Các giải pháp xây dựng nhà ở nông thôn miền núi hiện nay đang diễn ra tự phát. Với tính chất tự xây, sự hiểu biết về vật liệu mới hạn chế thì sự chuyển hóa trong ngôi nhà sao cho vừa kế thừa các giá trị truyền thống, vừa tạo không gian ở thích ứng với điều kiện sống mới quả là thách thức lớn.
1. Giới thiệu kiến trúc nông thôn khu vực miền núi phía Bắc với vấn đề ứng phó biến đổi khí hậu
Kiến trúc nhà ở miền núi phía Bắc có sự khác biệt theo từng dân tộc. Các dân tộc thiểu số ở miền núi phía Bắc thường sống trong những ngôi nhà sàn, nhà đất, nhà nửa sàn nửa đất, kết cấu và VLXD còn rất thô sơ dựa vào vật liệu địa phương. Nhà ở dân tộc Kinh chủ yếu phân bố tại các vùng đồng bằng miền Bắc đã có rất nhiều thay đổi so với ngôi nhà truyền thống. Mặt bằng công năng được bố trí linh hoạt, thay đổi theo nghề sản xuất tại gia.
Mỗi dân tộc đều có những cách sáng tạo xây dựng nhà ở với hình thức và tổ chức mặt bằng sinh hoạt khác nhau, đặc trưng cho nền văn hóa, khí hậu, địa hình, thói quen canh tác, lao động sản xuất và phong tục tập quán của mỗi dân tộc. Nhưng do giao thoa về văn hóa, tiếng nói, chữ viết nên nhiều dân tộc cũng có cách tổ chức không gian nhà ở tương đối giống nhau hoặc trên cơ sở khai thác kinh nghiệm của tộc người khác để sáng tạo không gian nhà ở cho tộc mình.
Căn cứ vào hình dáng bên ngoài cũng như tổ chức mặt bằng sinh hoạt bên trong ngôi nhà ở dân gian, vào vật liệu sử dụng và cách thức sử dụng trong kết cấu xây dựng, có thể phân thành 5 nhóm nhà ở dân gian truyền thống như sau: Nhà sàn dài; Nhà sàn ngắn; Nhà sàn kết hợp với nhà trệt; Nhà trệt kiểu pháo đài và Nhà trệt. Những ưu điểm, hạn chế và bất cập kiến trúc nhà ở và các vấn đề liên quan thuộc khu vực miền núi phía Bắc.
Ưu điểm
Về sử dụng vật liệu: Đa số ngôi nhà các dân tộc hiện nay đều sử dụng vật liệu có nguồn gốc hữu cơ từ tự nhiên.
Về tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng tái tạo: Đa số ngôi nhà dân tộc nằm giữa đại ngàn lộng thoáng có những giải pháp khai thác nguồn năng lượng tự nhiên một cách tự nhiên đó là chiếu sáng bằng ánh sáng tự nhiên qua hệ cửa mở hợp lý, thắp sáng từ các loại dầu thực vật, bếp lửa được đốt bằng các loại cây, lá rừng khô vừa lấy ánh sáng, vừa sưởi ấm, vừa đun nấu thức ăn.
Sử dụng nguồn nước và xử lý nguồn nước: Các dân tộc miền núi phía Bắc xem nguồn nước là một trong ba yếu tố chính để chọn nơi định cư. Do đó việc sử dụng hợp lý nguồn nước tự nhiên hoặc khai thác tại chỗ trong sinh hoạt hàng ngày đã trở thành một nét đặc sắc.
Đảm bảo sức khỏe và tiện nghi sống: Những ngôi nhà truyền thống của các dân tộc trong thực tế đã tạo ra được một tiện nghi sống khá tốt cho người dân. Nếu lấy theo yêu cầu cao cấp của người Kinh để so sánh thì rất vô cùng. Nhưng chính cách sống giản dị và thiết thực của người dân tộc cũng là một cách sống xanh.
Giảm thiểu phát thải các bon: Ngôi nhà truyền thống dân tộc với cách xây dựng, và khai thác hoàn toàn tự nhiên nên "Khó tìm ra một nguồn phát thải khí các bon thực sự”.
Chất thải: Khác với lối sống phồn hoa đô thị mỗi ngày trung bình mỗi người thải ra khoảng 2 kg rác thải các loại - người dân tộc với lối sống giản dị trong ngôi nhà bình hòa với thiên nhiên lượng rác thải ra chưa bằng 40% của người Kinh
Ảnh hưởng sinh thái tự nhiên: Có thời kỳ ngôi nhà dân tộc khi xây dựng đã làm ảnh hưởng lớn đến sinh thái tự nhiên do khai thác rừng bừa bãi, đốt nương làm rẫy, đào bạt đồi núi.
Nhược điểm trong điều kiện biến đổi khí hậu như tình trạng sạt lở đất
Sử dụng các cấu kiện bê tông thay thế dần khung gỗ là một ứng xử phù hợp, tất yếu do điều kiện tự nhiên đã thay đổi.
Sử dụng mái dốc vẫn được duy trì, đã cơ bản giữ được hình thái mái truyền thống. Tuy nhiên việc sử dụng các vật liệu mới bền, rẻ chưa hoàn toàn đáp ứng được các yêu cầu cách nhiệt, chống ồn. Rất cần có các giải pháp kiến trúc và sử dụng vật liệu phù hợp hơn.
Xu hướng tách bếp ra khỏi nhà chính, có thêm các chức năng như bàn ghế tiếp khách, chỗ xem vô tuyến, chỗ treo tranh, ảnh gia đình, gương soi của phụ nữ… là những chức năng mới nhưng các không gian nội thất chưa được nghiên cứu chuyển đổi phù hợp, gây cảm giác khá lộn xộn.
Các chi tiết lan can, cửa, thang dùng các vật liệu inox, con tiện xi măng là những thích ứng, tiếp thu vật liệu mới. Tuy nhiên, chưa có những thiết kế sử dụng vật liệu mới phù hợp, sự lai tạp phong cách kiến trúc rõ rệt là đáng tiếc, làm mất các bản sắc văn hóa của ngôi nhà.
Tất cả những biến đổi này hiện đang diễn ra tự phát, các vấn đề phải giải quyết đặt lên vai chính người dân. Với tính chất tự xây, trình độ của người dân, sự hiểu biết về vật liệu mới hạn chế thì sự chuyển hóa trong ngôi nhà sao cho vừa kế thừa các giá trị truyền thống vừa tạo không gian ở thích ứng với điều kiện sống mới quả là thách thức lớn.
Hiện nay chưa có một thiết kế mẫu, một hướng dẫn nào làm định hướng cho nhà sàn dân tộc. Đã thấy rõ áp lực, xu hướng biến đổi là rất lớn, liệu trong vòng 10 - 15 năm nữa còn có bao nhiêu nhà sàn truyền thống còn được lưu giữ trong các bản làng.
Trong Chương trình xây dựng nông thôn mới của Trung ương hiện nay cũng cần nghiên cứu đưa ra những mẫu thiết kế dành riêng cho các dân tộc. Đồng thời cần có những nghiên cứu sâu, rộng, từ các bản làng nằm trong các huyện miền núi, từ đúc kết kinh nghiệm của việc xây dựng nhà ở cho dân cư dân tộc tại các khu tái định cư thủy điện, từ các làng bản ven đô đến các làng bản trong đô thị để có cái nhìn toàn diện, từ đó tìm hướng đề xuất không chỉ ở giải pháp kiến trúc mà còn đi kèm cả giải pháp về vật liệu, kết cấu và áp dụng các công nghệ xây dựng phù hợp.
Việc giữ gìn kiến trúc nhà sàn truyền thống cũng tránh chỉ chú trọng ở việc bảo tồn, tu bổ các ngôi nhà sàn truyền thống theo nguyên gốc để làm du lịch mà cần nhìn nhận một mục tiêu lớn hơn, một trách nhiệm lớn, đó là định hướng sự biến đổi của nó, kế thừa các giá trị văn hóa của nó, hòa mình trong cuộc sống đương đại.
2. Giải pháp lựa chọn đất xây dựng nhà ở đảm bảo an toàn trước nguy cơ sạt lở
Các nguyên tắc chung
Tuân thủ theo quy định pháp luật hiện hành (kích thước tối thiểu của các lô, giao thông, hệ thống kỹ thuật, đảm bảo độ dốc cho phép, mặt bằng, mật độ xây dựng...).
Bảo tồn văn hóa định cư truyền thống, nhằm phát triển bền vững cộng đồng.
Tôn trọng môi trường tự nhiên, đặc biệt địa hình; bảo tồn và tái tạo hệ động thực vật.
Nâng cao năng lực và phát triển kinh tế thông qua nâng cao nhận thức và phát triển sinh kế địa phương.
Khuyến khích phân lô đất tập trung hay phân tán nên phù hợp với đặc thù tập quán của từng dân tộc thiểu số: ví dụ dân tộc Dao thường định cư phân tán; dân tộc Thái, Mường.... thường định cư tập trung thành bản khoảng 30 - 40 nhà/1 bản.
Các yêu cầu về quy hoạch, bảo vệ môi trường cảnh quan địa hình
a, Giải pháp quy hoạch phân vùng theo đặc điểm sạt lở đất
b, Các yêu cầu về bảo vệ môi trường, cảnh quan và địa hình
Bảo vệ môi trường: Tuân thủ theo quy định pháp luật hiện hành. Trong khu dân cư, cấm mở các công trường khai thác đá, bãi chất thải, khu công nghiệp. Đối với nhà ở xây dựng mới, nghiêm cấm việc thoát nước không qua xử lý ra sông, suối tự nhiên. Đối với nhà ở đã xây dựng phải nối với hệ thống nước thải chung, trường hợp chưa có những công trình này phải nối với hệ thống nước thải ngay khi được xây dựng.
Bảo vệ cảnh quan: Các công trình nhà ở phải hòa nhập với cảnh quan chung được tạo bởi địa hình các đường phân thủy, thung lũng, tiểu thung lũng và thảm thực vật. Bảo vệ cảnh quan và tránh sạt lở các sườn dốc tự nhiên và các đường phân thủy phải được che phủ thảm thực vật trong phạm vi 50 m về mỗi bên của đường phân thủy, tổng cộng 100 m.
Trong khu vực được xây dựng, công trình nhà ở mới có chiều cao tối đa 4 m tính đến nóc, mật độ xây dựng 1% so với tổng diện tích dải đất được xây dựng.
Trong thung lũng, khuyến cáo không xây dựng công trình lớn trong phạm vi 50 m tính từ bờ suối về mỗi bên, tổng cộng 100 m. Trừ nhà ở xây mới quy mô vừa và nhỏ, mật độ xây dựng 1% tổng diện tích của băng bảo vệ là được phép nhưng phải cách bờ suối 15m.
Tất cả các công trình xây dựng mới phải đảm bảo một khoảng lùi 15 m so với tất cả các kênh suối khác hoặc mặt nước, trừ trường hợp đối với các điểm kỹ thuật nói với các hoạt động nuôi trồng thủy sản.
Giữa các không gian tự nhiên cần bảo vệ (đường phân thủy, thung lũng) và các khu đô thị có vị trí vọng lâu, các điểm quan sát và đi dạo sẽ được quy hoạch trên bề sâu 20m.
Bảo vệ địa hình và tự nhiên: Cấm không được san gạt mặt bằng hoặc thay đổi lớn về địa hình, đặc biệt trong phạm vi bảo vệ 100 m ở đường phân thủy và ở đáy thung lũng. Để có thể xây dựng, công trình nhà ở phải có độ dốc tự nhiên quy định cụ thể tại mục 1 phần D. Trong khu xây dựng, để giữ nguyên hiện trạng địa hình việc xây dựng tường chắn đất được khuyến khích. Thông số kỹ thuật tường chắn đất cũng đã có những quy định cụ thể.
Bảo vệ và tái tạo thảm động thực vật: Các công trình nhà ở xây dựng mới phải bảo vệ các cây có độ phát triển lớn hoặc các loài cây quý hiếm. Trong trường hợp khó giữ được các cây lớn và các loài thực vật mang tính điển hình thì phải trồng lại chúng theo tỷ lệ được quy định trong quy chế quy hoạch kiến trúc từng địa phương. Bên cạnh việc nghiên cứu đảm bảo an toàn cho công trình, khi thiết kế công trình trên khu vực đồi núi dốc cần quan tâm đến kiến trúc cảnh quan của khu vực. Việc sắp xếp công trình cần lưu ý đến bảo vệ tầm nhìn của công trình theo cả hai hướng từ trên xuống và từ dưới lên.
Bố trí công trình trên khu vực sườn đồi cần tính toán bảo vệ hướng quan sát nhằm đảm bảo kiến trúc cảnh quan của từng khu vực.
3. Kết luận
Tình hình sạt lở đất tại khu vực miền núi phía Bắc trong những năm qua thường xuyên xảy ra và không hề suy giảm, thậm chí còn có nguy cơ tăng cao do tác động của biến đổi khí hậu và việc phát triển đô thị và các tác nhân do con người gây nên. Việc thực hiện các giải pháp phòng, chống nguy cơ sạt lở là cấp bách và cần sự phối hợp toàn diện giữa các cấp, các ngành; cơ quan quản lý và người dân.
Hiện nay việc chống sạt lở chủ yếu mới được thực hiện cho những công trình có quy mô lớn được thiết kế, thẩm định phê duyệt bài bản (công trình công cộng, công trình giao thông...). Tuy nhiên, đối với các công trình nhỏ, công trình nhà ở do dân tự xây dựng hầu hết chưa tính toán kỹ đến nguy cơ sạt lở đất. Đặc biệt, tại khu vực miền núi phía Bắc, điều kiện phát triển kinh tế, xã hội, khoa học kỹ thuật còn hạn chế do đó việc phòng, chống nguy cơ sạt lở gặp nhiều khó khăn.
Đề xuất của tác giả nhằm hệ thống hóa những giải pháp phòng chống sạt lở đất, đặc biệt giải pháp lựa chọn đất xây dựng đảm bảo trước nguy cơ sạt lở đất cho khu vực miền núi phía Bắc, và những khuyến cáo cho người sử dụng.
Trong các giải pháp trên bao gồm cả giải pháp công trình và phi công trình. Việc lựa chọn giải pháp phải dựa trên tình hình cụ thể và điều kiện thực tế để áp dụng đạt hiệu quả cao. Trong mọi tình huống, tính mạng của con người là quan trọng hơn cả, các giải pháp nêu trên nhằm bảo đảm an toàn cho công trình đồng thời cũng là bảo đảm cho tính mạng và tài sản của người dân.
ThS.KTS Nguyễn Minh Đức
Viện Nhà ở và công trình công cộng
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Báo cáo lũ quét và sạt lở đất tại Việt Nam của Tổng cục Phòng, chống thiên tai, Bộ TN&MT tháng 10/2019.
2. Trung tâm Nghiên cứu tài nguyên môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội, Phát triển bền vững miền núi Việt Nam 10 năm nhìn lại và những vấn đề đặt ra, NXB Nông nghiệp.
3. Nguyễn Bá Kế, Hội Xây dựng (2008), Kỹ thuật nền móng công trình vùng đồi dốc.