Biến đổi khí hậu đã trở thành xu thế không thể đảo ngược, thách thức lớn nhất đối với nhân loại.
Theo Báo cáo Khí hậu toàn cầu năm 2021 công bố ngày 18/5/2022, bốn chỉ số cơ bản của biến đổi khí hậu toàn cầu gồm mật độ khí nhà kính trong bầu khí quyển, nhiệt độ bình quân toàn cầu, mực nước biển dâng, nhiệt độ nước biển và a-xít hóa đại dương đã thiết lập mức cao kỷ lục mới trong năm 2021(1).
Ban liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) trong Báo cáo đánh giá khí hậu lần thứ 6 (AR6) đã chỉ ra những vấn đề đáng lo ngại về tình trạng biến đổi khí hậu: Thời tiết cực đoan đang diễn ra ở mọi nơi trên trái đất, bầu khí quyển và biển đang nóng lên với tốc độ chưa từng có trong lịch sử và có những hậu quả không thể đảo ngược(2).
Trong những năm gần đây, biến đổi khí hậu tại Việt Nam được ghi nhận với diễn biến theo xu thế bất lợi, các hiện tượng khí hậu cực đoan tiếp tục xảy ra với cường độ mạnh hơn và tần suất cao hơn.
Trong khoảng 50 năm qua, nhiệt độ trung bình năm tại Việt Nam đã liên tục tăng, các hiện tượng bất thường của khí hậu xảy ra ở nhiều vùng. Biến đổi khí hậu làm gia tăng các tác động, rủi ro đối với các vùng châu thổ và đô thị lớn, đặc biệt là các đô thị ven biển của nước ta.
Ngày 24/01/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Bộ Xây dựng vừa có Quyết định số 910/QĐ-BXD về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án "Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030”. (Ảnh minh hoạ: Hoàng Oanh)
Một trong những quan điểm chỉ đạo xuyên suốt đối với công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị là "Phát triển hệ thống đô thị bền vững theo mạng lưới, phân bổ hợp lý, phù hợp với từng vùng, miền, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, cân đối giữa các vùng, miền; phát triển các đô thị có chức năng tổng hợp với quy mô và dân số ở mức hợp lý theo hướng đô thị xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai và dịch bệnh”.
Nội dung này thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong việc phát triển bền vững đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu. Chuyển đổi mô hình phát triển đô thị theo hướng bền vững, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải, nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm thực hiện các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26).
Bài viết này tập trung phân tích, đánh giá diễn biến, xu thế và tác động của biến đổi khí hậu đối với đô thị, từ đó đề xuất một số giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu trong quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị tại Việt Nam.
(1)https://public.wmo.int/en/media/press-release/four-key-climate-change-indicators-break-records-2021
(2) IPCC (2021). Climate Change 2021: The Physical Science Basis. Contribution of Working Group I to the Sixth Assessment Report of the Intergovernmental Panel on Climate Change. Cambridge University Press; IPCC (2022). Climate Change 2022: Impacts, Adaptation, and Vulnerability. Contribution of Working Group II to the Sixth Assessment Report of the Intergovernmental Panel on Climate Change. Cambridge University Press.
1. Diễn biến và xu thế của biến đổi khí hậu
Việt Nam nằm ở khu vực Đông Nam Á, có bờ biển dài khoảng 3.260 km và vùng biển rộng khoảng 01 triệu km2. Do có lãnh thổ trải dài theo nhiều vĩ tuyến và địa hình đa dạng nên sự khác nhau về khí hậu giữa các vùng của nước ta là khá lớn và rõ nét3.
Trong thời kỳ 1958-2018, nhiệt độ trung bình năm có xu thế tăng trên phạm vi cả nước, với mức tăng trung bình là 0,89 độ C, riêng giai đoạn 1986-2018 tăng 0,74 độ C. Lượng mưa năm, tính trung bình trên phạm vi cả nước có xu thế tăng nhẹ 2,1%, nhưng có xu thế giảm ở các vùng khí hậu phía Bắc và tăng ở các vùng khí hậu phía Nam.
Số ngày nắng nóng có xu thế tăng trên phạm vi cả nước, số tháng hạn có xu thế tăng ở khu vực phía Bắc, giảm ở Trung Bộ và phía Nam lãnh thổ. Số cơn bão mạnh có xu thế tăng. Mực nước trung bình ven biển Việt Nam có xu thế tăng trong giai đoạn 1993-2018(4).
Theo Kịch bản biến đổi khí hậu năm 2020, so thời kỳ cơ sở (1986-2005), với kịch bản nồng độ khí nhà kính cao (RCP8.5) dự kiến nhiệt độ trung bình năm trên toàn quốc vào giữa thế kỷ có mức tăng 1,7÷2,3 độ C; đến cuối thế kỷ, có mức tăng 3,2÷4,2 độ C; lượng mưa năm dự kiến có mức tăng nhiều nhất có thể trên 40% ở một phần diện tích Bắc Bộ.
Số lượng bão mạnh đến rất mạnh có xu thế tăng, số ngày nắng và nắng nóng gay gắt có xu thế tăng trên hầu hết cả nước, lớn nhất là ở Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Số tháng hạn trong mùa khô có xu thế tăng trên đa phần diện tích cả nước. Mực nước biển dâng trung bình khu vực ven biển các tỉnh phía Nam có xu thế cao hơn so với khu vực phía Bắc(3).
Với xu thế của biến đổi khí hậu nêu trên, Việt Nam đã và đang phải đối mặt với việc gia tăng các cơn bão mạnh ở khu vực Biển Đông; gia tăng lượng mưa ở hầu hết các tháng trong năm; nguy cơ gia tăng về khô hạn, hoang mạc hóa, xâm nhập mặn, ngập lụt, xói mòn, rửa trôi, sạt lở; làm thay đổi chế độ thủy văn, hải văn, sóng biển và tăng nguy cơ nước biển dâng(5).
Việc thay đổi nhiệt độ, lượng mưa, nước biển dâng và các hiện tượng khí hậu cực đoan đã gây ra những tác động bất lợi đến phát triển bền vững đô thị ở Việt Nam.
(3) Bộ Tài nguyên và Môi trường (2021). Báo cáo đánh giá khí hậu quốc gia.
(4) Bộ Tài nguyên và Môi trường (2021). Kịch bản biến đổi khí hậu.
(5) Bộ Tài nguyên và Môi trường (2021). Báo cáo đánh giá khí hậu quốc gia.
Việt Nam hiện có 870 đô thị các loại, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 40,5% (tăng gần 10% so với năm 2010). Đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, tạo nhiều thách thức trong công tác phát triển hạ tầng đô thị để đáp ứng yêu cầu thực tiễn cũng như bảo đảm chất lượng, môi trường sống của người dân. Do vậy, phát triển hạ tầng xanh, an toàn và bền vững đang là một hướng đi được xem xét, vận dụng vào thực tiễn phát triển đô thị ở Việt Nam hiện nay.
Theo Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng, hiện nay, có khoảng 300 đô thị ven biển sẽ chịu sự tác động rất lớn của biến đổi khí hậu như tình trạng ngập lụt, xâm nhập mặn, triều cường. Khoảng 140-150 đô thị ở miền núi chịu sự ảnh hưởng của sạt lở đất, lũ quét và hạn hán. Với xu thế đô thị hóa và phân bố hệ đô thị hiện nay, biến đổi khí hậu, nước biển dâng và các hiện tượng thời tiết cực đoan thực sự là thách thức đối với công tác quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị.
2. Tác động của biến đổi khí hậu đến phát triển bền vững đô thị
Với diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu, tùy theo vị trí địa lý, các đô thị ở Việt Nam chịu những tác động khác nhau của biến đổi khí hậu. Các đô thị ven biển thường chịu tác động do bão, triều cường, mưa lớn cực đoan, lụt và nước biển dâng.
Theo dự báo, nếu mực nước biển dâng 100 cm, đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ ngập cao, trên 47,3% diện tích; đồng bằng sông Hồng có nguy cơ ngập khoảng 13,2% diện tích. Các đô thị tại các khu vực núi cao thường chịu tác động của mưa lớn sau bão gây sạt lở đất, lũ ống, lũ quét.
Đối với các đô thị kết hợp khu công nghiệp, khu kinh tế, các tác động của biến đổi khí hậu và thiên tai sẽ làm gián đoạn việc lưu thông hàng hoá, vận chuyển nguyên vật liệu gây ảnh hưởng chung đến nền kinh tế của cả nước(6).
Trong các đô thị, hệ thống hạ tầng kỹ thuật về đường giao thông, truyền tải điện, sử dụng năng lượng, hệ thống cấp, thoát nước, xử lý chất thải là những lĩnh vực dễ bị tác động bởi biến đổi khí hậu.
Lượng mưa gia tăng sẽ gây nguy cơ ngập lụt các điểm lưu giữ, các tuyến thu gom, trung chuyển, làm gián đoạn quá trình xử lý chất thải rắn tại một số khu vực.
Biến đổi khí hậu tác động tới nguồn cấp nước (nước mặt, nước ngầm) và hệ thống cấp nước bao gồm các công trình đầu mối và mạng lưới cấp nước. Những tác động này gây ảnh hưởng đến chất lượng sống của người dân tại đô thị.
Bên cạnh đó, sự phát triển nhanh chóng của các đô thị dẫn đến tập trung đông dân cư, ra tăng các hoạt động phát triển kinh tế, mật độ giao thông cao, tiêu thụ nhiều năng lượng… do đó, các đô thị là nguồn phát thải khí nhà kính rất lớn - nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu.
Phát thải khí nhà kính khu vực đô thị chủ yếu từ lĩnh vực năng lượng, xử lý chất thải và các quá trình công nghiệp. Trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19, lượng phát thải khí nhà kính từ các hoạt động trong khu vực đô thị dự báo sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.
Trước các tác động ngày càng gia tăng của biến đổi khí hậu, việc quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị theo hướng bền vững tại Việt Nam cần có sự thay đổi căn bản để vừa đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, vừa thích ứng với các tác động bất lợi của biến đổi khí hậu, thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của nước ta về "0” vào năm 2050.
(6) Bộ Tài nguyên và Môi trường (2022). Báo cáo kỹ thuật phục vụ xây dựng Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050.
3. Giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu trong quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị
Để Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị được triển khai hiệu quả vào thực tiễn, việc quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu cần triển khai một số nhóm giải pháp trọng tâm như sau:
1. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến xây dựng, quản lý và phát triển đô thị nhằm ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu. Triển khai thực hiện quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị phù hợp với quan điểm, mục tiêu và các nhiệm vụ, giải pháp được nêu tại Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050(7); Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050(8).
2. Thực hiện tốt công tác quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị có tính đến tác động tiềm tàng của biến đổi khí hậu(9) trên cơ sở Kịch bản biến đổi khí hậu do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố. Xây dựng, phát triển đô thị theo đúng định hướng đã nêu trong quy hoạch.
3. Hình thành hệ thống giám sát, cảnh báo và kiểm soát rủi ro khí hậu, hạn chế lũ, lụt, ngập úng và giảm thiểu tác động của sóng nhiệt tại các đô thị. Quy hoạch và xây dựng hệ thống hồ chứa nhằm điều tiết ngập lụt và cung cấp nước đô thị; hạn chế khai thác nước ngầm gây sụt lún khu vực đô thị. Xác định các không gian mở, không gian công cộng nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng đa mục tiêu khi xảy ra tình trạng nắng nóng tại các đô thị.
4. Nâng cao năng lực cán bộ lãnh đạo, cán bộ chuyên môn các cấp về quản lý, phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu; tuyên truyền, phổ biến thông tin về tác động và các biện pháp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu đến người dân, cộng đồng và các bên liên quan.
Thúc đẩy hợp tác quốc tế, huy động hiệu quả các nguồn lực đầu tư, công nghệ và tri thức của các đối tác phát triển trong quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị.
5. Tăng diện tích trồng cây xanh đô thị nhằm hạn chế hiện tượng đảo nhiệt đô thị và tăng hấp thụ khí nhà kính. Thực hiện giảm phát thải khí nhà kính khu vực đô thị, góp phần thực hiện mục tiêu đưa mức phát thải ròng của quốc gia về "0” vào năm 2050. Đẩy mạnh các giải pháp sử dụng hiệu quả năng lượng, nghiên cứu và áp dụng các giải pháp năng lượng tái tạo trong sản xuất, giao thông, chiếu sáng đô thị; xử lý tái chế chất thải, nước thải theo mô hình tuần hoàn, tái sử dụng và sản xuất năng lượng từ rác thải. Nghiên cứu, phát triển vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường, thay thế cát, sỏi lòng sông giảm nguy cơ sạt lở, sụt lún.
6. Nâng cấp, cải tạo các công trình giao thông tại các khu vực dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu; phát triển, hoàn thiện mạng lưới đường bộ cao tốc, hệ thống giao thông kết nối liên vùng, liên đô thị. Xây dựng, nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng đô thị, phát triển các khu đô thị, đô thị ven biển theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu phù hợp với các tiêu chuẩn an toàn trước thiên tai và kịch bản nước biển dâng. Xây dựng các toà nhà, khu đô thị theo tiêu chuẩn xanh, gần gũi với thiên nhiên; áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn sử dụng hiệu quả năng lượng tòa nhà./.
(7) Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 26/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
(8) Quyết định số 1055/QĐ-TTg ngày 20/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
(9) Thực hiện đánh giá tính dễ bị tổn thương, rủi ro, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu theo quy định tại Thông tư số 01/2022/TT-BTNMT ngày 07/01/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về quy định chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường về ứng phó với biến đổi khí hậu.
TS. Nguyễn Tuấn Quang
Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường