Hà Nội và văn minh đô thị

  • Cập nhật: Thứ ba, 1/11/2022 | 11:30:03 AM

QLMT - Hơn một thập niên trở lại đây, có thể nói là bắt đầu bước sang thế kỷ 21, thủ đô Hả Nội đã có sự phát triển mạnh mẽ về tất cả mọi phương diện.

Hà Nội và văn minh đô thị - 1
Ảnh minh hoạ. Nguồn internet

Điều thấy rõ nhất là sự phát triển về kinh tế, về hạ tầng cơ sở. Những con đường mới dài rộng đạt tiêu chuẩn quốc tế xuất hiện nối Hà Nội với mọi miền đất nước.

Đặc biệt là từ khi Hà Nội mở rộng, bao gồm thêm toàn tỉnh Hà Tây cũ và một số xã của Vĩnh Phúc, Hòa Bình thì nhiều đường phố mới ra đời cộng với việc sửa sang, cơi nới thêm nhiều phố cũ đã khiến thủ đô thực sự thay da đổi thịt cả về lượng và chất. Rất nhiều chung cư cao tầng, những trung tâm thương mại đồ sộ mọc lên. Từ trên cao nhìn toàn cảnh Hà Nội thấy ngoạn mục, huy hoàng, rất xứng đáng là trung tâm, là trái tim của cả nước.

Vẻ bề thế về hình hài bên ngoài, sự hoành tráng về quy mô và tư thế của thủ đô hôm nay thì bất cứ người nào chịu khó quan sát cũng có thể thấy rõ. Điều đó là một phần của văn minh đô thị (VMĐT).

Một thủ đô của quốc gia có truyền thống hàng ngàn năm văn hiến, đang tăng tốc trên đà hội nhập và phát triển, đang không ngừng đổi mới thì không thể nhỏ hẹp, khiêm tốn theo nghĩa thông thường, không thể bó hẹp trong một không gian chật chội theo nghĩa đen mà cần sự mở rộng, vươn cao, vươn xa về địa lý như chúng ta đã làm.

Nhưng đó mới là hạ tầng cơ sở. Còn thượng tầng kiến trúc lại là một vấn đề khác. VMĐT ở hạ tầng, ở vẻ ngoạn mục, hoành tráng, tươm tất bên ngoài là rất cần, giống như bộ trang phục khoác lên mỗi con người.

Người được coi là văn minh, lịch sự không thể ăn mặc lôi thôi, cẩu thả, sơ sài, nhếch nhác mà phải tươm tất, đẹp, thậm chí sang trọng. Như vậy, vấn đề là ở thượng tầng kiến trúc, ở nhận thức, ở văn hóa của người thủ đô. Nhận thức, văn hóa sẽ tạo nên thượng tầng kiến trúc. Và điều này sẽ quyết định tất cả, trong đó có việc làm nên một VMĐT như mọi người mong muốn.

VMĐT trước hết không là gì khác sự nền nếp, trật tự, kỷ cương, trong đó tất thảy mọi người phải răm rắp tuân thủ những quy định của pháp luật, không loại trừ bất cứ ai, ở bất cứ đẳng cấp nào trong xã hội, từ vị lãnh đạo cao nhất đến mọi người dân thường.

Ở Hà Nội cũng như mọi thành phố, hai lĩnh vực nổi rõ nhất tạo nên bức tranh đô thị chính là giao thông và xây dựng. Ta hãy xem xét hai lĩnh vực này để thấy đã đạt được VMĐT như thế nào? Trước hết là giao thông. Hiện nay, như đã nói, Hà Nội có rất nhiều đường phố đẹp, rợp mát cây xanh.

Hàng loạt đường phố mới mở rộng rãi, khang trang, có dải phân cách rộng để trồng hoa thật đẹp. Rồi cầu vượt, hầm giành cho nguồi đi bộ, đường sắt trên cao… Đó là văn minh.

Nhưng người đi lại trên đường thì lại kém ý thức, sẵn sàng vi phạm luật giao thông bất cứ lúc nào, ở đâu nếu không có các lực lượng chức năng làm nhiệm vụ nên đã góp phần gây nên cảnh ùn tắc.

Sự kém ý thức tự giác chấp hành luật lệ như vậy đã làm cho bức tranh về VMĐT trở nên méo mó, bị vấy bẩn. Rồi cảnh tượng người kinh doanh cố tình lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, bầy hàng hóa lộn xộn; cảnh thực khách ngồi ở bất cứ một hè phố nào ăn uống, nhậu nhẹt tối ngày, thâu đêm không thể khiến VMĐT có thể duy trì.

Ấy là chưa nói không ít người đã có cách nói năng kém văn hóa, không phù hợp với phong cách người Hà Nội. Các lực lượng chức năng đã không ít cố gắng thực thi hết phận sự. Nhưng không thể xuể. Biên chế của những lực lượng này dẫu có tăng gấp 10 lần chăng nữa cũng không thể khiến VMĐT phát triển nếu một bộ phận không nhỏ trong cộng đồng vẫn cứ rất kém ý thức như hiện nay.

Không nói các nước tiên tiến, văn minh trên thế giới mà chỉ so với các nước trong khu vực ASEAN cũng thấy ta còn thua kém họ xa về VMĐT. Tại Malaixia, Singapo hay Thái Lan, không mấy khi nhìn thấy CSGT ngoài đường. Vậy nhưng ai cũng răm rắp tuân thủ luật GT. Ai vi phạm sẽ tự thấy mình lạc lõng, vô duyên, cảm thấy như làm một việc xấu xa rất đáng xấu hổ. Đường phố của họ sạch bóng, không có rác do không bao giờ có ai vứt bừa.

Ngay hai nước láng giềng cận kề với ta là Lào và Cămpuchia có sự phát triển kinh tế và đời sống chưa bằng ta nhưng thủ đô của họ rõ là văn minh hơn ta ở trật tự, ngăn nắp và ý thức tuân thủ pháp luật của người dân. 

Hà Nội và văn minh đô thị - 2
Ảnh minh hoạ. Nguồn internet

Lĩnh vực thứ hai là xây dựng. Nhìn trên tổng thể, Hà Nội hôm nay nguy nga như đã nói với sự mọc lên của rất nhiều khu đô thị lớn, khu chung cư cao tầng đồ sộ. Nhưng quy hoạch xây dựng chưa khoa học, thiếu đồng bộ. Theo nhìn nhận, đánh giá của các nhà kiến trúc có uy tín, xây dựng và kiến trúc ở Hà Nội còn nhiều điều bất ổn.

Những chiếc hồ đẹp có từ ngàn năm vốn là những thắng cảnh kỳ thú của thủ đô thì giờ đây biến thành những vũng nước do bên cạnh hồ người ta xây những tòa nhà cao vút. Nhà cửa của dân được xây tùy tiện, mạnh ai nấy làm không theo một quy hoạch nào.

Người có tiền, biết cách "chạy” sẽ làm nhà nhiều tầng. Ngược lại thì không thể, dẫn đến trong một dãy phố đã nham nhở những nhà thấp xen lẫn nhà cao tầng. Kiểu dáng cũng hết sức tùy tiện. Nhà lợp mái kiểu này, kẻ kiểu khác. Tường nhà cũng đủ màu sắc rất lóa mắt: Trắng, vàng, xanh, hồng, tím… Có nhà sơn màu đỏ chóe, thậm chí có cả màu đen! Rồi nhà siêu mỏng…

Một hiện tượng vẫn chưa được chấm dứt là tình trạng xây nhà không phép hoặc sai phép vẫn diễn ra. Xây dựng chính là một lĩnh vực còn nhiều điều nhức nhối, gây đau đầu cho các nhà quản lý, làm ảnh hưởng đến bức tranh về VMĐT của thủ đô. 

Vậy là, muốn VMĐT ở Hà Nội được duy trì và phát triển, không có cách nào khác là phải tăng cường chú trọng phát triển thượng tầng kiến trúc, giáo dục mọi người nâng cao ý thức tự giác chấp hành mọi quy định của pháp luật, nghiêm chỉnh thực hiện khẩu hiệu "Sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật”.

Việc giáo dục này không chỉ là giao giảng, tuyên truyền mà phải đi kèm, gia tăng các biện pháp xử lý nghiêm minh với những chế tài mạnh, khắt khe mới mong giác ngộ được những người kém ý thức. Sẽ rất đáng tiếc nếu Hà Nội hôm nay nguy nga, ngoạn mục lại không được sóng đôi với một VMĐT toàn diện và bền vững./.

TS.LS Đồng Xuân Thụ

Tags văn minh đô thị Hà Nội thủ đô

Các tin khác

Việc giảm thiểu rủi ro thiên tai đang được thế giới và các quốc gia quan tâm hàng đầu. Các mô hình giảm thiểu rủi ro thiên tai đã và đang được các quốc gia áp dụng một cách mạnh mẽ trong mọi lĩnh vực phát triển, đặc biệt là trong lĩnh vực quy hoạch đô thị.

Chiều 17/9, TP Hạ Long (Quảng Ninh) tổ chức hội nghị tổng kết Chiến dịch 7 ngày đêm khắc phục hậu quả bão số 3.

Đô thị hóa và sự gia tăng dân số đô thị khiến con người ngày càng mất dần mối liên hệ với thiên nhiên.

Chủ tịch TP Đà Nẵng yêu cầu các sở, ngành, UBND quận, huyện thường xuyên theo dõi tình hình mưa, bão để chủ động trong mọi tình huống; có kế hoạch, phương án xử lý thoát nước, chống ngập úng hiệu quả tránh tình trạng bị động gây thiệt hại về người và của.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục