Ngày 14/2, Hội nghị thẩm định Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050được tổ chức tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Hội nghị do Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chủ trì.
Báo cáo tóm tắt Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 (Quy hoạch tỉnh Hà Giang) nhấn mạnh mục tiêu "Phát triển xanh, bản sắc, bền vững và toàn diện” với phương châm "Sống trên đá, thoát nghèo trên đá và tiến tới làm giàu trên đá”.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chủ trì Hội nghị - Ảnh: Đức Trung/MPI
Tại Hội nghị, ý kiến của Thường trực Hội đồng thẩm định cho rằng, Quy hoạch tỉnh Hà Giang được lập theo cách tiếp cận tích hợp, đa ngành theo quy định của Luật Quy hoạch, nhằm cụ thể hóa tầm nhìn, quan điểm, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đã được Bộ Chính trị chỉ đạo tại Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/02/2022.
Nội dung đồ án quy hoạch thể hiện tư duy mới, tầm nhìn mới, phù hợp với định hướng phát triển của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn 2021-2030; từ đó mở ra những cơ hội phát triển mới và định hình các giá trị mới cho tỉnh Hà Giang trong thời kỳ quy hoạch. Cụ thể một số nội dung nổi bật:
Thứ nhất, Quy hoạch tỉnh Hà Giang với quan điểm phát triển theo hướng xanh và bền vững, trên cơ sở phát huy nội lực của tỉnh cùng với sự đầu tư, hỗ trợ của Trung ương và thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển.
Thứ hai, Quy hoạch có một số đột phá, nhiệm vụ trọng tâm: Ưu tiên phát triển 6 cụm ngành, lĩnh vực quan trọng; tập trung vào 4 trụ cột tăng trưởng (hạ tầng giao thông và hạ tầng số; du lịch sinh thái và đẳng cấp; hình thành chuỗi sản phẩm nông nghiệp đặc trưng; đô thị bản sắc và hiện đại); tập trung 3 khâu đột phá: Phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông (đường cao tốc, sân bay…), hạ tầng đô thị, hạ tầng thương mại cửa khẩu, hạ tầng khu, cụm công nghiệp, hạ tầng số.
Ưu tiên nguồn lực để xây dựng tuyến cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang kết nối đến cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy, quy mô quy hoạch 4 làn xe; xây dựng tuyến nối đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai với Hà Giang, quy mô quy hoạch 4 làn xe; phát triển du lịch bản sắc, đẳng cấp; phát triển nông nghiệp đặc trưng, chất lượng cao sản xuất theo chuỗi giá trị; tạo sinh kế, giảm nghèo và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Thứ ba, Quy hoạch xác định 4 cực phát triển, tăng trưởng (Thành phố Hà Giang và huyện Vị Xuyên; huyện Bắc Quang và huyện Quang Bình; huyện Hoàng Su Phì và huyện Xín Mần và 4 trục động lực tăng trưởng gồm: Trục động lực kinh tế đô thị (cấp tỉnh); Trục động lực kinh tế biên mậu - du lịch - đô thị (cấp huyện); Trục động lực kinh tế đô thị - dịch vụ - công nghiệp; Trục động lực kinh tế du lịch - dịch vụ.
Tại Hội nghị, các thành viên Hội đồng thẩm định đã đóng góp nhiều ý kiến, UBND tỉnh Hà Giang chỉ đạo cơ quan lập quy hoạch tỉnh tập trung nghiên cứu tiếp thu, giải trình hợp lý và hoàn thiện Hồ sơ Quy hoạch tỉnh Hà Giang để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định.
Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021-2003, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ là cơ sở đặc biệt quan trọng để các cấp, các ngành nghiên cứu xây dựng và triển khai thực hiện những chính sách, kế hoạch, chương trình phát triển và các dự án đầu tư nhằm phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Hà Giang, đảm bảo nhanh và bền vững.
Theo Tuấn Đông/Tạp chí Xây dựng