Tạo đột phá trong đô thị hóa

  • Cập nhật: Thứ năm, 2/2/2023 | 4:37:18 PM

QLMT - Thời gian qua, với chính sách đổi mới, hội nhập cùng với sự phát triển nhanh về các mặt kinh tế - xã hội, hệ thống các đô thị Việt Nam đã tăng nhanh.

Để hệ thống các đô thị trên phạm vi cả nước phát triển đồng bộ, bền vững, tạo nên sự đột phá thì công tác quy hoạch đô thị cần được đổi mới toàn diện cả về chất và lượng.



Hà Nội ngày càng phát triển nhanh về các mặt kinh tế – xã hội. Ảnh: Thanh Hải

Những kết quả và tồn tại

Thời gian vừa qua, Việt Nam đã đạt được rất nhiều thành tựu đáng kể trong công tác quy hoạch đô thị. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật được ban hành, nhiều đồ án quy hoạch đô thị được thiết lập, nhiều khu vực đô thị được xây dựng, chất lượng nhiều đô thị được nâng cao, kể cả nhà ở, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ xã hội.

Đến cuối năm 2022, tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đã đạt khoảng 41,7%, với 888 đô thị. Toàn bộ đô thị ở Việt Nam đã được lập quy hoạch chung. Đây là những định hướng để chỉ đạo các đô thị phát triển trong tương lai, đồng thời làm cơ sở cho các đồ án quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết.

So với tổng diện tích đất xây dựng tại các đô thị trên cả nước, quy hoạch phân khu đô thị đạt khoảng 70 - 90% đối với các đô thị loại đặc biệt và loại I, khoảng 40 - 50% đối với các đô thị loại II, III, IV. Tỷ lệ lập quy hoạch chi tiết đạt khoảng 39% so với diện tích đất xây dựng đô thị.

Tuy nhiên, các số liệu nghiên cứu tổng kết về phát triển đô thị tại Hội nghị Đô thị toàn quốc năm 2022 vừa qua đã chỉ rõ, trong giai đoạn từ 2010 - 2020, bên cạnh một số kết quả đạt được trong phát triển đô thị quốc gia, vẫn còn tồn tại lớn được chỉ ra có nguyên nhân đến từ công tác quy hoạch đô thị chưa đạt yêu cầu cả về chất và lượng.

Trong đó, đáng chú ý là tình trạng quy hoạch triển khai mang tính dàn trải, manh mún, thiếu tổng thể xuyên suốt, dẫn đến còn nhiều độ vênh và xung đột giữa đồ án đô thị các cấp. Đồ án quy hoạch đô thị trong nhiều trường hợp chưa thực sự là công cụ pháp lý hữu hiệu để khơi gợi và phát huy giá trị các nguồn lực nội tại cũng như bên ngoài trong phát triển đô thị. Vẫn còn tình trạng quy hoạch đô thị chưa sát với thực tiễn, thiếu cơ sở đánh giá hiện trạng và dự báo chính xác nên chỉ đóng vai trò các bản vẽ định hướng sơ lược, thiếu tính khả thi, gây tốn kém, khó khăn trong tạo dựng bản sắc kiến trúc đô thị, đầu tư xây dựng và quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch.

Bên cạnh đó, quy hoạch còn mang tính lối mòn nên vẫn còn được triển khai theo kiểu dập khuôn, phân lô tràn lan, chưa đáp ứng được các yêu cầu phát triển đô thị thực tế. Đặc biệt, trong một số các nội dung quan trọng như tạo dựng bản sắc kiến trúc đô thị, thẩm mỹ kiến trúc - cảnh quan đô thị, phát triển hạ tầng đô thị, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu… vẫn còn thiếu.

Đổi mới mới toàn diện cả về chất và lượng

Trước những tồn tại, giai đoạn tới, nhằm tạo đột phá trong đô thị hóa, yêu cầu đặt ra cần sớm có những đổi mới mới toàn diện cả về chất và lượng công tác quy hoạch đô thị, để quy hoạch thật sự là công cụ nền tảng định hướng phát triển đô thị bền vững.

Ngày 24/1/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW về Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Một trong sáu nhiệm vụ và giải pháp được Nghị quyết nêu ra là "Nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý phát triển đô thị bền vững”. Điều này cho thấy chất lượng quy hoạch đô thị được quan tâm rất lớn trong công tác xây dựng và phát triển đô thị ở Việt Nam.

Mới đây, tại Thông báo số 14/TB-VPCP ngày 27/1/2023 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị Đô thị toàn quốc năm 2022, phổ biến và triển khai Nghị quyết số 148/NQ-CP về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW cũng đã nêu rõ: Công tác quy hoạch phải đi trước một bước, cần có tư duy đổi mới và tầm nhìn chiến lược, phát huy được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của địa phương, của tỉnh, vùng, phát hiện ra những tồn tại, yếu kém để có giải pháp xử lý phù hợp. Phải xác định coi trọng công tác quy hoạch, quy hoạch để tạo ra nguồn lực, đầu tư thích đáng cho công tác quy hoạch sẽ tạo ra nguồn lực tối ưu. Công tác quy hoạch phải tổng thể nhưng thực hiện phải phân kỳ, có nguồn lực đến đâu làm đến đấy, triển khai có trọng tâm, trọng điểm phù hợp với nguồn lực, thời gian, tránh dàn trải…

Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW bao gồm 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, nhóm nhiệm vụ nâng cao chất lượng quy hoạch, quản lý quy hoạch đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị xác định: Trước hết là nâng cao chất lượng công tác tư vấn, thẩm định và phê duyệt quy hoạch. Chất lượng kiến trúc và quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng cần được lồng ghép hài hòa ngay từ khi nghiên cứu và trong quá trình thực hiện quy hoạch đô thị, thiết kế, quản lý kiến trúc, cảnh quan đô thị, bảo đảm đô thị có bản sắc vùng miền, phát triển bền vững.

Nhiều chuyên gia đầu ngành cũng đã đề xuất những giải pháp quan trọng nhằm nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị. GS.TS.KTS Nguyễn Tố Lăng – nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội đề xuất, các quy hoạch cần được lập theo hướng đa ngành và hợp nhất; liên kết đô thị giữa các vùng, miền với việc lựa chọn các mô hình đô thị thích hợp cho mỗi địa phương. Xác định xu thế phát triển trên thực tế của các đô thị cần căn cứ vào việc quản lý và sử dụng tài nguyên. Cùng với đó, cần nâng cao chất lượng của hệ thống cơ sở dữ liệu và công tác dự báo phát triển; huy động tối đa sự tham gia của cộng đồng.

Còn KTS Phạm Hoàng Phương – Viện Kiến trúc Quốc gia cho rằng, với quy mô lên tới 888 đô thị lớn nhỏ, hệ thống đô thị trên khắp cả nước hiện nay đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội quốc gia. Do đó, để các đô thị phát triển đồng bộ, hoàn thiện, công tác quy hoạch rất cần được đổi mới toàn diện.

Trong đó, thay đổi phương pháp triển khai lập quy hoạch, quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch và cơ chế giám sát triển khai thực hiện quy hoạch. "Xây dựng cơ chế giám sát bao gồm quản lý phát triển đô thị và triển khai đầu tư xây dựng công trình hạ tầng đô thị theo đúng tiến độ trong quy hoạch đô thị đã đề ra.

Các trường hợp chậm tiến độ hoặc cố ý làm sai đều cần được nhanh chóng phát hiện và xử lý. Mặt khác, hạn chế trường hợp được điều chỉnh cục bộ một cách tùy tiện, làm phá vỡ cấu trúc quy hoạch đã được duyệt, đồng thời có thể khắc phục hữu hiệu các nhược điểm mà đồ án quy hoạch vẫn còn khiếm khuyết” - KTS Phạm Hoàng Phương nhấn mạnh.

"Hà Nội là đô thị loại đặc biệt của cả nước. Thời gian tới có hai nhiệm vụ TP cần phải thực hiện tốt là lập quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đây là những nhiệm vụ rất lớn và đặt ra nhiều khó khăn cho Hà Nội vì hai quy hoạch cùng ranh giới hành chính, do đó việc triển khai bảo đảm tính thống nhất, tránh mâu thuẫn, chồng chéo. Mỗi quy hoạch phải phát huy bản sắc, có "chất” riêng, hướng đến mục tiêu tạo sức bật cho Thủ đô phát triển bền vững" -

Trần Ngọc Chính

Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam


Tags Tạo đột phá Đô thị hoá Kinh tế Xã hội

Các tin khác

Việc giảm thiểu rủi ro thiên tai đang được thế giới và các quốc gia quan tâm hàng đầu. Các mô hình giảm thiểu rủi ro thiên tai đã và đang được các quốc gia áp dụng một cách mạnh mẽ trong mọi lĩnh vực phát triển, đặc biệt là trong lĩnh vực quy hoạch đô thị.

Chiều 17/9, TP Hạ Long (Quảng Ninh) tổ chức hội nghị tổng kết Chiến dịch 7 ngày đêm khắc phục hậu quả bão số 3.

Đô thị hóa và sự gia tăng dân số đô thị khiến con người ngày càng mất dần mối liên hệ với thiên nhiên.

Chủ tịch TP Đà Nẵng yêu cầu các sở, ngành, UBND quận, huyện thường xuyên theo dõi tình hình mưa, bão để chủ động trong mọi tình huống; có kế hoạch, phương án xử lý thoát nước, chống ngập úng hiệu quả tránh tình trạng bị động gây thiệt hại về người và của.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục