Hà Nội xem xét cho thuê vỉa hè vào tháng 1/2024

  • Cập nhật: Thứ tư, 27/12/2023 | 9:58:10 AM

QLMT - Dự kiến UBND TP Hà Nội xem xét đề án quản lý lòng đường, vỉa hè vào tháng 1/2024, các tuyến phố đủ điều kiện có thể cho thuê khai thác thương mại, dịch vụ.

Tại phiên họp chuyên đề của HĐND thành phố Hà Nội mới đây, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn cho biết, các đơn vị chuyên môn đang xây dựng đề án quản lý lòng đường, vỉa hè.

"Dự kiến việc quản lý lòng đường, vỉa hè gắn với nghiên cứu định hướng thiết kế đô thị. Trong đó sẽ phân thành các khu vực nội đô lịch sử, trung tâm nội thành, vành đai 1, 2, 3 hay các vành đai 2, 5, 3 để ra từng khu vực, từng quận huyện", ông Tuấn nói.

UBND thành phố Hà Nội sẽ xem xét đề án quản lý lòng đường, vỉa hè vào tháng 1/2024. Hiện, một số quận của Hà Nội đã đề xuất các tuyến phố có đủ điều kiện hạ tầng để thí điểm cho thuê vỉa hè.

Dẫn thực tế ở TPHCM đã có quy định thu phí vỉa hè, ông Tuấn cho biết Hà Nội định hướng những vỉa hè đủ điều kiện ở các khu phát triển du lịch, văn hóa có thể được cho thuê khai thác thương mại, dịch vụ du lịch.


Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Một số quận ở Hà Nội đã đề xuất các tuyến phố có đủ điều kiện hạ tầng để thí điểm cho thuê vỉa hè. Trong đó, quận Hoàn Kiếm đề xuất thí điểm giai đoạn một cho thuê kinh doanh ở 10 tuyến phố với 36 vị trí.

Cụ thể, 15 vị trí trên 5 tuyến phố trong không gian đi bộ gồm: Đinh Tiên Hoàng, Hàng Khay, Hàng Bài, Nguyễn Xí, Lê Thái Tổ. Thời gian cho thuê trong khung giờ hoạt động của không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận.

21 vị trí trên 5 tuyến phố ngoài không gian đi bộ gồm: Lý Thường Kiệt, Phan Chu Trinh, Bà Triệu, Lê Phụng Hiểu, Ngô Quyền. Diện tích dự kiến cho thuê để sử dụng tạm thời tính từ mặt nhà ra 2 m và chỉ cho chủ nhà mặt phố tại vị trí trên thuê để kinh doanh mặt hàng đang kinh doanh. Thời gian cho thuê là tất cả ngày trong tuần.

Sau thời gian thí điểm, quận Hoàn Kiếm dự kiến đề xuất bổ sung một số tuyến phố giáp chợ, không phải trục giao thông chính và có hè rộng từ 3 m trở lên tại khu vực phố cổ. Các hộ kinh doanh mặt phố được thuê bề rộng 1m, ngang bằng mặt nhà và phải đảm bảo lối đi cho người đi bộ. Đối với những nơi chưa có cửa hàng kinh doanh thì chưa cho thuê vỉa hè.

Hoàn Kiếm hiện là quận duy nhất của Hà Nội cho thuê vỉa hè để kinh doanh từ năm 2021 theo chủ trương của thành phố. Các địa điểm cho thuê giới thiệu, quảng bá sản phẩm (chủ yếu là cà phê, giải khát, đồ ăn nhanh...) tại 94 Lý Thường Kiệt, 30 Lý Thường Kiệt, 11 Lê Phụng Hiểu, 15 Ngô Quyền.

Trước đó, tại kỳ họp thứ 11, HĐND TP HCM khóa X đã thông qua nghị quyết về mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn. Theo đó, mức thu phí cho hoạt động trông giữ xe từ 50.000 - 350.000/m2/tháng và mức thu phí cho các hoạt động khác từ 20.000 - 100.000 đồng/m2/tháng tùy theo khu vực.

AN NHIÊN


Tags Hà Nội cho thuê vỉa hè vỉa hè quản lý lòng đường thu phí vỉa hè đề án

Các tin khác

Chiều 19/4, HĐND TP.Hội An (khóa XII) tổ chức Kỳ họp thứ 11 nhằm điều chỉnh, bổ sung kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025, kế hoạch năm 2024 và điều chỉnh một số nội dung của dự án thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên Cù Lao Chàm.

Đô thị ngày càng nhiều, đến 2030 có tới 50% dân số Việt Nam (khoảng 55 triệu người) bước vào đô thị. Nhưng tích tụ đủ nội hàm phát triển một đô thị di sản thiên niên kỷ thì chỉ duy nhất thành phố Ninh Bình có thể sở hữu.

Trong bối cảnh nhu cầu thiết yếu của người dân về nước sạch, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) và các đơn vị cấp nước thành viên đã thống nhất thủ tục đăng ký, cắt chuyển định mức nước sinh hoạt theo số định danh cá nhân.

Một số vườn hoa - công viên được hoàn thành xây mới, cải tạo gần đây khiến cộng đồng có nhiều ý kiến tranh luận về chất lượng và hiệu quả sử dụng. Bài toán đặt ra lúc này chính là thiết lập các tiêu chí và chính sách để nâng cao hiệu quả xây mới, cải tạo hệ thống vườn hoa - công viên nội đô.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục