Giảm thải nhựa ở đô thị: Cần sự hành động quyết liệt từ các địa phương

  • Cập nhật: Thứ ba, 7/11/2023 | 3:44:57 PM

Ô nhiễm nhựa và rác thải đại dương đang đe dọa tới môi trường, sức khỏe con người. Vì thế, các địa phương thử nghiệm các mô hình quản lý chất thải rắn sinh hoạt và giảm thiểu chất thải nhựa hiệu quả.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Tạ Đình Thi, sự chủ động và hành động quyết liệt của các tỉnh, thành phố trong việc xây dựng các mô hình quản lý rác nhựa ở cấp địa phương không chỉ là cơ hội để cải thiện môi trường sống Xanh, giảm ảnh hưởng đến các ngành kinh tế, du lịch, mà còn góp phần quan trọng vào quá trình hiện thực hóa các kết quả và mục tiêu quốc gia đã đề ra.

Thông điệp trên vừa được ông Thi chia sẻ tại Hội nghị "Mô hình, giải pháp quản lý chất thải rắn sinh hoạt và giảm thiểu chất thải nhựa tại các đô thị” do Cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ TN&MT) chủ trì, phối hợp với Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF - Việt Nam) tổ chức ngày 4/11, tại Hà Nội.

Với ý nghĩa nêu trên, tại hội nghị, ông Thi đã đưa ra lời kêu gọi hành động và khuyến khích 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc cùng tham khảo, thử nghiệm các mô hình, giải pháp quản lý chất thải rắn sinh hoạt hiệu quả cũng như giảm thiểu chất thải nhựa tại các địa phương.

Theo Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam Nguyễn Đức Toàn, ô nhiễm nhựa và rác thải đại dương đã và đang là một vấn đề cấp bách toàn cầu, đe dọa đến các hệ sinh thái, môi trường và chất lượng sống của con người. Vì thế, việc quan trọng là phải có các giải pháp mạnh mẽ để giải quyết ô nhiễm nhựa đại dương.


Ảnh minh họa. (Nguồn: PV/Vietnam+)

Tại Việt Nam, trong thời gian qua, thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW về "Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045,” Chính phủ, các cơ quan quản lý Nhà nước ở Trung ương và địa phương đã phối hợp cùng với các tổ chức trong và ngoài nước thực hiện nhiều giải pháp thông qua các dự án, các chương trình hành động cụ thể.

Trong đó, Dự án "Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” được phê duyệt và triển khai từ năm 2020 tại 10 khu vực ở 9 tỉnh, thành phố đã thu được những kết quả quan trọng thông qua việc hỗ trợ xây dựng các văn bản hướng dẫn, thực hiện các chính sách ưu tiên như: Các hoạt động tăng cường năng lực, đào tạo, bồi dưỡng, truyền thông, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi đối với chất thải nhựa.

Bên cạnh đó, Chương trình "Đô thị giảm nhựa tại Việt Nam” đã được triển khai từ năm 2018 nhằm thúc đẩy sáng kiến Mô hình Đô thị giảm nhựa (PSC) - một sáng kiến toàn cầu của WWF. Đến nay, có 10 địa phương của Việt Nam đã ký cam kết với WWF để cải thiện công tác quản lý, thu gom và phân loại chất thải rắn sinh hoạt, giảm thiểu chất thải nhựa theo mô hình PSC.

Theo ông Toàn, các hoạt động của dự án trên, trong thời gian qua đã đóng góp hiệu quả, thiết thực cho việc triển khai Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Luật Bảo vệ môi trường 2020; kế hoạch hành động quốc gia về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương và Đề án Việt Nam chủ động chuẩn bị và tham gia xây dựng "Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương.”

Trên cơ sở đó, tại hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ, thảo luận về những đóng góp cũng như kinh nghiệm của các địa phương trong việc triển khai quản lý chất thải rắn sinh hoạt, rác thải nhựa; trong đó vai trò nòng cốt của các đô thị được đánh giá như là một giải pháp hiệu quả nhằm làm giảm ô nhiễm nhựa tại Việt Nam.


Ảnh minh họa. (Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+)

Trên phương diện đối tác, ông Prasanna De Silva - Giám đốc Điều hành WWF Quốc tế cho biết trong quá trình triển khai Chương trình "Đô thị giảm nhựa tại Việt Nam,” mặc dù còn nhiều khó khăn và thách thức, song những nỗ lực của các địa phương đã mang lại kết quả rất đáng khích lệ trong công tác quản lý, thu gom và phân loại chất thải rắn sinh hoạt, giảm thiểu chất thải nhựa.

"Những kết quả của dự án sẽ góp phần giúp Việt Nam hướng tới mục tiêu không còn rác thải nhựa trong thiên nhiên vào năm 2030,” ông Prasanna De Silva nói.

Dự án "Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” do Bộ Môi trường, Bảo tồn thiên nhiên và An toàn hạt nhân Cộng hoà Liên bang Đức thông qua WWF-Việt Nam tài trợ. Dự án được Bộ TN&MT giao Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (nay là Cục Biển và Hải đảo Việt Nam) làm chủ dự án.

Mục tiêu của dự án trên nhằm góp phần giảm ô nhiễm rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam thông qua việc xây dựng các văn bản hướng dẫn kỹ thuật nhằm hỗ trợ thực hiện chính sách quản lý chất thải rắn.

Điển hình là cơ chế hỗ trợ trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất; các hoạt động truyền thông, tăng cường năng lực và thay đổi hành vi đối với chất thải nhựa; xây dựng các mô hình thí điểm giảm thiểu rác thải nhựa tại tại các địa phương, từ đó làm cơ sở áp dụng triển khai trên toàn quốc.

Theo Hùng Võ/Vietnam+

Tags rác thải nhựa đô thị chất thải rắn sinh hoạt

Các tin khác

Việc giảm thiểu rủi ro thiên tai đang được thế giới và các quốc gia quan tâm hàng đầu. Các mô hình giảm thiểu rủi ro thiên tai đã và đang được các quốc gia áp dụng một cách mạnh mẽ trong mọi lĩnh vực phát triển, đặc biệt là trong lĩnh vực quy hoạch đô thị.

Chiều 17/9, TP Hạ Long (Quảng Ninh) tổ chức hội nghị tổng kết Chiến dịch 7 ngày đêm khắc phục hậu quả bão số 3.

Đô thị hóa và sự gia tăng dân số đô thị khiến con người ngày càng mất dần mối liên hệ với thiên nhiên.

Chủ tịch TP Đà Nẵng yêu cầu các sở, ngành, UBND quận, huyện thường xuyên theo dõi tình hình mưa, bão để chủ động trong mọi tình huống; có kế hoạch, phương án xử lý thoát nước, chống ngập úng hiệu quả tránh tình trạng bị động gây thiệt hại về người và của.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục