Phân tích, dự báo các điều kiện đặc thù
Bộ Xây dựng vừa góp ý Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch). Theo Bộ Xây dựng, Quy hoạch cần làm rõ sự phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, rà soát, bổ sung các căn cứ pháp lý liên quan đến quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị, phân loại đô thị, tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính, quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam, phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), tăng trưởng xanh, phát triển đô thị thông minh bền vững...
Bộ Xây dựng đề nghị bổ sung, làm rõ một số nội dung về điều kiện phát triển đặc thù, thực trạng phát triển, phân bổ không gian đô thị và nông thôn, phương án phát triển hệ thống đô thị, phương án quy hoạch và phát triển nông thôn, phương án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện…
Trong đó, cần có các phân tích, đánh giá, dự báo về các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù của tỉnh. Không chỉ liệt kê các yếu tố về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, xã hội và tài nguyên môi trường trong thuyết minh Quy hoạch; cần bổ sung nội dung phân tích, đánh giá thuận lợi, khó khăn của các yếu tố có tác động tới vai trò, vị thế của tỉnh trong tương quan so sánh với các tỉnh lân cận, vùng Đồng bằng sông Hồng và quốc gia.
Làm rõ dự báo tác động của các chiến lược quốc gia, các quy hoạch ngành quốc gia có liên quan đến thời kỳ Quy hoạch tỉnh; phân tích liên kết, hợp tác với các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Hồng, TP Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác trong cả nước.
Phân tích, đánh giá cụ thể việc thực hiện các quy hoạch đô thị, quy hoạch khu chức năng, quy hoạch xây dựng nông thôn, quy hoạch khu kinh tế Thái Bình để làm cơ sở tìm ra động lực, tiềm năng cho quy hoạch tỉnh.
Bổ sung nội dung phân tích, đánh giá, dự báo về các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù ngành Xây dựng tỉnh, lực lượng lao động sản xuất; vật liệu xây dựng; thế mạnh và tồn tại.
Phân tích, đánh giá điểm mạnh, điểm yếu từng ngành để phát huy khắc phục. Xác định những tồn tại, hạn chế cần giải quyết, phân tích, đánh giá điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức.
Quan điểm phát triển Quy hoạch tỉnh cần có luận cứ khoa học mang tính khả thi, tránh lập luận chung chung. Dự báo chiến lược trong quy hoạch tỉnh cần tập trung giải quyết các vấn đề trọng tâm, mang tính chiến lược đối với sự phát triển dài hạn thông qua lựa chọn các bước đi và định hướng ưu tiên phát triển của tỉnh trong vùng theo từng giai đoạn phù hợp với khả năng huy động nguồn lực.
Việc dự báo kịch bản từ tiềm năng, lợi thế bao gồm cả lợi thế so sánh và lợi thế cạnh tranh, phải được phân tích, đánh giá trên cơ sở phát huy các thế mạnh, đặc điểm riêng của tỉnh với các tỉnh khác trong vùng về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, trình độ ứng dụng khoa học - công nghệ, bản sắc văn hóa. Kết hợp giữa các tiềm năng, lợi thế của quốc gia, vùng với điều kiện của các địa phương trong vùng, qua đó huy động hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội Thái Bình.
Nghiên cứu giải pháp phát triển đô thị ứng phó với BĐKH
Về thực trạng phát triển và phân bổ không gian đô thị và nông thôn, Bộ Xây dựng đề nghị bổ sung đánh giá hiện trạng hệ thống đô thị, phát triển đô thị thông minh, bền vững, tăng trưởng xanh, ứng phó với BĐKH, bổ sung phân tích đánh giá tình hình phân loại đô thị theo Chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2012-2020. Đánh giá theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Bình đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Thái Bình đến năm 2025 tầm nhìn 2050, các chương trình phát triển đô thị do UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt làm cơ sở định hướng phát triển hệ thống đô thị. Rà soát, đảm bảo sự thống nhất thực trạng, tỷ lệ đô thị hóa.
Về dự báo tỷ lệ đô thị hóa, Quy hoạch tỉnh đặt mục tiêu đô thị hóa toàn tỉnh ở mức cao, cần rà soát để đảm bảo tính khả thi của mục tiêu phát triển đô thị, tính thống nhất số liệu.
Báo cáo quy hoạch tỉnh đã định hướng phát triển đô thị có nhiều nội dung khác so với Kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021-2030 đã được phê duyệt theo Quyết định 241/QĐ-TTg ngày 24/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ như việc mở rộng không gian thành phố Thái Bình; mở rộng không gian thị trấn Tiền Hải; phát triển huyện Thái Thụy thành thị xã, đô thị loại III... Đề nghị rà soát lại những định hướng này.
Bên cạnh đó, việc nhiều huyện được định hướng hoặc có tầm nhìn mở rộng phạm vi đô thị ra toàn huyện và trở thành thị xã, đô thị loại III, như huyện Thái Thụy giai đoạn đến 2030, huyện Hưng Hà, huyện Quỳnh Phụ tầm nhìn đến năm 2050. Đề nghị nghiên cứu kỹ, đảm bảo việc mở rộng, phát triển đô thị phù hợp với khả năng đầu tư, thu hút được dân cư, đáp ứng các tiêu chuẩn, tiêu chí về chất lượng đô thị tương ứng với phân loại đô thị và tiêu chuẩn của đơn vị hành chính là thị xã theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh dự báo tỷ lệ đô thị hóa, cần thiết dự báo số lượng tăng thêm về diện tích đô thị, diện tích đất xây dựng đô thị, dự kiến việc hình thành các khu vực phát triển đô thị mới, các dự án tiềm năng về đầu tư phát triển đô thị, phát triển nhà ở, đảm bảo đáp ứng nhu cầu thực tế của dân cư đô thị về nhà ở, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật trong quá trình đô thị hóa.
Bộ Xây dựng đánh giá, Thái Bình là tỉnh đồng bằng ven biển, hệ thống sông ngòi dày đặc và không có núi, do đó cần nghiên cứu kỹ các giải pháp phát triển đô thị ứng phó với BĐKH, đặc biệt là nước biển dâng, đảm bảo phát triển đô thị bền vững, trở thành động lực quan trọng của tỉnh cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững theo đúng tinh thần chỉ đạo nêu tại Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…
Theo Tạp chí Xây dựng