Có 4 vấn đề chiến lược quan trọng hàng đầu hiện nay trong việc quy hoạch đô thị biển Tây Nam bộ, bao gồm: Xu hướng phát triển lấn biển; nhu cầu phát triển kinh tế biển cho toàn vùng đô thị; ứng phó với nguy cơ biến đổi khí hậu & nước biển dâng; và quy hoạch theo phân vùng chất lượng môi trường biển.
Tổng quan không gian biển Vùng Tây Nam bộ
Với bờ biển dài trên 3.260 km, Việt Nam có trên 3.000 hòn đảo lớn nhỏ (bao gồm 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa), và 28 tỉnh thành giáp biển (Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, TT-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, TP.HCM, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang).
Ven biển đảo là khu vực có nhiều nguồn tài nguyên phong phú, nhiều tiềm năng, tạo nên nhiều cơ hội phát triển nhiều ngành kinh tế gắn với biển. Tuy nhiên, tình hình chung trên thực tế hiện nay, vẫn chưa có sự phối hợp tốt giữa quy hoạch phát triển đô thị biển với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển du lịch, quy hoạch sử dụng đất đai, và quy hoạch bảo vệ môi trường.
Mặt khác, hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị biển chưa thực sự đồng bộ và kết nối với nhau, chưa hiện đại và hiệu quả, đủ để đáp ứng các yêu cầu phát triển để khai thác tiềm năng trở thành các trung tâm kinh tế biển.
Trong khi đó, đa số các đô thị du lịch biển nói chung chỉ tập trung khai thác khu vực mặt tiền biển, thiếu quan tâm việc phát triển đồng bộ với khu vực đồng bằng, ven sông, hoặc khu vực đồi núi lân cận, thiếu kết nối và tạo dựng các điều kiện nền tảng hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng kinh tế xã hội cần thiết, để phát triển bền vững.
Tại vùng cực nam của Việt Nam, Vùng đô thị Tây Nam bộ (còn gọi là Vùng ĐBSCL) bao gồm 13 tỉnh thành, có nhiều điều kiện thuận lợi phát triển, nhưng cho đến nay vẫn chưa được phát huy tốt các tiềm năng của mình, trong khi phải chuẩn bị cho việc ứng phó với tình huống được xếp vào khu vực có nguy cơ cao trên thế giới về thiệt hại khi nước biển dâng.
Các vấn đề Chiến lược quy hoạch đô thị biển Tây Nam bộ
Trước hết, hình thành nền tảng pháp lý là cần thiết cho việc phê duyệt và quản lý các dự án phát triển lấn biển theo hướng bền vững. Trong khoảng vài thập niên qua, nhiều dự án lấn biển quy mô được thực hiện ở các nước trên thế giới, trong đó nhiều nhất tập trung tại United Arab Emirates, Nhật Bản, Trung Quốc, và Singapore.
Trong lúc đó, tuy chưa phát triển loại hình đô thị đảo và đô thị trên biển nhân tạo, tại Việt Nam cũng bắt đầu đã có nhiều dự án lấn biển để phát triển đô thị và du lịch... như TP Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu), TP Nha Trang (Khánh Hòa), Đa Phước (Đà Nẵng) , TP Hạ Long (Quảng Ninh), Cần Giờ (TP.HCM) ... và tại TP Rạch Giá (Kiên Giang).
Nói chung, việc phát triển các dự án lấn biển có thể đem lại những lợi ích lớn như: Gia tăng quỹ đất, đáp ứng nhu cầu về đất đai cho việc mở rộng không gian đô thị (quy mô có thể từ vài trăm đến vài nghìn héc-ta) hoặc để thực hiện các dự án du lịch và địa ốc; Phát triển hạ tầng, sân bay, cảng biển, các khu công nghiệp ven biển, các công trình phát triển năng lượng như nhiệt điện, điện gió,... ; Xây đê kè chắn sóng, ngăn nước biển, phòng chống xói lở bờ biển, góp phần giảm tình trạng sụt lún đất, cải thiện khả năng phòng chống ngập lụt của thành phố, và chủ động ứng phó với nước biển dâng và biến đổi khí hậu. Lấn biển để tạo bãi tắm, hoặc để trồng rừng ngập mặn, làm khu nuôi trồng thủy sản. Xây đảo nhân tạo (như đảo cọ tại Dubai hoặc đảo nhân tạo sân bay quốc tế Kansai tại Osaka).
Tuy nhiên, từ các kinh nghiệm trong nước và quốc tế, có thể thấy việc lấn biển cũng tiềm ẩn nguy cơ có thể gây nên các tác động tiêu cực như: Tác động môi trường, từ việc làm thay đổi hệ sinh thái ven biển, từ nhu cầu khai thác cát rất cao để cung ứng cho san nền (ví dụ kế hoạch lấn biển ở Indonesia 12,5 km² cần sử dụng nguồn cung khoảng 330 triệu m³ cát); Tác động kinh tế - xã hội lên sinh kế của người dân ven biển, đặc biệt là khu vực bị lấy mất mặt tiền biển và lối tiếp cận trực tiếp ra biển, sau khi thực hiện dự án lấn biển phía trước; Tác động đến cảnh quan, môi trường sinh thái, đất ngập nước... có thể làm suy thoái các hệ sinh thái ven biển, giảm thiểu quần thể sinh vật, đất ngập nước, đất ngập mặn, bãi triều và rừng ngập mặn ven biển; Tác động biến đổi dòng chảy, có thể gây xói lở ven bờ của các khu vực lân cận.
Để cho việc lấn biển có thể được thực hiện một cách bền vững hơn, hài hòa được các lợi ích giữa các bên có liên quan, trong khi giảm thiểu tác động lên môi trường và kinh tế - xã hội, nhiều quốc gia đã ban hành các quy định về quản lý hoạt động lấn biển trong khuôn khổ hệ thống pháp luật về quản lý tổng hợp vùng ven bờ như Hà Lan, Úc, Singapore, Indonesia, Trung Quốc, Nam Phi... Đây là điều mà Việt Nam nên tham khảo để tạo lập các quy định và nền tảng pháp lý cho việc phê duyệt và quản lý các dự án lấn biển.
Trong đó cần đặc biệt lưu ý các yếu tố sau khi xem xét các dự án lấn biển: Xác định các tiêu chí đánh giá tác động môi trường, kinh tế xã hội, văn hóa lịch sử, cảnh quan...; Chọn vị trí với quy mô phù hợp; Cẩn trọng với các đề xuất lấn biển ở khu vực cửa sông mở ra biển, nơi có thể gây tác động nhiều mặt ở mức độ khá phức tạp; Cân nhắc nguồn vật tư cân thiết cho dự án lấn biển, theo hướng hạn chế các rủi ro về môi trường nói chung, tránh việc làm thay đổi tính chất môi trường nước và môi trường trầm tích của khu vực lấn biển; Hạn chế các nguy cơ gây tác động đến nơi sinh cư vùng ven biển, làm giảm đa dạng sinh học, mất tài nguyên sinh vật, gia tăng ô nhiễm, gia tăng các thiên tai; Phải được sự đồng thuận của người dân, không gây tác động tiêu cực đến sinh kế và hoạt động văn hóa – kinh tế - xã hội tại các khu lấn biển; Bảo đảm quốc phòng, an ninh và thích ứng với nguy cơ biến đổi khí hậu.
Phát triển Hệ sinh thái liên kết để phát triển kinh tế biển cho toàn Vùng đô thị
Vùng đô thị Tây Nam bộ có 7 tỉnh ven biển (Tiền Giang, Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu, và Cà Mau) và 6 tỉnh thành không giáp biển (Cần Thơ, Vĩnh Long, An Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang, Long An).
Với lợi thế chiều dài bờ biển và sự đa dạng sinh học và tài nguyên của toàn vùng, chúng ta cần phải phát triển hệ sinh thái liên kết để phát triển kinh tế biển cho cả Vùng đô thị Tây Nam bộ trong một chiến lược phát triển vùng thống nhất, chứ không chỉ tập trung vào các tỉnh thành giáp biển mà thôi.
Dù không tiếp giáp trực tiếp với biển, nhưng 6 tỉnh thành không giáp biển vẫn cần được quy hoạch theo hướng gắn kết với 7 tỉnh thành ven biển, để hình thành hệ sinh thái phát triển kinh tế biển của toàn Vùng đô thị.
Trong đó, hoạt động kinh tế không chỉ tập trung vào khu vực ven biển, mà khu vực xa biển vẫn cần được tạo điều kiện để có thể cùng đóng góp vai trò quan trọng trong việc sản xuất hàng hóa nông lâm ngư và công nghiệp, để cung ứng sản phẩm cho hoạt động kinh tế du lịch ven biển, cung ứng sản phẩm cho hoạt động logistic đường thủy và đường sắt, đường bộ... nối kết với các tỉnh thành trong vùng, với quốc gia và quốc tế... Nhờ vậy, chất lượng đời sống kinh tế - xã hội của các tỉnh thành trong toàn vùng đều được nâng cao.
Việc Quy hoạch hệ thống cảng biển và hệ thống giao thông đường bộ của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với cấu không gian đô thị sinh trúc thái Cần Giờ Xanh ở giữa và hai nhánh đô thị cảng biển hình cánh cung mở ra hai bên, nối kết hoạt động kinh tế hợp tác liên vùng giữa các tỉnh thành xa biển với các tỉnh thành giáp biển, là một định hướng phát triển chiến lược có thể tham khảo cho Vùng Tây Nam bộ (Nguồn: UBND TP.HCM).
Ứng phó với nguy cơ biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn, và ngập lụt
Ngày nay, biến đổi khí hậu và nước biển dâng đang là một trong những nguy cơ lớn nhất trên phạm vi toàn cầu. Trong đó, Vùng Tây Nam bộ của Việt Nam được nhiều nghiên cứu quốc tế liệt vào một trong những khu vực có nguy cơ chịu ảnh hưởng thiệt hại nặng nề nhất.
Một trong những nguyên nhân chính là do lượng dân tập trung ở vùng thấp quá cao. Nếu xảy ra ngập, khu vực này sẽ chịu nhiều tổn thất, trong khi việc chỉnh trang đô thị tốn kém, cho dù chọn giải pháp nâng nền, đê bao, hay nâng cấp hạ tầng.
Do đó, việc phát triển khu vực ven biển cần được tình toán kỹ về mặt cốt nền, hạ tầng kỹ thuật, sự cân cân đối vấn đề dân số với các hoạt động kinh tế theo hướng bền vững, trong khi nên khuyến khích người dân di chuyển đến vùng đất cao sinh sống.
Tại nhiều nước tiên tiến, việc lập bản đồ xác định các khu vực có nguy cơ trước biến đổi khí hậu và nước biển dâng, ngập lụt, xâm nhập mặn, xói lở ven bờ... đi kèm với các giải pháp ứng phó, là một yêu cầu quan trọng hiện nay trong quá trình lập đồ án quy hoạch và chỉnh trang. Đây là cách làm khoa học cần được nghiên cứu áp dụng cho việc quy hoạch các đô thị ven biển tại Việt Nam.
Phân vùng phát triển theo tiêu chí chất lượng môi trường
Trên thực tế, nhiều khu đô thị ven biển tại Việt Nam đang được phát triển đan xen giữa khu vực du lịch và đô thị biển với các khu vực công nghiệp và cảng biển. Điều này tạo nên tác động mâu thuẫn với nhau khi có nhu cầu mở rộng tương lai: các dự án mở rộng với hoạt động có tác động gây ô nhiễm có thể làm giảm giá trị môi trường của các khu đô thị cao cấp hiện hữu, trong khi ngược lại, việc cần phải bảo tồn giá trị môi trường ở mức cao lại có thể kềm hãm quy mô phát triển công nghiệp và cảng biển.
Chúng ta cần thấy rõ có hai hướng chính phát triển kinh tế biển mang tính chất khác nhau, cần có giải pháp ứng xử về quy hoạch phát triển bển vững khác nhau.
Thứ nhất, là phát triển đô thị biển theo hướng văn hóa, du lịch, vui chơi giải trí... là khu vực ít tạo nguy cơ gây ô nhiễm nếu được quản lý tốt việc xả thải và xử lý chất thải, nhưng đồng thời cũng là thể loại đòi hỏi chất lượng môi trường xanh và sạch ở mức cao nhất.
Thứ hai, là phát triển theo hướng đô thị cảng biển, gắn với công nghiệp chế biến và logistics... là thể loại đòi hỏi hệ thống mạng lưới hạ tầng liên kết vùng (bao gồm đường thủy, kết hợp với đường sắt, đường bộ, và đường hàng không) hiện đại và hiệu quả cao. Tuy đem lại hiệu quả kinh tế lớn, nhưng nguy cơ tác động xấu lên chất lượng môi trường sống xung quanh lại rất cao và khó kiểm soát hơn rất nhiều.
Để đạt hiệu quả phát triển bền vững cao nhất, thì việc phân vùng phát triển tách rời hai loại hình phát triển này thành các khu vực riêng biệt, gắn với các giải pháp cách ly bảo vệ chất lượng môi trường phù hợp cho từng thể loại sẽ mở ra hướng phát triển bền vững hơn trong tương lai.
Một ví dụ điển hình theo định hướng chiến lược này, từ một thực trạng phát triển đan xen giữa các khu công nghiệp, năng lượng, cảng biển với các khu đô thị và du lịch cao cấp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tác động tiêu cực giữa khu vực nguồn gây ô nhiễm đến khu vực cần chất lượng môi trường tốt nhất, thì quy hoạch tỉnh Khánh Hòa đã được tổ chức lại theo các phân vùng phát triển xanh với chất lượng môi trường tối ưu phù hợp cho các khu đô thị du lịch cao cấp, cách ly với các phân vùng phát triển nâu với chất lượng môi trường đảm bảo nằm trong giới hạn cho phép, trước tác động môi trường từ các hoạt động thường xuyên của cảng trung chuyển, cảng biển, và các khu công nghiệp.
Đây là kinh nghiệm có thể tham khảo trong việc quy hoạch khu vực cụm cảng biển Trần Đề trong mối tương quan với các khu công nghiệp và khu đô thị du lịch trong vùng.
Kết luận
Việc quy hoạch đô thị biển Tây Nam bộ trên nền tảng cân nhắc 4 vấn đề chiến lược nói trên, sẽ góp phần cụ thể hóa theo tư duy khoa học cho các quan điểm chiến lược phát triển đô thị biển, trong Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị năm 2022 về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, bao gồm các việc:
"(1) Tập trung xây dựng các vùng đô thị, hành lang đô thị, dải đô thị ven biển trên cơ sở xác định rõ vai trò, chức năng của từng đô thị, nhất là các đô thị động lực của từng vùng và cả nước, đô thị kết nối khu vực và quốc tế;
(2) Phát triển chuỗi các đô thị biển, đô thị hải đảo gắn với thực hiện Chiến lược kinh tế biển và bảo đảm quốc phòng, an ninh; Quy hoạch các khu đô thị ven biển trên các địa bàn có nền móng vững chắc và cao độ ổn định, thuận tiện giao thông và cung cấp nước ngọt trong tương lai;
(3) Kiểm soát và giám sát chặt chẽ việc lấn biển để phát triển đô thị. Đầu tư nâng cao khả năng chống chịu thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu của các đô thị ven biển, ĐBSCL và các vùng sinh thái dễ bị tổn thương”.
TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn
Hội Kiến trúc sư VN (Ban Chấp hành), Hội Quy hoạch VN, Hội đồng Công trình Xanh VN (Ban Cố vấn), Viện Kiến trúc Mỹ, Hội Quy hoạch Mỹ, và Hội Văn hóa Kiến trúc Cảnh quan Á Châu (Ban Chấp hành).
Theo Tạp chí Xây dựng