Sáng 16/2, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì phiên họp của Hội đồng thẩm định Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ NN&PTNT tiếp thu tối đa ý kiến để chỉnh sửa, hoàn thiện để có một sản phẩm quy hoạch "tốt nhất có thể" - Ảnh: VGP/Hải Minh
Quá trình đầu tư thực hiện theo 3 giai đoạn
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự kiến tổng kinh phí thực hiện Quy hoạch khoảng 471.000 tỷ đồng cho các giải pháp công trình lớn, liên tỉnh và khoảng 203.000 tỷ đồng cho 3 chương trình (cấp nước sạch nông thôn; cấp nước sinh hoạt, sản xuất trên các đảo đông dân cư; phát triển hệ thống hồ chứa nhỏ, phân tán để tạo nguồn cấp nước sinh hoạt, tưới cây trồng cạn).
Kinh phí dự kiến được huy động, bố trí từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, vốn ngoài ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Quá trình đầu tư được thực hiện theo 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn 2021-2025 tập trung đầu tư cho các giải pháp công trình lớn, dự kiến tổng số vốn đầu tư khoảng 50.000 tỷ đồng.
Trong giai đoạn này, sẽ tập trung xây dựng mới các hồ chứa nước; nâng cao dung tích hồ chứa hiện có; xây dựng một số hệ thống kết nối, chuyển nước nội vùng, liên vùng, đưa nước ra vùng ven biển cấp nước đa mục tiêu, tưới cho cây trồng có giá trị kinh tế cao; nghiên cứu, xây dựng các công trình khắc phục hạ thấp mực nước trên dòng chính, công trình phòng, chống lũ quét, sạt lở đất.
Triển khai chương trình nâng cấp hệ thống đê sông, đê biển; xây dựng các công trình chỉnh trị, chống sạt lở bờ sông, bờ biển bảo vệ các đô thị, khu dân cư quan trọng, bảo vệ lãnh thổ; chương trình cấp nước nông thôn, cấp nước trên các đảo có đông dân cư.
Giai đoạn 2026-2030, tập trung thực hiện các giải pháp phi công trình, với nhu cầu vốn khoảng 112.500 tỷ đồng để tiếp tục triển khai xây mới, nâng cấp các hồ chứa, đập dâng, các công trình kết nối nguồn nước, chuyển nước.
Giai đoạn 2031-2050, cần nhu cầu khoảng 308.500 tỷ đồng để nghiên cứu, xây dựng các công trình đập dâng trên dòng chính, các công trình điều tiết tại cửa các sông lớn vùng duyên hải miền Trung, Đồng bằng sông Cửu Long; đồng thời, tiếp tục thực hiện giải pháp phi công trình và triển khai các công trình còn lại của quy hoạch trên cơ sở xem xét vị trí, quy mô phù hợp với thực tế.
Quy hoạch cần đảm bảo tính khả thi sau khi được phê duyệt
Tại phiên họp, các thành viên Hội đồng đánh giá, Dự thảo Quy hoạch đã nghiên cứu, cập nhật, phân tích lựu chọn giải pháp công trình từ nhiều kịch bản phát triển, đưa ra ít nhất 2-3 phương án cho mỗi giải pháp công trình, từ đó đề xuất các giải pháp lớn, có đầy đủ cơ sở khoa học, phù hợp với thực tiễn, có tính khả thi cao nhất ở các vùng miền.
Phương pháp tiếp cận làm Quy hoạch là tổng thể, đa ngành, toàn diện; nội dung rõ ràng, mạch lạc cho từng vùng, từng lưu vực sông. Đặc biệt, yếu tố biến đổi khí hậu vốn đang diễn biến nhanh và mạnh đã được lồng ghép trong Quy hoạch.
Tuy nhiên, ý kiến Hội đồng cũng cho rằng, dự thảo Quy hoạch cần có quan điểm, lộ trình rõ hơn đối với các vấn đề còn tồn tại hiện nay ở Đồng bằng sông Hồng, miền Trung, và Đồng bằng sông Cửu Long.
Để đảm bảo tính khả thi sau khi Quy hoạch được phê duyệt, đại diện Bộ Tài chính cho rằng Quy hoạch cần nêu rõ danh mục công trình/dự án nào do ngân sách Trung ương/địa phương đầu tư; công trình nào cần huy động nguồn vốn xã hội hóa.
Đồng tình với ý kiến của Bộ Tài chính, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị cần làm rõ thứ tự ưu tiên đầu tư các công trình, dự án phù hợp với khả năng phân bổ, huy động vốn vốn xã hội hóa.
Cũng liên quan đến nội dung trên, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, việc huy động nguồn vốn xã hội hóa cho phòng, chống thiên tai rất khó khăn. Tuy nhiên, do nguồn lực Nhà nước có hạn, nên rất cần xác định những hạng mục công trình có khả năng huy động được nguồn vốn xã hội hóa.
Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh sự cần thiết phải có cơ sở dữ liệu trong phòng, chống thiên tai và thủy lợi được cập nhật đầy đủ, theo thời gian thực nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước và phản ứng chính sách nhanh và hiệu quả vì đây là lĩnh vực mang tính liên vùng, liên tỉnh.
Lưu ý tính dự báo, định hướng của Quy hoạch
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Chủ tịch Hội đồng, đánh giá cao cơ quan trình là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học để xây dựng Quy hoạch theo đúng quy định của pháp luật về quy hoạch. Đến nay, hồ sơ Quy hoạch đã đáp ứng được những yêu cầu đặt ra.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp thu tối đa ý kiến để chỉnh sửa, hoàn thiện để có một sản phẩm quy hoạch "tốt nhất có thể", trong đó, cần đặc biệt lưu ý đến tính dự báo, tính định hướng, và thứ tự ưu tiên theo nguyên tắc từng nội dung của Quy hoạch phải rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện; trình cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt trong thời gian "sớm nhất có thể".
Theo Luật Quy hoạch năm 2017, hệ thống quy hoạch quốc gia có tổng số 110 quy hoạch, trong đó có 41 quy hoạch cấp quốc gia, 6 quy hoạch vùng và 63 quy hoạch tỉnh.
Trong đó Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch) là quy hoạch ngành quốc gia lần đầu tiên được thực hiện trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai và thủy lợi.
Quy hoạch nhằm giải quyết những vấn đề tồn tại lớn trong công tác phòng, chống thiên tai và thuỷ lợi ở phạm vi quốc gia, mang tính liên vùng, liên tỉnh; đã nghiên cứu và đề xuất các hướng giải pháp cho các giai đoạn trung hạn (đến năm 2030), dài hạn (đến năm 2050) và xa hơn.
Theo Tuấn Đông/Tạp chí Xây dựng