháp
Giá trị thẩm mỹ biểu hiện của KTTĐP tại Hà Nội được hình thành nhờ sự cảm nhận thị giác và cảm xúc của con người/xã hội đối với các công trình KTTĐP tại Hà Nội. Trong đó các đặc điểm kiến tạo của KTTĐP (phần vật thể) tác động tới cảm nhận thị giác và các ý nghĩa / giá trị tinh thần của KTTĐP (phần phi vật thể) tạo ra các cảm xúc. Bối cảnh địa điểm Hà Nội đóng vai trò là môi trường trung gian truyền tải hai yếu tố đó tới con người và xã hội.
Đặc điểm kiến tạo của KTTĐP là yếu tố đầu tiên tạo ra những cảm nhận đầu tiên về KTTĐP, và đó là sự kết hợp của các yếu tố Vật liệu, cấu kiện, liên kết và không gian chức năng. Đặc điểm cả các yếu tố này cho thấy KTTĐP tuy được xây dựng theo các phong cách và kỹ thuật về kiến trúc phương Tây nhưng có pha trộn những nét văn hóa bản địa và được thể hiện thông qua các thành phần kiến tạo như:
Các giá trị và ý nghĩa của kiến trúc thuộc địa Pháp
Trong thời kỳ thuộc địa, để khẳng định sự thống trị của mình, thực dân Pháp đã tuyên truyền giá trị về sự tiến bộ và văn hóa châu Âu của kiến trúc thuộc địa Pháp và chúng đã trở thành biểu tượng của sự thịnh vượng và quyền lực của chính quyền thuộc địa. Ngày nay, do công năng sử dụng của các công trình này đã bị thay đổi và sự biến đổi của văn hóa xã hội của thủ đô nên nhận thức về chúng cũng biến đổi theo. Các công trình KTTĐP vẫn tượng trưng cho sự quyền lực và giàu có nhưng không còn tạo ra cảm giác xa lạ. Trong thực tiễn quy hoạch kiến trúc KTTĐP được người dân đón nhận và đã trở thành kiểu mẫu, hình ảnh ngôi nhà và những khu đô thị xa hoa mang phong cách Pháp mọc lên ở khắp nơi trong đô thị. Kiến trúc thuộc địa Pháp cũng được lựa chọn làm chủ đề, cảm hứng sáng tác của các nhà hoạt động nghệ thuật và thường xuyên xuất hiện trên các trạng thông tin lớn hay trong các sự kiện quan trọng của nhà nước. Có thể thấy chúng đã góp phần tạo lập ra bản sắc nội đô lịch sử Hà Nội thông qua các đặc tính sau:
- Tính nhận diện: Những biểu hiện của từng yếu tố kiến tạo của KTTĐP tạo ra những đặc trưng riêng cho các di sản KTTĐP như: Chất cảm và màu sắc của vật liệu, biểu hiện của các phong cách kiến trúc trong các cấu kiện, sự tinh tế ở các chi tiết Liên kết và tỷ lệ của không gian. Chúng đã tạo nên nét độc đáo mà chỉ có riêng ở nội đô lịch sử Hà Nội.
- KTTĐP làm giàu đời sống văn hóa tinh thần của thủ đô: KTTĐP giống như một bức tranh tĩnh có vai trò như những bằng chứng về một giai đoạn lịch sử hào hùng của thủ đô Hà Nội. Chúng giúp cho không gian đường phố Hà Nội trở lên thân thiện hơn, tạo cho con người cảm giác năng động và thúc đẩy họ tham gia vào các hoạt động trong đô thị, tạo ra sinh khí cho cuộc sống đối với tất cả người dân và du khách.
- Làm tăng niềm tự hào dân tộc trong mỗi con người: KTTĐP mang trong mình câu chuyện và thông điệp lịch sử của một thời kỳ chuyển giao giữa hai chế độ, đó là kết quả của một quá trình tiếp biến văn hóa hết sức thú vị mà các thế hệ đi trước phải dày công xây dựng. Nhờ đó giúp người dân hiểu về cuộc sống, văn hóa và xã hội của những thế hệ đi trước, làm tăng sự tự hào trong mỗi con người về nền văn hóa của Thủ đô Hà Nội.
Định hướng bảo tồn và phát huy giá trị thẩm mỹ biểu hiện của kiến trúc thuộc địa Pháp tại Hà Nội
Từ những đặc điểm của Mô hình thẩm mỹ biểu hiện của KTTĐP có thể giúp cho công tác bảo tồn di sản KTTĐP trong việc đảm bảo tính thẩm mỹ biểu hiện bằng các cách sau:
- Bảo tồn cấu trúc kiến tạo của KTTĐP: Nguyên tắc bảo tồn cần phải xác định mỗi thành phần kiến tạo của KTTĐP đều có ý nghĩa quan trọng trong việc hình thành thẩm mỹ biểu hiện của KTTĐP. Trước khi tiến hành công tác bảo tồn cần có các khảo sát nghiên cứu về đặc điểm và giá trị của 4 yếu tố vật liệu, cấu kiện, liên kết và không gian của KTTĐP. Từ đó, đưa ra giải pháp bảo tồn thích hợp đảm bảo giá trị của từng yếu tố và đây sẽ là tiền đề cho việc đảm bảo tính chân xác của cả công trình KTTĐP chứ không chỉ dừng lại việc khôi phục hình thức của công trình trong một thời điểm trong lịch sử.
- Lan tỏa các giá trị và ý nghĩa của di sản KTTĐP thông qua truyền thông, giáo dục và các khung pháp lý. Cách tiếp cận này yêu cầu nỗ lực và tốn nhiều thời gian nhưng sẽ đảm bảo sự hiện hữu của các công trình KTTĐP một cách bền vững trong nhận thức của xã hội. Một cách tự nhiên sau đó, giá trị thẩm mỹ biểu hiện của KTTĐP sẽ được lan tỏa và đẩy mạnh phát huy trong xã hội, đây chính là yếu tố then chốt để bảo tồn bền vững các di sản KTTĐP.
- Đảm bảo ý nghĩa của bối cảnh xung quanh mỗi công trình KTTĐP nói riêng và nội đô lịch sử Hà Nội nói chung. Bối cảnh địa điểm Hà Nội có ý nghĩa quan trọng trong quá trình cảm nhận thẩm mỹ biểu hiện của các công trình KTTĐP, bối cảnh có thể tạo điều kiện thuận lợi làm công trình đẹp hơn hoặc giúp con người có cảm xúc tốt hơn nhưng ngược lại có thể phá hủy các đặc điểm kiến tạo của công trình cũng như gây ra cảm xúc tiêu cực ở du khách. Về phương diện quy hoạch, cần xác định mỗi công trình KTTĐP đóng vai trò là điểm biểu trưng quan trọng và từ đó xây dựng quy hoạch, phương án quản lý dựa hệ thống các điểm biểu trưng này. Cần có thiết kế cảnh quan đặc thù xung quanh mỗi công trình, trong đó lưu ý đảm bảo tới khả năng tiếp cận công trình và các tiện ích để cho du khách cảm nhận công trình, cung cấp các chỉ dẫn/hướng dẫn để đưa thông tin của công trình tới người xem.
Kết luận
Thực tế đã cho thấy, nhiều công trình với phương án bảo tồn trùng tu khôi phục nguyên gốc lại hình thức tại một thời điểm trong quá khứ đã cho thấy sự không phù hợp với xã hội đương đại, thậm chí đôi khi còn gây bàng hoàng cho công chúng. Nguyên nhân chính là do sự khác biệt về bối cảnh lịch sử cũng như sự biến đổi của văn hóa nhận thức trong xã hội, do đó các phương án bảo tồn cần thỏa mãn được mô hình thẩm mỹ biểu hiện để giúp cho các công trình KTTĐP một mặt đáp ứng được nhu cầu thẩm mỹ của xã hội mặt khác giúp cho chúng được thực sự "sống” và đóng góp các giá trị của mình trong quá trình phát triển của đô thị Hà Nội đương đại.
Theo ThS.KTS. Lê Duy Thanh
(Tạp chí Xây dựng và đô thị)