Đà Nẵng vừa trải qua trận mưa lụt lịch sử, gây thiệt hại không nhỏ về người và tài sản. Ảnh: K.O
Thất thần chạy lũ
Người dân TP. Đà Nẵng vừa trải qua một trận ngập lụt "lịch sử”. "Mẹ thiên nhiên” đã "trổi dậy”. Nhiều khu vực nằm giữa trung tâm thành phố chìm trong biển nước. Đường sá thành sông, nước chảy cuộn siết, cuốn trôi nhiều vật dụng, hàng hóa của người dân. "Chưa từng thấy” và "khủng khiếp” là cụm từ được nhắc đến nhiều nhất trong đêm 14/10/2022, sáng hôm sau và sau này nữa.
Từ đêm 14/10/2022 đến rạng sáng 15/10/2022, nơi nào nước lên là nơi đó không ai dám chợp mắt. Họ phải thức trắng đêm để "canh” nước và ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra.
Trong đêm tối như mực (vì cúp điện), nhiều người thất thần chạy lụt. Hàng loạt ô tô, xe máy chết máy, vứt bỏ đầy đường, đến sáng hôm sau mới đưa đi. Tiếng kêu cứu diễn ra khắp nơi. Kêu cứu xung quanh không được, nhiều người lên mạng xã hội cầu cứu. Người bu leo lên cây, kẻ bám nóc nhà… Hầm chui Điện Biên Phủ chìm trong biển nước và sáng hôm sau, đơn vị có trách nhiệm phải dùng đến máy bơm để hút nước. Đủ kiểu chống chọi với trận "bom nước” kinh hoàng.
Nhiều ô tô "bơi" trong biển nước ngập tại Đà Nẵng vào đêm 14/10/2022. Ảnh: T.X
Sống giữa lòng TP. Đà Nẵng hàng chục năm qua, lần đầu tiên, anh Trần Thành Nhân chứng kiến, ngôi nhà của mình ngập sâu đến thế. "Sáng ra, nước vẫn chưa rút, thật khủng khiếp”, anh Nhân vẫn chưa hết thất thần, nhớ lại.
Còn chị Ngô Thị Nhung (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) cho biết, từ lúc cha sinh mẹ đẻ đến giờ, chị mới thấy mực nước ngập khủng khiếp đến thế. "Toàn bộ bàn ghế mà tôi buôn bán hàng ngày ở phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu đã bị cuốn phăng theo dòng nước và hiện không biết đã trôi đi đâu”, chị Nhung cho hay.
Đau lòng hơn, trận lụt kéo dài từ chiều và đêm 14/10/2022 đến rạng sáng 15/10/2022 đã cướp đi ít nhất 4 mạng người. Chưa kể, nhiều người thoát chết là nhờ các lực lượng cứu hộ phải dầm mình trong biển nước để trợ giúp.
Nguyên nhân do đâu?
Ngoài có chung đánh giá là lượng mưa quá lớn và kéo dài nhiều giờ đồng hồ, trên các diễn đàn mạng xã hội, nhiều người dân trách móc "hệ thống thoát nước” của Đà Nẵng đang "có vấn đề”.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn, TS. Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về biến đổi khí hậu và giảm thiểu rủi ro thiên tai, cho rằng, tại Đà Nẵng, nước rút sau mưa lớn khoảng 3 giờ đồng hồ thì hạ tầng thoát nước không kém. Quan điểm của TS. Nguyễn Ngọc Huy là mưa lũ "vượt năng lực chịu đựng của cơ sở hạ tầng”.
"Chúng ta khoan vội quy trách nhiệm cho ai vì với trận lụt lịch sử này rất cần thảo luận với nhau bằng các con số khoa học ở các hội nghị chuyên đề và sau đó nên được truyền thông rộng rãi”, TS. Nguyễn Ngọc Huy nêu ý kiến.
Theo TS. Nguyễn Ngọc Huy, số liệu mưa thực tế mà ông có được từ các trạm đo mưa tại Đà Nẵng cho thấy, khoảng thời gian mưa có ý nghĩa gây ra trận ngập lụt kinh hoàng này là từ 3 giờ chiều đến 9 giờ tối (6 tiếng) ngày 14/10 với lượng mưa cao nhất ghi nhận ở trạm Suối Đá, Sơn Trà là 637mm/ 6 giờ. Năng lực thoát nước ở các đô thị loại I ở Việt Nam nói chung đang ở mức đáp ứng được lượng mưa 70mm/ 2 giờ. Nghĩa là với 6 giờ có thể đáp ứng được lượng mưa tổng là 210mm. Đó là về mặt lý thuyết. Về mặt thực tế, hạ tầng thoát nước đô thị kém hơn mức đó nhiều do các yếu tố về tắc nghẽn cống rãnh, sự vênh nhau về đầu tư các công trình hạ tầng thoát nước cũ và mới, yếu tố về triều cường…
Như vậy, trường hợp của Đà Nẵng, để đáp ứng thoát nước được lượng nước mưa liên tục trong 6 giờ cần hạ tầng thoát nước gấp 3 lần hạ tầng hiện tại. Để có được hệ thống hạ tầng gấp 3 lần hiện tại nghĩa là năng lực thoát nước của hệ thống phải giải quyết được lượng mưa 100mm/ giờ. Đó là con số phi thực tế mà không một đô thị nào trên thế giới hướng đến bởi vì rất tốn tiền. Với các đô thị của Việt Nam lại càng khó làm vì đòi hỏi nhiều chi phí giải phóng mặt bằng, thay toàn bộ hệ thống thoát nước cũ, đào hết đường lên để xây lắp cống mới…
Khi thiết kế hệ thống thoát nước cho đô thị, các chuyên gia thường dựa vào lịch sử mưa lũ tại địa phương và tần suất mưa với các kịch bản mưa lũ lặp lại một lần trong 20 năm, 50 năm và 100 năm, có nơi dựa vào kịch bản 500 năm xuất hiện một lần. Cái thứ mưa 600mm/ 6 giờ liên tục thì nó thuộc tần suất 500 năm mới xuất hiện 1 lần. Như vậy, tần suất mưa cực đoan này chưa hề có trong kịch bản thoát lũ của Đà Nẵng nói riêng và hầu hết các đô thị của Việt Nam nói chung.
"Vấn đề ở đây là tần suất mưa cực đoan trong giai đoạn gần đây xuất hiện nhiều hơn. Các hệ thống sông ngòi ở Việt Nam luôn ở mức cao hơn báo động III mỗi khi có lũ và vì vậy đòi hỏi các đô thị phải tính toán đến các kịch bản thoát lũ với tần suất lặp lại cao hơn hiện nay. Điều này rất khó làm ở các đô thị cũ ở Việt Nam như tôi nói sơ qua về các lý do tốn tiền như ở trên. Chúng ta chỉ có thể hạn chế các rủi ro ngập lụt bằng cách tăng không gian cho nước bằng hồ chứa, hạn chế phát triển đô thị kiểu be bờ xung quanh bờ biển, hạn chế lấn sông và hãy dành không gian mặt thoáng cho nước tự chảy. Bằng cách đó sẽ giảm áp lực cho các hạ tầng thoát nước cho đô thị”, TS Nguyễn Ngọc Huy phân tích.
Ông cũng cho rằng, ở nông thôn, chúng ta nên hạn chế bê tông hoá mảnh vườn hoặc mảng sân nhà mình. Các trường học, các công sở không nên bít kín bằng bê tông, vừa nóng vừa không thấm nước. Mềm như nước, uyển chuyển như nước, dịu dàng như nước và cũng dữ dội như nước. Ứng xử hài hoà với nước thì nước có lợi với mình.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn, ông Nguyễn Cửu Loan, Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư Ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP. Đà Nẵng cho rằng, những khu vực trung tâm đô thị, theo ông Loan là cần phải xây dựng bể ngầm chứa nước, giảm thiểu bê tông hóa thì mới hy vọng hạn chế được ngập úng cục bộ.
"Khu đô thị loại nào thì cốt nền và dân số tương ứng với loại đô thị đó. Vấn đề là nếu phát triển đô thị quá "nóng” mà dựa trên cốt nền cũ như vậy và dân số tăng cao thì làm nước chảy sao cho kịp. Việc phát triển đô thị hiện nay không chỉ thiếu tầm nhìn, quy hoạch không đồng bộ, hoặc quy hoạch còn chủ quan mà công tác dự báo chưa lường được biến đổi khí hậu. Vì thế, nhiều thông số thiết kế theo quy hoạch đã không còn phù hợp thực tế, khiến một số tuyến thoát nước vừa mới đầu tư cũng bị ngập. Ngoài ra, hệ thống xử lý nước mưa ở các đô thị lớn không thể "đi chung” với nước thải sinh hoạt như hiện nay”, ông Loan đánh giá.
Theo Nhiệt Băng/baodautu.vn