Hội thảo có sự tham dự của đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam cùng 30 chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản và 50 cơ quan báo chí, truyền hình.
Quang cảnh Hội thảo: Phát triển bền vững đô thị biển Việt Nam thời kỳ mới
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Nhà báo Phạm Nguyễn Toan - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam cho biết: "Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Đảng xác định mục tiêu đến năm 2030, kinh tế thuần biển đóng góp khoảng 10% GDP cả nước; kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển chiếm 65 - 70% GDP cả nước; thu nhập bình quân đầu người của các tỉnh, thành phố ven biển gấp từ 1,2 lần bình quân cả nước… Đến năm 2045, Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn; kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế đất nước…
Ngày 24/01/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW về "Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", tạo động lực phát triển đô thị, thúc đẩy phát triển KT-XH nhanh, bền vững.
Với bờ biển trải dài hơn 3.260km từ Bắc vào Nam, Việt Nam có lợi thế và tiềm năng to lớn để phát triển các đô thị biển đảo đặc sắc, là trụ cột và động lực để phát triển kinh tế biển…
Nhà báo Phạm Nguyễn Toan - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam phát biểu đề dẫn Hội thảo
Tuy nhiên, nhìn tổng thể, đến nay, Việt Nam vẫn đang vắng bóng những đô thị biển đúng nghĩa, có thể phát huy, khai thác tối đa những giá trị, lợi thế mà sông nước, biển cả mang lại. Thay vào đó, đô thị hướng biển ở nước ta đang đối mặt với rất nhiều thách thức cản trở quá trình phát triển bền vững, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu gia tăng. Tất cả đang đòi hỏi cần những nghiên cứu nghiêm túc tầm quốc gia và quốc tế để có những tầm nhìn chiến lược và chính sách phát triển phù hợp…
Trên cơ sở đó, được sự chỉ đạo và bảo trợ của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam và Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo: Phát triển bền vững đô thị biển Việt Nam thời kỳ mới”.
Ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, về công tác phát triển đô thị, tỉnh Quảng Nam đã quan tâm và xác định rất sớm từ ngày chia tách tỉnh. Trong giai đoạn 2010 - 2015, Tỉnh ủy đã có Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 17/05/2011 của Tỉnh ủy Quảng Nam về phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh. Đến thời điểm hiện tại, phát triển đô thị của tỉnh Quảng Nam cũng ghi nhận một số kết quả, thành tựu. Tuy nhiên, kết quả trên vẫn chưa thực sự đáp ứng như kỳ vọng.
Ngày 24/1/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…
Ngày 25/7/2022, UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp với Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học "Quy hoạch xây dựng đô thị ven biển ven sông tỉnh Quảng Nam theo hướng sinh thái và bền vững” nhằm tiếp tục tranh thủ các ý kiến, nhận định của các chuyên gia đóng góp cho tỉnh Quảng Nam những ý tưởng, giải pháp nhằm hoàn thành các mục tiêu phát triển đô thị theo các mục tiêu phát triển bền vững tại Nghị Quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Và hôm nay, tại tỉnh Quảng Nam, hội thảo chủ đề "Phát triển bền vững đô thị biển Việt Nam thời kỳ mới” được tổ chức bởi Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam và Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam, chúng tôi hy vọng được ghi nhận lại nhiều kết quả tốt đẹp; giúp chúng tôi làm rõ hơn một số vấn đề mang tính cốt lõi, chiến lược trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, gồm:
Thứ nhất, mô hình nào cho hệ thống đô thị ven sông, ven biển? Đó là duy trì mô hình phát triển đô thị theo điểm, gắn với các cực hay chuyển sang mô hình chuỗi, thúc đẩy sự lan dần tạo thành các mảng đô thị lớn.
Thứ hai là sử dụng hiệu quả tài nguyên. Chúng tôi có đất, có biển, có sông và quan trọng là chúng tôi thu hút được sự quan tâm của rất nhiều nhà đầu tư lớn. Vấn đề chúng tôi quan tâm đó là phương án nào để sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đó; vừa đáp ứng cho mục tiêu trước mắt nhưng đồng thời vẫn đảm bảo nguồn dự trữ cho những mục tiêu lâu dài.
Thứ ba là những bài học, một số cảnh báo và giải pháp lớn nhằm ứng phó với các nguy cơ môi trường trong quá trình đô thị hóa; đặc biệt đối với khu vực nhạy cảm sông – biển; vừa thích nghi với khí hậu vừa phải tạo nét đặc sắc riêng đối với đô thị vùng sông, vùng biển.
Thứ tư, kinh tế đô thị, công ăn việc làm và an sinh xã hội; để đưa các đô thị thực sự trở thành nơi đáng sống, tạo được nguồn thu lớn; khẳng định vai trò là động lực phát triển kinh tế, là hạt nhân thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động.
Đô thị biển Hội An (Quảng Nam)
Tại Hội thảo, dưới sự điều phối của TS. Võ Trí Thành- Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, các đại biểu, chuyên gia sẽ trình bày tham luận về: Thực trạng, tiềm năng và định hướng phát triển bền vững đô thị biển Việt Nam; Phát triển đô thị ven biển xanh và bền vững: Giải pháp từ quy hoạch; Phát triển kinh tế đô thị biển và hạ tầng đô thị biển Việt Nam; Xây dựng trung tâm tài chính đô thị biển; Phát triển thị trường bất động sản gắn với đô thị biển Việt Nam; Đô thị biển: Tầm nhìn định hướng cho tương lai…
Cùng với đó là phiên tọa đàm với các vấn đề: Quy hoạch đô thị biển Việt Nam: Tầm nhìn và cơ hội; Phát triển thị trường bất động sản tại các đô thị biển Việt Nam thời kỳ mới.
Theo Báo TN&MT