Nói về thành phố Nam Định, thì nhiều người nhớ về một thành phố cũ và có thể nói làm một trong những thành phố ra đời sớm nhất ở Việt Nam. Những cư dân đầu tiên của đô thị này đa phần là công nhân của nhà máy dệt. Trải qua nhiều thời kỳ từ Pháp thuộc, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì người Nam Định vẫn tự hào là công dân thành phố công nghiệp dệt.
Thời kỳ bao cấp, hệ thống nhà máy dệt sống động, dân cư đông đúc, cuộc sống tấp nập. Từ khi nền kinh tế thị trường phát triển ở Việt Nam, Nhà máy dệt Nam Định đã gặp nhiều khó khăn, cầm cự rồi giải thể. Nền nhà máy hiện nay là một khu nhà ở, thương mại dịch vụ. Đã nhiều năm trôi qua, chính quyền thành phố vẫn "loay hoay” để tìm lối thoát cho sự phát triển của thành phố nói riêng và tỉnh Nam Định nói chung. Nhưng hình như vẫn chưa có lối thoát. Việc thu ngân sách Nhà nước của tỉnh luôn đứng ở top cuối quốc gia. Thu nhập bình quân đầu người cũng tương tự….
Qua nghiên cứu, một số tỉnh và một số thành phố tương đồng với Nam Định như: Vĩnh Phúc, Hà Nam, Ninh Bình, Thái Bình, Hưng Yên và một số tỉnh có điều kiện dân số, diện tích tự nhiên, hạ tầng xã hội tương tự. Sau thời kỳ đổi mới, sự phát triển kinh tế xã hội của các tỉnh này hầu hết đã vượt trội so với tỉnh Nam Định về đóng góp ngân sách, thu nhập đầu người và một số mặt khác. Cũng trong nghiên cứu này, chúng tôi phát hiện một điều là sự quan tâm về đầu tư các nguồn lực tập trung cho công tác quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh cũng như quy hoạch xây dựng đô thị trên địa bàn tỉnh chưa được quan tâm đúng mức, cần có một tầm nhìn mới khác biệt.
Nói về vấn đề phát triển công nghiệp: Dấu ấn của tỉnh Nam Định trong nhiều năm qua là đã đầu tư nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tốn kém nhiều tiền của của Nhà nước, của nhân dân. Hàng chục năm, nhiều khu vẫn là bãi đất hoang. Hàng loạt cơ sở đóng tầu dọc sông Ninh Cơ có rất nhiều con tàu được đóng mới bằng nguồn vốn Nhà nước chưa một lần ra khơi, nay trơ trọi, hoen rỉ giữa thiên nhiên sắp thành sắt phế liệu. Khu công nghiệp (KCN) Mỹ Trung nằm sát Quốc lộ 10, thuộc địa bàn xã Mỹ Trung (huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định) có tổng diện tích trên 150 ha (trong đó có trên 103 ha là đất thương mại). Địa điểm được coi là khu vực "đất vàng” mà chính quyền tỉnh Nam Định kỳ vọng sẽ hình thành một KCN hiện đại, năng động, thu hút được nhiều các dự án sản xuất công nghệ cao, tạo bứt phá về thu ngân sách cho địa phương trải qua nhiều năm khu đất này vẫn nằm trong tình trạng hoang hóa. Phần lớn diện tích đất bị bỏ hoang, cỏ mọc trở thành nơi người dân tận dụng để chăn thả trâu, bò. KCN Dệt may Rạng Đông được đầu tư xây dựng với mục tiêu đưa Nam Định trở thành trung tâm lớn về dệt may của cả nước. Giai đoạn 1 của dự án với diện tích gần 520 ha đã được đưa vào khai thác, cung ứng mặt bằng cho 2 nhà đầu tư thứ cấp thuộc Tập đoàn TORAY đến từ Nhật Bản, với vốn đầu tư đăng ký trên 210 triệu USD theo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Nam Định, tiến độ triển khai dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN Dệt may Rạng Đông còn chậm, chưa thống nhất được quy hoạch hệ thống thoát nước theo phương án quy hoạch chung xây dựng khu chức năng phía nam đô thị Rạng Đông với quy hoạch hệ thống thoát nước của KCN. Điều này gây khó khăn cho việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật, ảnh hưởng đến tiến độ bàn giao hạ tầng đã cam kết với các nhà đầu tư thứ cấp. KCN Hòa Xá, do đặc thù về vị trí, quy hoạch, trong KCN có một số diện tích đất hành lang an toàn lưới điện, cây xanh nằm lọt giữa các nhà máy hoặc giáp ranh các khu dân cư. Do vậy, không có lối vào, không có đường để tiếp cận vào khu đất này cũng đang bị những người vô ý thức xả rác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường.
Nói về vấn đề các khu công nghiệp tại Nam Định, chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này tại các bài viết khác.
Khu "Trung tâm thương mại du lịch quốc tế Đồng bằng sông Hồng” đang được tỉnh Nam Định chuyển đổi thành cụm công nghiệp.
Trong quá trình nghiên cứu về quy hoạch thành phố Nam Định, gần đây một số chuyên gia về xây dựng đã đưa ra nhiều ý kiến tranh luận quanh quy hoạch của thành phố Nam Định trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh. Cụ thể, tại dự án "Trung tâm thương mại du lịch quốc tế Đồng bằng sông Hồng”. Dự án này được UBND tỉnh Nam Định cấp Giấy chứng nhận đầu tư, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ năm 2008, với diện tích 185.628,8 m2 với mục đích sử dụng đất để sản xuất kinh doanh, xây dựng trung tâm thương mại du lịch. Đến nay, dự án đã hoàn thành công tác bồi thường GPMB và tiếp tục đầu tư hạ tầng theo quy hoạch được cấp thẩm quyền phê duyệt. Nhưng năm 2020, trong khi tỉnh Nam Định đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung, thì khu đất này lại bị đề nghị biến thành cụm công nghiệp. Vì sao lại có sự chồng chéo gây ảnh hưởng và thiệt hại cho nhà đầu tư? Sự bất nhất này sẽ gây thiệt hại lớn cho nhà đầu tư và ảnh hưởng lớn đến quá trình kêu gọi đầu tư của tỉnh. Có lẽ UBND tỉnh Nam Định và các ngành tham mưu phải trả lời công luận một cách đầy đủ hơn.
Một số chuyên gia quy hoạch khác cho rằng: Gần 20 ha đất mà được UBND tỉnh giao cho nhà đầu tư xây dựng "Trung tâm thương mại du lịch quốc tế Đồng bằng sông Hồng” là một vị trí tương đối phù hợp và có điều kiện phát triển với mục đích của nhà đầu tư. Mảnh đất này nằm trên Quốc lộ 10, cách cầu Tân Đệ khoảng 700m, cây cầu bắc ngang sông Hồng, nơi phân cách tỉnh Thái Bình và Nam Định. Ngoài việc Quốc lộ 10 kết nối các tỉnh Thái Bình, Nam Định, quốc lộ 21B nối đường vành đai của thành phố Nam Định, qua cầu Tân Phong kết nối với tỉnh Hà Nam. Mảnh đất này thuộc địa bàn xã Mỹ Trung, Mỹ Lộc, Nam Định. Xung quanh dự án, là Khu đô thị Mỹ Trung đã và đang đưa vào sử dụng và quanh đó nhiều điểm dân cư đã sinh sống ổn định từ lâu đời. Xét về phát triển, hệ thống điểm dân cư đang có xu hướng tiến về phía sông Hồng (phía cầu Tân Đệ) tạo cảnh quan cho đô thị và tạo môi trường sống trong lành cho người dân.
Lý gì lại đặt cụm công nghiệp ở đây? Dù là ngành công nghiệp gì cũng không thể đặt giữa một khu dân cư đã có từ lâu đời. Dự kiến như vậy, liệu thành phố có tính đến việc phải giải tỏa hàng trăm hộ dân cư để làm một cụm công nghiệp 20ha? Sự đánh đổi này có thỏa mãn về bài toán kinh tế không? Và việc giải tỏa, cưỡng chế có đạt được mục đích không? Hay lại đi vào vết xe đổ của các cụm công nghiệp như đã nêu ở trên. Mặt khác, xét về điều kiện cần và đủ để đặt một cụm công nghiệp tại đây với quy mô 20ha là không đảm bảo về quy chuẩn xây dựng và các quy định khác về pháp luật xây dựng.
Chúng tôi cho rằng, từ một việc cụ thể này, UBND tỉnh Nam Định cần chỉ đạo các ngành chuyên môn đã tham mưu làm rõ các vấn đề nêu trên để trả lời cho công luận, đồng thời cũng là cơ sở để xem xét những bất cập trong quy hoạch của tỉnh cũng như quy hoạch xây dựng thành phố Nam Định và các điểm quy hoạch dân cư đô thị khác trong tỉnh. Bởi một khi quy hoạch thiếu chuẩn xác thì sẽ không tạo ra động lực phát triển mà thậm chí còn cản trở sự phát triển.
Theo Báo Xây dựng