Quản trị đô thị thông minh

  • Cập nhật: Thứ ba, 17/10/2023 | 9:54:37 AM

Từng bước một, những thị trấn, thành phố của Quảng Nam đang xây dựng mô hình đô thị thông minh thông qua các ứng dụng của chuyển đổi số.



Đô thị chuyển đổi số

Xây dựng đô thị thông minh chính là xây dựng đô thị chuyển đổi số (CĐS). Đây là nhìn nhận của các chuyên gia quản lý đô thị khi câu chuyện phát triển đô thị thông minh phải là điều tất yếu.

Đã có khá nhiều ứng dụng chuyển đổi số được các địa phương triển khai. Tại Bắc Trà My - huyện miền núi đầu tiên được triển khai hệ thống điều hành thông minh (IOC) trong năm 2022, cũng là địa phương dẫn đầu về các chỉ số xếp hạng mức độ CĐS đã có những bước tiến đáng kể trong câu chuyện quản lý địa phương của mình.

Với các dịch vụ giám sát thông minh, cũng như cài đặt ứng dụng "Bắc Trà My smart”, chính quyền Bắc Trà My đã thực hiện kết nối cùng người dân ngay trên chính quyền số.

Địa phương này cũng đã xây dựng và đưa vào vận hành phần mềm cơ sở dữ liệu quản lý đô thị huyện Bắc Trà My, hệ thống camera trường học, camera an ninh tại các khu vực trọng điểm trên địa bàn.

Một tổng quan chiến lược tổng thể thành phố thông minh tỉnh Quảng Nam và kế hoạch tổng thể phát triển thành phố thông minh Tam Kỳ đang từng bước được xây dựng. Đại diện UBND TP Tam Kỳ cho biết, hiện tại, đơn vị tư vấn là Công ty Jungdo UIT và Trường Đại học Anyang (Hàn Quốc) đã phối hợp với tỉnh và một số địa phương xây dựng xong các bản dự thảo bao gồm Tổng quan về đô thị thông minh và định hướng chiến lược đô thị thông minh cho tỉnh Quảng Nam (gồm 4 đô thị: Tam Kỳ, Hội An, Điện Bàn, Núi Thành) và Kế hoạch, chương trình tổng thể phát triển đô thị thông minh cho TP Tam Kỳ.


Hội An lắp đặt camera giám sát thông minh nhằm đảm bảo an ninh, cảnh báo lũ lụt. Ảnh: L.Q

Nền tảng dữ liệu thông minh là điều kiện bắt buộc để phát triển đô thị theo hướng mong muốn. Với mục tiêu chiến lược đưa Tam Kỳ trở thành đô thị dẫn đầu trong xây dựng hệ thống vận hành, quản lý dựa trên dữ liệu, địa phương này đang dốc sức xây dựng kho dữ liệu để "Phát triển nền tảng dữ liệu đô thị thông minh để xây dựng dịch vụ đô thị thông minh và áp dụng cho công tác lập, quản lý quy hoạch đô thị phức hợp thông minh. Mục tiêu cụ thể là nâng cao năng lực giải quyết thủ tục hành chính và chính quyền điện tử phục vụ nhân dân, doanh nghiệp, xây dựng không gian hỗ trợ doanh nghiệp, khởi nghiệp và thông tin, quản lý du lịch địa phương; quản lý môi trường, quản lý giao thông...” - đại diện UBND TP Tam Kỳ cho biết. 

Hướng tới người dân

Bất kỳ chiến lược phát triển đô thị nào đều phải hướng lợi ích tới người dân ở đó đầu tiên. Xác định đô thị thông minh phải là nơi người dân được thụ hưởng các tiện ích của CĐS, đồng thời có thể tham gia xây dựng đô thị thông minh được đặt ra. Huy động sự tham gia của cộng đồng là tất yếu. 

Cuối tháng 7 vừa qua, TP Hội An được bàn giao hệ thống lắp đặt camera thông minh và hệ lưu trữ dữ liệu ước tính trị giá khoảng 700 triệu đồng từ dự án hỗ trợ của một số doanh nghiệp. Đã có 7 camera thông minh được triển khai lắp đặt trên một số tuyến đường chính và các khu vực quan trọng khác trong khu phố cổ Hội An.

Theo đó, công nghệ camera thông minh giúp phát hiện kịp thời các vấn đề có liên quan đến an ninh trật tự, hỗ trợ cho các cơ quan ban ngành của TP Hội An nhanh chóng phát hiện và xử lý các vi phạm pháp luật, đảm bảo an ninh và trật tự công cộng.

Đặc biệt, hệ thống quản lý camera thông minh này còn có khả năng ghi nhận, cảnh báo lũ lụt ở những khu vực đáng báo động trên các tuyến phố như Bạch Đằng, Nguyễn Thái Học, Công Nữ Ngọc Hoa… Qua đó, giúp Hội An sớm phát hiện, ứng phó kịp thời vào mùa mưa lũ. 

Đại diện Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) cho rằng, khi lựa chọn phát triển đô thị thông minh thì mấu chốt vẫn phải bắt đầu từ khâu quy hoạch đô thị. Xây dựng và phát triển một đô thị thông minh phải được thể hiện trong các đồ án quy hoạch xây dựng và các chương trình, đề án, dự án phát triển đô thị.

Tuy nhiên, bên cạnh nỗ lực xây dựng đô thị thông minh, hầu hết đô thị của Việt Nam hiện nay vẫn thiếu cảnh báo sớm để hạn chế các thiệt hại, thiên tai, bão lũ cũng như đề xuất các khuyến nghị, giải pháp, các vấn đề trực tiếp liên quan đến đời sống sinh hoạt hằng ngày của người dân.

Chưa nhiều đô thị xử lý tốt các vấn đề kiểm soát và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên như cây xanh, mặt nước tự nhiên, để đô thị xanh hơn, sạch hơn, đáng sống hơn, bền vững hơn. Các giải pháp để đa dạng hóa nguồn lực cho thực hiện ý tưởng, sáng kiến, nỗ lực xây dựng và phát triển đô thị thông minh hiện vẫn dựa vào nguồn lực từ ngân sách...

Nguồn: Báo Quảng Nam

Tags quản trị đô thị đô thị thông minh Quảng Nam chuyển đổi số

Các tin khác

Việc giảm thiểu rủi ro thiên tai đang được thế giới và các quốc gia quan tâm hàng đầu. Các mô hình giảm thiểu rủi ro thiên tai đã và đang được các quốc gia áp dụng một cách mạnh mẽ trong mọi lĩnh vực phát triển, đặc biệt là trong lĩnh vực quy hoạch đô thị.

Chiều 17/9, TP Hạ Long (Quảng Ninh) tổ chức hội nghị tổng kết Chiến dịch 7 ngày đêm khắc phục hậu quả bão số 3.

Đô thị hóa và sự gia tăng dân số đô thị khiến con người ngày càng mất dần mối liên hệ với thiên nhiên.

Chủ tịch TP Đà Nẵng yêu cầu các sở, ngành, UBND quận, huyện thường xuyên theo dõi tình hình mưa, bão để chủ động trong mọi tình huống; có kế hoạch, phương án xử lý thoát nước, chống ngập úng hiệu quả tránh tình trạng bị động gây thiệt hại về người và của.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục