1. Mở đầu
Tỉnh Ninh Bình thuộc vùng Đồng bằng Sông Hồng, là nơi tiếp nối giao lưu kinh tế và văn hoá giữa khu vực châu thổ sông Hồng với khu vực Bắc Trung Bộ và vùng Tây Bắc. Hiện tại, tỷ lệ đô thị hóa, lực lượng lao động cũng như sản phẩm khu vực công nghiệp của tỉnh chưa cao. Trong thời gian tới theo Quy hoạch tỉnh Ninh Bình, tỉnh phấn đấu đến năm 2050 trở thành một trong những tỉnh khá, phát triển toàn diện, nhanh và bền vững của vùng Đồng bằng sông Hồng.
Để đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa đạt 51,4% và kinh tế đô thị giữ vai trò trọng tâm, động lực và tăng trưởng chiếm trên 70% GRDP của toàn tỉnh [5], việc thúc đẩy và gắn kết công nghiệp hóa với đô thị hóa của tỉnh theo hướng bền vững là hết sức cần thiết.
Đô thị hóa và công nghiệp hóa có mối quan hệ mật thiết với nhau, quá trình đô thị hóa là quá trình công nghiệp hóa đất nước. Thế giới đến nay đã trải qua 3 cuộc cách mạng công nghiệp (từ 1784 đến đầu thế kỷ 21) và đang ở trong thời kỳ của Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư.
Qua mỗi cuộc cách mạng công nghiệp, tỷ lệ đô thị hóa tăng lên nhanh chóng, các đô thị phát triển mạnh mẽ và tiến bộ theo xu hướng của tiến bộ công nghiệp. Tuy nhiên, để phục vụ tốt nhất cho con người, việc phát triển các đô thị cần theo xu hướng phát triển của nhân loại, đó là phát triển bền vững.
Trong thời kỳ đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Ninh Bình sẽ thúc đẩy phát triển khu vực đô thị, nơi có vai trò đóng góp phần lớn kinh tế cho tỉnh cũng như phát triển về mọi lĩnh vực, mọi ngành, trong đó có ngành công nghiệp. Để phát huy các lợi thế phát triển của tỉnh, cũng như khắc phục những hạn chế còn tồn tại về công nghiệp hóa và đô thị hóa, những giải pháp hữu hiệu cần được đề xuất bởi các cấp, các ngành, các địa bàn trong tỉnh.
Bài viết này trình bày 4 nội dung chính: i) Tổng quan về mối liên kết giữa công nghiệp hoá và đô thị hoá; ii) Vài nét về phát triển bền vững; iii) Tỉnh Ninh Bình và mối liên kết vùng, sơ lược thực trạng phát triển công nghiệp và phát triển đô thị; iv) Một số giải pháp gắn kết công nghiệp hóa và đô thị hóa tỉnh Ninh Bình theo hướng bền vững.
2. Tổng quan về mối liên kết giữa công nghiệp hoá và đô thị hoá
"Đô thị hóa là người bạn đồng hành của công nghiệp hóa, quá trình đô thị hóa là quá trình công nghiệp hóa đất nước” là khái niệm được nhiều người xác định. Công nghiệp là động lực thúc đẩy các đô thị phát triển, công nghiệp thay đổi và phát triển làm cho cơ cấu thành phần kinh tế xã hội và lực lượng sản xuất thay đổi. Theo nhà xã hội học Pháp Jean Fourastié, sự biến đổi của ba khu vực lao động trong các giai đoạn phát triển kinh tế xã hội và quá trình đô thị hóa như sau [1]:
- Lao động khu vực I: Thành phần lao động sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp. Thành phần này chiếm tỷ lệ cao ở thời kì tiền công nghiệp (khoảng 80% năm 1800) và giảm dần vào các giai đoạn sau (còn khoảng 10% năm 2100).
- Lao động khu vực II: Bao gồm lực lượng sản xuất công nghiệp, xây dựng; phát triển rất nhanh ở giai đoạn công nghiệp hoá, chiếm tỷ lệ cao nhất trong thời kì hậu công nghiệp (khoảng 45% năm 1950) và sau đó giảm dần (còn khoảng 10% năm 2100) do sự thay thế trong lao động công nghiệp bằng tự động hoá.
- Lao động khu vực III: Bao gồm các thành phần lao động khoa học và dịch vụ. Thành phần này từ chỗ chiếm tỷ lệ thấp nhất trong thời kì tiền công nghiệp (khoảng 10% năm 1800) đã tăng dần và cuối cùng chiếm tỷ lệ cao nhất trong thời kỳ văn minh khoa học kĩ thuật (khoảng 80% năm 2100).
Hình 1. Mô hình lý thuyết về ba thành phần lao động của Fourastié.
Cùng với quá trình công nghiệp hóa, dân số đô thị tăng lên nhanh chóng. Theo Ngân hàng Thế giới, năm 1920 chỉ có 266,4 triệu người dân đô thị, chiếm 14,3% tổng số dân nhưng đến năm 1950 đã tăng lên khoảng trên 760 triệu người và chiếm 29,4% tổng dân số [9, 11]. Công nghiệp đóng vai trò quan trọng, cốt yếu trong mọi nền kinh tế quốc dân, ví dụ vào đầu thế kỷ 20 ở Mỹ: Vùng Đông Bắc, khu công nghiệp Philadelphia và Chicago có tổng diện tích chỉ là 14% của cả nước nhưng giá trị sản phẩm công nghiệp làm ra chiếm 75% tổng thu nhập quốc dân [1].
Ở Việt Nam và các nước đang phát triển, quá trình phát triển công nghiệp chậm hơn so với các nước phát triển. Theo kết quả điều tra từ Tổng cục Thống kê, dân số trung bình năm 2019 của nước ta ước tính 96,48 triệu người, trong đó lực lượng lao động đang làm việc ở Khu vực II (công nghiệp - xây dựng) chỉ chiếm 29,4% tổng số lao động trong khi Khu vực I chiếm 34,7%, Khu vực III chiếm 35,9%.
Mặc dù lực lượng lao động ở Khu vực II thấp nhất trong 3 khu vực nhưng vai trò của Khu vực này về cơ cấu kinh tế lại rất lớn, chiếm 34,49% GDP trong khi Khu vực I và III chiếm tỷ trọng lần lượt là 13,96% và 41,64% bên cạnh 9,91% thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm [8].
Cùng với phát triển công nghiệp, quá trình đô thị hóa ở nước ta cũng ngày càng phát triển. Theo số liệu của Bộ Xây dựng qua từng giai đoạn, các số liệu về tỷ lệ đô thị hóa trước Cách mạng tháng 8, vào năm 1940 nước ta chỉ có 8,7% dân số sống trong các đô thị; tiếp theo lần lượt là: 1950 - 11,6%; 1960 - 15,0%; 1979 - 19,2%; 1999 - 23,7%; 2009 - 29,6%; 2019 - 39,2% [4]; đến hết tháng 6 năm 2023, tỷ lệ đô thị hóa ở Việt Nam ước đạt 42%. Hiện tại chúng ta đang thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, phấn đấu để trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, đồng thời với việc phát triển các ngành khoa học, công nghệ, dịch vụ.
Tác động của cách mạng công nghiệp là vô cùng sâu rộng, làm thay đổi đời sống nhân loại và dẫn tới sự thay đổi toàn diện hình thái kinh tế - xã hội. Thế giới đến nay đã trải qua 3 cuộc cách mạng công nghiệp và đang ở trong thời kỳ của Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư.
Cách mạng công nghiệp lần thứ Nhất (1784 - 1840) bắt nguồn tại Anh từ khi James Watt phát minh ra động cơ hơi nước, sau đó lan rộng ra châu Âu, Mỹ và các nước trên toàn thế giới. Điểm nổi bật của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Nhất là việc sử dụng năng lượng nước, hơi nước và cơ giới hóa sản xuất. Đây là giai đoạn quá độ từ nền sản xuất nông nghiệp sang nền sản xuất cơ giới dựa trên cơ sở khoa học có tính thực nghiệm.
Cuộc cách mạng đã mang lại nhiều biến đổi mới; đã áp dụng được một hệ thống kỹ thuật tân tiến với nguồn lực là máy hơi nước và nguyên, nhiên vật liệu. Năm 1814, chiếc đầu máy xe lửa đầu tiên chạy bằng hơi nước ra đời, khởi đầu cho hệ thống đường sắt ở châu Âu và châu Mỹ. Đây là tiền đề cho sự kết nối, mở rộng các đô thị gắn với các khu công nghiệp, khu sản xuất [3].
Theo Báo cáo Đô thị hóa của Liên Hợp quốc năm 2010, năm 1800 dân số đô thị toàn cầu là 50 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 5,1%. Cách mạng công nghiệp ra đời thúc đẩy sản xuất phát triển, nhiều ngành công nghiệp lớn, nhiều nhà máy, xí nghiệp được xây dựng đã thu hút nhiều nhân lực vào làm việc; theo đó nhiều khu nhà ở, nhiều đô thị phát triển bên cạnh các khu sản xuất, nhất là ở các nước phát triển như Anh, Pháp, Đức, Mỹ. Dân số đô thị ở Mỹ năm 1801, dân số đô thị ở Anh vào đầu thế kỷ 19 chỉ chiếm 4% và 32% tổng dân số thì đến năm 1921 các con số này đã là 51% và 80% [1].
Cách mạng công nghiệp lần thứ Hai (1871 - 1914) là giai đoạn công nghiệp hóa nhanh chóng. Đây là cuộc cách mạng về khoa học và kỹ thuật. Đặc trưng chính là việc sử dụng năng lượng điện và sự ra đời của các dây chuyền sản xuất hàng loạt trên quy mô lớn [3]. Nền kinh tế chuyển sang sản xuất trên cơ sở điện cơ khí và tự động hóa cục bộ, sử dụng năng lượng điện.
Cuộc cách mạng lần này tạo dựng tiền đề và cơ sở để nền công nghiệp ngày càng phát triển; biến khoa học thành một ngành đặc biệt; nhiều sáng chế được ra đời trong thời kỳ này và đỉnh cao nhất là ngành truyền thông và động cơ. Với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Hai, quá trình biến đổi cách mạng từ lĩnh vực khoa học đã nhanh chóng lan tỏa sang lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ.
Dân số đô thị trên thế giới tăng nhanh; năm 1900 tỷ lệ đô thị hóa toàn cầu chỉ có khoảng 10% nhưng đến năm 1950 tỷ lệ này đã là 29,4% [9]. Cách mạng công nghiệp lần thứ Hai tác động mạnh đến mô hình phát triển đô thị, nhiều thành phố công nghiệp đã ra đời trong và sau đó. Năm 1879, Pullman và Illinois thiết kế thành phố công nghiệp gồm các cụm xí nghiệp và các khu nhà ở công nhân.
Năm 1901, Tony Ganier đề xuất phương án mới về quy hoạch thành phố công nghiệp, trong đó các khu công nghiệp, khu dân dụng và hệ thống giao thông được bố trí rõ ràng, hợp lý (ứng dụng cho thành phố công nghiệp Lyon, Pháp năm 1904). Năm 1930, Milutin quy hoạch thành phố theo dải Vongagrat, Liên Xô, trong đó công nghiệp là một trong 4 dải chính của cấu trúc thành phố. Năm 1942, Le Courbusier đã mô hình hóa thành phố công nghiệp trên cơ sở lý luận quy hoạch thành phố chuỗi và thành phố dải [1].
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Ba (1950 - đầu thế kỷ 21) hay còn được gọi Cách mạng kỹ thuật số, là kỷ nguyên của công nghệ thông tin với sự áp dụng phổ biến máy tính kỹ thuật số. Tại các nước phát triển, máy tính trở nên phổ biến trong suốt thập niên 1980 cho hầu hết mọi hoạt động xã hội, nhất là để tự động hóa sản xuất [13]. Cách mạng công nghiệp lần thứ Ba đã mang lại nhiều thay đổi đặc biệt về công nghệ kỹ thuật số, mang đến nhiều phát minh vĩ đại nhằm thay đổi nền kinh tế. Cuộc cách mạng này tạo điều kiện tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên và nguồn lực xã hội, giảm thiểu chi phí khi sử dụng các phương tiện sản xuất để tạo ra một khối lượng hàng hóa tiêu dùng, làm thay đổi tận gốc các lực lượng sản xuất.
Theo Liên Hợp quốc, tỷ lệ đô thị hóa toàn cầu năm 1960 là 33,6%; năm 2000 là 46,7%, năm 2010 là 51,6% (năm cuối của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Ba) [9]. Song hành với Cách mạng công nghiệp lần thứ Ba, số lượng đô thị lớn trên thế giới cùng với số dân đô thị được tập trung cao độ tăng lên nhanh chóng. Cấu trúc các đô thị được thay đổi, các khu công nghiệp không còn bị bố trí quá xa so với các khu dân dụng.
Xu hướng công nghệ sạch dẫn đến mô hình sản xuất gắn liền với ở trong đô thị, nhiều "Nhà máy thẳng đứng” được xây dựng trong đô thị, giảm bớt sự di chuyển giữa nơi ở và nơi làm việc của dân cư. Vào cuối những năm 1980, mô hình đô thị phát triển theo định hướng giao thông công cộng (TOD) được Peter Calthorpe đề xuất, tập trung khu dân cư đô thị vào các đầu mối, từ đó liên hệ dễ dàng với các khu sản xuất và các khu vực khác thông qua hệ thống giao thông công cộng.
Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư còn được gọi là Cách mạng công nghiệp 4.0 được giới thiệu lần đầu tiên ở CHLB Đức năm 2011; cho phép các nhà máy thông minh, sản phẩm thông minh và chuỗi cung ứng thông minh, và làm cho các hệ thống sản xuất và dịch vụ trở nên linh hoạt, đáp ứng nhu cầu hơn. Những yếu tố cốt lõi của kỹ thuật số trong Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư là: Trí tuệ nhân tạo (AI), Vạn vật kết nối - Internet of Things (IoT) và dữ liệu lớn (Big Data).
Hiện nay, Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra tại các nước phát triển như Mỹ, châu Âu, một phần châu Á [13]. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang thúc đẩy mọi khía cạnh và nhiều cấp độ khác nhau trong đời sống và sản xuất, kinh tế và xã hội.
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư phát triển dựa trên cơ sở của cả ba cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, nhất là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Ba; tạo nên những hệ thống sản xuất tự động hóa, đưa kinh tế bước vào ngưỡng cửa của nền kinh tế tri thức và nền công nghiệp thông minh với hệ thống quản trị thông minh. Nền kinh tế thông minh tạo ra những ngôi nhà, đô thị và các quốc gia, xã hội thông minh [3].
Số liệu của Liên Hợp quốc cho thấy, tỷ lệ đô thị hóa toàn cầu năm 2011 (bắt đầu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư) là 52%, hiện nay 2023 khoảng 58% và đến năm 2050, con số này được dự báo sẽ là 68%. Vào đầu thế kỷ 21, mô hình đô thị theo định hướng giao thông công cộng vẫn tiếp tục được phát triển. Nhiều xu hướng mới về phát triển đô thị xuất hiện trên khắp toàn cầu như đô thị bền vững, đô thị thông minh, đô thị sinh thái, đô thị sinh thái - kinh tế, đô thị xanh, đô thị nén. Cấu trúc của đô thị có nhiều thay đổi nhờ hệ thống công nghệ thông tin, công nghệ số.
3. Vài nét về phát triển bền vững
Phát triển bền vững là mục tiêu và xu hướng phát triển của nhân loại. Theo Ủy ban thế giới về Môi trường và Phát triển của Liên Hợp quốc, "Phát triển bền vững là sự phát triển nhằm đáp ứng những nhu cầu của hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng thỏa mãn nhu cầu của các thế hệ tương lai”.
Khái niệm này được đưa ra năm 1987 trong báo cáo Brundtland "Tương lai của chúng ta” [12]; đây cũng là khái niệm cơ bản nhất, được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới mặc dù có nhiều khái niệm khác tùy theo từng lĩnh vực hoặc từng quốc gia. Phát triển bền vững là một quá trình được thực hiện trên cơ sở bền vững của sự phát triển ổn định kết hợp với tăng trưởng, bao gồm ba lĩnh vực: Kinh tế, Xã hội và Môi trường.
Hình 2. Mô hình phát triển bền vững.
- Bền vững về kinh tế: Giải quyết các vấn đề về chính sách kinh tế quốc gia thích hợp. Tạo ra sự giàu có, nâng cao mức sống vật chất và liên tục phát triển. Tổ chức có hiệu quả, kinh tế và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên; giải quyết công ăn việc làm cho mọi người, đặc biệt quan tâm và đầu tư vào sản xuất cho người nghèo đô thị.
- Bền vững về xã hội được thể hiện trước hết ở tầm nhìn chính trị, đường lối, chủ trương chính sách và kế hoạch phát triển của quốc gia. Xã hội bền vững luôn quan tâm đến quyền con người, tự do chính trị và khuyến khích việc phát triển dân chủ với sự đóng góp của cộng đồng. Yêu cầu sự phân phối công bằng về thu nhập, bình đẳng về giới tính, tuổi tác, trình độ văn hoá, đạo đức và tín ngưỡng; coi con người là yếu tố trung tâm của quá trình phát triển. Văn hoá của một khu vực được xem xét trên cơ sở giữ gìn và phát triển bản sắc văn hoá dân tộc, đặc biệt là lối sống, phong tục tập quán.
- Bền vững về môi trường, kể cả môi trường tự nhiên và môi trường xây dựng. Bền vững về môi trường tự nhiên bao gồm những vấn đề về sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, duy trì hệ sinh thái và bảo tồn đa dạng sinh học. Duy trì việc sử dụng các tài nguyên tái tạo được và hạn chế sử dụng các tài nguyên không tái tạo được. Về môi trường xây dựng là các giải pháp sử dụng đất, quy hoạch xây dựng các khu chức năng hợp lý, đặc biệt các khu ở (tổ chức không gian, hệ thống hạ tầng cơ sở, mối liên hệ với các khu sản xuất...) phù hợp với điều kiện sống của con người.
Năm 1992, tại Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất về Môi trường và phát triển, Uỷ ban Phát triển bền vững của Liên Hợp quốc đã xây dựng một tập hợp gồm 58 tiêu chí phát triển bền vững theo 15 chủ đề. Bộ tiêu chí này được sử dụng cho các quốc gia trên cơ sở tự nguyện và mức độ phù hợp với các điều kiện riêng của mỗi nước, Liên Hợp quốc yêu cầu các quốc gia tự xây dựng cho mình những tiêu chí phù hợp.
Cũng như nhiều nước trên thế giới, Việt Nam đã xây dựng bộ tiêu chí đánh giá phát triển đô thị bền vững trên cơ sở của Liên Hợp quốc. Năm 2005, Bộ Xây dựng đã xác định xu hướng phát triển và 10 nhóm với 51 tiêu chí, trong đó có những tiêu chí liên quan trực tiếp đến phát triển công nghiệp và đô thị bền vững.
Năm 2015 tại trụ sở Liên Hợp quốc, Hội nghị Thượng đỉnh đã thông qua Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững nhằm đáp ứng giai đoạn phát triển mới. Ở Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững theo Quyết định số 622/QĐ-TTg, ngày 10/5/2017 [6].
Liên quan trực tiếp đến công nghiệp hóa và đô thị hóa, trong số 17 mục tiêu Phát triển bền vững có đến 3 mục tiêu cần quan tâm đặc biệt, đó là: Mục tiêu 8. Đảm bảo đầy đủ việc làm và kinh tế phát triển; Mục tiêu 11. Phát triển đô thị và nông thôn bền vững; Mục tiêu 12. Đảm bảo sản xuất và tiêu dùng có trách nhiệm.
4. Tỉnh Ninh Bình và mối liên kết vùng, sơ lược thực trạng phát triển công nghiệp và phát triển đô thị
Ninh Bình thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng, là nơi tiếp nối giao lưu kinh tế và văn hoá giữa khu vực châu thổ sông Hồng với khu vực Bắc Trung bộ qua Thanh Hóa cũng như với vùng rừng núi Tây Bắc qua Hòa Bình. Giao thông qua Ninh Bình rất thuận lợi với 3 trên 4 loại hình. Về đường bộ, Ninh Bình có Cao tốc Bắc - Nam; 8 tuyến quốc lộ: Quốc lộ 1, Quốc lộ 10, Quốc lộ 12B, Quốc lộ 21B, Quốc lộ 38B, Quốc lộ 45… và 19 tuyến đường tỉnh.
Hình 3. Vị thế và vai trò của tỉnh Ninh Bình trong các vùng kinh tế phía Bắc [5].
Về đường sắt, Ninh Bình có tuyến đường sắt Bắc - Nam chạy qua với bốn nhà ga hành khách. Về đường thủy, Ninh Bình có 4 tuyến thủy nội địa Quốc gia, hệ thống đường thủy nội địa địa phương; mặc dù có biển nhưng Tỉnh không có cảng nước sâu và điều kiện phát triển cảng biển quy mô lớn khó khăn [5].
Theo Niên giám Thống kê Việt Nam 2021, tỉnh Ninh Bình có diện tích 1.412 km², dân số trung bình là 1.007.600 người, mật độ dân số đạt 714 người/km²; dân cư chủ yếu sống ở nông thôn (78,5%), chỉ có 21,5% dân số sống ở đô thị (216.500 người) với 2 thành phố (Ninh Bình và Tam Điệp) và 7 thị trấn tại 6 huyện [7].
GRDP bình quân đầu người của Tỉnh đạt 84,5 triệu đồng năm 2020. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực, theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, tăng tỷ trọng lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ. Khu vực công nghiệp - xây dựng (Khu vực II) đạt 38,12% trong khi Khu vực I giảm còn 10,89%. Đến năm 2020, lực lượng lao động Khu vực II chiếm 37,8% (riêng ngành công nghiệp 25,3%) trong khi Khu vực I chỉ còn 31,0% và Khu vực III là 31,2% [5].
Nhìn chung, quá trình công nghiệp hóa cũng như đô thị hóa ở Việt Nam, trong đó có tỉnh Ninh Bình, chậm hơn so với thế giới; một trong những lý do cơ bản là nước ta phải đương đầu với hai cuộc chiến tranh lớn với Pháp và Mỹ. Trong thời kỳ chiến tranh, việc xây dựng đô thị cũng như các nhà máy, các khu công nghiệp là hết sức khó khăn. Nhà máy Điện Ninh Bình (nay là Công ty CP Nhiệt điện Ninh Bình) được khởi công xây dựng ngày 05/3/1971 và được thành lập, đưa vào hoạt động ngày 17/01/1974.
Từ đó Nhiệt điện Ninh Bình chính thức hòa nhập vào mạng lưới điện lực Việt Nam và trở thành một trong 3 nguồn điện chủ yếu của lưới điện miền Bắc [10]. Đây là một trong số những nhà máy nhiệt điện đầu tiên của Việt Nam cũng như một trong số những nhà máy đầu tiên ở tỉnh Ninh Bình.
Ninh Bình hiện có 7 KCN: KCN Gián Khẩu (ở huyện Gia Viễn); KCN Khánh Phú (ở đông nam TP Ninh Bình); KCN Tam Điệp I (ở TP Tam Điệp); KCN Tam Điệp II (ở TP Tam Điệp); KCN Phúc Sơn (ở TP Ninh Bình); KCN Khánh Cư (ở huyện Yên Khánh); KCN Kim Sơn (ở huyện Kim Sơn). Bên cạnh đó, tỉnh còn có 22 cụm công nghiệp với diện tích 880 ha. Các KCN ở Ninh Bình chủ yếu gắn kết với các đô thị lớn của tỉnh.
Trong thời kỳ 10 năm 2011 - 2020, ngành công nghiệp đóng góp lớn nhất trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh (3,63 điểm %), cao hơn nhiều so với ngành dịch vụ (đóng góp 2,3 điểm %). Đến năm 2020, công nghiệp tỉnh Ninh Bình được đóng góp chủ yếu từ 3 nhóm ngành: i) Cơ khí chế tạo, lắp ráp; ii) Điện tử, linh kiện điện tử và iii) Sản xuất vật liệu xây dựng (chủ yếu xi măng và gạch). Ngoài ra là một số ngành khác như: Dệt may - da giày; Hoá chất, phân bón; Chế biến thực phẩm, đồ uống [5].
So với vùng Đồng bằng sông Hồng gồm 11 tỉnh và thành phố, công nghiệp của tỉnh Ninh Bình có đóng góp không cao, hiện chỉ chiếm khoảng 2,6% giá trị công nghiệp toàn Vùng. Tuy nhiên nhóm ngành sản xuất vật liệu xây dựng của tỉnh tiếp tục duy trì đóng góp cao trong Vùng. Hiện chiếm khoảng 9,7% và đứng thứ 3/11 địa phương (sau TP Hà Nội và tỉnh Hà Nam).
Về xu hướng đô thị hóa, sự di cư chuyển dịch giữa khu vực nông thôn và thành thị của tỉnh Ninh Bình là không đáng kể. Mức độ đô thị hóa của tỉnh đang ở mức trung bình thấp, đây cũng là một trong những lý do mà mức độ công nghiệp hóa của tỉnh chưa cao. Tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh năm 2021 thấp hơn so với mức trung bình của cả nước (21,5% so với 40,5%).
Khu vực đô thị ở tỉnh Ninh Bình hiện tại phát triển chủ yếu tại 2 thành phố là Ninh Bình (đô thị loại II) và Tam Điệp (đô thị loại III); 7 thị trấn cấp huyện chưa được công nhận là đô thị loại V, trong đó có 6 thị trấn huyện lỵ (Yên Thịnh, huyện Yên Mô; Thiên Tôn huyện Hoa Lư; Nho Quan, huyện Nho Quan; Phát Diệm, huyện Kim Sơn; Me, huyện Gia Viễn; Yên Ninh, huyện Yên Khánh) và Bình Minh là thị trấn chuyên ngành ở huyện Kim Sơn. Mức độ đô thị hóa ở các huyện còn thấp; cũng vì vậy, các khu dịch vụ và du lịch, công trình thương mại, các khu dân cư mật độ cao và các khu công nghiệp chủ yếu tập trung ở khu vực trung tâm của tỉnh dọc theo QL1A gắn với TP Ninh Bình, TP Tam Điệp và thị trấn Thiên Tôn [5].
5. Một số giải pháp gắn kết công nghiệp hóa và đô thị hóa tỉnh Ninh Bình theo hướng bền vững
Về quan điểm, công nghiệp hóa và đô thị hóa tỉnh Ninh Bình phải phát triển trên cơ sở phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước giai đoạn 2021 - 2030; Quy hoạch tổng thể quốc gia; Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng; Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các chủ trương chính sách của tỉnh.
Theo Quy hoạch tỉnh Ninh Bình, để đến năm 2050 tỉnh Ninh Bình trở thành một trong những tỉnh khá, phát triển toàn diện, nhanh và bền vững của vùng Đồng bằng sông Hồng, giữ vai trò là một cực tăng trưởng tiềm năng về công nghiệp và dịch vụ của tứ giác Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh - Ninh Bình phối hợp với Thanh Hóa, tỉnh Ninh Bình cần kết nối, hợp tác chặt chẽ với tỉnh Thanh Hóa, biến Ninh Bình - Thanh Hóa trở thành một đầu mối phát triển, một cực tăng trưởng mới tạo ra tứ giác tăng trưởng tiềm năng của khu vực miền Bắc Việt Nam.
Trong mối quan hệ vùng, Ninh Bình có vị trí cửa ngõ của vùng Đồng bằng sông Hồng, là điểm kết nối giữa vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Tây Bắc và vùng Bắc Trung bộ cũng như không gian biển quốc gia thông qua các hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy. Ninh Bình có tiềm năng trở thành điểm giao thông trung chuyển, trung tâm logistic của vùng, quốc gia và trở thành một trung tâm công nghiệp, du lịch, dịch vụ phía Nam Đồng bằng sông Hồng.
Về giao thông hàng không, từ nay đến 2050, tỉnh tiếp tục sử dụng các sân bay ở các địa phương lân cận (Nội Bài, Hà Nội; Cát Bi, Hải Phòng; Thọ Xuân, Thanh Hóa). Nằm ở vùng giao thoa giữa các vùng, là nơi chịu ảnh hưởng giữa nền văn hóa Hòa Bình và văn hóa Đông Sơn, Ninh Bình có một nền văn hóa tương đối đa dạng mang đặc trưng khác biệt so với các tỉnh trong Vùng. Tỉnh cần vận dụng những lợi thế cạnh tranh đó để phát triển.
Theo dự báo của Quy hoạch tỉnh, tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2030 đạt 51,4%, với quy mô dân số đô thị là 621.601 người. Kinh tế đô thị giữ vai trò trọng tâm, động lực và tăng trưởng chiếm trên 70% GRDP của toàn tỉnh.
Giai đoạn từ nay đến năm 2030 toàn tỉnh có 14 đô thị, gồm: một đô thị loại II là TP Ninh Bình; một đô thị loại III là TP Tam Điệp; hai đô thị loại IV là huyện Kim Sơn và Nho Quan mở rộng; và 10 đô thị loại V (Thiên Tôn, Yên Ninh, Me, Yên Thịnh, Gián Khẩu, Rịa, Vân Long, Gia Lâm, Khánh Thiện và Khánh Thành). Bên cạnh đó, trong Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1266/QĐ-TTg ngày 28/7/2014, đô thị Ninh Bình đã được mở rộng thêm, bằng 15% diện tích tự nhiên toàn tỉnh.
Giai đoạn từ 2031 - 2050 toàn tỉnh có 15 đô thị, gồm: hai đô thị loại II là TP Ninh Bình và TP Tam Điệp; 6 đô thị loại IV gồm huyện Kim Sơn và huyện Nho Quan (được mở rộng từ 2030) và 4 đô thị được mở rộng (Me, Yên Ninh, Yên Thịnh, Thiên Tôn); 7 đô thị loại V (Gián Khẩu, Vân Long, Khánh Thiện, Khánh Thành, Bút, Lồng, Ninh Thắng).
Các đô thị được hình thành, nâng cấp và phát triển là cơ sở, địa bàn cho các hoạt động công nghiệp của tỉnh. Quá trình đô thị hóa cần tập trung vào quy hoạch xây dựng, quản lý và phát triển bền vững các đô thị thông minh, hiện đại, khu đô thị xanh. Quá trình công nghiệp hóa cần gắn kết với quá trình đô thị hóa và xu thế mới của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư cũng như những tiêu chí của phát triển bền vững. Công nghiệp là động lực chính thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh theo hướng hiện đại, trên cơ sở của khoa học và công nghệ tiên tiến. Một số giải pháp cơ bản về phát triển công nghiệp gồm:
- Ban hành các chủ trương, chính sách theo hướng thông thoáng, thu hút đầu tư vào công nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng... để các doanh nghiệp sớm triển khai dự án, đi vào hoạt động góp phần đẩy mạnh phát triển công nghiệp.
- Huy động và khai thác hiệu quả các nguồn vốn từ nhiều thành phần kinh tế hoạt động cho lĩnh vực công nghiệp nhằm thúc đẩy công nghiệp phát triển. Các thành phần kinh tế đều được tạo cơ hội và điều kiện phát triển. Tập trung thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, tiên tiến, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường và cảnh quan thiên nhiên bên cạnh việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn lao động có trình độ chuyên môn khoa học, kỹ thuật.
- Phát triển ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, điện tử và ngành công nghiệp hỗ trợ là những mũi nhọn kinh tế, có hàm lượng công nghệ cao đã được tỉnh xác định. Phát triển mạnh các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quy mô lớn; theo hướng ứng dụng công nghệ cao có giá trị gia tăng lớn, công nghệ sạch và sản xuất hàng công nghiệp xuất khẩu.
- Khuyến khích thu hút các dự án sản xuất công nghiệp vào các KCN, cụm công nghiệp trên địa bàn để phát triển các dự án công nghệ cao, công nghệ sạch, sản xuất vật liệu xây dựng sử dụng công nghệ hiện đại trong giai đoạn đến năm 2030, nhất là KCN Tam Điệp II (gắn với việc phát triển TP Tam Điệp), KCN Gián Khẩu II (huyện Gia Viễn), KCN Kim Sơn (huyện Kim Sơn).
- Tận dụng những lợi thế, cơ hội tiếp cận các công nghệ hiện đại trong sản xuất và đời sống xã hội, từ đó đẩy mạnh chuyển dịch sang mô hình tăng trưởng chủ yếu dựa vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; phát triển mạnh chuyển đổi số với mục tiêu phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
- Phát triển khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình cần gắn với đổi mới công nghệ sản xuất, phương thức quản lý hiện đại và chuyển đổi thành KCN sinh thái, gắn kết hài hòa với các hoạt động khác nhằm đảm bảo môi trường, quốc phòng và an ninh quốc gia. Dần dần loại bỏ, thay thế các khu công nghiệp không đáp ứng những yêu cầu mới. Ví dụ với Nhà máy Nhiệt điện Ninh Bình đã được xây dựng và hoạt động 49 năm, công nghệ cũ, lạc hậu, công suất nhỏ, ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan, kiến trúc, quy hoạch đô thị Ninh Bình, cần có lộ trình sớm dừng hoạt động và tìm dự án khác thay thế bằng việc sử dụng năng lượng công nghệ sạch ở một vị trí khác để thực hiện Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình.
- Xây dựng đầy đủ cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho mục tiêu phát triển công nghiệp như hệ thống giao thông, năng lượng, cấp thoát nước, xử lý thu gom rác thải cho các KCN, cụm công nghiệp. Tạo được mối liên kết, hỗ trợ giữa các KCN, cụm công nghiệp, giữa các ngành công nghiệp để cùng nhau phát triển. Bên cạnh đó, cần tạo mối liên kết giữa ngành công nghiệp và các ngành, lĩnh vực khác trong tỉnh.
- Xây dựng, phát triển công nghiệp cần lưu ý đến việc sử dụng và khai thác hợp lý, hiệu quả các nguồn tài nguyên, như: i) Tài nguyên đất với 1.872 ha đất KCN theo Quyết định 326/QĐ-TTg ngày 09/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia; ii) Tài nguyên nước bao gồm tài nguyên nước mặt và nước ngầm (chủ yếu ở huyện Nho Quan và TP Tam Điệp); iii) Tài nguyên rừng (duy trì là tỉnh có diện tích rừng lớn nhất vùng Đồng bằng Sông Hồng); iv) Tài nguyên biển (với 18 km bờ biển); v) Tài nguyên khoáng sản, bao gồm đá vôi, đất sét và một số loại khác. Tài nguyên đá vôi tập trung chủ yếu ở các huyện Nho Quan, Gia Viễn, Hoa Lư, Yên Mô và TP Tam Điệp; đây là nguồn nguyên liệu lớn để sản xuất xi măng và vật liệu xây dựng. Tài nguyên đất sét phân bố rải rác ở TP Tam Điệp, huyện Gia Viễn, Yên Mô, dùng để sản xuất gạch ngói và nguyên liệu ngành đúc.
- Phát triển công nghiệp gắn kết với phát triển đô thị trên cơ sở tình hình thực tế của tỉnh. Các đô thị cũng như các khu công nghiệp khi phát triển cần lưu ý đến quy mô, tiềm năng và không vượt quá ngưỡng cho phép. Các KCN cần được bố trí hợp lý về quy mô và có khoảng cách thích hợp với các đô thị và trung tâm đô thị, tạo điều kiện cho người lao động có nhà ở và các dịch vụ công cộng liên hệ tốt với khu sản xuất. Tránh tình trạng quá tải các KCN tại một số đô thị, như việc đề xuất không quy hoạch phát triển thêm KCN tại TP Ninh Bình và huyện Hoa Lư đến năm 2030 nhằm đảm bảo phát triển bền vững.
6. Kết luận
Với lợi thế là nơi tiếp nối giao lưu kinh tế và văn hoá giữa ba vùng của miền Bắc Việt Nam, với sự năng động sáng tạo của người dân Ninh Bình cũng như những nguồn tài nguyên, tiềm năng sẵn có phục vụ phát triển, tỉnh Ninh Bình sẽ trở thành một trong những tỉnh khá, phát triển toàn diện, nhanh và bền vững của vùng Đồng bằng sông Hồng cũng như của cả nước vào năm 2050.
Việc gắn kết công nghiệp hóa với đô thị hóa là hết sức cần thiết, và sự phát triển của tỉnh không nằm ngoài xu thế phát triển bền vững của nhân loại. Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư đang mang đến cho cả nước cũng như Ninh Bình một vận hội mới, cơ hội mới tiếp cận các công nghệ mới, hiện đại, tiên tiến và đổi mới sáng tạo…
Bài viết đã trình bày một vài nét về tổng quan các cuộc cách mạng công nghiệp, sự gắn kết giữa công nghiệp hóa với đô thị hóa và phát triển bền vững trên thế giới; thực trạng phát triển công nghiệp cũng như đô thị và đề xuất một vài giải pháp nhằm tạo sự gắn kết công nghiệp hóa và đô thị hóa theo hướng bền vững tỉnh Ninh Bình trong mối liên kết vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Những giải pháp đề xuất tập trung vào việc ban hành các cơ chế, chính sách; huy động nguồn vốn từ nhiều thành phần kinh tế; lựa chọn các ngành công nghiệp phát triển, nhất là các dự án công nghệ cao, công nghệ sạch, công nghệ hiện đại gắn với đổi mới công nghệ sản xuất, phương thức quản lý hiện đại; sử dụng và khai thác hợp lý, hiệu quả các nguồn tài nguyên; gắn kết phát triển công nghiệp với phát triển đô thị.
GS.TS.KTS Nguyễn Tố Lăng
Nguyên Vụ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng thường trực
Ban chỉ đạo Quy hoạch và Đầu tư xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội
* Tít bài do Tòa soạn đặt
Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Thế Bá, Trần Trọng Hanh, Lê Trọng Bình, Nguyễn Tố Lăng. Quy hoạch xây dựng phát triển đô thị. NXB Xây dựng, Hà Nội 2008.
2. Ban phát triển kinh tế công nghiệp, UBND tỉnh Ninh Bình. http://www.banptktcn-ninhbinh.vn/gioi-thieu/gioi-thieu-chung 17/6/2023.
3. An Châu. Ngành công nghiệp hỗ trợ nhìn từ các cuộc cách mạng công nghiệp. https://moit.gov.vn/tin-tuc/hoat-dong/nganh-cong-nghiep-ho-tro-nhin-tu-cac-cuoc-cach-mang-cong-nghiep.html. 12/01/2022.
4. Nguyễn Tố Lăng. Nhận diện vấn đề đô thị và quản lý phát triển đô thị khi đất nước dần trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Tạp chí Cộng sản, số 957 (kỳ 1) và số 958 (kỳ 2). Hà Nội, 2021.
5. Sở KH&ĐT tỉnh Ninh Bình. Báo cáo tổng hợp Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ninh Bình, tháng 5/2023.
6. Thủ tướng Chính phủ. Quyết định 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.
7. Tổng cục Thống kê. Niên giám Thống kê Việt Nam 2021. NXB Thống kê, Hà Nội 2021.
8. Tổng cục Thống kê. Thông cáo báo chí về tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2019. Hà Nội, 27/12/2019.
9. United Nations. Department of Economic and Social Affairs, Population Division. World Urbanization Prospects: The 2014 Revision.
10. Hoàng Việt. Ninh Bình muốn dừng Nhà máy Nhiệt điện đã gần 50 tuổi, công nghệ cũ, lạc hậu. https://vneconomy.vn/ninh-binh-muon-dung-nha-may-nhiet-dien-da-gan-50-tuoi-cong-nghe-cu-lac-hau. htm. 21/11/2022.
11. World Bank. World Development Indicators. 2019.
12. World Commission on Environment and Development. Our Common Future. Oxford University Press, Oxford 1987.
13.https://andrews.edu.vn/4-cuoc-cách-mạng-công-nghiệp-trong-lich-su-the-gioi. 20/9/ 2021.
Theo Tạp chí xây dựng