Điều chỉnh cục bộ Khu đô thị Ciputra (Hà Nội): Chính quyền đã làm hết trách nhiệm với dân?

  • Cập nhật: Thứ sáu, 18/11/2022 | 5:04:20 PM

QLMT - Thời gian quan, UBND phường Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Hội) tổ chức lấy ý kiến của cư dân về đề án quy hoạch giai đoạn II.III khu đô thị (KĐT) Ciputra chưa đầy đủ, đã gây bức xúc trong dư luận.

Ngườ dân bức xúci
Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội và các cơ quan cấp trên, từ ngày 30/8/2022 đến ngày 30/9/2022, UBND phường Xuân Đỉnh đã tổ chức niêm yết giai đoạn II, công tác quy hoạch KĐT Nam Thăng Long tại quận Bắc Từ Liêm (gọi tắt là KĐT Ciputra). Sau quá trình lấy ý kiến, tất cả người dân đều không đồng tình với việc điều chỉnh quy hoạch của chủ đầu tư vì việc tăng mật độ xây dựng, tăng diện tích dân số sẽ làm ảnh hưởng đến đời sống cư dân, không đúng như những cam kết của chủ đầu tư đối với cư dân hơn chục năm qua.

Khu đô thị Ciputra
Được biết, ngày 28/9/2022, các hộ dân khu P1, P2 khu Q, KĐT Ciputra đã gửi đơn lên các cấp chính quyền đề nghị xem xét lại việc điều chỉnh quy hoạch. Theo đó, người dân đã nêu ra 4 lý do không đồng ý với tất cả các nội dung trong đề án điều chỉnh.
Thứ nhất là việc điều chỉnh sẽ làm ảnh hưởng đến không gian sống, không gian cây xanh, mặt nước, kiến trúc cảnh quan, các tiện ích về cơ sở hạ tầng như giao thông, mật độ dân số KĐT, mật độ xây dựng, tầng cao...
Thứ hai là do các chỉ tiêu điều chỉnh quy hoạch trong đồ án điều chỉnh quy hoạch cục bộ như mật độ xây dựng, tầng cao, hệ số sử dụng đất, diện tích sàn xây dựng... đều tăng gấp nhiều lần. Cụ thể là các tòa nhà dịch vụ thương mại được điều chỉnh tăng từ 15 lên 25 tầng, mật độ xây dựng điều chỉnh tăng gấp đôi từ 25,5% lên 50%... Theo lý giải của chủ đầu tư, tuy tăng hơn gấp đôi số tầng nhưng dân số vẫn đảm bảo. Trong khi đó, người dân cho rằng điều này là không đúng, mật độ dân số cục bộ bị tăng gấp đôi vì vậy không thể lấy tỷ lệ chung toàn dự án để lý giải tỷ lệ tăng cục bộ như vậy được.
Thứ ba việc điều chỉnh sân Golf thành công viên mở cũng dễ gây bất ổn về an ninh, trật tự do thiết kế của các khu liền kề, biệt thự là không gian mở, chủ đầu tư kinh doanh như kiểu công viên vui chơi là không phù hợp.
Ngoài ra, người dân kiến nghị hạn chế nhồi nhét các tòa nhà cao tầng vào khu vực này vì hiện nay đang xảy ra tình trạng ách tắc giao thông. Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng đô thị của thành phố hiện không đồng bộ, quy hoạch bất cập gây áp lực lên hệ thống giao thông.
Người dân KĐT Ciputra lo lắng việc điều chỉnh quy hoạch làm tăng dân số không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến không gian sống của cư dân mà còn có khả năng ảnh hưởng lớn đến hạ tầng khu vực.

Ảnh mô hình chỉ mang tính minh họa. Ảnh ITN
Việc lấy ý kiến người dân chỉ mang tính hình thức?
Sau khi nhận được đơn kiến nghị của cư dân, ngày 3/10/2022, UBND phường Xuân Đỉnh đã có văn bản số 304/UBND-ĐC về việc xác minh, làm rõ nội dung theo đơn kiến nghị của công dân hiện đang sinh sống tại KĐT Ciputra gửi Công ty TNHH Nam Thăng Long yêu cầu báo cáo, giải trình, làm rõ một số nội dung có liên quan đến việc điều chỉnh quy hoạch tại KĐT Nam Thăng Long.
Tiếp theo đó, ngày 5/10/2022, UBND phường Xuân Đỉnh làm việc với hộ dân có kiến nghị theo nội dung đơn ngày 28/9/2022, thành phần bao gồm đại diện UBND, Công ty TNHH Nam Thăng Long, tổ dân phố và đại diện người dân. Theo biên bản cuộc họp, tổng số hộ dân được mời 85 hộ, có mặt 24 hộ, vắng mặt 61 hộ. 
Đúng như tinh thần đơn khiếu kiện, tất cả cư dân tham gia đều không đồng ý với bản đồ án quy hoạch giai đoạn II với lý do gây nhiều ảnh hưởng đến đời sống cư dân. Đại diện chủ đầu tư cũng giải trình về việc tăng mật độ xây dựng nhưng không tăng dân số, thực tế cho thấy không có điều gì đảm bảo chắc chắn điều đó là chính xác. 
Bà Đỗ Hương Liên, cư dân khu P1 cho rằng: Thực tế cư dân chúng tôi nắm bắt được rất ít thông tin quy hoạch cục bộ. Tổ dân phố và chủ đầu tư mới tổ chức họp cư dân một buổi duy nhất trong vòng 7 ngày trước khi hết thời gian niêm yết là không đảm bảo. Các thông tin công khai quy hoạch được chia sẻ trên nhóm Zalo tuy nhiên có nhiều cư dân không tiếp cận được. Với quy hoạch cục bộ như thế này cần phải có ý kiến của các phường có liên quan đến KĐT Ciputra. Theo tôi, cần thu thập ý kiến người dân qua các hình thức khác nhau và phải đạt được quá 50% số dân tán thành thì mới đủ điều kiện xem xét điều chỉnh quy hoạch.
Được biết, từ trước đến nay, chủ đầu tư vẫn dùng hình thức gửi email thông báo cho người dân tất cả các vấn đề liên quan đến thu phí điện nước, đóng thuế, thông tin khu dân cư... nhưng tuyệt nhiên không thông tin cho người dân biết về việc lấy ý kiến điều chỉnh quy hoạch cũng như họp để lấy ý kiến nhân dân theo quy định của pháp luật.
Cũng theo ý kiến của người dân, đại diện UBND phường Xuân Đỉnh là Chủ tịch Nguyễn Hữu Cường mặc dù trong cuộc họp đứng về phía người dân nhưng kết luận cuộc họp lại có những ý kiến có lợi cho chủ đầu tư (người dân đã ghi âm toàn bộ cuộc họp thể hiện vấn đề này), gây bức xúc trong một bộ phận dân cư.
Không đồng ý với những kết luận của cuộc họp, ngày 7/10/2022, các hộ dân khu Q lại tiếp tục gửi đơn kiến nghị khẩn cấp lên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các ban ngành liên quan của UBND thành phố Hà Nội phản đối việc điều chỉnh quy hoạch cục bộ KĐT Ciputra nhằm mục đích nâng tầng, tăng diện tích sàn xây dựng, tăng mật độ xây dựng vì mục đích tăng lợi nhuận, gây ảnh hưởng đến đời sống dân cư.
Gần đây, vào ngày 27/10/2022, UBND phường Xuân Đỉnh tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư về hồ sơ điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết 1/500 KĐT Nam Thăng Long. Tuy nhiên, cuộc họp diễn ra gấp gáp, rất nhiều hộ không biết để tham gia nên chỉ có 9 người đại diện cho các hộ dân, trong khi đó về phía chính quyền và chủ đầu tư có tới 19 người tham dự. Ông Nguyễn Thanh Bình, cư dân KĐT cho rằng, việc tổ chức hội nghị gấp, cách thông báo cho cư dân chưa dễ tiếp cận dẫn đến chỉ có 9 cư dân trên tổng số hàng nghìn cư dân liệu có hợp lý?
Đại diện cư dân vẫn tiếp tục bảo lưu ý kiến phản đối việc điều chỉnh quy hoạch như trong đơn lần 1 ngày 28/9/2022 và lần 2 ngày 7/10/2022. 
Có thể thấy việc tổ chức lấy ý kiến cư dân chạy theo hình thức, làm cho có như trên không phản ánh ý chí, nguyện vọng của hàng nghìn cư dân KĐT Ciputra. Việc này thuộc trách nhiệm của tổ dân phố và của chính quyền phường Xuân Đỉnh.
PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã đặt lịch làm việc với UBND phường Xuân Đỉnh để tìm hiểu kỹ vấn đề này, chúng tôi sẽ đề cập trong bài viết sau.
Đề nghị các cơ quan ban ngành của UBND quận Bắc Từ Liêm, UBND thành phố Hà Nội vào cuộc làm rõ hơn những kiến nghị của người dân về vấn đề này, đồng thời xem xét tính hợp lý của hội nghị lấy ý kiến cư dân ngày 27/10/2022.
Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin.


Nhóm PV

Tags Khu đô thị Ciputra Hà Nội phường Xuân Đỉnh quận Bắc Từ Liêm

Các tin khác

Việc giảm thiểu rủi ro thiên tai đang được thế giới và các quốc gia quan tâm hàng đầu. Các mô hình giảm thiểu rủi ro thiên tai đã và đang được các quốc gia áp dụng một cách mạnh mẽ trong mọi lĩnh vực phát triển, đặc biệt là trong lĩnh vực quy hoạch đô thị.

Chiều 17/9, TP Hạ Long (Quảng Ninh) tổ chức hội nghị tổng kết Chiến dịch 7 ngày đêm khắc phục hậu quả bão số 3.

Đô thị hóa và sự gia tăng dân số đô thị khiến con người ngày càng mất dần mối liên hệ với thiên nhiên.

Chủ tịch TP Đà Nẵng yêu cầu các sở, ngành, UBND quận, huyện thường xuyên theo dõi tình hình mưa, bão để chủ động trong mọi tình huống; có kế hoạch, phương án xử lý thoát nước, chống ngập úng hiệu quả tránh tình trạng bị động gây thiệt hại về người và của.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục