Chính phủ đề ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu
Chiều 06/11, Quốc hội tiếp tục tiến hành Phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm lĩnh vực kinh tế ngành thuộc trách nhiệm của Bộ trưởng các Bộ: Công Thương, TN&MT, NN&PTNT, GTVT, Xây dựng và Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà…
Đại biểu Tạ Thị Yên - Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên. Ảnh: quochoi.vn.
Đối với lĩnh vực Xây dựng, đại biểu Tạ Thị Yên - Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên cho biết, tỷ lệ đô thị hóa ở nước ta đang gia tăng nhanh chóng. Tuy nhiên, vẫn còn những vấn đề tồn tại như ùn tắc giao thông, thiếu bãi đỗ xe, xử lý rác thải, thu gom, xử lý nước thải… chậm được giải quyết và có xu hướng gia tăng, ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của người dân và môi trường, thu hút đầu tư kinh doanh.
Đại biểu Tạ Thị Yên đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp để chỉnh trang, xây dựng bộ mặt đô thị Việt Nam theo hướng hiện đại, xanh sạch, thân thiện với môi trường, thích ứng với BĐKH để giải quyết triệt để những tồn tại hiện nay?
Trả lời chất vấn của đại biểu Tạ Thị Yên, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, vừa qua Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nghị quyết khẳng định vai trò của hệ thống đô thị Việt Nam cũng như đánh giá, nhìn nhận các kết quả đạt được cũng như các tồn tại, thách thức như ý kiến của đại biểu nêu.
Để thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW, ngày 11/11/2022 Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động của Chính phủ tại Nghị quyết số 148/NQ-CP. Trong đó, Chính phủ đã đưa ra mục tiêu đến năm 2030 thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm các đô thị có khả năng chống chịu BĐKH, giảm phát thải, thông minh, có bản sắc và hoàn thiện điều kiện hạ tầng đô thị.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị. Ảnh: quochoi.vn.
Chương trình hành động của Chính phủ đã cụ thể hóa, đề ra 5 nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu: Thứ nhất, thống nhất nhận thức, hành động về quy hoạch, xây dựng, quản lý, phát triển hệ thống đô thị Việt Nam.
Thứ hai, nâng cao chất lượng quy hoạch cũng như quản lý quy hoạch đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý phát triển đô thị bền vững.
Thứ ba, đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết và thích ứng với BĐKH.
Thứ tư, xây dựng nhiệm vụ, đề án chuyên ngành.
Thứ năm, xây dựng cơ chế chính sách cũng như các VBQPPL.
Với 5 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, chủ yếu này, Chính phủ cũng đề ra 33 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trong đó có 19 nhiệm vụ về xây dựng cơ chế, chính sách và VBQPPL; 14 nhiệm vụ về đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với BĐKH.
Bộ Xây dựng triển khai 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp
Với nhiệm vụ được giao trong Nghị quyết và thực hiện chức năng quản lý nhà nước, Bộ Xây dựng đang tập trung triển khai 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp:
Thứ nhất, tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 148 của Chính phủ.
Thứ hai, tập trung nghiên cứu xây dựng pháp luật, công cụ để quản lý đô thị như: Luật Quy hoạch đô thị nông thôn, Luật Quản lý phát triển đô thị, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS và các văn bản hướng dẫn.
Thứ ba, sớm thẩm định, ban hành quy hoạch hệ thống đô thị nông thôn cũng như đổi mới phương pháp luận quy hoạch, nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, công tác quản lý quy hoạch kiến trúc - đô thị.
Thứ tư, đôn đốc, thúc đẩy bố trí nguồn lực cho thực hiện quy hoạch đô thị cũng như đầu tư vào hệ thống hạ tầng đô thị.
Thứ năm, đẩy mạnh nghiên cứu các mô hình đô thị phù hợp.
Thứ sáu, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát.
Thứ bảy, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý đô thị, cán bộ chuyên môn về đô thị cũng như quy hoạch, kiểm soát khung năng lực của cán bộ đô thị,
Thứ tám, nghiên cứu xây dựng mô hình chính quyền đô thị phù hợp.
Theo Tạp chí Xây dựng