Mới đây, Bộ Xây dựng có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tổ chức thẩm định Nhiệm vụ Quy hoạch chung (QHC) đô thị Thừa Thiên - Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Theo báo cáo, việc tổ chức thẩm định Nhiệm vụ tuân thủ theo các quy định của pháp luật chuyên ngành và pháp luật liên quan như Luật Quy hoạch đô thị, Nghị định số 37/2010/NĐ-CP, Nghị định số 72/2019/NĐ-CP, Thông tư số 12/2016/TT-BXD, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Quy hoạch xây dựng, Nghị quyết 54-NQ/TW, Nghị quyết số 38/2021/QH15, Nghị quyết số 83/NQ-CP, và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ trương lập QHC đô thị Thừa Thiên - Huế theo định hướng toàn tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Báo cáo của Bộ Xây dựng nêu, về cơ bản các ý kiến góp ý của các bộ, ngành đều đề nghị bổ sung các căn cứ pháp lý; các định hướng, chiến lược đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và các yêu cầu nghiên cứu cụ thể đối với từng lĩnh vực trong quá trình lập đồ án quy hoạch.
Việc lập quy hoạch xây dựng phải được căn cứ vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực trong cùng giai đoạn phát triển; quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, đặc biệt là quy hoạch sử dụng đất quốc gia; quy hoạch thời kỳ trước.
Cần rà soát đảm bảo sự thống nhất đồng bộ giữa nhiệm vụ QHC đô thị Thừa Thiên - Huế với Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên - Huế, trong đó QHC đô thị Thừa Thiên - Huế đang xây dựng theo hướng đô thị mới áp dụng tiêu chí đô thị loại I đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh tại Quyết định số 646/QĐ-TTg ngày 15/5/2020.
TP.Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Việc lập Quy hoạch cần xem xét, bổ sung đánh giá về hiện trạng sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai năm 2013, Thông tư số 27/2018/TT-BTNMT ngày 14/12/2018 của Bộ trưởng Bộ TN&MT quy định về thống kê, kiểm kê đất đai; hiện trạng hệ thống hạ tầng xã hội; thống nhất số liệu về hiện trạng rừng liên quan đến tổng diện tích đất lâm nghiệp của Tỉnh; các sản phẩm chính, lợi thế theo từng lĩnh vực; đánh giá hiện trạng bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, di sản, di tích, các công trình đầu mối hạ tầng kĩ thuật, hạ tầng xã hội; hiện trạng các thiết chế văn hóa; hiện trạng chiếu sáng đô thị; rà soát, xác định các khu vực cần đảm bảo an ninh; đánh giá hiện trạng và xác định yêu cầu đối với các công trình thủy lợi trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng…
Quy hoạch sử dụng đất đai trong QHC đô thị Thừa Thiên - Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 cần đảm bảo phù hợp Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025 và Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phân bổ chỉ tiêu Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quy hoạch phát triển các khu vực mới cần sử dụng đất hiệu quả, bền vững, quy hoạch lựa chọn vị trí, không gian phát triển cần hạn chế sử dụng vào đất trồng lúa; không sử dụng vào đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, đất rừng tự nhiên để bảo vệ an ninh lương thực, bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển bền vững theo quy định của pháp luật; bảo tồn các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam - thắng cảnh.
Bổ sung các quy hoạch về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thuộc lĩnh vực công nghiệp thương mại thuộc đối tượng quy hoạch tích hợp vào quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh vào căn cứ lập quy hoạch.
Bổ sung yêu cầu xác định động lực phát triển đô thị Thừa Thiên - Huế; yêu cầu định hướng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, hoạt động thương mại trong thời kỳ quy hoạch. Xác định nhu cầu phụ tải, xác định hoặc đề xuất điều chỉnh, bổ sung nguồn và vị trí cấp điện, bố trí quỹ đất cho các công trình điện và hành lang dây tải điện, thống nhất với định hướng cấp điện trong quy hoạch tỉnh, quy hoạch quốc gia.
Bổ sung nhiệm vụ rà soát, xác định các khu vực cần đảm bảo an ninh không cho phép tổ chức, cá nhân người nước ngoài sở hữu nhà ở, đưa vào quy hoạch để thống nhất quản lý; bổ sung nội dung nhiệm vụ rà soát, xác định quỹ đất trên địa bàn Thừa Thiên - Huế phục vụ đảm bảo quốc phòng, an ninh; tách riêng hiện trạng diện tích quốc phòng và an ninh. Phân tích, đánh giá bối cảnh và thực trạng hạ tầng phòng cháy chữa cháy trên địa bàn quy hoạch; định hướng phát triển hạ tầng phòng cháy chữa cháy trong thời kỳ quy hoạch.
Rà soát các nội dung định hướng về bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên; định hướng các khu vực không gian phát triển; tác động đến môi trường; bảo vệ, phát triển rừng ngập mặn, rừng ven biển. Bổ sung nhiệm vụ nghiên cứu các phương án kết nối nguồn nước, chuyển nước giữa các công trình thủy lợi, hồ chứa nước thủy lợi liên huyện, liên vùng; Phương án tiêu úng, phòng chống ngập úng, lụt; xác định diện tích dành không gian cho nước.
Tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ xây dựng Huế thành đô thị di sản-thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và mở rộng đô thị Huế gấp 5 lần TP. Huế hiện hữu.
UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ với Cục Hàng không Việt Nam để cập nhật các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, định hướng ưu tiên phát triển và định hướng sắp xếp phân bổ chuyên ngành hàng không trên địa bàn vùng, bảo đảm việc xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ với các hạ tầng kỹ thuật khác. Bổ sung nhiệm vụ về nghiên cứu kết kết nối các đô thị trung tâm và đô thị vệ tinh; phân tích, đánh giá tác động giữa quy hoạch đô thị với các quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng và quy hoạch cấp quốc gia. Bổ sung nội dung về quy hoạch hệ thống giao thông tĩnh để đáp ứng nhu cầu sử dụng trên địa bàn; đề xuất phương án quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông mang tính đột phá cho quy hoạch chung thành phố. Nghiên cứu, cập nhật dự án tiền khả thi đường sắt tốc độ cao vào đồ án quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên - Huế cho phù hợp…
Sau khi UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế tiếp thu, giải trình, ngày 22/7/2022, Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị thẩm định Nhiệm vụ quy hoạch. Các thành viên Hội đồng thẩm định cơ bản thống nhất đồng ý trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch (12/13 phiếu đồng ý trình Thủ tướng Chính phủ sau khi chỉnh sửa, hoàn thiện một số nội dung về căn cứ pháp lý để lập Nhiệm vụ quy hoạch, thể hiện rõ nội dung này trong quan điểm, mục tiêu kết nối quốc tế, đặc biệt là kết nối Đông - Tây, có vai trò cửa ngõ với nước bạn Lào, chú trọng các yêu cầu nghiên cứu về yếu tố đặc thù trong tổ chức không gian, làm rõ về các vấn đề kết nối vùng quốc gia, vùng quốc tế…
Theo ý kiến đánh giá của Bộ Xây dựng, Hồ sơ trình phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch gửi kèm Tờ trình số 8943/TTr-UBND ngày 23/8/2022 của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế có thành phần và nội dung phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành, đủ điều kiện trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Thừa Thiên - Huế nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, là cửa ngõ của tuyến hành lang thương mại xuyên Á Đông - Tây, kết nối Myanmar, Lào, Thái Lan, Việt Nam. Vị trí địa lý mang lại cho Thừa Thiên - Huế nhiều lợi thế, nhất là khi sự thông thương giữa các nước tiểu vùng Mekong mở rộng ngày càng trở nên năng động hơn.
------------------------------------------
Thừa Thiên - Huế càng lợi thế hơn nữa khi nằm trên trục giao thông Bắc - Nam, có cảng biển nước sâu Chân Mây, cảng Thuận An, sân bay Phú Bài, Quốc lộ 1A, trục cao tốc Bắc - Nam, tuyến đường sắt xuyên Việt, kề cận đường hàng hải nội địa và quốc tế, bờ biển dài… Đây là những điều kiện thuận lợi để địa phương phát triển kinh tế, mở rộng giao lưu với các địa phương trong và ngoài nước.
Đặc biệt, Thừa Thiên - Huế cùng với hệ thống di sản khu vực miền Trung, ASEAN và Đông Á hình thành nên những tuyến văn hóa du lịch xuyên quốc gia.
Hành lang ven biển miền Trung kết nối các hoạt động kinh tế và du lịch các đô thị chính của Thừa Thiên - Huế với các đô thị khác dọc ven biển miền Trung và cả nước, tạo đà để Thừa Thiên - Huế phát triển trở thành trung tâm văn hóa, du lịch lớn trên các trục văn hóa Đông - Tây, Bắc - Nam và khu vực Đông Nam Á.
Hạ Vân