Những tác động làm biến đổi kiến trúc cảnh quan và không gian ở nông thôn Việt Nam

  • Cập nhật: Thứ hai, 6/2/2023 | 4:07:18 PM

QLMT - Những nghịch lý trong các mục tiêu, chương trình, cũng như cách quản lý, quản trị trong xây dựng nông thôn Việt Nam hiện nay đang là nguyên nhân khiến môi trường và không gian sống mang bản sắc nông thôn truyền thống dần mai một, ngày càng thiếu vắng…

Nông thôn Việt Nam muốn phát triển bền vững phải có quy hoạch bền vững. Nhưng những nghịch lý trong các mục tiêu, chương trình, cũng như cách quản lý, quản trị trong xây dựng nông thôn hiện nay đang là nguyên nhân khiến môi trường và không gian sống mang bản sắc nông thôn truyền thống dần mai một, ngày càng thiếu vắng…

Những hệ lụy từ cơ chế, chính sách, quản lý, quản trị trong xây dựng nông thôn mới

Môi trường và không gian sống ở nông thôn được tạo dựng, hợp thành bởi cảnh quan thiên nhiên, các khu ở bao gồm các khu ở định cư truyền thống (đất thổ cư) và các điểm dân cư mới (đất giãn dân hay đấu giá quyền sử dụng đất); các khu vực sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp; các khu vực hành chính và dịch vụ; các khu vực văn hóa và tôn giáo tín ngưỡng…

Trong các đồ án Quy hoạch xây dựng (QHXD) nông thôn mới hiện nay, các khu vực nói trên được thể hiện thông qua bản vẽ Quy hoạch tổ chức không gian kiến trúc và cảnh quan, bên cạnh các bản vẽ về quy hoạch hạ tầng kỹ thuật và quy hoạch sản xuất.

Trước hết, mặc dù vấn đề sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp tại nông thôn Việt Nam đang có xu thế chuyển dịch theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm đi đôi với thế mạnh về sản vật của từng vùng miền, địa phương, thông qua các hình thức sản xuất như nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp tuần hoàn…



Một số hình ảnh về nhà ở và công trình công cộng bị phá hủy và ngập lụt tại miền Trung do cơn bão số 9 năm 2020 (Đoàn công tác khảo sát của Bộ Xây dựng).

Tuy nhiên, có thể thấy, để đáp ứng với nhu cầu này, hầu như các đồ án QHXD nông thôn mới chưa chú trọng và cụ thể hóa cho lĩnh vực này - Đó là hệ thống hạ tầng kỹ thuật, bao gồm các vấn đề cấp và thoát nước cho cả sinh hoạt và sản xuất theo các hình thức tập trung hóa cao.

Thoát nước thải ở nông thôn chủ yếu vẫn vào hệ thống mương tiêu thoát nước lộ thiên thuộc hệ thống thủy nông trước đây. Ngay cả nước thải của các công trình xây dựng mới cũng thoát vào hệ thống này. Với các chất thải rắn, chủ yếu thông qua thu gom và đốt tại chỗ. Không có hạ tầng kỹ thuật đầy đủ cho các hình thức phát triển sản xuất nông nghiệp hiện đại. Chính điều đó gây nên ô nhiễm môi trường khí và nước ngầm.

Vấn đề lớn thứ hai, đó là vấn đề dồn điền đổi thửa, chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân… Trong khi rất nhiều vùng nông thôn, người dân ly nông, thậm chí là ly hương, tìm đến sinh kế ở đô thị hoặc ra hẳn nước ngoài, đất đai canh tác hoặc bỏ hoang hóa hoặc chuyển nhượng để có xu hướng chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác, càng có nguy cơ làm biến dạng cấu trúc làng quê, làng xã…

Việc biến đổi lớn về nhân khẩu do di cư ở các vùng nông thôn nghèo, cũng đã đưa tới những giải pháp tình thế và cực đoan về sát nhập các huyện, xã, chưa biết hậu quả sẽ ra sao? Ở các vùng ven đô, vấn đề chuyển nhượng đất đai nông nghiệp càng trầm trọng hơn, nhất là những nơi chuẩn bị nâng cấp đô thị từ huyện lên quận, từ xã lên phường, càng có nguy cơ phá vỡ cấu trúc, cảnh quan, các hệ sinh thái… của các vùng làng quê, vốn được giao chức năng là các vành đai xanh của các đô thị, thành phố.

Với các khu ở định cư truyền thống (đất thổ cư), trong các đồ án QHXD nông thôn mới, gần như rất ít can thiệp, chỉ đưa ra việc chỉnh trang mang tính hình thức.

Bên cạnh đó, thiếu vắng quy định cấp phép xây dựng, quy định mật độ xây dựng và mật độ cư trú, người dân tự ý tách thửa để thừa kế, chuyển nhượng, xây cất bừa bãi… làm phá vỡ khuôn viên, hình thức kiến trúc và hệ sinh thái trong từng khuôn viên, đặc biệt là làm tăng mật độ xây dựng.

Thậm chí, có những nơi gần đô thị, gần các khu công nghiệp, còn xây cất nhà cho sinh viên, công nhân thuê ở… Chẳng những phá vỡ cảnh quan, môi trường mà còn gây áp lực với hạ tầng kỹ thuật, văn hóa và trật tự an ninh, dẫn đến, một số các khu vực nông thôn đã có xu thế biến thành các làng như ở nội đô, chật chội, chen chúc, ô nhiễm, bên cạnh các khu vực quy hoạch mới theo kiểu phố chợ.

Với các điểm dân cư mới, do thường được thiết kế với cấu trúc dạng nhà ống, lại thiếu quản lý trong xây dựng, nên hết sức nhiễu loạn, nghèo nàn về hình thức kiến trúc, có quy hoạch mà không thể quản lý, kiểm soát được quy hoạch. Không có phong cách và nghệ thuật kiến trúc tổng thể. Chưa kể đến việc mua đi bán lại, hoặc chưa xây dựng, để hoang hóa… càng gây nhức nhối cho bộ mặt kiến trúc cảnh quan nông thôn.

Với các nhu cầu về sử dụng điện và nước trong sinh hoạt và sản xuất, nhiều khi đang trái và ngoài ý muốn của người dân - Thường thiếu điện 3 pha cho sản xuất, dư điện cho sinh hoạt nhưng lại giá cao, vượt quá khả năng chi trả của người dân.

Với hệ thống cấp nước sạch, người dân vẫn có thói quen sử dụng nước giếng khơi, giếng khoan, nước mưa để tiết kiệm. Do đó, không sử dụng hết công suất cấp hàng tháng. Có nhiều nơi, đã phải khoán 50 nghìn đồng trên một tháng cho một hộ gia đình, nếu không sẽ đóng đồng hồ nước.

Với các công trình phúc lợi, thuộc hạ tầng kỹ thuật và xã hội, chúng ta có thể thấy ngay có những sự khác biệt lớn giữa mục tiêu và thực tiễn. Chẳng hạn, mọi sự sinh hoạt văn hóa cộng đồng ở tại các quần thể công trình tâm linh, tôn giáo tín ngưỡng vẫn nền nếp, đáp ứng nguyện vọng của cư dân; trong khi những nhà văn hóa thôn, xã, huyện với những nội dung nghèo túng, chưa đúng với tâm ước của người dân.

Các khu chợ và trung tâm thương mại, nơi diễn ra các hoạt động giao thương, trao đổi, buôn bán các sản vật, hàng hóa, từ nông, lâm, ngư nghiệp, nhưng đang có xu thế hóa theo kiểu đơn vị kinh doanh sạp hàng, ki ốt… hoàn toàn không phù hợp với những sản vật tươi sống từ trồng trọt, chăn nuôi của các địa phương.

Vấn đề "Thủy điện cóc” cũng đang là vấn đề nhức nhối nhất hiện nay, khi nhà nước chỉ thuần túy quan tâm đến phát triển đa ngành nghề của các doanh nghiệp, mà bỏ qua các vấn đề có liên quan đến lĩnh vực sinh kế, an sinh của người dân, gây nên những hậu quả nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản và cuộc sống định cư của người dân; làm xói mòn hệ sinh thái môi trường, đi ngược và ngăn cản trực tiếp tới các chương trình, mục tiêu phát triển bền vững cho nông thôn.

Những thay đổi để góp phần chấn hưng và tạo dựng môi trường lẫn không gian sống tại nông thôn Việt Nam theo hướng sinh thái

Trước hết, trong các đồ án xây dựng nông thôn mới, cần xác lập cụ thể và hoàn chỉnh cho các yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật - Ở đó, ngoài những yêu cầu cho sinh hoạt đời sống, cần phải đáp ứng cho cơ chế chính sách hợp thửa, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại với quy mô các cánh đồng mẫu lớn…

Cần phải có những quy định cụ thể trong cấp phép xây dựng tại các vùng nông thôn, tránh tùy tiện tách thửa cả ở đất thổ cư lẫn đất nông nghiệp, nhằm kiểm soát mật độ xây dựng, mật độ cư trú, giữ được các hình thái cấu trúc nhà ở truyền thống đi đôi với tránh được các nguy cơ mua bán chuyển quyền sử dụng đất nhằm chuyển đổi mục đích sử dụng đất để làm biến dạng mô hình ở sinh thái và các hình thức sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp truyền thống.

Nghiên cứu lại cơ cấu diện tích đất cấp thông qua đấu giá quyền sử dụng đất tại các khu vực giãn dân, điểm dân cư nông thôn mới… Nhằm khôi phục, tái hiện lại các hình thức kiến trúc nhà ở theo kiểu nhà có sân vườn theo bản sắc vùng miền, địa phương, với mật độ xây dựng thấp, nhằm hài hòa với các không gian và hình thức kiến trúc cảnh quan của làng quê nông thôn.

Điều chỉnh các tiêu chí, tiêu chuẩn thiết kế cho các công trình công cộng, phúc lợi, dịch vụ, thuộc các khu trung tâm của xã, thị trấn… Nhằm đáp ứng thỏa đáng nhu cầu thị trường, cũng như tạo điều kiện sinh kế, tăng cường dân trí, thụ hưởng các giá trị văn hóa tinh thần như các công trình chợ, nhà văn hóa, bưu điện, trường học, trạm xá…

Tránh tùy tiện lấy đất nông nghiệp phát triển thành các điểm dân cư mới với các hình thức quy hoạch các dạng nhà ống, chia lô và liền kề một cách tùy tiện, phát triển thiếu khoa học, chỉ thuần túy theo các trục lộ giao thông, rất khó bố trí hạ tầng kỹ thuật một cách đồng bộ và thông minh.

Xem xét lại tiêu chí, tính chất để nâng cấp đô thị từ làng, xã, huyện trở thành phường, quận một cách thấu đáo, để các vùng nông thôn ven đô vẫn thực sự là những vành đai xanh của đô thị, thành phố. Tránh đô thị hóa cưỡng bức, ảo tưởng, chỉ có lợi cho các nhóm lợi ích trục lợi về thị trường bất động sản.

Nông thôn Việt Nam muốn phát triển bền vững phải có quy hoạch bền vững (không điều chỉnh quy hoạch). Phải có các quy định kiểm soát quy hoạch - kiến trúc cụ thể ở nông thôn gồm các khu định cư mới và khu thổ cư cũ. Đừng biến các khu ở của nông thôn trở thành các khu ổ chuột nhưng được gắn và gọi là hiện đại vì có nhà lầu, máy lạnh, xe hơi…

Thay lời kết

Có thể nói, các vùng miền nông thôn Việt Nam, ngoài việc là nơi lưu giữ bền vững nhất, sâu đậm nhất những giá trị văn hóa của dân tộc, còn là người mẹ nuôi sống đô thị, thành phố, thông qua việc cung cấp các sản vật nông, lâm, ngư nghiệp…

Ai trong chúng ta cũng đều có quê quán trong bản khai lý lịch, phần lớn là từ nông thôn, đó là điểm xuất phát, cội nguồn. Học giả người Pháp Pierre Gourou (1900-1999) trong cuốn sách nổi tiếng "Người nông dân châu thổ Bắc kỳ” đã từng khái quát: "Việt Nam có một nền văn minh dựa trên thảo mộc và sông nước”.

Đúng vậy, nông thôn Việt Nam luôn được thừa hưởng những ưu đãi từ Mẹ Thiên nhiên, được tạo dựng bởi các bậc tiền nhân với ước nguyện luôn tôn trọng, hòa quyện, thích nghi với các điều kiện tự nhiên, dựng xây mà không có, không cần bàn tay của kiến trúc sư…

Vậy thì hậu nhân chúng ta, hãy tôn trọng những lợi thế và cách ứng xử đó, để làm sao, môi trường, cảnh quan và không gian ở tại nông thôn được trả lại theo đúng giá trị nguyên bản của, được tiếp nối, kế thừa, phát huy một cách cơ hữu, khoa học cùng dòng chảy trong sự nghiệp công nghiệp và hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Tài liệu tham khảo:

1. Jules Silvestre - "Đế quốc An Nam và người dân An Nam”. NXB Đà Nẵng;

2. Pierre Gourou - "Người nông dân châu thổ Bắc kỳ”. NXB Trẻ;

3. Nguyễn Tất Thắng - "Mô hình cư trú và sinh kế - Bài toán 2 trong 1 với cư dân ĐBSCL”. Tạp chí Kiến trúc Việt Nam, số 201/2016;

4. Nguyễn Tất Thắng - "Kết cấu và mạng lưới hạ tầng kỹ thuật - Yếu tố quyết định xây dựng nông thôn mới bền vững”. Tạp chí Kiến trúc Việt, số 211/2017;

5. Nguyễn Tất Thắng - Chủ nhiệm đề tài khoa học trọng điểm cấp Bộ năm 2017 - 2018; "Nghiên cứu thiết kế Nhà ở đô thị và nông thôn phù hợp các vùng miền toàn quốc”.

Ths.KTS Nguyễn Tất Cương, Ths.KS Đặng Trần Hưng - Viện Kiến trúc Quốc gia, Bộ Xây dựng 

Theo Tạp chí Xây dựng


Tags Tác động Biến đổi kiến trúc cảnh quan không gian Nông thôn Việt Nam

Các tin khác

Việc giảm thiểu rủi ro thiên tai đang được thế giới và các quốc gia quan tâm hàng đầu. Các mô hình giảm thiểu rủi ro thiên tai đã và đang được các quốc gia áp dụng một cách mạnh mẽ trong mọi lĩnh vực phát triển, đặc biệt là trong lĩnh vực quy hoạch đô thị.

Chiều 17/9, TP Hạ Long (Quảng Ninh) tổ chức hội nghị tổng kết Chiến dịch 7 ngày đêm khắc phục hậu quả bão số 3.

Đô thị hóa và sự gia tăng dân số đô thị khiến con người ngày càng mất dần mối liên hệ với thiên nhiên.

Chủ tịch TP Đà Nẵng yêu cầu các sở, ngành, UBND quận, huyện thường xuyên theo dõi tình hình mưa, bão để chủ động trong mọi tình huống; có kế hoạch, phương án xử lý thoát nước, chống ngập úng hiệu quả tránh tình trạng bị động gây thiệt hại về người và của.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục