Đối với Hà Nội, việc quản lý và phát triển các không gian xanh còn là cơ hội để xây dựng mô hình đô thị phát triển bền vững và giữ gìn bản sắc, đạt được mục tiêu xây dựng Thủ đô xanh – văn hiến – văn minh – hiện đại đã được đề ra.
Quản lý, quy hoạch còn nhiều khoảng trống
Hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa đô thị của Hà Nội được hình thành và phát triển bắt đầu từ thời Pháp thuộc, chủ yếu là các vườn hoa ở khu vực quận Hoàn Kiếm và Ba Đình, lớn nhất thời đó là vườn Bách Thảo (nay là Công viên Bách Thảo). Người Pháp cũng tận dụng hài hòa những khoảng trống giữa các giao lộ và biến chúng thành một không gian xanh là vườn hoa như vườn hoa Con Cóc (nay là vườn hoa Diên Hồng), vườn hoa Cổ Tân, vườn hoa Tôn Đản...
Những năm 60 của thế kỷ XX, hai công viên đầu tiên được xây dựng trên nền bãi rác cũ là Công viên Thống Nhất và Công viên Thủ Lệ. Các công trình này không chỉ tạo thêm không gian xanh nghỉ ngơi, vui chơi, thắng cảnh cho người dân Thủ đô cho tới tận ngày nay mà còn là những lá phổi khổng lồ tạo ra môi trường vi khí hậu trong lành cho đô thị.
Trong những năm cuối thế kỷ XX, việc thiếu kiểm soát trong quản lý đô thị và đặc biệt sự gia tăng dân số cơ học đã tạo nhiều áp lực nặng nề, nhất là về nhà ở, khiến cho những vườn hoa cây xanh, dải cây xanh đường phố, không gian xanh của các khu nhà, cũng như hệ thống mặt nước không những không phát triển mà còn bị thu hẹp, chiếm dụng cho các mục đích khác và bị ô nhiễm.
Mặc dù trong khoảng chục năm trở lại đây TP đã xây dựng mới một số công viên, vườn hoa tiêu biểu như Công viên Hòa Bình, vườn hoa 1 - 6, các vườn hoa, vườn dạo trong các khu đô thị mới… tuy nhiên, tỷ lệ đất cây xanh, công viên so với quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện vẫn đạt rất thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu.
Hà Nội là TP có số lượng ao hồ nhiều, diện tích lớn so với các đô thị trong cả nước. Trên địa bàn 12 quận có khoảng hơn 110 hồ với tổng diện tích sấp xỉ 1.200ha, hầu hết đã được cải tạo hoàn chỉnh. Ngoài một số hồ nước đã thực hiện thành công vai trò của như những không gian công cộng, không gian mặt nước, cây xanh, cảnh quan sinh thái như hồ Tây, Hồ Gươm..., các con sông và hồ ao ngoại thành hoàn toàn chưa đóng góp được gì nhiều cho việc tạo dựng không gian xanh đô thị. Các con sông trong nội thành đều bị ô nhiễm nên giá trị cải thiện vi khí hậu hầu như không có, nhiều ao, hồ bị lấp, lấn chiếm làm giảm đáng kể diện tích mặt nước, gây ra hiện tượng ngập úng vào mùa mưa.
Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, KTS Trần Ngọc Chính đánh giá, công tác quản lý, quy hoạch, xây dựng cây xanh, mặt nước của Hà Nội còn có một số vấn đề chưa được giải quyết. Vẫn còn việc chồng chéo trong quản lý cũng như việc thiếu kiểm soát các chỉ tiêu diện tích đất cây xanh, mật độ xây dựng và mật độ không gian xanh theo quy chuẩn quốc gia về quy hoạch trong nhiều dự án đầu tư xây dựng công trình.
Công viên Hòa Bình, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Đồng bộ các giải pháp
Để duy trì, phát triển hệ thống công viên, cây xanh, mặt nước của TP một cách bền vững, đáp ứng mục tiêu quy hoạch và tạo bản sắc đô thị, các chuyên gia đô thị đều cho rằng Hà Nội cần tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp.
Trong đó, đối với giải pháp về kỹ thuật, KTS Trần Duy - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển và hợp tác quốc tế (Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội) cho rằng, khu vực nội đô lịch sử, do hạn chế về quỹ đất, không có nhiều điều kiện tăng thêm số lượng nên giữ số lượng và đảm bảo quy mô diện tích các công viên, vườn hoa hiện có, tránh bê tông hóa, đồng thời tập trung đầu tư chiều sâu để tăng tính hấp dẫn đối với người dân.
Mặt khác, cần làm rõ lộ trình di dời các cơ sở công nghiệp, bệnh viện, trường đại học trong nội thành theo định hướng của Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, để dành quỹ đất sau khi di dời cho không gian xanh. Đồng thời, đẩy mạnh các dự án xây dựng lại chung cư cũ, nhằm giải quyết vấn đề về nhà ở, đồng thời có thêm quỹ đất cho cây xanh. Kiểm soát các dự án đầu tư xây dựng để đảm bảo diện tích trồng cây tối thiểu đạt khoảng 20% diện tích đất.
Bên cạnh đó cần bảo tồn, chăm sóc các tuyến cây xanh đường phố lâu năm sẵn có, tạo dấu ấn đặc trưng cho từng tuyến phố (Nguyễn Du, Lò Đúc...). Tăng cường mạng lưới cây xanh trên các tuyến đường mới mở, phủ xanh các tuyến đường trên cao, đường sắt đô thị bằng các giải pháp phù hợp (cây leo, chậu cây)…
Còn tại khu vực phát triển mới (khu vực nội đô mở rộng, phía Đông Vành đai 4 và phía Bắc sông Hồng), cần kêu gọi đầu tư tăng số lượng công viên, vườn hoa, đảm bảo diện tích các loại công viên theo tiêu chuẩn và tăng cường loại hình công viên chuyên đề.
Đối với mặt nước đô thị cần được quy hoạch đồng bộ, gắn với cây xanh thành một nhất thể để tăng cường hiệu quả phục vụ đô thị. Quản lý quỹ đất dọc sông để tăng cường cây xanh hai bên sông. Chú trọng giải pháp tự nhiên để tránh sụt lở đất và làm sạch nước, áp dụng các biện pháp kỹ thuật để tạo dáng vẻ tự nhiên cho đường kè, như dùng gạch block có lỗ kết hợp trồng cỏ để hạn chế ảnh hưởng đến khả năng tự thấm hút của bờ sông, bờ hồ.
Ở tầm bao quát, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, KTS Trần Ngọc Chính nêu, các giải pháp bảo vệ, phục hồi và phát triển hệ thống cây xanh, mặt nước TP Hà Nội có thể đến từ việc cần phải hoàn chỉnh hệ thống văn bản pháp luật về quản lý hồ và cây xanh; xây dựng luật về cây xanh đô thị; hạn chế những yếu kém quản lý cây xanh đô thị bằng cách đánh giá lại công tác quy hoạch cây xanh trong đô thị.
"Quy hoạch không gian xanh phải được xem là một thành phần không thể thiếu trong quy hoạch hạ tầng kỹ thuật đô thị. Các giải pháp quy hoạch không gian xanh cần được xem xét kỹ hơn về các yếu tố thiên nhiên và làm rõ vai trò điểm nhấn để tạo bản sắc trong đô thị. Đặc biệt, công tác quy hoạch, bảo vệ và bảo tồn cây xanh, mặt nước cần có sự tham gia của cộng đồng. Vì đây là một hoạt động bảo vệ môi trường đô thị, cần phải xã hội hóa nhằm huy động mọi nguồn lực” - KTS Trần Ngọc Chính nêu.
------------------
Cây xanh và mặt nước tại Hà Nội luôn gắn với hạ tầng văn hóa của Hà Nội, tạo nên những đặc trưng riêng biệt, đó là những khác biệt trong phát triển. Việc quy hoạch không gian cây xanh và mặt nước Hà Nội cần phải tính toán, lựa chọn phương án gắn với việc phát triển hạ tầng văn hóa của Thủ đô để tạo nên một giá trị văn hóa thực sự bền vững.
GS.TS Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT
------------------
"Đô thị xanh đang trở thành một xu hướng phát triển của các đô thị bởi con người luôn hướng tới một không gian sống thoáng đãng, trong lành, gần gũi với thiên nhiên. Quy hoạch đô thị Hà Nội cần phải đặt yếu tố "xanh” lên hàng đầu.
Không gian xanh đô thị không chỉ có cây xanh đường phố, công viên, mặt nước mà cần phải có cái nhìn toàn diện hơn bao gồm các hành lang xanh, vành đai xanh, nêm xanh, đô thị sinh thái, công viên sinh thái, khu sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, vùng trồng hoa, vùng bảo tồn cây xanh, trục xanh cảnh quan".
PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến - Nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng
Theo kinhtedothi.vn