Theo đề xuất, không gian ngầm dưới đường Tôn Đức Thắng có ba tầng. Tầng 1 gồm 6 làn xe và trung tâm thương mại hai bên đường; tầng 2 gồm trung tâm thương mại và bãi xe ngầm; toàn bộ tầng 3 sử dụng làm bãi xe.
TSKH-KTS. Ngô Viết Nam Sơn. Ảnh: Trung Dũng
Theo TSKH-KTS. Ngô Viết Nam Sơn, đường ngầm Tôn Đức Thắng chủ yếu phục vụ trước mắt cho những người dân đang sinh sống, làm việc tại các cụm nhà cao tầng dọc theo trục đường Nguyễn Hữu Cảnh kéo dài từ chân cầu Sài Gòn về Ba Son, thuận tiện lái xe qua bến Bạch Đằng đi quận 4, quận 7, Nhà Bè và xa hơn là Cần Giờ. Tuy nhiên, những cụm cao tầng này sẽ sớm kết nối hiệu quả với cầu Thủ Thiêm 3, dự kiến bắc từ đường Tôn Đản (quận 4) qua Thủ Thiêm; cầu Thủ Thiêm 4 kết nối Khu đô thị Nam Sài Gòn (quận 7) và TP. Thủ Đức. Cả hai cây cầu vượt sông Sài Gòn này đều đã được phê duyệt quy hoạch trong đó cầu Thủ Thiêm 4 có tổng đầu tư dự kiến khoảng 5.000 tỉ đồng đang được Sở Giao thông Vận tải TP.HCM đẩy nhanh thủ tục chuẩn bị để đáp ứng tiến độ khởi công dịp 30.4.2025.
Đường Tôn Đức Thắng sát sông Sài Gòn. Nếu hạ ngầm, công tác thiết kế buộc phải cộng thêm chi phí chống thấm, dẫn đến tổng mức đầu tư có thể tăng trên 300% so với đường trên mặt đất, gia tăng gánh nặng ngân sách không cần thiết, nhất là trong bối cảnh kinh tế đã và đang tiếp tục khó khăn. Chống thấm hiệu quả ngăn nước từ sông Sài Gòn thẩm thấu vào hầm nhưng đồng thời cũng bịt luôn lối thoát nước ra sông, dội ngược lại trung tâm quận 1, theo ông Nam Sơn.
Đường Tôn Đức Thắng là mặt tiền của quận 1 với nhiều công trình lịch sử có giá trị di sản như trụ sở UBND TP.HCM nhìn ra đường Nguyễn Huệ, chợ Bến Thành, tòa nhà Bưu điện trung tâm…, đồng thời tập trung hệ thống nhà hàng khách sạn trung tâm thương mại cung cấp dịch vụ hạng sang. Diện tích tương đương một xã (8km2) nhưng quận 1 đóng góp đáng kể vào số thu thuế của thành phố.
Đường Tôn Đức Thắng sát sông Sài Gòn. Ảnh: Chí Hùng
Nhìn lại năm 2021. Khi cả nước vật lộn với dịch bệnh, thành phố triển khai giãn cách xã hội mạnh, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn quận 1 ước đạt 18.588 tỉ đồng, tăng 4,46% so với cùng kỳ năm 2020, cao hơn 46 tỉnh, thành trên cả nước trong đó có những địa phương đã tự cân đối thu chi ngân sách như Cần Thơ, Thái Nguyên, Hưng Yên… và lớn hơn số thu của 8 tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Điện Biên, Lai Châu, Tuyên Quang, Hà Giang Kon Tum và Đắk Nông cộng lại. Vị thế và giá trị của quận 1 đòi hỏi đánh giá thận trọng, toàn diện tác động môi trường, kinh tế - xã hội trước khi phê duyệt chủ trương đầu tư.
Về hạng mục bãi đậu xe ngầm, ông Sơn đề xuất vị trí không gian ngầm dưới đường Nguyễn Huệ, kết nối với ga metro gần trụ sở UBND TP.HCM, hiệu quả hơn về sử dụng và tiết kiệm hơn về kinh tế xây dựng.
Đề xuất ngầm hóa lòng đường Tôn Đức Thắng là một hạng mục thuộc đồ án quy hoạch 1/500 Công viên Bến Bạch Đằng mà Sở Quy hoạch - Kiến trúc thực hiện theo chỉ đạo của UBND TP.HCM. Công viên Bến Bạch Đằng nằm trong phạm vi khu trung tâm hiện hữu rộng 930ha đã được UBND TP.HCM phê duyệt quy hoạch 1/2.000 năm 2021, tách biệt với quy hoạch Thủ Thiêm.
Tình huống này nhắc nhớ bài học phát triển phố Đông tại Thượng Hải. TP.HCM và Thượng Hải đều có một dòng sông chảy giữa lòng thành phố. Cũng giống như Khu đô thị mới Thủ Thiêm, bờ Đông của Thượng Hải bị giải tỏa trắng. Hàng chục đồ án quy hoạch nhưng bờ Đông của Thượng Hải không thu hút được đầu tư.
Phố Đông chỉ rực sáng khi SOM thực hiện quy hoạch hợp nhất các khu vực trọng điểm hai bên bờ sông, và kết nối trực tiếp khu trung tâm cũ và mới của hai bờ Đông Tây thông qua 6 đường hầm dưới lòng sông Hoàng Phố. Kết nối yếu với khu trung tâm hiện hữu cũng chính là một trong những điểm yếu nhất của Thủ Thiêm, theo ông Nam Sơn.
Đường Tôn Đức Thắng và Công viên Bạch Đằng nhìn từ trên cao. Ảnh: Vnexpress
Quy hoạch Thủ Thiêm và quy hoạch khu trung tâm hiện hữu đều được thực hiện bởi những công ty tên tuổi. Sai lầm chiến lược là đề bài thiết kế sai, chia tách ranh giới nghiên cứu quy hoạch Thủ Thiêm và khu trung tâm bằng hai bản thiết kế độc lập, thay vì yêu cầu "thí sinh” thực hiện đồ án quy hoạch hợp nhất.
"Việc ngầm hóa đường Tôn Đức Thắng không chỉ lãng phí vì không thực sự cần thiết, mà còn đóng lại cơ hội xây dựng một đường hầm thứ hai dưới lòng sông Sài Gòn trong tương lai, không còn khả năng nào kết nối trực diện khu trung tâm hiện hữu sang trung tâm Thủ Thiêm giống như Phố Đông Thượng Hải”, ông Sơn nhận xét.
Điều 46 khoản 1 Luật Quy hoạch Đô thị 2020 quy định: "Quy hoạch đô thị phải được định kỳ xem xét, rà soát, đánh giá quá trình thực hiện để kịp thời điều chỉnh phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn. Thời hạn rà soát định kỳ đối với quy hoạch chung, quy hoạch phân khu là 5 năm, quy hoạch chi tiết là 3 năm, kể từ ngày quy hoạch đô thị được phê duyệt”.
Quy hoạch Khu trung tâm hiện hữu 930ha bên bờ Tây do Nikken Sakkei thực hiện, được UBND TP.HCM phê duyệt tại Quyết định 6708/QĐ-UBND ngày 29.12.2012. Quy hoạch chi tiết Khu Trung tâm Đô thị mới Thủ Thiêm tỷ lệ 1/2.000 diện tích 657ha do Sasaki Associates kết hợp với Viện Quy hoạch Xây dựng thành phố lập, được UBND TP.HCM phê duyệt tại Quyết định 6566/QĐ-UBND ngày 27.12.2015.
Như vậy, trên cơ sở rà soát lại quy hoạch theo quy định của luật, chính quyền thành phố nên hợp nhất thay vì tiếp tục tách rời việc điều chỉnh quy hoạch Thủ thiêm bờ Đông và quy hoạch khu trung tâm hiện hữu mở rộng bờ Tây sông Sài Gòn, theo ông Nam Sơn.
--------------------------------
Những đề xuất, quyết sách chỉnh trang khu vực bờ Tây sông Sài Gòn
Cần mở rộng dư địa tự do sáng tạo!: Vào tháng 5.2022,thòi điểm Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM thông báo sẽ tổ chức thi tuyển "Ý tưởng quy hoạch không gian ngầm đô thị Khu trung tâm hiện hữu (930 ha) và Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP.HCM”, TSKH-KTS Ngô Viết Nam Sơn cũng đã chia sẻ với Người Đô Thị những nhận định cũng như góp ý đề thi không gian ngầm. Ông Sơn cho rằng: "Để các nhà lãnh đạo thành phố có thêm những đề xuất sáng tạo mang tính đột phá, đề thi ý tưởng không gian ngầm nên theo hướng "mở” để khuyến khích ý tưởng mới, chứ không "duy ý chí” dựa trên các đề án cũ chưa xây dựng! Trong đó, thay vì triệt buộc vào "đường ngầm Tôn Đức Thắng” thì nên cân nhắc "mở” theo hướng "không gian ngầm cho khu vực đường Tôn Đức Thắng”.
Mở mang dư địa sáng tạo của thí sinh, cũng chính là mở ra cơ hội đề xuất thêm ít nhất một đường ngầm dưới lòng sông Sài Gòn, đi thẳng qua trung tâm Thủ Thiêm từ không gian ngầm đường Nguyễn Huệ, hoặc đường Hàm Nghi. Di chuyển bằng xe điện theo tuyến đường này chỉ tốn chừng 5 phút từ UBND TP.HCM đến khu trung tâm tài chính bên Thủ Thiêm, còn nếu đi bộ thì chừng 15 phút. Đây cũng là một trong những tiền đề chuẩn bị cho quy hoạch tích hợp hai bờ Đông - Tây sông Sài Gòn, kết nối khu trung tâm hiện hữu và trung tâm khu đô thị mới Thủ Thiêm".
Đề xuất "Con đường di sản” kết nối công viên ven sông khu trung tâm Sài Gòn: TS-KTS. Lê Văn Năm (nguyên Kiến trúc sư trưởng TP.HCM; nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM) và ThS-KTS. Huỳnh Xuân Thụ (nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin quy hoạch TP.HCM) đã dành thời gian khảo sát và phác thảo phương án ý tưởng quy hoạch cảnh quan bờ sông Sài Gòn đoạn từ bến Nhà Rồng đến cầu Sài Gòn, từ đó đề xuất chính quyền TP.HCM ý tưởng quy hoạch, xây dựng "Công viên ven sông khu trung tâm Sài Gòn - Con đường di sản của TP.HCM”, đoạn đường từ cầu Tân Thuận (quận 4) đến cầu Sài Gòn (Bình Thạnh).
Trao đổi với Người Đô Thị, KTS. Lê Văn Năm cho biết đây là đề xuất tâm huyết của ông và KTS. Huỳnh Xuân Thụ, mong muốn thành phố sớm có kế hoạch đầu tư xây dựng, chỉnh trang khu vực công viên bờ sông Sài Gòn theo định hướng đó. "Sông Sài Gòn cần được nhìn nhận như di sản thiên nhiên vật thể và phi vật thể quan trọng hàng đầu của thành phố chúng ta, là không gian trung tâm đặc biệt quan trọng của thành phố, là điểm đến để người dân thành phố và du khách thập phương chiêm ngưỡng dòng sông, ôn lại các ký ức của thành phố và nhìn về tương lai”, KTS. Thụ bày tỏ.
Công viên bến Bạch Đằng và công viên Mê Linh thay 'áo mới': Sáng nay (17.3.2022), TP.HCM tổ chức lễ khánh thành công viên bến Bạch Đằng và công viên Mê Linh. Đây là không gian cảnh quan, văn hoá quan trọng tại khu vực trung tâm thành phố, là địa điểm sinh hoạt công cộng của người dân thành phố từ nhiều năm qua.
Gần sáu tháng sau bao kiến nghị, tranh luận và rồi quyết định sửa chữa thi công, đúng 23h30 đêm rằm tháng hai Nhâm Dần (16.3.2022), lư hương của tượng đài Trần Hưng Đạo đã được tái an vị tại chốn xưa. Tượng đài và công viên Mê Linh cũng đã sửa chữa và tôn tạo xong, kịp khánh thành vào sáng nay 17.3.
Đề xuất hình thành quảng trường trung tâm ở vị trí tượng Đức Thánh Trần: Cùng với đề xuất hình thành quảng trường trung tâm ở vị trí tượng Đức Thánh Trần nhằm tạo ra không gian công viên công cộng xứng tầm với trung tâm thành phố hiện hữu, Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP.HCM còn đề xuất phương án ngầm hóa lòng đường Tôn Đức Thắng, gồm 3 tầng.
Xây cầu đi bộ vượt sông Sài Gòn sang Thủ Thiêm tại công viên bến Bạch Đằng: UBND TP.HCM vừa có quyết định ngày 9.10 phê duyệt kết quả tuyển chọn "Phương án thiết kế kiến trúc cầu đi bộ qua sông Sài Gòn” là phương án CDN01 của liên danh Chodai-Takashi Niwa Architects và Chodai Kisojiban Việt Nam. Theo tờ trình của Sở Quy hoạch - Kiến trúc đề nghị UBND TP.HCM phê duyệt kết quả tuyển chọn "Phương án thiết kế kiến trúc cầu đi bộ qua sông Sài Gòn”, phương án CDN01 có hình tượng lá dừa nước, tối ưu hệ thống cột dưới lòng sông và đưa hệ cột về gần bờ tạo tĩnh không dưới nước lớn, tránh va đập tốt.
Đồng thời giải quyết các hệ cột trên mặt cầu do có khoảng vượt lớn, nên tầm nhìn người đi bộ trên cầu rất thông thoáng. Thác nước tuần hoàn trong phương án CDN01 rất phù hợp với thiết kế quảng trường trung tâm Thủ Thiêm. Hình thức kiến trúc là phương án độc đáo ấn tượng chưa trùng lắp, giản dị, có sức hút cho người dân và khách du lịch khi đến TP.HCM. Trong đó, suất đầu tư khả thi, đưa ra có cơ sở chính xác.
-------------------
Theo nguoidothi.net.vn