Quy hoạch phân khu hai bên sông Hồng: Người dân mong sớm được hiện thực hóa

  • Cập nhật: Thứ hai, 10/10/2022 | 2:18:23 PM

Hiện tại, người dân hai bên sông đang từng ngày mong các cấp, ngành khẩn trương cụ thể hóa quy hoạch, sớm đưa quy hoạch vào cuộc sống để tháo gỡ chỗ ở, hạ tầng... cho cư dân vùng bãi nói riêng và nâng tầm cảnh quan đô thị cho Thủ đô nói chung.

Mong mỏi từng ngày

Sau nhiều năm chờ đợi, quy hoạch phân khu sông Hồng đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt vào tháng 4/2022. Theo định hướng tại Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, các khu vực dân cư hiện có ngoài khu vực bãi sông được tồn tại, bảo vệ gồm: Khu dân cư Chu Phan - Tráng Việt (huyện Mê Linh); Tàm Xá - Xuân Canh (huyện Đông Anh); Nhật Tân - Tứ Liên (quận Tây Hồ); Hoàng Mai, Thanh Trì 1, Thanh Trì 2 (quận Hoàng Mai); Đông Dư - Bát Tràng và Kim Lan - Văn Đức (huyện Gia Lâm). Ngoài ra, những khu vực dân cư hiện có ở bãi sông thuộc các quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng cũng sẽ được tồn tại, bảo vệ.

Theo Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Đào Duy Hưng, tất cả các khu dân cư giữ lại sẽ được cải tạo chỉnh trang, tái thiết đô thị, bổ sung và nâng cấp công trình hạ tầng xã hội, hệ thống giao thông, thoát nước, cây xanh… Có thể nói, nội dung này của bản quy hoạch có ý nghĩa hết sức thiết thực, đáp ứng mong mỏi của rất nhiều hộ dân sống lâu năm khu vực ngoài bãi sông vốn phải chịu cảnh nhà cửa nhếch nhác sập xệ nhưng không được sửa chữa, xây mới vì phải đợi quy hoạch.


Ông Nguyễn Trọng Sáng, tổ dân phố 10, phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm chia sẻ: "Gia đình tôi sống ổn định tại khu vực này từ năm 1961, tiền thuế đất đóng đầy đủ nhưng hiện tại giấy tờ "sổ đỏ” chưa được cấp nên không thể sửa chữa nâng cấp nhà cửa. Do đó, không chỉ gia đình tôi mà các hộ dân ven bờ vở sông Hồng đang rất mong mỏi quy hoạch sông Hồng sớm được triển khai cụ thể để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở và được phép xây dựng nhà cửa khang trang hơn”.

Không chỉ mong chờ quy hoạch được hiện thực hóa để ổn định nơi ăn chốn ở, nhiều người dân còn người dân còn đưa ra ý kiến nên kè bờ sông Hồng và làm đường dạo như ở Hồ Tây để tạo cảnh quan và tránh lấn chiếm lòng sông.

Quy hoạch phân khu hai bên sông Hồng: Người dân mong sớm được hiện thực hóa - 1
Nút giao lên cầu Chương Dương, quận Long Biên. Ảnh: Công Hùng

Ông Phạm Năng Cương, tổ dân phố 14, phường Chương Dương cho hay, đã từ 20 năm nay, sông Hồng hầu như không có nước dâng, chỉ có báo động lũ cấp độ 1. Trong khi đó, phần lớn diện tích đất bãi hiện chỉ để người dân tứ xứ đến trồng rau màu rất lãng phí. Do vậy mơ ước của người dân các phường ngoài đê nói riêng cũng như của người Hà Nội nói chung là bãi giữa được cải tạo cùng đó là kè bờ sông Hồng để tạo cảnh quan và làm khu vui chơi giải trí, nâng cao chất lượng cuộc sống.

"Hiện quận Hoàn Kiếm và TP Hà Nội đã đầu tư mở rộng đường Chương Dương Độ từ 10m lên đến gần 30m và kéo dài ra đến tận bờ sông Hồng. Do đó, người dân ngoài đê kiến nghị quận và TP tiếp tục cho kè khu vực bờ sông Hồng đoạn qua các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng và làm đường dạo để tạo cảnh quan, đồng thời chống được tình trạng lấn chiếm bờ vở sông Hồng phức tạp hiện nay” - ông Phạm Năng Cương bày tỏ. Chính vì tính cấp thiết liên quan đến cuộc sống của hàng nghìn hộ dân nên tại rất nhiều các cuộc tiếp xúc cử tri người dân đều kiến nghị các cơ quan chức năng và TP Hà Nội đẩy nhanh tiến độ quy hoạch sông Hồng.

Mới đây, tại cuộc tiếp xúc cử tri quận Tây Hồ của đại biểu HĐND TP, ông Lữ Phúc Sơn, Phó Bí thư Chi bộ 1, phường Quảng An cho biết, về quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, dư luận Nhân dân cơ bản đồng tình ủng hộ. Vì vậy, đề nghị TP chỉ đạo các sở, ngành và quận, huyện có liên quan sớm triển khai thực hiện xác định cơ sở pháp lý về sử dụng đất với khu vực dân cư hiện có để có thể cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở và cấp phép xây dựng.

Quy hoạch phân khu hai bên sông Hồng: Người dân mong sớm được hiện thực hóa - 3
Khu vực bãi giữa sông Hồng thuộc địa phận quận Hoàn Kiếm, nằm trong quy hoạch. Ảnh: Phạm Hùng

Khẩn trương xác nhận bản vẽ

Sau khi quy hoạch phân khu sông Hồng được phê duyệt, UBND TP Hà Nội đã giao Viện Quy hoạch xây dựng và Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội gửi bản vẽ quy hoạch 1/5.000 về các quận, huyện để rà soát kỹ ranh giới, diện tích quy hoạch từng khu vực theo đúng quyết định đã phê duyệt. Hiện Sở QH-KT Hà Nội và các cơ quan chuyên môn đang tích cực phối hợp với các quận, huyện để rà soát, xác nhận, sớm hoàn thiện hồ sơ bản vẽ Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng để bàn giao cho các quận, huyện.

Trên cơ sở đó, các địa phương mới có thể lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đối với những khu dân cư hiện có được tồn tại, bảo vệ; xác định cụ thể pháp lý về sử dụng đất đối với từng lô đất, làm cơ sở cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cấp giấy phép xây dựng theo quy định...

Quy hoạch phân khu hai bên sông Hồng: Người dân mong sớm được hiện thực hóa - 4
Nông dân huyện Mê Linh canh tác hoa trên cánh đồng bãi bồi sông Hồng. Ảnh: Công Hùng

Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Hoàn Kiếm Trương Minh Hải cho biết, ngoài công việc phối hợp sở, ngành chức năng để hoàn thành bản vẽ quy hoạch phân khu, quận Hoàn Kiếm cũng đã giao cho Phòng TN&MT quận lập bản vẽ xác định ranh giới khu vực dân cư được tồn tại, bảo vệ, trình các Sở TN&MT, NN&PTNT để xác định phù hợp với quy hoạch phòng, chống lũ sông Hồng.

Trong thời gian chờ được xác nhận hồ sơ bản vẽ, nhiệm vụ của chính quyền các địa phương là tiếp tục rà soát, giữ nguyên hiện trạng số dân cư hiện có, không để phát sinh về diện tích đất ở ngoài quy hoạch; cải tạo, chỉnh trang trong phạm vi cho phép.

Nhằm tháo gỡ khó khăn trong cấp phép xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ tại các khu dân cư hiện có trên bãi sông khác theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, Sở Xây dựng có văn bản đề nghị UBND quận, huyện, thị xã khẩn trương rà soát, thống kê, lập danh mục khu dân cư tập trung hiện có trên bãi sông.

Quy hoạch phân khu hai bên sông Hồng: Người dân mong sớm được hiện thực hóa - 5
Tour du lịch bằng du thuyền cao cấp trên sông Hồng. Ảnh: Tố Linh

Đồng thời, nêu rõ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình cấp phép xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ tại khu vực này (cấp phép xây dựng chính thức, cấp có thời hạn, không cấp phép xây dựng). Kiến nghị, đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong việc cấp phép xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ tại khu vực dân cư hiện có trên bãi sông thuộc địa bàn quản lý.Về vấn đề này, đại diện các quận, huyện cho biết đã có báo cáo gửi lên chờ Sở Xây dựng, Sở NN&PTNT có hướng dẫn chi tiết trong công tác cấp phép xây dựng tạm cho người dân tại vị trí ổn định ngoài đê.

Nhiều người dân đều đã biết đến thông tin quy hoạch sông Hồng được phê duyệt và công bố từ đầu năm nay, họ đang mong ngóng từng ngày quy hoạch đi vào cuộc sống để được đàng hoàng cải tạo, sửa sang lại nhà cửa. Lúc đó những căn nhà sập xệ, những khu dân cư lúp xúp ven sông sẽ được thay thế bằng những ngôi nhà, con đường khang trang hơn. Tuy nhiên, để hiện thực hóa quy hoạch là khối lượng công việc nặng nề, phức tạp nên cũng cần sự chia sẻ của người dân về thời gian thực hiện.

Theo Vũ Lê/Kinh tế đô thị

Tags quy hoạch phân khu hai bên sông Hồng cảnh quan đô thị

Các tin khác

Việc giảm thiểu rủi ro thiên tai đang được thế giới và các quốc gia quan tâm hàng đầu. Các mô hình giảm thiểu rủi ro thiên tai đã và đang được các quốc gia áp dụng một cách mạnh mẽ trong mọi lĩnh vực phát triển, đặc biệt là trong lĩnh vực quy hoạch đô thị.

Chiều 17/9, TP Hạ Long (Quảng Ninh) tổ chức hội nghị tổng kết Chiến dịch 7 ngày đêm khắc phục hậu quả bão số 3.

Đô thị hóa và sự gia tăng dân số đô thị khiến con người ngày càng mất dần mối liên hệ với thiên nhiên.

Chủ tịch TP Đà Nẵng yêu cầu các sở, ngành, UBND quận, huyện thường xuyên theo dõi tình hình mưa, bão để chủ động trong mọi tình huống; có kế hoạch, phương án xử lý thoát nước, chống ngập úng hiệu quả tránh tình trạng bị động gây thiệt hại về người và của.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục