Tích hợp, liên thông cơ sở dữ liệu
Thời gian qua, GIS kết hợp với công nghệ điện toán đám mây (Cloud Computing), dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI)… và các thiết bị thông minh tạo ra những ứng dụng đa dạng trong quản lý đô thị, quản lý dịch bệnh; hỗ trợ ra quyết định trong quy hoạch và phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
Hiện nay, TP.HCM đã cơ bản hoàn thiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông, ứng dụng GIS phục vụ quản lý Nhà nước, dịch vụ Chính phủ điện tử và đang mở rộng một số hệ thống Web GIS ứng dụng kết hợp với thiết bị thông minh… nhằm hướng đến ứng dụng GIS phục vụ quản lý đô thị thông minh (Smart City).
Ngày 19/8/2020, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định 3030/QĐ-UBND phê duyệt Đề án ứng dụng công nghệ GIS, viễn thám trong công tác quản lý đất đai, quy hoạch và xây dựng trên địa bàn. Đề án tập trung vào một số nội dung như: Xây dựng kiến trúc tổng thể, chi tiết hệ thống GIS, viễn thám về quản lý đất đai, quy hoạch và xây dựng; rà soát, bổ sung, cập nhật cơ sở dữ liệu, xây dựng ứng dụng quản lý đất đai, quy hoạch và xây dựng; tích hợp, liên thông cơ sở dữ liệu đất đai, quy hoạch và xây dựng. Đồng thời, hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo ứng dụng GIS, viễn thám phục vụ quản lý và phát triển đô thị bền vững.
Hiện nay, các đơn vị quản lý Nhà nước trên địa bàn TP.HCM đã từng bước ứng dụng công nghệ GIS, viễn thám trong các lĩnh vực đất đai, quy hoạch và xây dựng. Các hệ thống thông tin quản lý chuyên ngành tại Sở TN&MT, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Xây dựng đã mang lại hiệu quả cho công tác quản lý Nhà nước của các Sở, ban, ngành và quận, huyện.
Ông Nguyễn Tất Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Giải pháp tích hợp hệ thống Công ty Công nghệ thông tin (Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam) cho biết: TP.HCM là một trong những địa phương đi đầu cả nước đẩy mạnh ứng dụng GIS trong quản lý Nhà nước; trong đó, có ngành tài nguyên môi trường. Thành phố đã triển khai rất nhiều nội dung quan trọng như thiết lập được kiến trúc ứng dụng GIS vào ngành tài nguyên môi trường. Riêng về lĩnh vực đất đai, thành phố đã thử nghiệm hệ thống thông tin đất đai tại nhiều quận huyện, đặc biệt tại quận 1 và quận 12. Thành phố cũng đang triển khai số hóa dữ liệu theo các quy định của Bộ TN&MT.
Nhằm triển khai chương trình chuyển đổi số và xây dựng đô thị thông minh, TP.HCM cũng đang phối hợp với các doanh nghiệp lớn tham gia vào quá trình hình thành hệ thống thông tin tổng thể, toàn diện, toàn ngành tài nguyên môi trường ở tất cả các cấp để bảo đảm công tác quản lý tài nguyên môi trường trên toàn thành phố.
TP.HCM đang đẩy mạnh ứng dụng GIS trong quản lý đất đai, xây dựng, quy hoạch
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Hiện nay, TP.HCM đang nỗ lực khắc phục tình trạng cơ sở dữ liệu và hệ thống quản lý chuyên ngành còn thiếu sự liên thông, chia sẻ thông tin, dữ liệu một cách đồng bộ, thống nhất trong các lĩnh vực đất đai, quy hoạch và xây dựng. Bởi trước đây, việc xây dựng cơ sở dữ liệu vẫn có tình trạng cát cứ giữa các lĩnh vực.
Theo ông Nguyễn Tất Thắng, giờ đây, theo quan điểm về xây dựng Chính phủ điện tử và chuyển đổi số, tất cả các thông tin dữ liệu phải được chia sẻ với nhau trong phạm vi có thể. Những dữ liệu được phép công khai phải được đưa lên cổng thông tin đất đai giúp người dân và doanh nghiệp có thể tiếp cận thông tin để phục vụ hoạt động kinh tế - xã hội và dân sinh. Trong vấn đề cải cách hành chính, việc liên thông thông tin qua một cổng giúp người dân, doanh nghiệp giải quyết thủ tục như xin phép xây dựng chỉ cần đến một điểm, không cần phải đi lại nhiều lần qua nhiều cơ quan. Điều này mang lại nhiều lợi ích cho người dân và doanh nghiệp.
Theo GS. Mai Trọng Nhuận, nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, để phát triển đô thị thông minh, chúng ta cần tạo ra sản phẩm độc đáo, giá trị ứng dụng cao theo hướng bền vững, carbon thấp, chống chịu cao; thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý rủi ro và giảm nhẹ thiên tai; sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học.
Vì vậy, GS. Mai Trọng Nhuận cho rằng, Việt Nam nói chung, TP.HCM nói riêng cần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thông minh, nhạy bén, đam mê với phát triển và ứng dụng tích hợp GIS, viễn thám. Để làm được điều này cần kết hợp hiệu quả nhanh, gọn giữa "ba nhà”: Khoa học công nghệ - Nhà nước - Doanh nghiệp theo mô hình technopolis…
PGS. TS Phạm Danh Thảo, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa TP.HCM cho biết: TP.HCM với vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước đã và đang không ngừng đẩy mạnh hoạt động phát triển khoa học ứng dụng, tối ưu hóa nguồn lực để ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội bền vững, hướng tới đô thị thông minh. Trước xu thế đó, Trường Đại học Bách khoa TP.HCM đã đẩy mạnh các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ mới trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Trong đó, Trường đã tập trung nghiên cứu, đào tạo công nghệ GIS, viễn thám kết hợp với điện toán đám mây, khai phá dữ liệu lớn, internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo…
Theo Nguyễn Quỳnh/Báo TN&MT