Theo các chuyên gia tại hội thảo, việc nhận diện một số vấn đề đang tồn tại từ thực trạng phát triển đô thị thích ứng với BĐKH nhằm đưa ra các giải pháp về khả năng chống chịu, thích ứng, giảm nhẹ các tác động của BĐKH đối với đô thị là hướng đi cấp thiết đối với Việt Nam hiện nay.
Hội thảo do Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường - Bộ Xây dựng cùng với Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) và Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức GIZ đồng chủ trì, thuộc khuôn khổ Diễn đàn Phát triển bền vững đô thị Việt Nam năm 2023.
Đô thị hoá cùng với BĐKH gây áp lực lên cơ sở hạ tầng tại các đô thị lớn
Phát biểu tại Hội thảo trên, ông Vũ Ngọc Anh - Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường - Bộ Xây dựng nhận định: Hiện nay thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang bị ảnh hưởng bởi những tác động tiêu cực của BĐKH từ đời sống, kinh tế - xã hội tới sức khỏe con người. Do đó, cần phải có giải pháp nhằm xây dựng những đô thị phát triển, xanh, sạch, hiện đại, thông minh và chống chịu BĐKH.
Ông Vũ Ngọc Anh - Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường - Bộ Xây dựng
Theo Bà Kristina Buende - Trưởng ban Hợp tác Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, ước tính đến năm 2050 dân số sẽ tăng khoảng 2 triệu người tại các đô thị lớn ở châu Á và châu Phi. Điều này gây lên những tác động tiêu cực đến môi trường cũng như gây áp lực lên cơ sở hạ tầng tại các đô thị lớn.
Quá trình đô thị hóa đang tạo ra những thách thức, hệ lụy lớn cho phát triển bền vững nếu không có quy hoạch khoa học. Việc đô thị hóa diễn ra với quy mô ngày càng nhanh chóng đã làm gia tăng ô nhiễm, nước thải sinh hoạt, nước thải bệnh viện và nước thải công nghiệp không được xử lý, hệ thống thoát nước không tốt. Ô nhiễm không khí cũng ngày càng tăng gây hại cho sức khỏe cộng đồng và môi trường. Do đó, các bên liên quan cần phải có sự phối hợp chặt chẽ, tập trung thực hiện hiệu quả cam kết tại Hội nghị COP26; xây dựng tính chống chịu, giảm nhẹ tính dễ bị tổn thương, phát triển hệ sinh thái, tăng cường khả năng sinh kế của người dân.
Chính sách phát triển hạ tầng đô thị xanh bền vững, thích ứng với BĐKH tại Việt Nam
tm-img-alt
Ảnh minh hoạ. ITN
Năm 2021 - 2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050; Chiến lược quốc gia về BĐKH giai đoạn đến năm 2050; Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030; Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26. Trong đó, nội dung phát triển hạ tầng đô thị, đô thị xanh bền vững, thích ứng với BĐKH là một trong những nhiệm vụ quan trọng xuyên suốt.
Theo đó, Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định số 385/QĐ-BXD ngày 12/2/2022 về việc phê duyệt Kế hoạch hành động của ngành Xây dựng ứng phó với BĐKH giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26; Quyết định số 1052/QĐ-BXD ngày 15/11/2022 của Bộ Xây dựng về việc Giao nhiệm vụ cho các đơn vị triển khai Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030 và Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26.
Quyết định số 385/QĐ-BXD của Bộ Xây dựng đặt mục tiêu trong lĩnh vực phát triển đô thị trong giai đoạn 2021 - 2030, phấn đấu 100% đô thị loại III trở lên thực hiện mục tiêu thích ứng BĐKH và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính vào quy hoạch đô thị; ít nhất 25% khu đô thị mới áp dụng tiêu chí đô thị xanh, phát thải carbon thấp.
Tại Hội nghị COP26 năm 2021, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã cam kết với cộng đồng quốc tế về thích ứng BĐKH và đạt phát thải ròng bằng 0 năm 2050. Sau đó, Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành.
Theo đó, nhiệm vụ trọng tâm của ngành Xây dựng là cần nỗ lực nghiên cứu phát triển đô thị xanh, hạ tầng xanh bền vững, thích ứng với BĐKH; đồng thời, tăng cường phát triển các công trình xây dựng, sản xuất vật liệu tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường, phát thải carbon thấp, tiến tới đạt Net Zero vào năm 2050.
LÂM HÀ