Định hướng phát triển đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu

  • Cập nhật: Thứ hai, 5/12/2022 | 4:56:37 PM

QLMT - Khu vực vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vùng thành phố Hồ Chí Minh được dự báo sẽ chịu tác động ngày càng nặng nề của biến đổi khí hậu

1. Bối cảnh phát triển hệ thống đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long

1.1. Đô thị hóa, theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng

Mục tiêu tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt 45%, đến năm 2030 đạt khoảng 50%. Báo cáo chính trị của Đại hội cũng xác định các nhiệm vụ sau: Tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị; Phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng nông nghiệp và nông thôn; Kết nối khu vực nông thôn với khu vực thành thị; Xây dựng chiến lược, hoàn thiện thể chế phát triển đô thị và kinh tế đô thị làm động lực phát triển của từng vùng, địa phương; Tăng cường quản lý đô thị, phát triển các đô thị vệ tinh, hạn chế xu hướng tập trung quá mức vào các đô thị lớn. Xây dựng đô thị hiện đại, văn minh, đa dạng, có bản sắc kiến trúc, văn hóa riêng của từng địa phương.

1.2. Phát triển hệ thống đô thị theo Nghị quyết 06-NQ/TW về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nghị quyết xác định rõ vai trò, vị thế của đô thị, đô thị hóa và kinh tế đô thị trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong giai đoạn mới trên tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, phấn đấu đến giữa thế kỷ 21, nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững theo hướng đô thị xanh, văn minh, giàu bản sắc; kết hợp hài hòa giữa quá trình đô thị hóa, phát triển đô thị với công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại nền kinh tế; phát triển hệ thống đô thị bền vững theo mạng lưới, phân bổ hợp lý, phù hợp từng vùng, miền, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, cân đối giữa các vùng, miền; hình thành một số đô thị, chuỗi đô thị động lực thông minh kết nối với khu vực và thế giới; tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật và ban hành các cơ chế, chính sách có tính đột phá vượt trội cho phát triển đô thị bền vững, thúc đẩy kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng nhanh, hiệu quả.

Tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam có tỷ lệ đô thị hóa thuộc nhóm trung bình cao của khu vực ASEAN và châu Á. Xây dựng được ít nhất năm đô thị đạt tầm cỡ quốc tế, giữ vai trò là đầu mối kết nối và phát triển với mạng lưới khu vực và quốc tế. Cơ cấu kinh tế khu vực đô thị phát triển theo hướng hiện đại với các ngành kinh tế xanh, kinh tế số chiếm tỷ trọng lớn.

1.3. Phát triển hệ thống đô thị Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021

- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, theo Quyết định phê duyệt số 287/QĐ - TTg ngày 28 tháng 02 năm 2022.

a) Hệ thống đô thị phân bố hợp lý tại các vùng đô thị dọc theo các hành lang phát triển chính của vùng.

b) Phát triển hệ thống đô thị loại I, loại II theo mô hình đô thị sinh thái, nén, tập trung phù hợp với Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

c) Các đô thị là trung tâm tổng hợp, trung tâm chuyên ngành của vùng, tiểu vùng bao gồm:

- Thành phố Cần Thơ là đô thị loại I trực thuộc trung ương, là trung tâm hành chính, dịch vụ, thương mại, y tế, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, văn hóa, du lịch, công nghiệp chế biến của toàn vùng; cung ứng các dịch vụ y tế, giáo dục có chất lượng cao có khả năng cạnh tranh ở cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế.

- Thành phố Mỹ Tho có vai trò là một trong những trung tâm dịch vụ thương mại, logistic, du lịch tại khu vực phía Bắc sông Tiền; đô thị cửa ngõ giữa vùng Thành phố Hồ Chí Minh và vùng đồng bằng sông Cửu Long; trung tâm nông nghiệp công nghệ cao về cây ăn trái và trung tâm dịch vụ du lịch miệt vườn.

- Thành phố Tân An có vai trò là trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ phía Đông Bắc của vùng đồng bằng sông Cửu Long, đô thị cửa ngõ giữa vùng Thành phố Hồ Chí Minh và vùng đồng bằng sông Cửu Long.

- Thành phố Long Xuyên có vai trò là một trong những trung tâm thương mại dịch vụ phía Tây Bắc của vùng đồng bằng sông Cửu Long; là trung tâm chuyển giao công nghệ về nông nghiệp công nghệ cao, đặc biệt là lúa gạo và thủy sản nước ngọt.

- Thành phố Rạch Giá có vai trò là trung tâm kinh tế biển, thương mại dịch vụ tại khu vực ven biển phía Tây của vùng đồng bằng sông Cửu Long; là trung tâm nuôi trồng, đánh bắt và xuất khẩu thủy hải sản; trung tâm công nghiệp chế biến nông - thủy sản.

- Thành phố Cà Mau có vai trò là trung tâm tiểu vùng ven biển tại khu vực bán đảo Cà Mau; là trung tâm năng lượng và dịch vụ dầu khí quốc gia, trung tâm dịch vụ du lịch sinh thái, trung tâm chế biến thủy sản của vùng.

- Thành phố Sóc Trăng có vai trò là trung tâm kinh tế của tiểu vùng ven biển Đông; là trung tâm nuôi trồng, đánh bắt và xuất khẩu thủy hải sản; trung tâm công nghiệp chế biến nông

- Thủy sản, công nghiệp năng lượng sạch; trung tâm du lịch văn hóa lịch sử.

d) Xây dựng và phát triển đô thị đảo bền vững, hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa, bảo tồn đa dạng sinh học biển, hải đảo và bảo đảm quốc phòng, an ninh; từng bước xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng, hướng tới hình thành các trung tâm dịch vụ, du lịch biển mang tầm quốc tế tại Phú Quốc.

1.4. Tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng

Khu vực vùng ĐBSCL và vùng thành phố Hồ Chí Minh được dự báo sẽ chịu tác động ngày càng nặng nề của BĐKH. Khu vực nông nghiệp và chế biến lương thực cũng chịu tác động lớn nhất của tình trạng biến đổi khí hậu này do diện tích canh tác bị thu hẹp, sản lượng và năng suất cây trồng (nhất là cây lúa) giảm, làm giảm trữ lượng của các loài thủy sản; Làm sụt giảm nguồn cung nguyên liệu do nước biển dâng gây ngập lụt cho các khu công nghiệp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành công nghiệp chế biến lương thực thực phẩm; Dẫn đến chuyển đổi việc làm từ nông nghiệp sang các ngành khác, khiến một bộ phận lớn lao động di cư từ nông thôn ra các đô thị, làm gia tăng áp lực cho khu vực thành thị.

Kịch bản nước biển dâng: Mực nước biển dâng do biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất đối với khu vực ĐBSCL. Theo kịch bản RCP 4.5, vào giữa thế kỷ 21, mực nước biển dâng 22cm (13cm÷32cm); đến cuối thế kỷ 21, mực nước biển dâng 55cm (33cm÷78cm). Theo kịch bản RCP8.5, vào giữa thế kỷ 21, mực nước biển có thể dâng 25cm (16cm÷35cm), đến cuối thế kỷ 21, mực nước biển dâng 75cm (52cm÷106cm). ĐBSCL là khu vực có nguy cơ ngập rất cao. Nguy cơ ngập đối với khu vực ĐBSCL ứng với các mực nước biển dâng 50-100 cm.

Các yếu tố BĐKH: Nhiệt độ tăng, ngập úng do nước biển dâng, lũ từ thượng nguồn, mưa lớn bão và áp thấp nhiệt đới. Lũ lụt, các hiện tượng cực đoan khác.

Tác động tiềm tàng về hệ thống đô thị và xây dựng: Mất đất đô thị và thiệt hại về tài sản vật chất của đô thị/nông thôn do thiên tai đặc biệt ở những khu vực có nền thấp.

Những vấn đề hiện tại sẽ trở nên trầm trọng hơn: Gia tăng ngập úng, nhiễm bẩn hệ thống nước cấp, gia tăng ô nhiễm môi trường do hệ thống thu gom bị gián đoạn…Thiệt hại về công trình nhà ở, công cộng (hư hỏng hoặc bị phá hủy), làm mất chỗ ở, gián đoạn công tác giáo dục, y tế và sinh hoạt cộng đồng. Thiệt hại về đầu tư xây dựng, giảm giá trị sản phẩm, tăng giá thành nguyên vật liệu ảnh hưởng đến ổn định của thị trường.

Sụt lún đất: Tốc độ sụt lún trung bình khoảng 3 cm/năm trong giai đoạn 2014 -2019 và lên đến 5 cm/năm tại một số địa điểm. Xu hướng này dự kiến sẽ tiếp tục và có khả năng tăng tốc. Với độ cao trung bình khoảng 1 m trên mực nước biển trung bình và địa hình bằng phẳng, phần lớn ĐBSCL sẽ chìm xuống dưới mực nước biển trung bình trong những năm tới.

2. Định hướng phát triển hệ thống đô thị Vùng đồng bằng sông Củu Long thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

2.1. Quan điểm phát triển:

Phát triển cân bằng và bền vững vùng để thúc đẩy các tỉnh trong vùng phát triển.

Vùng ĐBSCL phát triển có khả năng thích ứng cao (thích ứng về môi trường và các diều kiện KTXH nhằm đối phó các nguy cơ và các biến động.

Hệ thống HTKT kết nối nội vùng và quốc tế, đặc biệt là hệ thống giao thông hiệu quả thúc đẩy phát triển kinh tế vùng, tăng cường hạ tầng thông tin liên lạc và hợp tác.

Tăng cường hệ thống đô thị dọc các hành lang kinh tế tăng trưởng, phát triển bền vững có động lực và hiệu quả, có dịch vụ đa dạng và có chất lượng sống đô thị tốt.

2.2. Tầm nhìn:

Vùng ĐBSCL là vùng động lực phát triển kinh tế của quốc gia, có vai trò là trung tâm kinh tế nông nghiệp chất lượng cao, phát triển bền vững, đầu mối giao thương của quốc gia và quốc tế.

Là vùng phát triển hệ thống đô thị có khả năng thích ứng cao với tác động của ngập lụt, khô hạn và tác động của biến đổi khí hậu nước biển dâng, hướng tới phát triển cân bằng và bền vững.

Là một vùng tập trung và chuyên môn hóa về nông nghiệp, thủy sản và các ngành kinh tế biển. Là vùng có bản sắc văn hóa đặc sắc, chất lượng cuộc sống cao, có môi trường cảnh quan thiên nhiên độc đáo.

2.3. Phát triển hệ thống đô thị thích ứng với ngập lụt và xâm mặn.

Xác định các khu vực chịu tác động ngập lụt đến 2050 (NBD+30cm). Kịch bản trung bình của Việt Nam dự báo nước biển dâng 30cm đến 2050. Một phần lớn lãnh thổ bị ngập theo mùa, với độ sâu ngập từ 0,2m đến 4m. Khu vực chịu ngập gia tăng nghiêm trọng nhất là Đồng Tháp Mười, rồi đến Tứ giác Long Xuyên. Các khu vực ven biển Đông cũng chịu tác động ngập.

Xác định các khu vực chịu tác động xâm mặn đến 2050 (NBD+30cm). Đến 2050, xâm mặn sẽ là thách thức lớn nhất cho vùng ĐBSCL, sẽ tác động đến toàn bộ vùng ven biển Đông, hầu hết bán đảo Cà Mau, dải ven biển Tây (hơn 24g/l). Nước biển dâng (30cm đến 2050) đẩy xâm mặn sâu hơn trong đất liền dọc các nhánh sông, đặc biệt vào mùa khô khi lưu lượng dòng chảy trên sông Mekong thấp nhất, làm nhiễm mặn các khu vực canh tác rộng lớn.

Vùng ngập sâu (Đồng Tháp Mười và một phần Tứ giác Long Xuyên), chiếm 15% diện tích tự nhiên vùng. Vùng giữa đồng bằng nước ngọt phù sa, chiếm 38% diện tích tự nhiên vùng. Vùng ven biển (ven biển Đông, ven biển Tây và bán đảo Cà Mau) chiếm 47% diện tích vùng.

2.4. Phát triển hệ thống đô thị theo định hướng mô hình phát triển và cấu trúc không gian vùng.

Mô hình phát triển đa trung tâm với quy mô trung bình, gắn với các hành lang tăng trưởng kết nối vùng. Trên cơ sở phát triển các tiểu vùng sinh thái nông nghiệp đặc trưng, phù hợp với phân vùng chức năng theo các tiểu vùng hóa và thích ứng với những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, là mô hình thích hợp cho phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Phân vùng chức năng theo các tiểu vùng hóa, bao gồm: Vùng 1, là tiểu vùng phía Đông Bắc (Bao gồm các tỉnh Tiền Giang, Long An, Bến tre). Vùng 2, là tiểu vùng trung tâm giữa sông Tiền và sông Hậu (Bao gồm các tỉnh Vĩnh Long, Đồng tháp, Trà Vinh, Sóc trăng, Hậu Giang, Cần Thơ, An Giang). Vùng 3, là tiểu vùng phía Tây Nam (Bao gồm các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang).


Các hành lang phát triển trọng điểm chiến lược kết nối nội vùng, quốc gia và kết nối quốc tế:

Các hành lang phát triển hướng Đông Bắc - Tây Nam gồm:

Hành lang phát triển trọng điểm vùng: (Kết nối Tp. HCM – Tân An – Mỹ Tho – Vĩnh Long - Cần Thơ – Vị Thanh - Cà Màu – Năm Căn - Cảng quốc tế Hòn khoai - Mũi Cà Mau). Đây là hành lang phát triển trọng điểm, xương sống của vùng, mang ý nghĩa văn hóa lịch sử, tầm quan trọng về an ninh quốc phòng.

Hành lang tăng trưởng N2: (Kế nối Tp. HCM - Đức Hòa – Thạch Hóa - Tân Thạnh – Mỹ An – Cao Lãnh – Long Xuyên – Rạch Giá). Tăng cường hệ thống giao thông đường thủy và đường bộ. Đây là hành lang phát triển các vùng kinh tế Đồng Tháp Mười, Tứ Giác Kong Xuyên và vùng ven Biển Tây.

Hành lang tăng trưởng ven Biển Đông: (Kết nối Tp. HCM - Cần Giuộc – Gò Công – Bến Tre – Trà Vinh – Sóc Trăng – Bạc liêu – Cà Mau). Đây là hành lang phát triển kinh tế biển. Hành lang phát triển dọc biên giới N1: (Kết nối Khu kinh tế Dinh Bà - Hồng Ngự - Châu Đốc – Hà Tiên).

Các hành lang phát triển hướng Tây Bắc - Đông Nam gồm:

Hành lang tăng trưởng xuyên Á: (Kết nối Bạc Liêu – Vị Thanh – Rạch Giá – Hà Tiên

– Xuyên Á). Hành lang tăng trưởng dọc sông Hậu: (Kết nối cảng biển quốc tế Trần Đề - Sóc Trăng – Cần Thơ – Long Xuyên – Châu Đốc). Hàng lang tăng trưởng dọc sông Tiền (kết nối cảng tổng hợp và Khu kinh tế Duyên Hải – Trà Vinh – Vĩnh Long – Cao Lãnh – Dinh Bà).

Phát triển các vùng đô thị, dịch vụ và công nghiệp:

Vùng tứ giác đô thị - công nghiệp – dịch vụ là trung tâm toàn vùng và trung tâm tiểu vùng giữa sông Tiền và sông Hậu: (Tp. Cần thơ là đô thị hạt nhân, Vĩnh Long – Cao Lãnh – Long Xuyên là các đô thị động lực và các đô thị sinh thái Sa Đéc – Lấp Vò – Lai Vung - Bình Minh – Bình Tân – Long Hồ - Ô Môn – Thốt Nốt).

Phát triển hệ thống đô thị là cực tăng trưởng trên các tuyến hành lang phát triển trọng điểm và tăng trưởng của vùng: Chuỗi đô thị tiểu vùng trung tâm; Chuỗi đô thị tiểu vùng phía Tây Nam, chuỗi đô thị tiểu vùng phía Đông Bắc.

Phát triển các vùng đô thị động lực là trung tâm vùng tỉnh và trung tâm đầu mối trong 6 vùng sinh thái nông nghiệp. Phát triển các đô thị thứ cấp trung tâm vùng liên huyện, trung tâm vùng huyện gắn với 6 vùng sinh thái nông nghiệp và 3 vùng sinh thái đô thị.

Phát triển các vùng cảnh quan nông nghiệp hiện đại thích nghi với biến đổi khí hậu và ngập lụt. Bảo vệ cảnh quan hệ sinh thái rừng ngập nước, rừng ngập mặn, hệ sinh thái rừng quốc gia. Phát triển các vùng du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái.

2.5. Phát triển hệ thống đô thị gắn với các tiểu vùng sinh thái nông nghiệp.

Quy hoạch vùng ĐBSCL lựa chọn giải pháp gắn kết phát triển kinh tế vùng trong tương lai với việc làm nổi bật các đặc tính cốt lõi đầy tiềm năng của 6 tiểu vùng sinh thái nông nghiệp đặc thù.

Mỗi tiểu vùng sẽ có đặc trưng riêng về đặc diểm sinh thái, chất lượng nước và ngập lũ, khác biệt theo mùa, điều kiện thổ nhưỡng, các ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tiềm năng khai thác phát triển kinh tế và đặc điểm tài nguyên tự nhiên.

Mỗi tiểu vùng sẽ hình thành một trung tâm cho các nghiên cứu, kiến tạo và đổi mới các sản phẩm   nông nghiệp đặc trưng của tiểu vùng, trong đó nhiều trung tâm này chính là thành phố, đô thị trung tâm tỉnh lỵ hiện hữu.

Các thành phố, đô thị trung tâm tỉnh, lỵ đóng vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội gắn kết  chặt chẽ với các sản phẩm nông nghiệp mới của mỗi tiểu vùng.

2.6. Mô hình phát triển hệ thống đô thị và tổ chức hình thái không gian đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long ứng phó với BĐKH và NBD.

Mô hình phát triển: Mạng lưới đô thị đa trung tâm, phát triển hệ thống đô thị theo tầng bậc. Hình thành các vùng đô thị là trung tâm vùng và trung tâm các tiểu vùng hóa và theo các hành lang tăng trưởng liên kết vùng. Hình thành các đô thị trọng điểm là trung tâm vùng tỉnh và trung tâm đầu mối các tiểu vùng sinh thái nông nghiệp, nhằm thúc đẩy chuyên môn hóa và đa dạng hóa nền kinh tế, hiện đại hóa nông nghiệp. Hình thành các đô thị trung tâm vùng liên huyện và trung tâm vùng huyện trong các vùng sinh thái nông nghiệp.

Mô hình này phù hợp với đặc điểm phân bố mạng lưới đô thị vùng nông nghiệp, phù hợp với đặc thù sinh thái tự nhiên, thích ứng BĐKH-NBD, sử dụng hợp lý tài nguyên đất và nước của vùng ĐBSCL.

Không hình thành các vùng đô thị hóa lớn, các dải đô thị hóa liên tục tại vùng vực ngập sâu, vùng giữa đồng bằng và vùng ven biển. Hạn chế quy mô các đô thị tại vùng ngập sâu và vùng ven biển, khuyến khích phát triển đô thị tại vùng giữa đồng bằng, tiểu vùng trung tâm dọc sông Tiền sông Hậu với các hình thái thích hợp.

Phát triển hệ thống đô thị trung tâm vùng, trung tâm các tiểu vùng hóa, gắn kết với các hành lang trọng điểm và hành lang tăng trưởng liên kết vùng:

Hệ thống đô thị trung tâm vùng và trung tâm tiểu vùng giữa sông Tiền và sông Hậu: Hệ thống đô thị vùng tứ giác đô thị: Tp. Cần thơ đô thị hạt nhân trung tâm vùng, Tp. Vĩnh Long – Sa Đéc – Cao Lãnh – Long Xuyên là các đô thị động lực. Hình thái đô thị là vùng giữa đồng bằng nước ngọt phù sa, phát triển tập trung, nén. Chuổi đô thị hành lang biên giới N; Tp. Hông Ngự - Châu Đốc. Phát triển trong vùng ngập sâu. Chuỗi đô thị hành lang ven biển Đông; Tp. Sóc Trăng – Trà Vinh, phát triển trong vùng nhiễm mặn ven biển.

Hệ thống đô thị trung tâm tiểu vùng Phía Đông Bắc: Chuỗi đô thị hành lang trọng điểm vùng; Tp. Mỹ Tho – Bến Tre – Tân An. Hình thái đô thị vùng giữa đồng bằng nước ngọt phù sa, phát triển tập trung, nén.

Hệ thống đô thị trung tâm tiểu vùng phía Tây Nam: Chuỗi đô thị cực tăng trưởng trên hành lang ven biển Đông, Tp. Bạc Liêu – Cà Mau. Hình thái đô thị vùng ngập nặm ven biển, phát triển thích nghi.

Phát triển hệ thống đô thị động lực là trung tâm vùng tỉnh và trung tâm đầu mối trong 6 vùng sinh thái nông nghiệp.

Phát triển các đô thị thứ cấp trung tâm vùng liên huyện, trung tâm vùng huyện gắn với 6 vùng sinh thái nông nghiệp và 3 vùng sinh thái đô thị.



2.7. Các hình thái không gian đô thị thích ứng với các điều kiện do tác động cuả BĐKH và NBD.

a.) Vùng ngập sâu (Đồng Tháp Mười và một phần Tứ giác Long Xuyên), chiếm 15% diện tích tự nhiên vùng.

Là vùng ngập sâu theo mùa lũ và trở thành một vùng chuyển đổi trên cơ sở quản lý ngập và trữ nước ngọt cho toàn vùng ĐBSCL.Tại vùng ngập sâu, hạn chế mở rộng đô thị, không phát triển đô thị tập trung có quy mô gia tăng, từng bước chuyển đổi hình thái đô thị thích ứng với điều kiện ngập mới.

Chiến lược phát triển đô thị tại các khu vực ngập sâu đầu nguồn, chủ yếu là các công trình trên cọc. Với cách thức này, tình trạng khó khăn của ngập lụt (và hạn hán) sẽ được giảm nhẹ. Trục chính đô thị của các khu vực đô thị hóa theo cụm được xem như tuyến đê với cao trình đảm bảo an toàn với kịch bản ngập nghiêm trọng nhất có thể xảy ra.

b.) Vùng giữa đồng bằng nước ngọt phù sa, chiếm 38% diện tích tự nhiên vùng.

Hình thái phát triển cho các tiểu vùng nước ngọt phù sa và Tây sông Hậu là tăng chất lượng hệ thống đô thị tại các khu vực đất cao cùng với cảnh quan sản xuất đa dạng như lúa, cây ăn trài và rau quả. Đây là vùng tập trung phần lớn dân số, đồng thời cũng lại vùng đất đai màu mỡ nhất.

Do đó, cần theo hướng phát triển đô thị tập trung nén, hạn chế mở rộng dàn trải, không hình thành vùng đô thị hóa, các dải đô thị hóa liên tục. Đây là vùng ngập nông, không chịu tác động ngập nghiêm trọng như vùng ngập sâu hay xâm mặn nặng như vùng ven biển nhưng để chống chịu những bất thường gia tăng của BĐKH-NBD, giảm nguy cơ ngập, các đô thị vùng này được khuyến nghị phát triển với hình thái ‘đô thị nước’, với cấu trúc cảnh quan chú trọng không gian dành cho nước, phát huy bản sắc đô thị sông nước vốn có.

c.) Vùng ven biển (ven biển Đông, ven biển Tây và bán đảo Cà Mau) chiếm 47% diện tích vùng.

Các đô thị và khu vực dân cư tập trung cần phát triển phù hợp với hình thái tự nhiên vùng, theo các giồng cát và bãi bồi ven biển và khu vực đất lún thuộc Bán đảo Cà Mau. Trồng rừng ngập mặn trên diện rộng cho các khu vực ven biển giúp bảo vệ vùng này khỏi các nguy cơ sóng biển lớn cũng như cho phép phát triển kinh tế thủy sản theo hướng bền vững hơn.

Chiến lược phát triển các khu dân cư mới tại đô thị vùng ven biển theo hình thức các cụm công trình tại trung tâm của các không gian hỗn hợp, đa chức năng đan xen vào các khu vực rừng ngập nước. Các không gian đa chức năng được sử dụng cho các hoạt động phát triển kinh tế, sản xuất và giải trí. Kiến trúc công trình cũng được khuyến khích và hướng dẫn cho các công nghệ về sử dụng năng lượng mặt trời và thu gom nước mưa.

2.8. Định hướng phát triển khu dân cư nông thôn:

Tập trung nguồn lực để xây dựng nông thôn mới; xây dựng nông thôn theo hướng kết hợp cải tạo không gian cũ với phát triển mới tại các điểm dân cư nông thôn gắn với mô hình sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu.

Phát triển hình thái không gian các điểm dân cư nông thôn theo đặc trưng của từng tiểu vùng: Tại tiểu vùng ngập sâu, hình thành các cụm dân cư tập trung với hình thái nhà trên cọc; Tại tiểu vùng giữa đồng bằng phát triển các khu dân cư tập trung theo hướng hiện đại hóa và tăng mật độ; Tại tiểu vùng ven biển hình thành các khu dân cư tập trung theo hình thức các cụm công trình nổi gắn kết với cảnh quan rừng ngập mặn và không gian nuôi trồng thủy hải sản.

Định hướng phát triển không gian nông thôn thích ứng với biến đổi khí hậu như: Sử dụng các biện pháp tự nhiên như trồng rừng, mở rộng không gian để trữ, điều tiết và thấm nước; tăng cường giao thông thủy; xây dựng hình thái nhà ở và công trình thích ứng với lũ lụt, cải thiện không gian ở, không gian sinh hoạt cộng đồng truyền thống gắn với các không gian cảnh quan sản xuất đặc thù của địa phương tại khu dân cư vượt lũ; tập trung nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội nhằm đảm bảo chất lượng sống và điều kiện sản xuất cho người dân. Bảo tồn các làng nghề truyền thống, làng văn hóa, các cộng đồng thiểu số, kết hợp phát triển du lịch.

KTS.Ngô Quang Hùng
Viện trưởng Viện Quy hoạch Phát triển bền vững-
Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia



Tags Định hướng phát triển Đô thị Đồng bằng sông Cửu Long Thích ứng Biến đổi khí hậu

Các tin khác

Việc giảm thiểu rủi ro thiên tai đang được thế giới và các quốc gia quan tâm hàng đầu. Các mô hình giảm thiểu rủi ro thiên tai đã và đang được các quốc gia áp dụng một cách mạnh mẽ trong mọi lĩnh vực phát triển, đặc biệt là trong lĩnh vực quy hoạch đô thị.

Chiều 17/9, TP Hạ Long (Quảng Ninh) tổ chức hội nghị tổng kết Chiến dịch 7 ngày đêm khắc phục hậu quả bão số 3.

Đô thị hóa và sự gia tăng dân số đô thị khiến con người ngày càng mất dần mối liên hệ với thiên nhiên.

Chủ tịch TP Đà Nẵng yêu cầu các sở, ngành, UBND quận, huyện thường xuyên theo dõi tình hình mưa, bão để chủ động trong mọi tình huống; có kế hoạch, phương án xử lý thoát nước, chống ngập úng hiệu quả tránh tình trạng bị động gây thiệt hại về người và của.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục