Thành phố Hải Phòng: Đô thị vươn cao, giao thông rộng mở

  • Cập nhật: Thứ ba, 13/10/2020 | 4:46:16 PM

QLMT - Những ngày tháng mười lịch sử, các tuyến đường của thành phố Cảng rực rỡ cờ hoa, cảnh quan sạch đẹp. Toàn Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố Hải Phòng phấn khởi chào mừng Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 trước sự đổi mới lớn lao, vượt bậc trong phát triển đô thị đánh dấu thành quả của Đảng bộ thành phố trong nhiệm kỳ vừa qua.

TP Hải Phòng
Chung cư mới khang trang hiện đại. 

Hạ tầng giao thông, đô thị ngày càng phát triển

Không chỉ với những du khách đến Hải Phòng, mà ngay cả người dân thành phố Cảng đều cảm nhận sự đổi thay từng ngày của đô thị Hải Phòng. Kết cấu hạ tầng giao thông thành phố được đầu tư và phát triển. Nhiều công trình trọng điểm quốc gia và thành phố được đưa vào sử dụng như: Đường ôtô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; Đường ôtô Tân Vũ - Lạch Huyện; Đường ôtô cao tốc Hải Phòng - Hạ Long; QL10 đoạn Quán Toan - cầu Nghìn; Cảng hàng không quốc tế Cát Bi; Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện; các công trình cầu vượt khác mức trên QL5. Cùng với đó, nhiều công trình giao thông được đưa vào sử dụng như: Cầu Hoàng Văn Thụ; cầu vượt nút giao Nguyễn Văn Linh - đường Hồ Sen - cầu Rào 2; tuyến đường cầu Lạng Am - cầu Nhân Mục; Cầu sông Hóa nối thành phố Hải Phòng với tỉnh Thái Bình; Tuyến đường trục đô thị; Nút giao Nam cầu Bính; Đường tỉnh 359; Đường bộ ven biển Hải Phòng - Thái Bình…

TP Hải PhòngPhối cảnh cầu Hoàng Văn Thụ. 

Tại khu vực nội đô Hải Phòng, 120 tuyến đường được thảm nhựa át phan, 9 nút giao được mở rộng, hệ thống vạch sơn, biển báo an toàn giao thông... Tới đây, một số công trình dự kiến hoàn thành, đưa vào sử dụng như: Đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh đến Hồ Sen, Chợ Con (thuộc dự án Hồ Sen - cầu Rào 2); tuyến đường vào bãi cọc Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên; tuyến nối nút giao thông nam cầu Bính với đường Tôn Đức Thắng - Quốc lộ 5; các công trình giao thông kết nối Hải Phòng với tỉnh Hải Dương như cầu Quang Thanh, cầu Dinh…

Thành phố cũng sẽ triển khai một số dự án giao thông gồm: Cải tạo nâng cấp QL10 đoạn cầu Đá Bạc đến cầu Kiền bằng nguồn vốn Ngân sách địa phương; Cải tạo, nâng cấp QL37 đoạn qua thành phố Hải Phòng; Các dự án nâng cấp mở rộng Cảng hàng không quốc tế Cát Bi; Các dự án kết nối với tỉnh Quảng Ninh: Dự án cầu Lại Xuân, Đường tỉnh 352; nghiên cứu chuẩn bị đầu tư xây dựng cầu Bến Rừng (thay thế phà Rừng). Hoàn thiện thủ tục triển khai dự án tuyến đường nối huyện Vĩnh Bảo với tỉnh Thái Bình và xây dựng cầu Nghìn 2; Đầu tư xây dựng tuyến đường từ cầu Lạng Am (Vĩnh Bảo) đến tuyến đường bộ ven biển; Xây dựng tuyến đường nối Đường 354 qua Khu công nghiệp Kiến Thụy đến đường bộ ven biển; Khởi công xây dựng cầu Rào 1. Tiếp tục triển khai dự án cải tạo đường tỉnh 359 từ Núi Đèo – Khu công nghiệp Bến Rừng; Đường nối tuyến đường bộ ven biển tới đường Vạn Bún, Đồ Sơn; đầu tư mở rộng Đường tỉnh 363…

Hướng tới xây dựng thành phố hiện đại, văn minh, bền vững, Hải Phòng phát triển công viên, cây xanh, tạo không gian trong lành, nâng cao chất lượng môi trường sống, thêm điểm vui chơi cho người dân và đổi mới diện mạo đô thị. Theo đó, Công viên cây xanh Tam Bạc hoàn thành cuối năm 2017 cùng với đầu tư chỉnh trang sông Tam Bạc, tạo không gian sinh thái đẹp giữa lòng thành phố. Tiếp đó là việc xây dựng bãi đỗ xe miễn phí tại 128 Nguyễn Đức Cảnh rộng gần 10.000m2 (vốn là trại giam Trần Phú). Tại khu vực Cung Văn hóa hữu nghị Việt - Tiệp, Cung Văn hóa thể thao thanh niên được chỉnh trang thành quần thể công viên cây xanh tạo không gian xanh giữa lòng thành phố… Với những nỗ lực đó, hôm nay, người dân có dịp tới khu vực Công viên Rồng Biển, phố đi bộ Tam Bạc cảm nhận niềm vui trước sự thay đổi vùng lõi đô thị Hải Phòng. Đây là những công trình phúc lợi công cộng đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi, thư giãn của người dân.

Trước đây, Hải Phòng chưa có khách sạn 5 sao, đến nay, thành phố có nhiều khách sạn 5 sao đang xây dựng và hoàn thiện: Tổ hợp trung tâm thương mại - Khách sạn Vinhomes Imperia Hải Phòng. Từ toà tháp cao 45 tầng cao nhất vùng duyên hải Bắc Bộ, du khách chiêm ngưỡng Quảng trường ánh sáng rộng hơn 3ha của Khu đô thị và di tích lịch sử của Nhà máy Xi măng Hải Phòng trước đây. Tiếp đó là khách sạn Pullman tại số 12 Trần Phú, khách sạn Hillton BRG tại số 14 Trần Quang Khải, khối tòa nhà Diamon 72 tầng mới khởi công tại số 4 Trần Phú. Hiện tuyến cáp treo Cát Hải - Phù Long (huyện Cát Hải) do Công ty TNHH Mặt Trời Cát Bà (thuộc Tập đoàn Sun Group) làm chủ đầu tư đã khánh thành. Đây là tuyến cáp treo 3 dây vượt biển dài 3.955m, sức chứa 30 khách/ca bin thuộc hệ thống cáp treo từ đảo cát Hải sang đảo Cát Bà dài 19,5km, khi hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian di chuyển tới Cát Bà, không còn tình trạng ùn tắc tại phà Gót trong mùa du lịch. Các công trình lưu trú, nghỉ dưỡng du lịch: Flamingo Cát Bà Beach Resort, Khách sạn 5 sao M'Gallery Cát Bà và khu dự án Đồi Rồng tại quận Đồ Sơn… sẽ là những điểm đến hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế khi tới Hải Phòng.

TP Hải Phòng
Diện mạo các khu đô thị mới tại Hải Phòng. 

Ấm tình ý Đảng - lòng dân

Nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ thành phố Hải Phòng đổi mới phương thức, tập trung cao sự chỉ đạo, lãnh đạo trong phát triển kinh tế - xã hội, coi trọng quan tâm đời sống người dân, an sinh xã hội. HĐND thành phố ban hành nhiều Nghị quyết thiết thực như: Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐND về cơ chế hỗ trợ vật tư (xi măng, gạch lát vỉa hè, pha đèn chiếu sáng và cây xanh) cải tạo, nâng cấp hè, đường ngõ đã xuống cấp tại các quận. Nghị Quyết số 32/2018/NQ-HĐND về cơ chế, chính sách hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở đối với hộ gia đình người có công với cách mạng có khó khăn về nhà ở; Nghị quyết số 52/2019/NQ-HĐND về cơ chế, chính sách hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở đối với hộ nghèo giai đoạn 2020 – 2025.

Đây là những Nghị quyết thể hiện chủ trương đúng đắn, tính nhân văn của lãnh đạo thành phố quan tâm an sinh xã hội, đời sống các gia đình chính sách và hộ nghèo được Sở Xây dựng phối hợp với các Sở, ngành, địa phương đôn đốc triển khai thực hiện, đảm bảo các hộ nghèo được hỗ trợ sử dụng vốn vay, vật liệu đúng mục đích. Việc xây mới, sửa chữa nhà ở đảm bảo yêu cầu về diện tích nhà ở và tiêu chí 3 cứng (nền cứng, khung – tường cứng, mái cứng) sau khi áp dụng cơ chế, chính sách hỗ trợ này của thành phố, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo của thành phố Hải Phòng. Việc hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo theo chuẩn nghèo đảm bảo đúng tiêu chí đối tượng, công khai, minh bạch; tiền và vật liệu được hỗ trợ sử dụng đúng mục đích; Sở Xây dựng tổng hợp, kiểm tra trình UBND thành phố Hải Phòng phê duyệt danh sách hộ nghèo có nhu cầu xây mới, sửa chữa nhà ở đủ điều kiện được hỗ trợ theo Nghị quyết… Các quận, huyện cung cấp gạch, xi măng đảm bảo chất lượng và tiến độ cấp phát theo quy định. Các đơn vị, địa phương kiểm tra, giám sát, đảm bảo các hộ sử dụng vốn vay, vật liệu đúng mục đích đảm bảo chất lượng và tiến độ, quyết tâm đến cuối năm 2020, những hộ đăng ký hoàn thành xây dựng, sửa chữa nhà.

Thực hiện phát triển đô thị theo hướng mở rộng không gian đô thị, cải tạo, chỉnh trang đô thị cũ, vấn đề chung cư cũ là thách thức lớn đối với thành phố Hải Phòng. Với tinh thần quyết tâm, dám nghĩ, dám làm để có những tòa chung cư mới, thành phố Hải Phòng quyết định lựa chọn hình thức đầu tư BT (xây dựng - chuyển giao) để xây dựng lại các chung cư cũ. Giải pháp phù hợp được đề ra và thực hiện thành công, mang lại niềm vui cho các hộ dân đồng thời vừa bảo đảm an sinh xã hội và mở rộng không gian đô thị. Đây là chủ trương đúng đắn, cách làm phù hợp, thể hiện ý Đảng, lòng dân được nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Thực hiện Kế hoạch phá dỡ 178 chung cư cũ và xây dựng lại 18 tòa nhà chung cư mới, thành phố Hải Phòng triển khai xây dựng 7 chung cư mới theo hình thức BT gồm: Chung cư U19, Lam Sơn (1 chung cư, 5 tầng, 56 căn); Chung cư N1, N2 trên nền U1, U2, U3 Lê Lợi (2 chung cư, 6 tầng, 126 căn); Chung cư HH3-HH4 Đồng Quốc Bình (2 chung cư, 29 tầng, 1.456 căn); Chung cư HH1-HH2 Đồng Quốc Bình (2 chung cư, 29 tầng, 1.030 căn). Phấn đấu đến năm 2024, thành phố Hải Phòng sẽ hoàn thành việc cải tạo các chung cư cũ. Những người dân đang sinh sống trong những khu chung cư cũ nát, nguy hiểm đã và đang được chuyển về những căn hộ mới, hiện đại, khang trang trong thời gian tới.

Nhà cao tầng Hải Phòng
Tòa nhà 45 tầng.

Hướng tới mục tiêu xây dựng đô thị hàng đầu châu Á

Để triển khai thực hiện Nghị quyết số 45/NQ-TW của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng ban hành Chương trình hành động số 76-Ctr/TU. Theo đó, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng giao thông, đô thị của Hải Phòng phát triển đột phá, khẳng định vai trò đầu mối giao thông quan trọng và cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc, kết nối vùng với khu vực và quốc tế; diện mạo đô thị ngày càng văn minh hiện đại; không gian đô thị mở rộng, phát triển theo 3 hướng đột phá đúng tinh thần của Nghị quyết Đại hội 15 Đảng bộ thành phố đề ra.

TP Hải Phòng
Khu đô thị Vinhomes. 

Đến năm 2025, thành phố Hải Phòng hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại; là trọng điểm phát triển kinh tế biển của cả nước; hoàn thành xây dựng trung tâm hành chính - chính trị thành phố tại Khu đô thị Bắc sông Cấm; hoàn thành các tiêu chí đô thị loại 1; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao; tạo nền tảng vững chắc để trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững tầm cỡ khu vực Đông Nam Á vào năm 2030.

Phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trọng tâm là xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại với các công trình trọng điểm, chiến lược đã được chỉ ra trong Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị, nhằm tạo ra những động lực mới thúc đẩy tốc độ tăng trưởng, phát triển kinh kinh tế - xã hội của thành phố; phát triển Hải Phòng trở thành trung tâm du lịch tầm cỡ quốc tế; trọng tâm là xây dựng cơ sở lưu trú, khu mua sắm, vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng cao cấp tại Cát Bà và Đồ Sơn; hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng của thành phố.

Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, phát triển đô thị xanh, đô thị thông minh, văn minh, hiện đại, gắn kết giữa đô thị hóa và xây dựng nông thôn mới; tăng cường bảo vệ tài nguyên, môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại; đẩy mạnh liên kết vùng trong tam giác phát triển Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, các địa phương ven biển Đông Bắc, hai hành lang kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc. Phát triển đô thị theo đính hướng hiện đại, thông minh.

Một số chỉ tiêu cụ thể được Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng đề ra và chỉ đạo thực hiện quyết liệt như: Đến năm 2025, đạt các chỉ tiêu đô thị loại 1: Tỷ lệ đô thị hóa 60% - 70%; mật độ dân số toàn đô thị: 2000 người – 3000 người/km2; tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật 40% - 50%; đất cây xanh toàn đô thị 10 – 15m2/người; tỷ lệ quỹ đất giao thông đô thị so với đất xây dựng đô thị 16% - 24%; tăng diện tích cây xanh toàn dô thị khoảng 1900 ha. Hoàn thành việc di chuyển trung tâm hành chính chính trị thành phố sang phía Bắc sông Cấm. Xây dựng chính quyền đô thị với bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Đến năm 2030, cơ bản đạt các tiêu chí của đô thị loại đặc biệt; tỷ lệ đô thị hóa 70% - 75%; mật độ dân số toàn đô thị 3.000 người – 3.500 người; tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý quy chuẩn kỹ thuật 50% - 60%; đất cây xanh toàn đô thị 10 – 15m2/người; tỷ lệ quỹ đất giao thông đô thị so với đất xây dựng đô thị phải đảm bảo 18% - 26%; tăng diện tích cây xanh toàn đô thị khoảng 4000 ha. Hoàn thành việc chuyển đổi 50% số huyện thành đơn vị hành chính quận. Chính quyền đô thị được xây dựng và hoàn thiện phù hợp với yêu cầu của thành phố thông minh…

Hoàn thành và triển khai quy hoạch vùng; quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2050, chương trình phát triển đô thị thành phố đến năm 2015 tầm nhìn đến 2050. Hoàn thiện các tiêu chí của đô thị loại đặc biệt; đề xuất các dự án xây dựng và phát triển thành phố là đô thị thông minh, thành phố quốc tế. Tập trung nguồn lực triển khai các dự án mở rộng không gian đô thị theo các hướng. Đến năm 2025, phát triển đô thị theo 3 hướng đột phá: hướng Đông Nam xây dựng phát triển đảo Cát Bà thành Đô thị du lịch sinh thái tầm cỡ quốc tế; phát triển đô thị sân bay tại quận Hải An; hướng Bắc gắn với phát triển xây dựng Trung tâm thương mại, tài chính, ngân hàng, đô thị; tập trung phát triển đô thị du lịch, sinh thái khu vực Đồ Sơn, Dương Kinh và hai bờ sông Lạch Tray. Đến năm 2030, xây dựng đô thị hướng biển, lấy biển là thương hiệu đô thị cảng Hải Phòng; tập trung tại quận Hải An - Dương Kinh - Đồ Sơn hình thành cửa ngõ của Hải Phòng nhìn từ biển vào; mở rộng về phía Nam: Phát triển đô thị mới, khu giáo dục đào tạo, nghỉ dưỡng trên cơ sở khai thác quỹ đất ven sông Văn Úc, Đa Độ. Xây dựng một số công trình, dự án chỉnh trang, phát triển đô thị.

Đẩy nhanh việc lập và thực hiện Đề án cải tạo chỉnh trang đô thị cũ theo hướng tái thiết khu trung tâm nội đô kết hợp bảo tồn công trình kiến trúc có giá trị và chỉnh trang đô thị; cấu trúc lại không gian đô thị ven sông Cấm và sông Lạch Tray từ sông phục vụ cảng - công nghiệp thành sông cảnh quan đô thị và dịch vụ bảo đảm làm rõ các mặt sông trong đô thị, xây dựng các khu đô thị mới; tập trung hoàn thành thay thế toàn bộ chung cư cũ bằng các chung cư cao tầng, hiện đại. Đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới xây dựng thành phố thông minh. Tập trung đầu tư hoàn thành cơ sở hạ tầng khu đô thị mới Bắc sông Cấm. Rà soát, đánh giá thực trạng các huyện, lựa chọn, đề xuất cơ chế, xây dựng lộ trình cụ thể để chuyển đổi 50% số đơn vị hành chính cấp huyện thành quận vào năm 2030.

TP Hải Phòng
Thiên nga bơi trên sông Tam Bạc.

Trong nhiệm kỳ 2015-2020, với tinh thần đổi mới phương thức hoạt động trong chỉ đạo, lãnh đạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của lãnh đạo thành phố, diện mạo đô thị Hải Phòng ngày càng khang trang, hiện đại, phát triển mở rộng, vươn cao. Thành phố Hải Phòng sẽ hoàn thành các mục tiêu đề ra trong nhiệm kỳ 2020-2025, hoàn thành các mục tiêu của Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị đề ra về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Với việc thực hiện 5 định hướng, 9 nhóm giải pháp và đột phá chiến lược, sự đồng thuận nhất trí cao của Đảng bộ thành phố Hải Phòng, sự chung tay của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, sự đồng tình ủng hộ của nhân nhân, thành phố Hải Phòng sẽ sớm trở thành thành phố Cảng xanh - văn minh – hiện đại.

Đỗ Hải Nguyên
Ảnh: Hồng Phong - Tuấn Nguyễn
Báo Xây dựng

Tags Thành phố Hải Phòng giao thông đô thị

Các tin khác

Việc giảm thiểu rủi ro thiên tai đang được thế giới và các quốc gia quan tâm hàng đầu. Các mô hình giảm thiểu rủi ro thiên tai đã và đang được các quốc gia áp dụng một cách mạnh mẽ trong mọi lĩnh vực phát triển, đặc biệt là trong lĩnh vực quy hoạch đô thị.

Chiều 17/9, TP Hạ Long (Quảng Ninh) tổ chức hội nghị tổng kết Chiến dịch 7 ngày đêm khắc phục hậu quả bão số 3.

Đô thị hóa và sự gia tăng dân số đô thị khiến con người ngày càng mất dần mối liên hệ với thiên nhiên.

Chủ tịch TP Đà Nẵng yêu cầu các sở, ngành, UBND quận, huyện thường xuyên theo dõi tình hình mưa, bão để chủ động trong mọi tình huống; có kế hoạch, phương án xử lý thoát nước, chống ngập úng hiệu quả tránh tình trạng bị động gây thiệt hại về người và của.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục