10 hạn chế cần sửa đổi và hoàn thiện pháp luật quy hoạch
Qua rà soát, đánh giá và tổng kết việc thực hiện pháp luật về quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị đã xác định những tồn tại, vướng mắc cần bổ sung và hoàn thiện.
Thứ nhất, thực tiễn có những đối tượng cần lập quy hoạch xây dựng để quản lý, nhưng quy định hiện nay còn chưa rõ ràng, cụ thể đối với những đối tượng này.
Thứ hai, chưa có các quy định về điều kiện, căn cứ, cơ sở xác định phạm vi, quy mô lập quy hoạch chung đô thị mới, đô thị mở rộng.
Thứ ba, quy định về nội dung các cấp độ đồ án quy hoạch chưa đầy đủ các yêu cầu đảm bảo kiểm soát tốt sự tuân thủ, thống nhất, đồng bộ của quy hoạch cấp độ dưới với quy hoạch cấp độ trên.
Thứ tư, về việc lấy ý kiến đối với nhiệm vụ và đồ án quy hoạch, quy định chưa rõ đối tượng lấy ý kiến, trách nhiệm lấy ý kiến.
Thứ năm, quy định về nội dung xây dựng kế hoạch, chương trình triển khai thực hiện quy hoạch đô thị và nông thôn sau khi được phê duyệt (thời gian, nội dung, kinh phí...) chưa cụ thể.
Thứ sáu, việc quy định rà soát, đánh giá thực hiện quy hoạch theo định kỳ làm hạn chế khả năng kịp thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát sinh khi chưa đến thời điểm rà soát quy hoạch.
Thứ bảy, quy định về nguyên tắc, điều kiện và trình tự, thủ tục điều chỉnh quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng còn có những nội dung chưa cụ thể để áp dụng đảm bảo thống nhất.
Thứ tám, quy định về nguồn vốn lập quy hoạch chưa đa dạng, chưa đảm bảo cho hoạt động quy hoạch diễn ra liên tục, không gián đoạn, ảnh hưởng đến các thủ tục đầu tư.
Thứ chín, pháp luật liên quan đến quy hoạch có những nội dung còn mâu thuẫn, chồng chéo, chưa phù hợp tại các Luật Quy hoạch năm 2017; Luật Đất đai năm 2013; Luật Đấu thầu năm 2013; Luật Nhà ở năm 2014 và Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Thứ mười, việc phối hợp và chia sẻ thông tin liên ngành, liên cấp giữa các Bộ, ngành và địa phương còn nhiều hạn chế.
Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)
Quy định thống nhất đảm bảo đồng bộ, hiệu quả và dễ áp dụng
Thời gian tới, có 3 nhiệm vụ trọng tâm cần rà soát, nghiên cứu. Một là xác định vị trí, vai trò, chức năng của hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn (các loại và cấp độ quy hoạch) trong hệ thống pháp luật chung về quy hoạch; quy định rõ các loại quy hoạch, cấp độ quy hoạch đô thị và nông thôn, mối quan hệ với các quy hoạch trong hệ thống quy hoạch, tuân thủ các cấp độ quy hoạch, đảm bảo thống nhất, đồng bộ hệ thống quy hoạch.
Hai là, xây dựng công cụ quản lý chủ động của chính quyền về quy hoạch đô thị và nông thôn (đồ án quy hoạch) theo trình tự, nội dung quy định đảm bảo chặt chẽ, công khai, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch, đồng thời đảm bảo chất lượng của quy hoạch.
Ba là, quy định cụ thể điều kiện năng lực tổ chức tư vấn lập quy hoạch, nâng cao trách nhiệm của tổ chức tư vấn, góp phần nâng cao chất lượng quy hoạch; Đa dạng nguồn kinh phí hợp pháp cho công tác lập quy hoạch; Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong lập, điều chỉnh quy hoạch; Áp dụng hệ thống thông tin địa lý, tích hợp trong dữ liệu thông tin quốc gia để giám sát việc thực hiện quy hoạch; Tăng cường kiểm tra hướng dẫn, nâng cao chất lượng đồ án quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng thực hiện theo tinh thần Nghị quyết số 06-NQ/TW.
Trên cơ sở đó, Bộ Xây dựng đề nghị các Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch - Kiến trúc của địa phương tăng cường, chấn chỉnh toàn bộ công tác quy hoạch đô thị. Trong đó, chú trọng phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành trong xây dựng chính sách Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn để đảm bảo chất lượng, hiệu quả và phù hợp với yêu cầu quản lý phát triển của địa phương...
Trần Thu Hằng
Vụ trưởng Vụ Quy hoạch - Kiến trúc