Bộ Xây dựng vừa có văn bản nêu ý kiến về Chương trình phát triển đô thị tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021-2030.
Xác định rõ các chỉ tiêu còn yếu, thiếu về phát triển đô thị
Cụ thể, Bộ Xây dựng đề nghị UBND tỉnh Quảng Bình rà soát, xem xét các quy hoạch, kế hoạch có liên quan, đảm bảo cơ sở pháp lý của việc lập Chương trình, thống nhất giữa các nội dung của Chương trình và các quy hoạch, kế hoạch có liên quan trong quá trình lập quy hoạch.
Đồng thời, bổ sung Báo cáo thẩm định của Sở Xây dựng tỉnh Quảng Bình, bổ sung đầy đủ các bản vẽ A0 và hoàn thiện các bản vẽ A3 theo đúng thành phần hồ sơ theo quy định; bổ sung các căn cứ pháp lý khác liên quan.
Bộ cũng đề nghị tỉnh bổ sung rà soát, tổng hợp đánh giá theo định kỳ 5 năm triển khai thực hiện Chương trình phát triển đô thị tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2015-2020, định hướng đến năm 2030; so sánh đối chiếu với Chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2011-2020; bổ sung, xác định rõ các chỉ tiêu còn yếu, còn thiếu của từng đô thị trên địa bàn tỉnh.
Thành phố Đồng Hới, Quảng Bình (Nguồn: Tạp chí xây dựng)
Thuyết minh Chương trình cần bổ sung nội dung đánh giá về tình hình thực hiện và lồng ghép các nội dung phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu, đô thị thông minh, đô thị tăng trưởng xanh của các đô thị trên địa bàn tỉnh; đánh giá thực trạng các vùng nông thôn đô thị hóa, các vùng nông thôn đô thị hóa trong tương lai; đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Đảm bảo tính khả thi của các chỉ tiêu phát triển đô thị
Bộ Xây dựng cho rằng, dự thảo Chương trình có nhiều nội dung không thống nhất so với Kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021-2030.
Do đó, đề nghị UBND tỉnh Quảng Bình chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát, bổ sung các luận cứ của việc đề xuất lộ trình phát triển đô thị tại dự thảo Chương trình, đảm bảo sự phù hợp với các định hướng lớn đã được phê duyệt trước đó; bổ sung vào Chương trình kế hoạch phân loại đô thị mới Hóa Tiến, huyện Minh Hóa giai đoạn 2026-2030 để thống nhất với Kế hoạch 241.
Theo đánh giá thực trạng phát triển, nhiều đô thị trên địa bàn tỉnh tới nay chưa đạt đủ quy định tối thiểu đối với tiêu chí về quy mô dân số. Việc dự báo dân số tới năm 2030 tăng cao đột biến so với năm 2020 là không khả thi.
Do đó, đề nghị UBND tỉnh Quảng Bình bổ sung các luận cứ để xác định tỷ lệ đô thị hóa; cân nhắc các chỉ tiêu phát triển dựa trên điều kiện thực tế của các đô thị, đảm bảo tính khả thi của các chỉ tiêu phát triển đô thị đề ra; bổ sung chỉ tiêu phát triển đô thị về hạ tầng kỹ thuật đô thị, phát triển nhà ở đô thị và lồng ghép nội dung phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu, đô thị thông minh, đô thị tăng trưởng xanh đối với hệ thống đô thị trên địa bàn tỉnh.
Bộ Xây dựng lưu ý, các chỉ tiêu phát triển đô thị được đề xuất tại Chương trình cần được nghiên cứu, bám sát theo tinh thần của Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 148/NQ-CP ngày 11/11/2022 của Chính phủ.
Phát triển bền vững và tăng cường khả năng thích ứng biến đổi khí hậu
Về cơ bản, các nội dung trong danh mục dự án ưu tiên phù hợp theo quy định. Bộ Xây dựng đề nghị nội dung Chương trình chỉ tập trung vào các dự án hạ tầng khung và công trình đầu mối kỹ thuật kết nối hệ thống đô thị toàn tỉnh. Việc xây dựng danh mục ưu tiên đầu tư cần được thực hiện trên kết quả đánh giá các chỉ tiêu còn thiếu, còn yếu của mỗi đô thị.
Để đảm bảo tính khả thi của các đề xuất trong Chương trình và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn trong đầu tư phát triển đô thị, theo Bộ Xây dựng, cần xem xét, đánh giá những nguyên nhân dẫn đến việc không hoàn thành được các mục tiêu trong giai đoạn đến 2020 về nâng loại đô thị, phát triển kết cấu hạ tầng khung, huy động vốn...
UBND tỉnh Quảng Bình cũng cần rà soát năng lực của các bên tham gia thực hiện Chương trình để đề xuất cụ thể các giải pháp thực hiện và phân công rõ nhiệm vụ, cơ chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương các cấp thực hiện; tránh thực hiện chồng chéo về thẩm quyền và trách nhiệm; chỉ đạo các cơ quan liên quan sớm triển khai xây dựng Chương trình phát triển cho từng đô thị giai đoạn 2021-2030.
Đồng thời thực hiện rà soát lộ trình và chỉ tiêu phát triển đô thị tại Chương trình, đảm bảo thống nhất với nội dung lập Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo Tuấn Đông/Tạp chí Xây dựng