Để phát triển một đô thị, cũng như một địa phương, hay quốc gia, thì vấn đề nguồn lực thực hiện là một trong những điểm mấu chốt. Cũng có thể coi vấn đề nguồn lực như những bối cảnh, điều kiện thực hiện có sẵn, trong khi quy hoạch là những định hướng cho việc sử dụng các nguồn lực đó.
Tuy nhiên, trên thực tế, giữa hai yếu tố này có tác động qua lại. Quy hoạch có thể tác động không chỉ tới việc sử dụng nguồn lực, mà còn tới việc tạo thành nguồn lực, bằng cách đưa ra những lý do, mục tiêu, định hướng và cơ sở pháp lý cho việc tạo thành và sử dụng những nguồn lực đó. 3 nguồn lực chính có quan hệ rất mật thiết với quy hoạch là nguồn nhân lực, nguồn lực đất đai và nguồn lực tài chính.
Diện mạo Thủ đô ngày càng sáng, xanh, sạch đẹp, văn minh, hiện đại. Ảnh: Vũ Long
1- Nguồn nhân lực
Con người là yếu tố quan trọng nhất, quyết định đến sự phát triển chung của đô thị hay địa phương. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được coi là một trong những khâu đột phá quốc gia. Các tỉnh cũng như đô thị cũng đều coi đây là một nhiệm vụ trọng yếu.
Tuy nhiên, đa số các quy hoạch mới chỉ nêu vấn đề này như dạng khẩu hiệu, chứ chưa làm rõ được vấn đề chính nằm ở đâu và giải pháp là gì. Phần lớn các tỉnh, đô thị đều chỉ nói chung chung là phải nâng cấp hệ thống giáo dục đào tạo, nghề nghiệp. Nhưng đào tạo cụ thể như thế nào, kinh phí từ đâu, để có thể đạt được những khâu đột phá. Về cơ bản, việc nâng cao mặt bằng giáo dục đào tạo là nhiệm vụ chung ở mọi nơi, không thể tạo thành đột phá.
- Có thể khẳng định, việc cung cấp nhân lực chất lượng cao nói chung là rất phức tạo và tốn kém, không thể thực hiện dàn trải. Chỉ những trung tâm quốc gia mới có đủ điều kiện để làm việc này. Việc đào tạo nhân lực cụ thể cho các lĩnh vực, ngành nghề kinh tế thì thường phải được đảm nhiệm bởi các công ty lớn sử dụng nguồn lao động.
Những địa phương, đô thị từ cấp 2 trở xuống chỉ nên xác định nhiệm vụ này nếu có những phân khúc thị trường cụ thể, đặc biệt là phải kết hợp với các đơn vị kinh tế sử dụng lao động. Một đô thị loại vừa không thể cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao một cách dàn trải để chuẩn bị cho nhu cầu thị trường trong tương lai.
- Thay vì tự tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao thì một trong những chiến lược rất quan trọng là làm sao thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao và giữ chân được nguồn nhân lực này. Kinh nghiệm thế giới cho thấy, những đô thị nhỏ và vừa có những lợi thế về điều kiện sống, có thể thu hút và giữ chân người lao động chất lượng cao nếu biết phát huy.
- Một chiến lược rất quan trọng ở mức toàn cầu là quan điểm cho rằng nhóm người nắm trong tay những kiến thức, thị hiếu, công nghệ quan trọng nhất của thời đại công nghệ 4.0 trong những thập kỷ tới sẽ là nhóm gọi là du mục số hay "digital nomad”.
Nhóm này không sống cố định ở một nơi, một quốc gia, mà có thể di cư khắp nơi như một dạng công dân toàn cầu. Nhóm này đáp xuống và cư trú tại đâu sẽ vừa là nguồn nhân lực, tri thức, đồng thời sẽ có tác dụng lan toả công nghệ, tri thức cho khu vực xung quanh.
Nhiều quốc gia đang chạy đua trong nỗ lực thu hút và tạo bãi đỗ cho nhóm đối tượng du mục này. Để thu hút nhóm này, điều quan trọng nhất là môi trường sống và làm việc đặc thù. Vì vậy thay vì cố gắng đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao, các đô thị có tiềm năng có thể tập trung vào chiến lược tạo môi trường để thu hút nhóm công dân du mục toàn cầu này.
Tóm lại, nên định hướng tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại một số vùng trọng điểm như TPHCM và Hà Nội và các chi nhánh trong vùng của hai trung tâm này. Các đô thị còn lại nên tập trung vào việc tạo ra môi trường sống và làm việc tốt để thu hút và giữ chân nguồn nhân lực.
2- Nguồn lực đất đai
Đất đai là nguồn lực phát triển quan trọng thứ hai của các đô thị, thứ nhất là dưới góc độ không gian cho phát triển kinh tế xã hội, thứ hai là dưới góc độ nguồn tài chính địa phương. Vấn đề sử dụng tài nguyên đất ở các đô thị hiện nay đang có một số điểm nổi cộm:
a- Thứ nhất là hiện đang có hai cơ sở pháp lý, đều dùng chung một khái niệm quy hoạch sử dụng đất, đó là quy hoạch sử dụng đất của ngành xây dựng trong các quy hoạch chung, phân khu, chi tiết của ngành xây dựng và quy hoạch sử dụng đất của ngành tài nguyên môi trường.
Hai loại quy hoạch này có những khái niệm về sử dụng đất khác nhau và thường mâu thuẫn với nhau. Từ đó dẫn tới bất cập trong thực tế: nếu tuân thủ tuyệt đối quy hoạch sử dụng đất của tài nguyên môi trường (TNMT) thì không thực hiện được những dự định phát triển không gian theo quy hoạch xây dựng, ngược lại nếu không tuân thủ quy hoạch sử dụng đất của TNMT thì lại là phạm pháp.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy không thể có hai quy hoạch sử dụng đất. Và về nguyên tắc, ngành TNMT không thể quy hoạch sử dụng đất, mà chỉ có thể làm kế hoạch sử dụng đất để thực hiện quy hoạch. Trách nhiệm của ngành TNMT là phải lập kế hoạch sao cho có thể thực hiện quy hoạch. Nếu không thể bố trí tài nguyên đất theo quy hoạch thì cần có phản biện từ lúc tham gia góp ý vào quy hoạch.
Để thuận tiện cho việc lập kế hoạch, ngành TNMT cũng có thể đưa ra những chỉ tiêu khống chế về loại đất cần được đảm bảo tỷ lệ nhất định cho từng khu vực, nếu điều đó có thể chứng minh. Chỉ đối với những khu đất đặc biệt cần bảo vệ tài nguyên, ví dụ như rừng phòng hộ, vùng khoáng sản hay bảo vệ nguồn nước thì ngành tài nguyên mới có thể khoanh vùng cụ thể để cấm sử dụng vào các mục đích phát triển. Còn ngoài ra, ngành tài nguyên không thể khống chế một miếng đất cụ thể phải được trồng cây gì, nuôi con gì v.v.
b- Vấn đề lớn thứ hai là việc ngành xây dựng đưa ra những chỉ tiêu về đất ở, đây xây dựng đô thị trên đầu người. Từ đó dẫn tới việc những dự định về phát triển đô thị phải được đồng bộ với dự báo dân số. Điều đó cho thấy quan điểm coi đất như một loại nhu yếu phẩm phân phối cho từng thành viên, giống như phân đất theo suất đinh.
Trên thực tế, nhà nước không có cơ chế phân phối này. Và thực tế, đất đai là hàng hoá, như mọi loại hàng hoá khác, và có thể được mua bán, đầu cơ, tích trữ không phụ thuộc vào nhu cầu sử dụng. Luật đất đai không cấm một người sở hữu nhiều đất hơn quy chuẩn, vậy không thể cấm một đô thị có nhiều đất phát triển hơn là dân số.
Việc luật bắt các dự án phát triển phải xây hết nhà lên, thậm chí hoàn thiện, không khác gì việc cấm không cho một người sở hữu nhiều vải. Nếu có nhiều vải phải may hết thành áo, và phải mặc tất cả số áo đó cùng một lúc. Việc đưa ra những quy định như vậy không những không tránh được tình trạng đầu cơ bất động sản, mà càng tạo ra những thành phố ma, gây lãng phí cả tài nguyên đất lẫn tài lực, vật lực khác đã bỏ ra cho việc xây dựng đó.
Vòng quay bất động sản là một vòng quay kinh tế cơ bản của đô thị, bên cạnh vòng quay về sản xuất và dịch vụ. Không thể cắt vòng xoay này khỏi nền kinh tế bằng những áp đặt hành chính. Việc một người sở hữu nhiều đất chưa phải là lãng phí tài nguyên.
Thị trường, người mua người bán có thể quyết định việc dùng miếng đất đó thể trồng cây, làm vườn, làm ruộng hay xây nhà. Việc chuyển đổi một diện tích đất nông nghiệp sang đất xây dựng đô thị chưa phải đã là mất diện tích đất nông nghiệp đó, mà chỉ là tạo thêm cơ hội mới cho mảnh đất đó.
Không có một lý do chính đáng nào để khẳng định một mảnh đất sẽ phải là đất nông nghiệp, đất trồng lúa, nếu nó có tiềm năng để phát triển những mục tiêu hiệu quả hơn. Ngược lại, cho dù gọi một mảng đất trồng lúa là đất ở thì nó vẫn sẽ là đất lúa nếu không có nhu cầu thực chuyển đổi thành đất ở.
Việc quy định các mục đích sử dụng đất, không cho chuyển đổi sang mục đích khác, về cơ bản là phi thị trường, và làm giảm tiềm năng phát triển của tài nguyên, hay nói cách khác là vô hiệu hoá một nguồn lực phát triển rất quan trọng.
c- Một vấn đề thứ ba nổi cộm, và cũng liên quan tới vấn đề thứ hai, là việc sử dụng đất không đúng với giá trị đất. Theo quy luật thị trường, đất càng có giá trị cao thì càng phải được sử dụng với mật độ cao, có nghĩa là bỏ vào đó nhiều tiền, và tạo ra từ đó cũng nhiều tiền.
Hiện nay, đa số đô thị có một vấn đề là sử dụng nhiều diện tích đất vàng, đáng ra phải là những diện tích sinh ra rất nhiều tiền, vào những mục đích hành chính, rất lãng phí. Đã đành là việc biểu dương quyền lực tại những khu vực trọng yếu nhất cũng là một vấn đề chính đáng, tuy nhiên chỉ nên mang tính biểu tượng, không thể chiếm dụng nhiều.
Việc chiếm dụng nhiều đất vàng vào hành chính không những là không hiệu quả đối với diện tích đó, mà còn ảnh hưởng tới hoạt động kinh tế và giá trị chung của cả vùng trung tâm, do bị đan xen những khối lớn không có tích hợp về công năng kinh tế vào tổ chức không gian.
Nếu giải quyết được 3 điểm nghẽn chính này, các đô thị sẽ có thể phát huy nguồn lực đất đai hiệu quả hơn rất nhiều.
3- Nguồn lực tài chính
Các đô thị có nhiều nguồn tài chính khác nhau, từ loại vốn tự có đến vốn vay, từ nguồn ngân sách trung ương và địa phương. Về cơ bản, những nguồn ngân sách nhà nước là eo hẹp và sẽ ngày một siết chặt.
Đối với các loại vốn vay, đô thị thường có lợi thế so với doanh nghiệp, do được đảm bảo bởi người đóng thuế. Tuy nhiên, đa số các đô thị không phát huy được các kênh tài chính này vì thiếu quản lý và tổ chức chuyên nghiệp. Nếu phát huy được những công cụ hiện đại về tài chính, các đô thị sẽ có những nguồn tài chính mới cho phát triển.
Ngoài vấn đề nguồn tài chính từ đâu thì còn vấn đề sử dụng nguồn đó như thế nào. Đa số các nguồn tài chính đô thị hiện nay được phân ra cho các ngành lĩnh vực để thực hiện những dự án của từng ngành, theo kế hoạch của các ngành dọc.
Ngành xây dựng có một công cụ là chương trình phát triển đô thị, nhưng thực tế chỉ là thống kê lại những dự án của các ngành trong phạm vi ranh giới đô thị. Việc làm này không mang lại nhiều ý nghĩa, vì dù có hay không có chương trình phát triển đô thị thì vẫn sẽ có những danh sách dự án đầu tư này.
Việc quy định các dự án muốn được vào danh sách đầu tư phải nằm trong chương trình phát triển đô thị cũng không cải thiện được bản chất vấn đề, vì ngành xây dựng là ngành chủ đạo đề ra quy hoạch không gian và có quyền phản biện các dự án nếu không phù hợp với quy hoạch.
Hiệu quả sử dụng nguồn tài chính sẽ chỉ có thể thay đổi về mặt bản chất, nếu chương trình phát triển đô thị đưa ra những vùng dự án mang tính đòn bẩy cho sự phát triển đô thị và mang tính chất liên ngành, ví dụ như việc tạo ra một TOD, hay một khu CBD.
Những dự án trọng điểm liên ngành như vậy cần có sự tổ chức thực hiện liên ngành, theo dạng quản lý dự án, khác với cách tổ chức ngành dọc như hiện nay./.
TS.KTS. Phó Đức Tùng