Quản lý xây dựng hạ tầng kỹ thuật hướng tới đô thị xanh, thông minh TP Bắc Giang

  • Cập nhật: Thứ năm, 1/10/2020 | 9:07:25 AM

QLMT - Phát triển đô thị xanh - thông minh hướng tới xây dựng một đô thị an toàn và bền vững đang là xu hướng chung và trở thành mối quan tâm đặc biệt của nhiều quốc gia, vì những lợi ích thiết thực trong quản trị đô thị và nâng cao chất lượng đô thị, chất lượng sống của người dân đặc biệt trong bối cảnh của cuộc Cách mạng 4.0 và tác động của biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt và khó dự báo trước.

Bắc Giang là tỉnh thuộc vùng Thủ đô Hà Nội, ở điều kiện thuận lợi là hạ tầng kỹ thuật và xã hội của vùng đang được tập trung xây dựng đồng bộ và hiện đại. Trong vùng, Bắc Giang được xem là cửa ngõ xuất nhập khẩu, trung tâm tiếp vận - trung chuyển hàng hóa của Vùng Thủ đô Hà Nội với cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn). Sức cạnh tranh của Bắc Giang đang được củng cố đáng kể thông qua hệ thống đường giao thông kết nối với Trung Quốc qua cửa khẩu Hữu Nghị. Bắc Giang nằm dọc trên tuyến đường vành đai, cao tốc liên tỉnh, đó là hành lang cao tốc quốc lộ 1A (qua Hà Nội - Bắc Ninh  Bắc Giang - Lạng Sơn), thuộc trục không gian công nghiệp - đô thị theo hành lang kinh tế Hà Nội - Bắc Giang-Lạng Sơn, đây cũng là 1 trong 6 hành lang vận tải chính của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Bắc Giang nằm trong vùng kinh tế năng động, các địa phương lân cận đã có thành công trong thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia lớn trên thế giới. 

Thành phố Bắc Giang là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội của tỉnh Bắc Giang. TP Bắc Giang có tốc độ tăng trưởng cao, tốc độ đô thị hóa ngày một tăng lên, không gian đô thị được mở rộng. TP hiện nay có 16 đơn vị hành chính bao gồm 10 phường và 6 xã. Từ khi thành lập TP đến nay, hạ tầng kinh tế - xã hội của TP ngày càng được quan tâm đầu tư xây dựng, đã và đang góp phần đáp ứng nhu cầu phát triển của đô thị và đời sống của nhân dân.

thành phố Bắc Giang
Hình 1: TP. Bắc Giang trong vùng tỉnh Bắc Giang

I. Khái quát thực trạng xây dựng và phát triển hạ tầng kỹ thuật

1. Giao thông: Thành phố Bắc Giang có 3 loại hình giao thông bao gồm: Đường bộ, đường sắt và đường sông. Đường bộ: Gồm các trục quốc lộ đóng vai trò là các tuyến xương sống của thành phố. Đường sắt đóng vai trò liên kết quan trọng giữa thủ đô Hà Nội với tỉnh biên giới phía bắc Lạng Sơn. Sông Thương là tuyến vận tải đường thủy quan trọng kết nối thành phố với các trung tâm công nghiệp, du lịch, dịch vụ như Phả lại, Côn Sơn-Kiếp Bạc, Yên tử và Hải Phòng. 

Giao thông đô thị: Mạng lưới đường đô thị phân bố khá hợp lý, mật độ đường chính cao, nhiều trục chính khang trang, từng bước hiện đại với hè phố rộng, cây xanh, chiếu sáng đầy đủ; Thành phố hiện tại có 08 bãi đỗ xe tập trung với tổng diện tích khoảng 3,22ha, đáp ứng được khoảng 14 % nhu cầu sử dụng hiện tại. Giao thông công cộng đã thu hút được nhiều thành phần kinh tế tham gia; phương thức vận tải ngày một phong phú và đa dạng, chất lượng được nâng cao. 
  thành phố Bắc Giang
Hình 2: Đường phố TP. Bắc Giang

Giao thông nông thôn: 80% km trục chính của các xã, đường liên xã, liên thôn được nhựa hoặc bê tông hóa. Tỷ lệ đường trục thôn, xóm được cứng hóa đạt 87% .

Tuy nhiên: Công tác quản lý lòng đường, hè phố đô thị còn nhiều hạn chế: Tình trạng đào bới thi công các tuyến cống, hào, cáp chưa được quản lý một cách chặt chẽ; Việc lấn chiếm lòng đường vỉa hè vẫn diễn ra thường xuyên; một số tuyến đường, hè phố làm mới đã có dấu hiệu xuống cấp, sụp lún, lồi lõm. 

2. Cấp nước đô thị và khu vực nông thôn: Nguồn nước mặt sông Thương là nguồn nước thô cung cấp cho nhà máy xử lý nước có công suất 35.000m3/ngđ, ngoài ra TP được bổ sung khoảng 29.500m3/ngđ từ nhà máy nước tại Hồ Cấm Sơn. Mức tiêu thụ nước bình quân tại đô thị khoảng 125l/ng/ngày; tỷ lệ dân cư đô thị được cấp nước sạch đạt 100%; 

Tỷ lệ dân cư nông thôn được cấp nước sạch đạt 80% (Tuy nhiên theo báo cáo cho đến nay cũng vẫn còn một số xã trong TP chưa có nước sạch được cung cấp từ hệ thống cấp nước tập trung như Đồng Sơn, Tân Tiến, Song Khê, Dĩnh Trì).
 
thành phố Bắc Giang
Hình 3: Sông Thương - Nguồn cung cấp nước thô cho Nhà máy nước Bắc Giang

3. Thoát nước, xử lý nước thải và chống ngập úng đô thị: Hệ thống thoát nước của thành phố chủ yếu vẫn là hệ thống chung ( cũng có một số khu vực thoát nước nửa riêng, thoát nước riêng hoàn toàn..) với chiều dài khoảng 60km. TP hiện có 1 nhà máy xử lý nước thải với công xuất 10.000m3/ngày/đêm và 10 trạm bơm tiêu thoát nước đô thị kết hợp tiêu nước nông nghiệp có tổng công suất trên 300.000m3/h. 

Tuy nhiên: Hệ thống tiêu thoát nước mưa vẫn còn nhiều hạn chế, trong đô thị ít hồ điều hòa, việc đầu tư chưa đồng bộ giữa đường ống thoát nước, hồ điều hoà và công suất trạm bơm nhỏ, lạc hậu, dẫn đến tình trạng ngập úng cục bộ tại TP Bắc Giang vẫn diễn ra thường xuyên ( VD một số tuyến phố Ngô Văn Cảnh, Nguyễn Đình Tuân, Nguyễn Cao, Hoàng Văn Thụ….hoặc khu vực xung quanh quảng trường 3/2…). Vẫn còn tình trạng xả thải nước thải từ các nhà máy/ khu công nghiệp ra nguồn nước và tình trạng vứt rác gây ô nhiễm môi trường nước, đồng thời làm tăng lắng đọng lòng hồ, làm giảm khả năng điều tiết của hồ điều hòa. Hệ thống thoát nước thải của TP hoạt động chưa tốt, nhà máy xử lý nước có công suất nhỏ lại hoạt động quá công suất nên thường không xử lý hết lượng nước thải ra. 

4. Thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải: Công tác thu gom, vận chuyển rác thải được thực hiện khá tốt. Tỷ lệ thu gom khu vực đô thị đạt trên 98% và khu vực nông thôn đạt 95% tổng lượng rác thải phát sinh; toàn bộ rác thải được thu gom, vận chuyển về khu xử lý tại phường Đa Mai với tổng diện tích 24,7ha. 

Tuy nhiên theo quan sát cho thấy: Vẫn còn hiện tượng rác thải vẫn được vứt trên  hè và dưới lòng đường, tại những khu đất trống, gây mất mỹ quan cho đô thị. Nhiều khu vực trong TP không có điểm thu gom tập kết rác mà chủ yếu tận dụng lòng đường và hè đường để tập kết trung chuyển rác, nên đã ảnh hưởng tới môi trường, mỹ quan và an toàn giao thông đô thị .

5. Nghĩa trang: Hiện trên địa bàn thành phố có 62 nghĩa trang, bãi mộ tập trung đang hoạt động. Nhiều nghĩa trang vẫn còn đang tồn tại tại một số xã trở thành phường khi nội thành mở rộng. Mặt khác các xã còn lại cũng đang có nghĩa trang đang hoạt động cả 2 hình thức hung táng và cát táng. Trong thời gian gần đây, UBND Thành phố đã cho đầu tư, xây dựng, cải tạo trong đó xây dựng hàng rào, giao thông, các hạ tầng kỹ thuật khác. Tuy nhiên hiện nay, nghĩa trang của TP tại xã Tân An đã lấp đầy cần phải sớm xây dựng nghĩa trang, khu hỏa táng mới và nhà tang lễ để di chuyển mộ và mai táng cho nhân dân trong toàn TP.

6. Cấp điện và chiếu sáng đô thị: Hệ thống cung cấp điện sinh hoạt được cải tạo, nâng cấp, xây mới… đã đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống. 100% hộ gia đình có sử dụng điện lưới quốc gia. Chiếu sáng đô thị được nâng cấp, cải tạo. 100% đường phố khu vực nội thị được chiếu sáng, 95% đường làng ngõ xóm được chiếu sáng. Tuy nhiên chất lượng chiếu sáng chưa cao, công nghệ LED chưa phổ biến, nhiều nơi chiếu sáng chưa hợp lý, chưa khoa học, chưa có điểm nhấn và còn đơn điệu.
 
thành phố Bắc Giang
Hình 4: Chiếu sáng đô thị - TP. Bắc Giang

Đánh giá chung: Hạ tầng kỹ thuật của thành phố được các cấp chính quyền quan tâm, nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật thiết yếu được xây mới, nâng cấp, mở rộng và hoàn thiện bao gồm giao thông đô thị, cấp nước; thoát nước và xử lý nước thải, rác thải, chiếu sáng đô thị và nghĩa trang nhỏ lẻ từng bước được di dời để phát triển đô thị. Tuy nhiên so sánh với các tiêu chí của đô thị xanh và thông minh thì hạ tầng kỹ thuật cần phải được quan tâm nhiều hơn nữa.

II. Đô thị xanh, thông minh trong mục tiêu phát triển đô thị Việt Nam

Trong Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên Hợp quốc mục tiêu phát triển bền vững số 11 đã chỉ rõ: Xây dựng đô thị an toàn và bền vững đồng nghĩa với việc đảm bảo cho người dân có thể tiếp cận nhà ở an toàn với giá cả phải chăng và nâng cấp các khu ổ chuột. Vấn đề này cũng bao gồm đầu tư vào giao thông công cộng, tạo không gian công cộng xanh, cải thiện quy hoạch và quản lý đô thị với sự tham gia của người dân và tạo hòa nhập xã hội. Để đạt được mục tiêu phát triển bền vững đòi hỏi chúng ta phải thay đổi đáng kể cách xây dựng và quản lý không gian đô thị.

Phát triển đô thị xanh - thông minh hướng tới xây dựng một đô thị an toàn và bền vững đang là xu hướng chung và trở thành mối quan tâm đặc biệt của nhiều quốc gia, vì những lợi ích thiết thực trong quản trị đô thị và nâng cao chất lượng đô thị, chất lượng sống của người dân đặc biệt trong bối cảnh của cuộc Cách mạng 4.0 và tác động của biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt và khó dự báo trước.

1. Trong nhiều nghiên cứu có thể rút ra: Đô thị xanh về cơ bản có 7 tiêu chí bao gồm: (1) Không gian xanh; (2) Công trình xanh; (3) Giao thông xanh; (4) Công nghiệp xanh; (5) Chất lượng môi trường đô thị xanh; (6) Bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, danh lam thắng cảnh, công trình lịch sử, văn hóa; (7) Cộng đồng dân cư sống thân thiện với môi trường và thiên nhiên. Liên quan đến hạ tầng kỹ thuật được thể hiện trong các tiêu chí này là:

a) Giao thông đô thị xanh là một tiêu chí rất quan trọng, là giao thông sử dụng phương tiện giao thông ít gây ô nhiễm, việc đi lại trong đô thị có thể chủ yếu bằng đi bộ hoặc xe đạp và phương tiện giao thông công cộng sử dụng năng lượng sạch như xăng sinh học, ga sinh học, các loại ô tô vận tải công cộng chạy điện. Sử dụng công nghệ thông tin và các công nghệ tiên tiến khác trong việc xây dựng hệ thống giao thông thông minh trong điều hành, quản lý giao thông, cung cấp thông tin giao thông cho các phương tiện tham gia giao thông, kiểm soát nguồn phát thải từ các phương tiện giao thông…

b) Công trình xanh: Được thiết kế và xây dựng theo các tiêu chí: xanh hóa công trình; tiết kiệm và sử dụng hợp lý năng lượng; tiết kiệm nguồn nước; thải chất thải ra môi trường xung quanh ít nhất; môi trường trong nhà xanh.

c) Chất lượng môi trường đô thị xanh: Chất lượng môi trường không khí, nguồn nước sạch; quản lý chất thải rắn tốt; vệ sinh đường phố luôn sạch.

2. Đô thị thông minh về cơ bản có 6 đánh giá bao gồm: (1) Kinh tế thông minh; (2) Môi trường thông minh; (3) Quản lý thông minh; (4) Giao thông thông minh; (5) Cuộc sống thông minh; (6) Con người thông minh. Các yếu tố cơ sở hạ tầng của 1 đô thị thông minh bao gồm: (1) Cung cấp đủ nước; (2) Bảo đảm cung cấp điện; (3) Quản lý chất thải; (4) Phát triển giao thông; (5) Nhà ở giá rẻ; (6) Kết nối công nghệ thông tin và công nghệ số; (7) Quản trị nhà nước tốt, đặc biệt là Chính phủ điện tử và có sự tham gia của công dân; (8) Môi trường bền vững; (9) An toàn, an ninh; (10) các vấn đề an sinh xã hội.

Mục tiêu phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam đến năm 2030 đó là : Phát triển đô thị thông minh bền vững ở Việt Nam hướng tới tăng trưởng xanh, phát triển bền vững nhằm khai thác, phát huy các tiềm năng và lợi thế, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực; khai thác tối ưu hiệu quả tài nguyên, con người, nâng cao chất lượng cuộc sống, đồng thời đảm bảo tạo điều kiện đối với các tổ chức, cá nhân, người dân tham gia hiệu quả nghiên cứu, đầu tư xây dựng, quản lý phát triển đô thị thông minh; hạn chế các rủi ro và nguy cơ tiềm năng; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và các dịch vụ đô thị; nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, hội nhập quốc tế.

III. Một số giải pháp xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị xanh, thông minh tại thành phố Bắc Giang

1. Cơ sở dữ liệu đô thị nói chung và hạ tầng kỹ thuật nói riêng: Trước hết Thành phố cần phải sớm lập cơ sở dữ liệu về đô thị (cơ sở dữ liệu đóng vai trò rất quan trọng trong một đô thị thông minh) đặc biệt các dữ liệu về hạ tầng kỹ thuật đô thị và lưu ý đến các dữ liệu về hiện trạng, các dữ liệu về dự báo tiềm năng phát triển và các dữ liệu tác động làm hạn chế phát triển (Biến đổi khí hậu, thiên tai, ô nhiễm môi trường….); Đồng thời cần xây dựng cơ chế chia sẻ, cập nhật và kết nối thông tin. Các ứng dụng cho quản lý đô thị, quy hoạch.. dựa trên nền tảng thiết bị thông minh sẽ truy cập và sử dụng cơ sở dữ liệu này vì vậy xây dựng một hệ cơ sở dữ liệu lớn cho phát triển đô thị thông minh/hạ tầng kỹ thuật cần phải đặc biệt lưu ý việc này.

2. Giao thông đô thị phải gắn kết với tổ chức không gian và sử dụng đất đai bao gồm: (1) Xem xét điều chỉnh quy hoạch giao thông đảm bảo tổ chức mạng lưới giao thông hiệu quả nhất cho việc đi lại, hạn chế tiêu tốn năng lượng, phát triển giao thông công cộng; (2) Tạo khả năng tiếp cận dễ dàng đến mạng lưới giao thông: Lựa chọn phương tiện giao thông công cộng hợp lý; Phân bố mạng lưới đường chính thuận lợi, đường phố phải đủ rộng để bố trí giao thông công cộng 2 chiều; lựa chọn vị trí điểm đỗ, bãi đỗ, bến đỗ hợp lý liên kết, kết nối các loại hình giao thông công cộng thông qua việc thúc đẩy phát triển đô thị (TOD).

Quy hoạch giao thông phải hướng tới giao thông thông minh: Mục tiêu của giao thông thông minh là chấm rứt được tình trạng tắc nghẽn giao thông (tại các thành phố lớn/các thành phố có nguy cơ), tích hợp nhiều loại hình giao thông và đáp ứng đi lại của người dân. Các tiêu chí đánh giá và phát triển giao thông thông minh có thể bao gồm: (1) Kết nối thông minh, (2) quản lý và điều hành thông minh, (3) tiện ích thông minh, (4) cảnh báo thông minh và (5) đi lại thông minh. 

Như vậy cần lưu ý xây dựng Trung tâm quản lý giao thông với các nhiệm vụ kết nối giao thông công cộng bằng xe bus, ta xi với  đường sắt, đường thủy (nếu có); hệ thống giám sát đường cao tốc, thu phí điện tử, đèn giao thông, điều khiển giao thông…. Qua hệ thống quản lý thông minh cung cấp cho người tham gia giao thông những thông tin kịp thời và chuẩn xác nhất để có thể đưa ra những phán đoán/quyết định việc sử dụng tuyến, loại hình giao thông và thời gian xuất hành hiệu quả. 

3. Quản lý thoát nước mưa hướng tới mục tiêu bền vững ứng phó với biến đổi khí hậu: Dựa trên cơ sở dữ liệu đầy đủ về điều kiện tự nhiên cần lựa chọn tần suất thiết kế, khống chế cao độ nền xây dựng tối thiểu hợp lý; xây dựng bản đồ ngập úng đô thị (bản đồ ngập úng hiện trạng và dự báo các khu vực ngập úng theo các kịch bản). Ngay trong các giải pháp quy hoạch đô thị phải bố trí các khu vực / dành chỗ để chứa nước - vùng ngập nước tự nhiên thay vì để nước tự do lấn chiếm không gian như hiện nay, một số khu vực có thể cho phép ngập lụt nhằm đảm bảo thoát lũ an toàn và giảm khối lượng san nền. Đề xuất mô hình và ứng dụng các giải pháp thoát nước mưa hướng tới bền vững cho một số khu vực trong TP (VD có thể áp dụng cho khu vực quảng trường 3/2..) . Xác định các vị trí đặt trạm quan trắc tự động thông qua đó giám sát nguồn nước thải để báo về các trung tâm xử lý . 

Trong xử lý nước thải tùy vào từng khu vực cụ thể, cần phân tích, đánh gía để lựa chọn giải pháp xử lý nước tập trung hoặc phi tập trung hay kết hợp nhằm nâng cao tỷ lệ nước thải được xử lý trước khi xả ra nguồn tiếp nhận; bổ sung công trình tách nước thải đối với các đô thị đã có hệ thống cống chung, xây dựng hệ thống cống thoát riêng đối với các khu công nghiệp, khu đô thị mới. Nghiên cứu, lựa chọn các công nghệ tiên tiến trong xử lý nước thải, bùn thải phù hợp với đặc điểm của từng khu vực và sức chịu tải của nguồn tiếp nhận; đề xuất các quy định về tái sử dụng nước thải, bùn thải sau xử lý...

4. Quản lý cấp nước với các nhiệm vụ: (1) Bảo vệ nguồn nước (Bảo vệ sông Thương, kiểm soát chất lượng nước đầu nguồn, kiểm soát xả thải từ các nhà máy, các hoạt động vận tải trên sông, giảm thiểu ô nhiễm, hạn chế xả rác thải, tuyên truyền, vận động và có chế tài xử phạt…); (2) Đảm bảo cấp nước an toàn, giảm thất thoát; (3) Tiết kiệm sử dụng nước; (4) Quy hoạch cấp nước cần rà soát lại phân vùng cấp nước (cũ và mới) gắn với nhà máy và mạng lưới cấp nước – tránh xung đột lợi ích và thuận lợi kêu gọi đầu tư mặt khác kết nối cấp nước đô thị và nông thôn; (5) Quản lý rủi ro trong cấp nước: Xác định các khu vực bảo vệ nguồn, hành lang an toàn (Lập hành lang bảo vệ nguồn nước sông Thương theo NĐ43), có các giải pháp giải quyết sự cố ngay từ quy hoạch..; (6) Quản lý cấp nước hướng tới quản lý thông minh hiệu quả. 

5. Quản lý chất thải rắn là một trong những nội dung quan trọng của công tác bảo vệ môi trường và theo xu hướng quốc tế chất thải nói chung hiện đang được coi là một nguồn tài nguyên, kinh tế không chất thải, kinh tế tuần hoàn. Chính vì vậy chất thải rắn cần phải được phân loại, thu gom phù hợp với công nghệ xử lý, khuyến khích các công nghệ xử lý CTR thành nguyên liệu, nhiên liệu, các sản phẩm thân thiên môi trường; xử lý kết hợp thu hồi năng lượng, tiết kiệm đất đai .Trong quy hoạch quản lý CTR, vị trí, quy mô các cơ sở xử lý CTR phải đảm bảo quy chuẩn quy định.

6. Quản lý cấp điện và chiếu sáng đô thị

a) Nguồn điện cho chiếu sáng đô thị, cho sinh hoạt sẽ ưu tiên dùng năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng tái tạo. Các ngôi nhà, tòa nhà sẽ dùng vật che bên ngoài hoặc trên nóc nhà và công trình bằng hệ thống pin mặt trời để thu năng lượng sử dụng cho chính công trình. 

b) Chiếu sáng thông minh là chiếu sáng sử dụng công nghệ điều khiển tác động vào nguồn sáng nhằm đạt được 2 mục tiêu (1) Nâng cao chất lượng chiếu sáng, làm thay đổi các chỉ tiêu ánh sáng của môi trường được chiếu sáng về độ rọi, độ chói, chỉ số thể hiện màu (CRI) và thẩm mỹ, (2) Tiết kiệm điện năng cho chiếu sáng. Hệ thống chiếu sáng thông minh mà trong đó hệ thống được điều khiển linh hoạt điều chỉnh độ sáng, điều chỉnh màu sáng phù hợp; cho phép tích hợp chiếu sáng với các chức năng của môi trường được chiếu sáng, tận dụng ánh tự nhiên và tiết kiệm năng lượng, an toàn nhưng vẫn đáp ứng nhu cầu của người sử dụng, chính vì vậy khi đầu tư cải tạo hệ thống chiếu sáng trong thành phố cần lưu ý các nội dung quan trọng này.

IV. Kết luận

Đô thị Xanh, Thông minh đã và đang thành hiện thực. Mọi nỗ lực xây dựng đô thị xanh, thông minh nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, cải thiện chất lượng phục vụ của chính quyền mặt khác việc nâng cao trách nhiệm của người dân với thành phố mình đang sống là rất quan trọng. Trong quá trình phát triển việc kiểm soát chặt chẽ quỹ đất xây dựng đô thị, bảo đảm các vấn đề về không gian cảnh quan, môi trường đặc biệt xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại hướng tới một đô thị thông minh, đô thị xanh phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu là hết sức cần thiết..
--------------------------
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 1/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ " Phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030”.
2. Quyết định số 84/QĐ-TTg ngày 19/1/2018 của Thủ tướng Chính phủ " Phê duyệt kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh đến năm 2030”.
3. Đinh văn Hiệp (2017), "Hệ thống giao thông thông minh trong đô thị” Nhà xuất bản Xây dựng
4. Trung tâm thông tin, Bộ Xây dựng, "Tổng luận hệ thống giao thông đô thị thông minh” Hà Nội 7/2016.
5. Phạm Ngọc Đăng, "Bàn về phát triển xây dựng đô thị xanh ở Việt Nam”
6. Lưu Đức Cường (2018), " Đô thị thông minh - Quy hoạch đô thị hướng tới đô thị thông minh tại Việt Nam”  Kỷ yếu Hội nghị khoa học chiếu sáng toàn quốc năm 2018.
7. Nguyễn Hồng Tiến (2015), "Quy hoạch & Hạ tầng kỹ thuật" ** Nhà xuất bản Hồng Đức 2015. ISBN 978 604 86 6147 2
8. Nguyễn Hồng Tiến (2019), " Thành phố thông minh với Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật” Tạp chí khoa học Kiến trúc & Xây dựng số 39 9.2019 - Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội ISSN 1859-350X. 

PGS.TS NGUYỄN HỒNG TIẾN
Nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng


Tags TP Bắc Giang Bắc Giang Hạ tầng kỹ thuật đô thị đô thị xanh đô thị thông minh

Các tin khác

Việc giảm thiểu rủi ro thiên tai đang được thế giới và các quốc gia quan tâm hàng đầu. Các mô hình giảm thiểu rủi ro thiên tai đã và đang được các quốc gia áp dụng một cách mạnh mẽ trong mọi lĩnh vực phát triển, đặc biệt là trong lĩnh vực quy hoạch đô thị.

Chiều 17/9, TP Hạ Long (Quảng Ninh) tổ chức hội nghị tổng kết Chiến dịch 7 ngày đêm khắc phục hậu quả bão số 3.

Đô thị hóa và sự gia tăng dân số đô thị khiến con người ngày càng mất dần mối liên hệ với thiên nhiên.

Chủ tịch TP Đà Nẵng yêu cầu các sở, ngành, UBND quận, huyện thường xuyên theo dõi tình hình mưa, bão để chủ động trong mọi tình huống; có kế hoạch, phương án xử lý thoát nước, chống ngập úng hiệu quả tránh tình trạng bị động gây thiệt hại về người và của.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục