Công viên Bách Thảo (vườn Bách Thảo) được người Pháp thành lập từ năm 1890, đây là công viên lâu đời nhất của Hà Nội. Một sáng cuối tháng 11-2023, chúng tôi đến công viên để tận hưởng không khí trong lành, cảnh quan tuyệt đẹp nơi đây cũng như xác minh những điều mà người dân phản ánh về hiện trạng xuống cấp của công viên sau 133 năm tồn tại: hồ cạn nước, đường đi bong tróc, cây cổ thụ bị chết…
Những người sống ở Hà Nội lâu năm chắc đã không dưới một lần dạo chơi trong Công viên Bách Thảo nơi có cảnh quan lý tưởng, có hồ, núi, cây cổ thụ, vườn hoa, không gian thoáng mát. Mùa hè đến đây mát như phòng có điều hoà. Đây có thể nói là công viên cổ nhất ở Hà Nội, được thành lập năm 1890 trong thời kỳ Pháp xâm lược, đến nay đã có hơn 100 năm tuổi. Ban đầu nơi đây rộng hơn 33ha nằm ngay sát với khu vực hồ Tây với tên gọi là vườn Thảo Mộc, nhưng sau Ngày giải phóng Thủ đô vườn được tu bổ và đổi tên thành Công viên Bách Thảo, rộng khoảng 10ha.
Công viên Bách Thảo trước kia được gọi là vườn Thảo Mộc trên khu đất thuộc các làng Ngọc Hà, Khán Xuân và Hữu Tiệp ngày xưa; nằm sát bên ngoài thành Hà Nội và ngay bên hồ Tây. Nơi này có sẵn một ao đầm của làng Khán Xuân. Trong Công viên Bách thảo có một ngọn núi tên là Khán Xuân không phải là núi Nùng như nhiều người lầm gọi. Ngọn núi này cũng được người dân gọi là núi Sưa vì trên núi trồng nhiều cây sưa. Trên đồi còn có một ngôi đền cổ được xây dựng vào thế kỷ 19 - nơi thờ Huyền Thiên Hắc Đế người tài đã giúp vua Lý đánh bại quân xâm lược. Người Pháp đã cho xây dựng một quần thể vườn Thảo Mộc, đào sâu thêm ao có sẵn để tạo thành hồ nước đẹp.
Vườn Thảo Mộc là nơi thí nghiệm trồng cây vùng nhiệt đới. Dược sĩ hải quân Brousmiche được Toàn quyền Đông Dương biệt phái về Sở Canh Nông để nghiên cứu và làm tờ trình về ươm giống các loại cây ở vườn. Theo thống kê, vườn có 3000 loài thảo mộc khác nhau, đa số được nhập từ nước ngoài, gồm đủ loại cây công nghiệp, nông nghiệp, cây cảnh, cỏ nuôi gia súc, cây thân lớn và cây nhỏ, các loài hoa. Số loài địa phương chiếm hơn 2/3 các loài cây hiện hữu, còn lại 1/3 là các loài cây nhập nội từ nhiều châu lục trên thế giới: Châu Mỹ, Châu Phi, Châu Đại Dương. Các loài cây cũng đại diện cho các họ, bộ của hệ thực vật bậc cao có mạch, nổi bật là các loài cây thuộc ngành thực vật hạt trần và thực vật hạt kín. Trong đó có các loài cây thân gỗ; các loại cây thân cột khổng lồ của họ cau dừa; các cây gỗ có bộ rễ phụ buông dài của nhóm si, đa, đề; các loài cây leo thân gỗ, các giò phong lan khoe sắc và các cây cảnh sặc sỡ. Thời gian sau đó, vườn Bách Thảo trở thành vườn Bách Thú, khi nơi này bắt đầu có thêm những chuồng nhốt thú, có hổ, báo, gấu, khỉ… Chuồng nhốt thú nằm dưới chân núi Sưa, và trên đảo Con Nhện có thả nhiều loại chim. Năm 1976, hầu hết thú trong công viên này được chuyển vào Thảo Cầm Viên Sài Gòn và Công viên Thủ Lệ, nơi này trở lại thành Công viên Bách Thảo.
Trong thời gian gần đây Chuyên trang Quản lý môi trường (Tạp chí Môi trường và Đô thị) nhận được ý kiến phản hồi của người dân về những dấu hiệu xuống cấp của Công viên Bách Thảo như: gạch lát đường đi lại bị bong tróc, nhiều chỗ đường bị lún sụt, hồ cạn nước, nhà vệ sinh tồn tại từ thời bao cấp đến nay chưa được nâng cấp. Có cây cổ thụ hơn 100 tuổi đã chết.
Nhà vệ sinh công cộng xây từ thời bao cấp
Cây cổ thụ hơn 100 tuổi đã chết
Cuối tháng 11-2023, chúng tôi đi khảo sát chung quanh công viên để xác minh ý kiến phản ánh của người dân. Trả lời những vấn đề mà bạn đọc Chuyên trang quản lý môi trường nêu lên, đồng chí Giám đốc Xí nghiệp Quản lý công viên, cây xanh số 3 (Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội) Nguyễn Xuân Ngọc cho biết:
"Hiện nay Công viên Bách Thảo đang được các cấp có thẩm quyền khảo sát thực tế, nhằm xây dựng Dự án nâng cấp, sửa chữa công viên. Việc khảo sát tiến hành trong hai năm 2022 và 2023. Dự kiến Dự án sẽ được triển khai từ năm 2024 đến năm 2025. Do vậy chúng tôi chưa thực hiện việc sửa chữa một số đoạn đường đi bị bong tróc gạch lát, lún sụt. Công viên có ba cây muồng ngủ tuổi đời hơn 100 năm. Hai cây đã chết, trong đó có một cây ở khoảng giữa hai hồ như phản ánh của người dân. Cây chết do sống lấu năm chứ không phải do bị chặt phá. Hai hồ trong công viên luôn đầy nước do nước mạch cũng như nước mưa".
Đền Núi Sưa đang được tu bổ, tôn tạo
Nhưng một vài năm trở lại đây có hiện tượng cạn nước chưa hiểu nguyên nhân vì sao? Chúng tôi đang chờ các cơ quan có chuyên môn của thành phố tìm hiểu nguyên nhân và đưa ra biện pháp xử lý, tránh tình trạng nước cạn như hiện nay. Cả công viên có bốn nhà vệ sinh công cộng trong đó có hai nhà vệ sinh được xây dựng từ thời bao cấp đã xuống cấp, có bể nước dùng chung giữa hai khu nam và nữ rất bất tiện. Hy vọng khi dự án được triển khai nơi đây sẽ có một khu vệ sinh hiện đại phù hợp với cảnh quan chung quanh. Công viên Bách Thảo sẽ có diện mạo mới đáp ứng đòi hỏi của người dân Thủ Đô.
HÀ VY