Xây dựng nông thôn mới gắn kết đồng bộ và phát triển đô thị bền vững

  • Cập nhật: Thứ bảy, 10/12/2022 | 11:36:40 AM

QLMT - Với sự chỉ đạo quyết liệt, sự vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ của cả hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của người dân, xây dựng nông thôn mới (NTM) đã trở thành phong trào sôi nổi, rộng khắp trên cả nước

1. Khát quát tình hình, kết quả xây dựng nông thôn mới cả nước giai đoạn 2010-2020

Với sự chỉ đạo quyết liệt, sự vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ của cả hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của người dân, xây dựng nông thôn mới (viết tắt là NTM) đã trở thành phong trào sôi nổi, rộng khắp trên cả nước. Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, Chương trình đã đạt được những kết quả quan trọng, theo như đánh giá của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước là "to lớn, toàn diện và mang tính lịch sử”, thể hiện ở một số kết quả nổi bật sau:

- Chương trình đã làm thay đổi nhận thức sâu sắc của toàn bộ cán bộ, đảng viên và người dân về vị trí, vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nông nghiệp, nông dân và nông thôn Việt Nam có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và thực sự là tiềm năng, thế mạnh của đất nước.

- Chương trình xây dựng NTM góp phần quan trọng thay đổi diện mạo khu vực nông thôn, hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng được hoàn thiện kể cả ở những vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới và hải đảo, môi trường, cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp hơn, giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy, an ninh chính trị được giữ vững, nhiều vùng quê nông thôn trở thành nơi đáng sống. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2020 tăng 1,7 lần so với năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo nông thôn giảm nhanh từ 12,7% năm 2016 xuống còn khoảng 5,6% năm 2020, khoảng cách phát triển giữa nông thôn - đô thị từng bước được thu hẹp…



Mô hình thôn nông thôn mới kiểu mẫu tại xã Hợp Đức, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang

- Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, đến hết năm 2020, Chương trình đã hoàn thành vượt 12,4% số xã đạt chuẩn NTM so với mục tiêu giai đoạn 2016-2020 được giao. Tính đến tháng 9/2022, cả nước có 55.813/8.227 xã (70,7%) đạt chuẩn NTM, trong đó, có 663 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 71 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; bình quân cả nước đạt 17 tiêu chí/xã. Có 235 đơn vị cấp huyện thuộc 56 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM (chiếm khoảng 35,2%); có 15 tỉnh/ thành phố đã có 100% số xã đạt chuẩn NTM(1), trong đó có 05 tỉnh (Nam Định, Đồng Nai, Hưng Yên, Hà Nam, Hải Dương) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Chương trình xây dựng NTM còn một số tồn tại, bất cập cần phải tập trung khắc phục, như:

- Kết quả xây dựng NTM của một số vùng còn thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung của cả nước, vẫn còn khoảng cách chênh lệch lớn về kết quả thực hiện giữa các vùng, miền.

- Sự kết nối giữa nông thôn và đô thị còn hạn chế, NTM chưa hài hòa và phù hợp với quá trình đô thị hóa, dẫn đến quy hoạch manh mún, đứt gẫy, các trung tâm đô thị, thị xã, thị tứ chưa phát huy được vai trò đầu tầu về kinh tế, chưa tạo ra được các hiệu ứng lan toả; một số địa phương có xu hướng "đô thị hoá nông thôn, đồng bằng hoá miền núi, bê tông hoá miền quê” dẫn đến phá vỡ cảnh quan, không gian văn hóa truyền thống của nông thôn Việt Nam…

(1) Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Đà Nẵng, Tp. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ, Bạc Liêu

2. Mục tiêu thực hiện Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, phương hướng, nhiệm vụ đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045

Căn cứ Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Chương trình xây dựng NTM đã xác định rõ mục tiêu đến năm 2025, đồng thời đề ra phương hướng, nhiệm vụ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cụ thể như sau:

- Mục tiêu đến năm 2025:

Tiếp tục triển khai Chương trình gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hóa, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững; thực hiện xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu và NTM cấp thôn, bản (Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới các cấp giai đoạn 2021-2025 đã điều chỉnh nhiều chỉ tiêu, tiêu chí như quy hoạch, giao thông, kinh tế… gắn với quá trình đô thị hoá). Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, thúc đẩy bình đẳng giới. Xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

- Phương hướng, nhiệm vụ đến năm 2030:

Tiếp tục thực hiện xây dựng NTM theo hướng gắn với đô thị hóa, bảo đảm thực chất, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững, lấy cư dân nông thôn làm chủ thể. Tập trung xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu và NTM thông minh ở các cấp. Ưu tiên xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, kết nối chặt chẽ nông thôn, thành thị bảo đảm đồng bộ và hiện đại; kinh tế nông thôn phát triển mạnh mẽ theo hướng nông nghiệp sinh thái, kinh tế tuần hoàn với trình độ sản xuất tiên tiến, nông dân chuyên nghiệp, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; môi trường, cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống; hệ thống chính trị ở nông thôn được tăng cường; quốc phòng và an ninh trật tự được giữ vững; đưa nông thôn trở thành nơi đáng sống.

- Tầm nhìn đến năm 2045:

Xây dựng NTM để đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn văn minh, thịnh vượng, tương xứng ở mức của nước phát triển có thu nhập cao; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ, thông minh, kết nối chặt chẽ, hài hoà với quá trình đô thị hóa và ứng phó với biến đổi khí hậu; kinh tế nông nghiệp, nông thôn phát triển bền vững; xã hội nông thôn dân chủ, bình đẳng, ổn định, giàu bản sắc văn hóa truyền thống; môi trường, cảnh quan, không gian nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, an toàn; hệ thống chính trị ở nông thôn được tăng cường; quốc phòng và an ninh trật tự được giữ vững.

3. Đề xuất, kiến nghị

Để xây dựng nông thôn mới gắn kết đồng bộ, chặt chẽ và phù hợp với định hướng đô thị hóa và phát triển đô thị bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo tinh thần Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương (cơ quan điều phối thực hiện Chương trình) xin đề xuất, kiến nghị một số nội dung sau:

- Kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ:

Tiếp tục cân đối ngân sách Trung ương để ưu tiên hỗ trợ thêm cho Chương trình xây dựng NTM phù hợp với điều kiện thực tế và có giải pháp huy động hợp lý mọi nguồn vốn hợp pháp để thực hiện. Đồng thời, có các chính sách, quy định đặc thù trong xây dựng NTM đối với các xã ven đô hoặc các xã/huyện được quy hoạch phát triển thành đô thị (vẫn tiếp tục xây dựng nông thôn mới với các tiêu chí về hạ tầng tiệm cận với các tiêu chí phát triển đô thị).

- Đề nghị các Bộ, ngành Trung ương:

Đề nghị Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương và địa phương có liên quan chỉ đạo, thực hiện rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch NTM kịp thời, đảm bảo phù hợp với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội và quá trình đô thị hóa của địa phương, thích ứng với biến đổi khí hậu. Thí điểm xây dựng mô hình NTM gắn với đô thị hoá tại các xã ven đô hoặc các xã/huyện được quy hoạch phát triển thành đô thị.

- Đề nghị các địa phương:

+ Tiếp tục quan tâm công tác quy hoạch, rà soát, điều chỉnh quy hoạch theo quy định, có định hướng rõ xã thuần nông nào sẽ trở thành xã ven đô, xã ven đô nào sẽ trở thành phường, thị trấn trong đô thị, huyện nào sẽ phát triển thành quận, thị xã, thành phố… để tránh bị lúng túng khi phát triển đô thị nóng không kịp với phát triển kinh tế.

Trong quá trình thực hiện, điều chỉnh quy hoạch đối với các xã NTM dự kiến trở thành đô thị (phường, thị trấn) cần cụ thể hóa tiêu chí về hạ tầng nông thôn theo hướng đồng bộ với phát triển đô thị và bổ sung tiêu chí liên quan đến phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, kiểm soát môi trường liên quan đến đô thị (theo Nghị quyết số 1210 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị), để làng xóm nông thôn hội nhập bền vững hơn trong không gian đô thị.

Đồng thời, tổ chức phát triển sản xuất nông nghiệp khu vực ven đô hướng đến nền nông nghiệp đô thị (phát triển các vùng trồng rau, trồng hoa, trồng cây cảnh theo hướng sinh thái, hữu cơ…); phát triển du lịch nông nghiệp để phục vụ cư dân đô thị và khách du lịch của vùng trung tâm đô thị; chuyển đổi lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp; bên cạnh đó chú trọng công tác đảm bảo an ninh trật tự và vệ sinh, an toàn thực phẩm.

+ Tổ chức thực hiện xây dựng NTM bền vững cần được định hướng tránh tổ chức không gian cảnh quan theo kiểu mô phỏng hoàn toàn hình thái đô thị. Lựa chọn các giải pháp tạo không gian cảnh quan làng xã xanh - sạch - đẹp, tránh tình trạng bê tông hoá nông thôn, bảo tồn giá trị truyền thống làng xã, đồng thời phát huy các giá trị đó trong xây dựng làng xã, nhà ở, các khu vực dân cư.

+ Tổ chức thực hiện xây dựng NTM mới bền vững gắn với đô thị hóa cần đặc biệt chú trọng nhân tố con người, coi con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực cho sự phát triển, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; do đó cần có các giải pháp để nâng cao nhận thức, năng lực, tư duy của người dân nông thôn (đặc biệt là tại các khu vực ven đô thị) để có thể nhanh chóng thích ứng với đời sống đô thị khi trở thành cư dân đô thị, đồng thời vẫn giữ được hình ảnh, nét đẹp của đời sống nông thôn truyền thống.

+ Song song với việc xây dựng NTM gắn với đô thị hóa cần quan tâm đến cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; chuyển tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; hướng tới phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ; quy hoạch khu chức năng dịch vụ hỗ trợ phát triển kinh tế nông thôn…

+ Cần xác định chuyển đổi số là giải pháp then chốt để rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và đô thị; từng bước phát triển các làng thông minh, xã thông minh, hướng tới phát triển nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân thông minh.

Xây dựng NTM là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Chương trình xây dựng NTM có ý nghĩa rất lớn cả về kinh tế - chính trị - xã hội; có tác động trực tiếp đến nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn (chiếm trên 65% dân số cả nước); góp phần xây dựng, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc; phát huy quyền làm chủ của người dân, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Để phấn đấu hoàn thành các mục tiêu xây dựng NTM trong giai đoạn tới, cần có quá trình triển khai lâu dài, với sự tiếp tục vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự tham gia tích cực của người dân và cộng đồng.

Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương


Tags Xây dựng Nông thôn mới Gắn kết đồng bộ Phát triển đô thị bền vững

Các tin khác

Việc giảm thiểu rủi ro thiên tai đang được thế giới và các quốc gia quan tâm hàng đầu. Các mô hình giảm thiểu rủi ro thiên tai đã và đang được các quốc gia áp dụng một cách mạnh mẽ trong mọi lĩnh vực phát triển, đặc biệt là trong lĩnh vực quy hoạch đô thị.

Chiều 17/9, TP Hạ Long (Quảng Ninh) tổ chức hội nghị tổng kết Chiến dịch 7 ngày đêm khắc phục hậu quả bão số 3.

Đô thị hóa và sự gia tăng dân số đô thị khiến con người ngày càng mất dần mối liên hệ với thiên nhiên.

Chủ tịch TP Đà Nẵng yêu cầu các sở, ngành, UBND quận, huyện thường xuyên theo dõi tình hình mưa, bão để chủ động trong mọi tình huống; có kế hoạch, phương án xử lý thoát nước, chống ngập úng hiệu quả tránh tình trạng bị động gây thiệt hại về người và của.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục