Cuộc sống nhiều hộ dân tại khu vực thi công ga ngầm đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội bị đảo lộn, có hộ phải thuê nhà nơi khác để ở. Ảnh: QUỐC KHÁNH
Buôn không được, bán chẳng xong
Dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội có chiều dài 12,5km, gồm 8,5km đi trên cao và 4km đi ngầm (đoạn Kim Mã - Ga Hà Nội, với 4 ga ngầm). Để triển khai dự án, từ tháng 6-2019, chủ đầu tư và đơn vị thi công đã rào chắn nhiều đoạn phố, gồm: Kim Mã, Núi Trúc, Cát Linh, Quốc Tử Giám và Trần Hưng Đạo (đoạn phía trước Ga Hà Nội). Theo kế hoạch, việc rào chắn để thi công sẽ kéo dài 15 tháng, nhưng đã hơn 3 năm, khu vực bị rào chắn để phục vụ thi công tuyến đi ngầm và ga ngầm vẫn ngổn ngang.
Ghi nhận tại khu vực phố Kim Mã (đoạn từ ngõ 499 tới số nhà 397 dài khoảng 200m) bị rào chắn lại chỉ còn rộng hơn 2m, đủ để xe máy lưu thông; nhiều chỗ bị sụt lún, nứt vỡ do tác động của thi công ga ngầm, khiến không ít vụ tai nạn xảy ra. "Mấy năm nay, dù có cửa hàng nhưng đâu có khách thuê; mở hàng buôn bán cũng chẳng xong vì rào chắn, đi lại chật hẹp. Người dân đoạn phố này chỉ mong thành phố có biện pháp sớm dỡ bỏ rào chắn để bớt chật vật trong kinh doanh, buôn bán”, bà Nguyễn Thị Thành (63 tuổi, ở 441 Kim Mã) chia sẻ…
Còn tại khu vực phố Cát Linh (từ số nhà 27 tới 45), rào chắn thi công ga ngầm đã tạo ra con đường ngoắt ngoéo rộng chưa đầy 2m với hai bên quây tôn, khiến việc đi lại rất khó khăn. Người đi bộ muốn qua khu vực này chỉ còn cách nép sát vào một bên đường, và phải chịu khó quan sát để đề phòng tai nạn. Đặc biệt, đoạn rào ở đây đã chắn toàn bộ khu vực cổng Trường THCS Cát Linh nên hàng ngày, học sinh và giáo viên tới trường phải đi vào con đường rất chật hẹp với 2-3 khúc cua vuông góc và có thể đối mặt với rủi ro nếu có xe máy đi ngược lại.
Trong khi đó, tại phố Trần Hưng Đạo (đoạn trước Ga Hà Nội, từ số nhà 94 tới 112) cũng bị rào chắn để phục vụ thi công, khiến đoạn phố dài hơn 100m bị thu hẹp chỉ đủ cho 2 xe máy tránh nhau. Còn phía bên kia dãy số nhà lẻ vẫn còn một làn đường cho ô tô và xe máy di chuyển, nhưng rất nhỏ nên thường bị ùn tắc. Ông Lê Kiên Tú, chủ một cửa hàng ăn uống trên phố Trần Hưng Đạo, cho biết, hơn 3 năm qua, nơi này trở nên đìu hiu, nhiều cửa hàng phải đóng cửa, một số doanh nghiệp, ngân hàng cũng chuyển trụ sở đi nơi khác.
Vướng giải phóng mặt bằng
Theo Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội, tiến độ dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội đến nay đạt khoảng 75%, trong đó đoạn trên cao đạt 95,1%, đoạn ngầm đạt 33%. Không chỉ chậm tiến độ, dự án còn đội vốn thêm 4.905 tỷ đồng, nâng tổng mức đầu tư dự án lên 34.532 tỷ đồng. Kế hoạch đoạn đi ngầm của dự án sẽ hoàn thành vào cuối năm 2022, nhưng hiện nay đã phải xin kéo dài tới năm 2025 và phải tới năm 2027 mới vận hành được toàn tuyến. Quá trình thực hiện dự án gặp nhiều vấn đề pháp lý phát sinh chưa từng có tiền lệ và chưa có quy định cụ thể để giải quyết, là một trong những nguyên nhân dẫn đến chậm tiến độ kéo dài, trong đó giải phóng mặt bằng là nan giải nhất.
Giám đốc Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội Nguyễn Cao Minh cho biết, dự án có tổng số 4 ga ngầm, thuộc địa bàn các quận Ba Đình (S9), Đống Đa (S10 và S11) và Hoàn Kiếm (S12). Đến nay, việc giải phóng mặt bằng thi công 4 ga ngầm đã cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên, qua quan trắc, khảo sát hiện trạng, có 50 hộ dân thuộc địa bàn 2 quận Ba Đình và Đống Đa bị ảnh hưởng khi thi công tuyến đường hầm của dự án, trong đó có 43 hộ phải tạm cư trong vòng 1 tháng và 7 hộ phải phá dỡ trước khi tiến hành khoan ngầm.
Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội đã phối hợp xây dựng và báo cáo UBND TP Hà Nội về khung chính sách hỗ trợ kinh phí chưa từng có tiền lệ, làm căn cứ thỏa thuận sử dụng đất trong thời gian thi công tuyến hầm. Theo đó, kinh phí bồi thường, hỗ trợ đối với 6 hộ phải phá dỡ khoảng 21 tỷ đồng; kinh phí hỗ trợ 43 hộ phải tạm cư trong vòng 1 tháng khoảng 4 tỷ đồng. Số kinh phí này sẽ sớm được chi trả và hoàn thành trong tháng 10.
Sau khi kiểm tra thị sát dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội vào đầu tháng 8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc làm với UBND TP Hà Nội và các bộ, ngành chức năng. Tại cuộc làm việc, Thủ tướng yêu cầu tiến độ trên cao của dự án phải hoàn thành trước ngày 31-12; về tuyến ngầm, nghiên cứu biện pháp thi công, rút ngắn một nửa thời gian hoàn thành so với đề xuất năm 2027.
Theo sggp.org.vn